Trong hơn 1 thập kỷ, Mỹ phần lớn đã phớt lờ BRICS.
Liên minh này, được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, hiếm khi lọt vào tầm ngắm của Mỹ.
Và khi nó xuất hiện, Washington đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của BRICS một cách bốc đồng.
Một ví dụ cho điều này là tuyên bố gần đây của Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, người cho rằng BRICS không phải là “đối thủ địa chính trị” của Hoa Kỳ.
Về phần mình, các nhà bình luận phương tây phần lớn xem BRICS là một nỗ lực của Trung Quốc, nhằm thiết lập sự thống trị của mình đối với các nước Nam bán cầu, hoặc chỉ là một nơi ‘nói chuyện’ đơn thuần.
Một số thậm chí còn kêu gọi giải tán BRICS.
Bây giờ sự tự tin như vậy dường như không thể đứng vững được.
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/08/2023, Johannesburg (Nam Phi), BRICS đã mời 6 quốc gia từ Nam bán cầu tham gia vào hàng ngũ của mình.
Đó là Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Khi thông báo này được đưa ra, sự thờ ơ nhường chỗ cho sự ngạc nhiên và thậm chí là cảnh giác. Nhưng không có lý do gì để báo động.
BRICS sẽ không bao giờ thống trị thế giới và sẽ không thay thế hệ thống quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu phủ nhận tầm quan trọng của nó.
Nếu một câu lạc bộ có nhiều người xếp hàng như vậy (và trong trường hợp này có hơn 20 nước trong danh sách chờ), thì câu lạc bộ đó chắc chắn đang làm điều gì đó đúng đắn.
Sự mở rộng của BRICS là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy sự không hài lòng của nhiều cường quốc đối với trật tự thế giới hiện tại và là bằng chứng cho thấy họ mong muốn cải thiện vị thế của mình trong hệ thống này.
Đối với Mỹ, quốc gia có sự thống trị toàn cầu đang dần suy giảm, đây là một thách thức đáng kể – và cũng là một cơ hội.
Các nhà phê bình có phần đúng khi cho rằng BRICS vẫn còn một số việc phải làm.
Hai chương trình tổng hợp chính – Ngân hàng phát triển mới (NDB) và Quỹ dự trữ ngoại hối dự phòng BRICS – có quy mô khá nhỏ so với hệ thống tín dụng và tài chính phát triển toàn cầu của Mỹ và phương tây.
Các sáng kiến khác, chẳng hạn như hợp tác khoa học trong chăm sóc sức khỏe và khám phá không gian chung, đang ở giai đoạn sơ khai.
Việc mở rộng sẽ gây khó khăn hơn cho việc thành lập các cơ quan quản lý vì số lượng người tham gia khối BRICS sẽ tăng lên. Trong khi đó, có những khác biệt nhất định trong quan điểm của Trung Quốc, Nga và Nam bán cầu về BRICS.
Tất nhiên, sự thống trị toàn cầu của Mỹ được đảm bảo bằng chi tiêu quốc phòng khổng lồ, mạng lưới liên minh và hàng trăm căn cứ quân sự rải rác trên khắp thế giới.
Nhưng ngay cả khi BRICS mở rộng đạt được những lợi ích vật chất hạn chế (mặc dù có nhiều khả năng nhóm này sẽ đạt được nhiều hơn nữa), nó sẽ thách thức Washington trong 3 lĩnh vực chính. Đó là những chuẩn mực quốc tế, sự cạnh tranh địa chính trị và hợp tác liên khu vực.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, bất chấp những can thiệp thảm khốc ở Iraq và Afghanistan, Mỹ vẫn cố gắng thể hiện mình là nhà vô địch về tự do và dân chủ trên toàn thế giới.
Trên thực tế, nguồn gốc quyền lực và sức mạnh chính của Mỹ là ảnh hưởng không cân xứng của họ trong việc hình thành các chuẩn mực quốc tế.
Không phải vô cớ mà chính quyền Biden liên tục tuyên bố rằng, thế giới được chia thành hai phe: Một bên tuân theo các quy tắc dân chủ, và bên kia là các chế độ chuyên quyền ‘vi phạm chúng’.
Câu chuyện về “các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế” này đã bị mất uy tín một phần do sự gần gũi của Washington với một số quốc gia độc tài.
