Điều gì sẽ xảy ra khi thế giới không còn đơn cực, lưỡng cực hay thậm chí là đa cực?
Ai thống trị thế giới?
Nếu trên 45 tuổi, bạn đã lớn lên trong một thế giới bị thống trị bởi 2 siêu cường: Hoa Kỳ và các đồng minh đặt ra các quy tắc ở một bên của Bức tường Berlin, trong khi Liên Xô đưa ra mệnh lệnh ở bên kia. Hầu hết các nước khác, phải điều chỉnh hệ thống chính trị, kinh tế và an ninh của họ “thuộc về 1 bên”. Đó là một thế giới lưỡng cực.
Sau đó, vào năm 1991, Liên Xô sụp đổ, khiến Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Họ bắt đầu đóng vai trò chi phối trong các tổ chức quốc tế và sẵn sàng sử dụng vũ lực để khuất phục kẻ chống đối. Đó là một thế giới đơn cực.
Khoảng 15 năm trước, thế giới lại thay đổi và trở nên phức tạp hơn. Hoa Kỳ bắt đầu mất hứng thú với vai trò cảnh sát thế giới, kiến trúc sư của thương mại toàn cầu và thậm chí là người ủng hộ các giá trị toàn cầu.
Các quốc gia khác, khi trở nên hùng mạnh hơn, ngày càng có khả năng bỏ qua các quy tắc mà họ không thích, và đôi khi tự đặt ra chúng. Kỷ nguyên của G-0 đã đến, một thế giới không phân cực, không có các nhà lãnh đạo toàn cầu.
Sự suy thoái địa chính trị này, trong đó cấu trúc toàn cầu không còn phù hợp với cán cân quyền lực cơ bản, được kích hoạt bởi 3 sự kiện.
Đầu tiên, Nga chưa được đưa vào trật tự quốc tế do phương tây lãnh đạo. Giờ đây, cựu cường quốc đang sa sút nghiêm trọng này vô cùng tức giận và coi phương tây là đối thủ chính trên thế giới. Bất kể ai là người có lỗi – Hoa Kỳ hay Nga – sự thật vẫn còn đó.
Thứ 2, Trung Quốc được đưa vào các thể chế do Hoa Kỳ lãnh đạo, nhưng với kỳ vọng rằng, khi họ hội nhập, đạt được sự giàu có và quyền lực, người Trung Quốc cũng sẽ tiếp thu nhiều đặc điểm của Hoa Kỳ (trở thành một nền dân chủ, thị trường tự do, sẵn sàng tham gia có trách nhiệm vào trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo và chơi theo luật, không muốn thay đổi chúng). Hóa ra, không có điều gì tương tự xảy ra với họ – và Hoa Kỳ chưa sẵn sàng chịu đựng điều đó.
Và thứ 3, Washington và các đồng minh đã phớt lờ hàng chục triệu công dân của họ, những người cảm thấy bị toàn cầu hóa bỏ rơi. Sự bất mãn của họ được thúc đẩy bởi sự bất bình đẳng về thu nhập và tiền lương ngày càng tăng, thay đổi nhân khẩu học, bản sắc chính trị, và sự phân cực do các công nghệ đa phương tiện gây ra.
Hậu quả của nhiều năm bị lãng quên là hầu hết những công dân này đã mất niềm tin vào chính phủ và nền dân chủ, điều này đã cướp đi khả năng và mong muốn lãnh đạo của các nhà lãnh đạo của họ.
Tất cả các cuộc khủng hoảng địa chính trị gây chú ý ngày nay: Cuộc xung đột ở Ukraina, cuộc đối đầu Đài Loan với Trung Quốc, căng thẳng hạt nhân với Iran và Triều Tiên – khoảng 90% trong số đó có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến suy thoái địa chính trị do 3 vấn đề trên gây ra. Chúng đã trở thành một đặc điểm cấu trúc của bối cảnh địa chính trị ngày nay.
Tuy nhiên, dù tốt hay xấu, suy thoái địa chính trị không kéo dài mãi mãi. Và trật tự toàn cầu sắp tới là một cái gì đó hoàn toàn khác với trật tự mà chúng ta đã quen thuộc.
Chúng ta không còn sống trong một thế giới đơn cực, lưỡng cực hay đa cực. Tại sao?
Vì chúng ta không còn những siêu cường ‘đa chiều’ – những quốc gia có sức mạnh toàn cầu trên mọi lĩnh vực. Vâng, Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày nay không phải là siêu cường, ít nhất là không theo thuật ngữ mà chúng ta vẫn luôn sử dụng.
Và sự vắng mặt của các siêu cường có nghĩa là sự vắng mặt của một trật tự toàn cầu thống nhất. Thay vào đó, ngày nay chúng ta có nhiều trật tự thế giới riêng biệt nhưng chồng chéo lên nhau.
Thứ nhất, chúng ta đang thấy một trật tự an ninh đơn cực. Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có thể gửi binh lính, thủy thủ và thiết bị quân sự đến bất cứ đâu trên thế giới. Vai trò của Mỹ trong hệ thống an ninh quan trọng hơn – và trên thực tế, chiếm ưu thế hơn – so với 10 năm trước.
Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng tiềm lực quân sự của mình ở châu Á. Điều này đang ngày càng gây lo ngại cho các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, những nước phụ thuộc hơn bao giờ hết vào chiếc ô an ninh của Mỹ.
Tương tự, xung đột Nga-Ukraina cũng khiến châu Âu trở thành khu vực phụ thuộc nhiều nhất vào NATO do Mỹ đứng đầu. Trong khi đó, quân đội Nga đã chịu tổn thất ở Ukraina và sẽ không dễ dàng khôi phục lại tất cả những điều này trước các lệnh trừng phạt của phương tây.
Vâng, Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác có vũ khí hạt nhân, nhưng việc sử dụng chúng trên thực tế vẫn là tự sát. Hoa Kỳ là siêu cường an ninh duy nhất trên thế giới – và sẽ duy trì như vậy trong ít nhất một thập kỷ tới.
Nhưng sức mạnh quân sự không cho phép Washington thiết lập các quy tắc trong nền kinh tế toàn cầu, bởi vì trật tự kinh tế là đa cực. Hoa Kỳ vẫn có nền kinh tế lớn nhất, mạnh nhất và năng động nhất thế giới, nhưng quyền lực toàn cầu được chia sẻ bởi nhiều nước.
Về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?
Hoa Kỳ và Trung Quốc quá phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế để có thể tách rời nhau. Thương mại song phương của họ đang ở mức cao, và các quốc gia khác đang tìm cách tiếp cận cả sức mạnh của Mỹ – lẫn thị trường Trung Quốc (sắp trở thành thị trường lớn nhất thế giới). Không thể có chiến tranh lạnh kinh tế trên thế giới, nếu không có những người sẵn sàng trở thành 1 trong các bên của nó.
Trong khi đó, thị trường chung lớn nhất thế giới là Liên minh châu Âu, và nó có khả năng đặt ra các quy tắc và tiêu chuẩn mà người Mỹ, Trung Quốc và những người khác phải chấp nhận như cái giá phải trả khi kinh doanh với họ.
Nhật Bản vẫn giữ địa vị cường quốc kinh tế thế giới, dù không phải là không gặp khó khăn. Nền kinh tế của Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng và cùng với đó là ảnh hưởng trên trường thế giới.
Tầm quan trọng tương đối của các nền kinh tế này và các nền kinh tế khác sẽ tiếp tục thay đổi trong 10 năm tới, nhưng trật tự kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ vẫn là đa cực.
Có sự căng thẳng giữa hệ thống an ninh và trật tự kinh tế. Hoa Kỳ vì an ninh quốc gia đang gây áp lực buộc các quốc gia khác phải điều chỉnh chính sách của họ đối với chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng và sắp tới, có thể là TikTok.
Về phần mình, Trung Quốc muốn sử dụng đòn bẩy thương mại để gia tăng ảnh hưởng ngoại giao. Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác muốn có sự đảm bảo rằng, trật tự an ninh và kinh tế sẽ không chi phối lẫn nhau – và rất có thể họ sẽ thành công.
Đây là 2 trật tự thế giới mà chúng ta đang thấy. Nhưng có một trật tự thứ 3 đang nổi lên nhanh chóng và sẽ sớm có nhiều ảnh hưởng hơn những trật tự khác: Trật tự kỹ thuật số.
Quyền lực của các công ty công nghệ trong thế giới hôm nay
Không giống như bất kỳ trật tự địa chính trị nào khác, trong quá khứ và hiện tại, các chủ thể thống trị đưa ra các quy tắc và thực thi quyền lực sẽ không phải là các chính phủ, mà là các công ty công nghệ.
Bạn biết rằng, các chương trình đào tạo, tình báo và vũ khí của NATO giúp người Ukraina bảo vệ vùng đất của họ. Nhưng nếu không có các công ty công nghệ phương tây đến giải cứu trong những ngày đầu của cuộc xung đột – bằng cách chống lại các cuộc tấn công mạng của Nga và cho phép các nhà lãnh đạo Ukraina giữ liên lạc với những người lính ở tiền tuyến – thì Nga đã hoàn toàn đánh bật Ukraine chỉ trong vài tuần. Có lẽ, nếu không có các công ty công nghệ và ảnh hưởng của họ trong trật tự kỹ thuật số mới, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky sẽ không nắm quyền ngày hôm nay.