Và nếu BRICS chấp nhận các thành viên mới vào hàng ngũ của mình, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào kế hoạch này từ một hướng khác.
Trong số 11 quốc gia sẽ tạo nên BRICS mở rộng, 4 quốc gia có thể được gọi là dân chủ, 4 quốc gia là chế độ chuyên chế, 2 quốc gia là quân chủ và một quốc gia là thần quyền.
Điều này một lần nữa chứng minh rằng, hệ thống chính trị của một quốc gia là ‘một chỉ số’ về cách quốc gia đó xác định lợi ích của mình và muốn xây dựng liên minh với ai?
Hơn nữa, là một phần của BRICS mở rộng sẽ có 2 cặp kẻ thù không đội trời chung.
Đó là Ấn Độ với Trung Quốc và Saudi Arabia với Iran. Và cũng sẽ có một cặp đôi, muôn đời gây tai tiếng, Ai Cập và Ethiopia.
Chỉ riêng tư cách thành viên BRICS sẽ không giải quyết được những vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại giữa các ‘đối thủ’ này.
Nhưng nó sẽ tạo ra những cơ hội đặc biệt cho cuộc đối thoại song phương trực tiếp giữa các cường quốc không ưa nhau, và cuộc đối thoại này sẽ diễn ra trong bầu không khí tương đối bình tĩnh và an toàn của chủ nghĩa đa phương.
Washington có lịch sử lâu dài trong việc lợi dụng những bất đồng giữa các nước khác cho mục đích riêng của mình, đặc biệt là ở Trung Đông.
Bằng cách giảm mức độ nghi ngờ lẫn nhau, BRICS sẽ giúp họ thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn và không lành mạnh này.
Để củng cố và mở rộng sự thống trị của mình, Mỹ còn có thói quen chia ‘hành tinh’ thành các khu vực.
Họ thường xuyên kêu gọi các đồng minh và đối tác, đặc biệt là ở Nam bán cầu, đối đầu với các đối thủ của Mỹ cũng như thắt chặt mối quan hệ sâu sắc hơn với những người bạn của Washington trong khu vực của họ.
Ví dụ, Mỹ đang thúc đẩy Ấn Độ và Philippines đối đầu với Trung Quốc, trong khi các quốc gia vùng Vịnh được thúc giục tập trung vào Iran và tăng cường quan hệ với Israel.
Chính sách chia để trị này thu hẹp tầm nhìn của các cường quốc bậc trung trong khu vực và hạn chế triển vọng của họ.
Các thành viên BRICS nằm trên 3 lục địa và khối này có thể tạo ra một không gian mới cho các quốc gia chủ chốt của Nam bán cầu, nơi họ có thể phát triển thói quen tương tác và hợp tác vượt xa khu vực của mình, chống lại “sự phân công lao động” ưa thích của Washington.
Sức hấp dẫn ngày càng tăng của BRICS là tín hiệu lớn nhất cho thấy sự thống trị toàn cầu của Mỹ đang suy yếu.
Nhưng điều này không có nghĩa là các thành viên mới và ban đầu của BRICS đều giữ quan điểm chống Mỹ.
Ai Cập là đối tác an ninh thường xuyên của Mỹ, Brazil và Nam Phi có mối quan hệ lâu dài với Mỹ, và Delhi trong BRICS có lẽ là người bạn thân nhất của Washington.
Họ chỉ muốn sống trong một thế giới mà Mỹ là cường quốc dẫn đầu nhưng không phải là cường quốc thống trị.
Và điều đó có tệ không?
Mỹ, đang phải đối mặt với những vấn đề khó giải quyết trong nước, nên coi việc mở rộng BRICS không phải là mối đe dọa mà là cơ hội.
BRICS mang đến cho Hoa Kỳ cơ hội học lại sự hợp tác thực tế, cũng như từ bỏ một số cam kết xa vời và loại bỏ những ý tưởng về chủ nghĩa ngoại lệ của chính họ đi ngược lại lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
Trong quá trình thay đổi như vậy, Washington, thậm chí cả thế giới, có thể trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Tác giả: Sarang Shidore là giám đốc chương trình Nam bán cầu tại Viện nghiên cứu quản trị Tốt Quincy. Ông thường viết về các vấn đề địa chính trị.