Các công ty công nghệ đang quyết định xem, liệu cựu tổng thống Mỹ Donald Trump có thể phát biểu theo thời gian thực mà không cần bộ lọc trước hàng trăm triệu người trong chiến dịch tranh cử hay không.
Nếu không có mạng xã hội, với khả năng lan truyền các thuyết âm mưu, thì đã không có cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1 trên Đồi Capitol, cuộc bạo loạn của tài xế xe tải ở Ottawa, cuộc nổi dậy ngày 8 tháng 1 ở Brazil.
Các công ty công nghệ thậm chí còn xác định danh tính của chúng ta. Bạn có thể tự hỏi, liệu hành vi của con người chủ yếu là kết quả của di truyền hay giáo dục. Và bây giờ, chúng ta biết rằng, di truyền học, giáo dục và thuật toán đóng một vai trò quan trọng.
Trật tự kỹ thuật số đang trở thành yếu tố chính quyết định cách chúng ta sống, điều chúng ta tin, điều chúng ta muốn và điều chúng ta sẵn sàng làm để đạt được điều đó.
Quyền lực đáng kinh ngạc mà các công ty công nghệ tích lũy được đã khiến họ trở thành những người chơi địa chính trị theo đúng nghĩa. Những chủ thể thương mại này đã kiểm soát các khía cạnh của xã hội, kinh tế và an ninh quốc gia, mà từ lâu đã là đặc quyền riêng của nhà nước.
Quyết định cá nhân của họ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sự tương tác và thậm chí là cách suy nghĩ của hàng tỷ người trên khắp hành tinh.
Càng ngày, họ cũng đang định hình môi trường toàn cầu mà chính các chính phủ hoạt động trong đó.
Nhưng các công ty công nghệ sẽ sử dụng sức mạnh của họ như thế nào? Có 3 kịch bản có thể xảy ra?
Nếu các nhà lãnh đạo chính trị của Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục khẳng định mình mạnh mẽ hơn trong không gian kỹ thuật số và nếu ngành công nghệ thông tin liên kết với chính phủ của họ, chúng ta sẽ thấy mình đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Thế giới kỹ thuật số sẽ bị chia đôi, các quốc gia khác sẽ buộc phải đứng về phía nào và toàn cầu hóa sẽ bắt đầu sụp đổ khi những công nghệ chiến lược không liên quan này trở thành những lĩnh vực chiến lược quan trọng đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế toàn cầu.
Nếu các công ty công nghệ theo đuổi các chiến lược tăng trưởng toàn cầu, không đồng ý với các chính phủ và duy trì khoảng cách hiện có giữa cạnh tranh vật lý và kỹ thuật số, thì chúng ta sẽ thấy toàn cầu hóa mới: Trật tự kỹ thuật số toàn cầu.
Những gã khổng lồ công nghệ sẽ giữ chủ quyền trong không gian kỹ thuật số, cạnh tranh chủ yếu với nhau vì lợi nhuận và với các chính phủ để giành quyền lực địa chính trị. Có thể rút ra một sự tương tự với các chủ thể nhà nước lớn – hiện đang tranh giành ảnh hưởng trong một môi trường có các mô hình kinh tế và an ninh chồng chéo.
Nhưng nếu bản thân không gian kỹ thuật số trở thành đấu trường chính của sự cạnh tranh giữa các cường quốc và quyền lực của các chính phủ tiếp tục suy yếu so với quyền lực của các công ty công nghệ, thì, trật tự kỹ thuật số sẽ trở nên thống trị.
Nếu điều này xảy ra, một thế giới hậu ‘Westphalia’ sẽ xuất hiện, một trật tự công nghệ phân cực, trong đó các công ty công nghệ sẽ đảm nhận vai trò là những người chơi trung tâm trong địa chính trị của thế kỷ 21.
Cả 3 kịch bản khá hợp lý và không có kịch bản nào là không thể tránh khỏi. Kết cục của chúng ta sẽ phụ thuộc vào những thay đổi trong cấu trúc quyền lực hiện tại do tính chất bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), khả năng và sự sẵn sàng của các chính phủ trong việc điều tiết các công ty công nghệ và quan trọng nhất là quyết định của các nhà lãnh đạo công nghệ về cách sử dụng công nghệ.
Tác giả: Ian Bremmer là một nhà khoa học chính trị người Mỹ- chuyên về rủi ro chính trị quốc tế. Người đứng đầu và người sáng lập Eurasia Group, một công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị, đồng thời là người sáng lập công ty truyền thông GZERO Media.