Một bài phân tích của Samuel Huntington xuất bản vào năm 1993 là một lời cảnh báo mang tính tiên tri cho tất cả những ai muốn tham gia vào xây dựng quốc gia.
Vào tháng 4 năm 2023, người Mỹ đã nhận được 2 thông tin chi tiết về những gì đã xảy ra trong cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan – hoàn tất vào tháng 8/2021. Nhà Trắng đổ lỗi thất bại cho chính quyền trước đó.
Tổng thanh tra đặc biệt về Afghanistan John F. Sopko thận trọng hơn. Ông quy tất cả mọi thứ cho các yếu tố mang tính hệ thống, tóm tắt chúng trong một câu: “Các sự kiện bi thảm của tháng 8 năm 2021 bắt nguồn từ các quyết định được đưa ra hàng thập kỷ trước đó bởi các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà ngoại giao, các tổ chức viện trợ và các nhà lãnh đạo quân sự”. Tùy thuộc vào ý kiến của bạn về tổng thống thứ 43 và 44, có thể có 2 hoặc 3 thập kỷ như vậy. Một câu trả lời chính xác và trung thực hơn là 3.
Năm 1989, Francis Fukuyama đặt câu hỏi: Có phải thế giới của chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của lịch sử? Năm 1992, ông đã trả lời. Fukuyama nói rằng, với sự sụp đổ của Liên Xô, nền dân chủ tự do đã trở thành một lý tưởng “không thể hoàn hảo hơn”.
Luận đề về sự kết thúc của lịch sử đã trở thành một sự biện minh triết học cho niềm tin của phương tây vào tính ưu việt của chính nó và dường như xác nhận rằng nền văn minh phương tây là “bao gồm tất cả”.
Vì sao các quốc gia xung đột với nhau?
Samuel Huntington lại đặt ra một câu hỏi khác: Phải chăng thế giới của chúng ta đang tiến tới một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh? Năm 1996, ông cũng trả lời khẳng định. Trong tác phẩm “Sự đụng độ của các nền văn minh”, Huntington lập luận, nguyên nhân của xung đột sẽ chuyển từ ý thức hệ sang phạm trù văn minh.
Ông cảnh báo rằng, phương tây sắp suy tàn và những tuyên bố kiêu ngạo của ông về “nền văn minh toàn cầu” có thể xung đột với nền văn minh đang trỗi dậy của Trung Quốc và nền văn minh Hồi giáo cực kỳ thù địch.
Vào dịp kỷ niệm 30 năm xuất bản chuyên luận của Huntington, có 2 câu hỏi được đặt ra. Liệu 3 thập kỷ qua, chính sách đối ngoại của Mỹ có khác đi – nếu những người ra quyết định theo quan điểm của Huntington hơn là của Fukuyama? Và công việc của ông ấy có còn phù hợp cho đến ngày nay không?
“Sự kết thúc của lịch sử” của Fukuyama đã truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo và nhà tư tưởng Mỹ đưa ra một loạt tuyên bố về chính sách đối ngoại táo bạo.
Đây là “trật tự thế giới mới”, “thời điểm đơn cực”, “quốc gia không thể thay thế”, “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, và “sự kết thúc của chế độ chuyên chế trong thế giới của chúng ta”.
Trong khi đó, Huntington nói về “trật tự thế giới cũ”. Các tác nhân chính trong thế giới quan của Huntington không phải là các nền dân chủ tương đối non trẻ xuất hiện từ Chiến tranh Lạnh, mà là các nền văn minh hàng thế kỷ, là sự kết hợp của một lịch sử, văn hóa và tôn giáo chung. Thay vì các thể chế quốc tế thống nhất thế giới, Huntington lại nói về các biên giới, về các đường đứt gãy sẽ đánh dấu các đường xung đột mới trong thời đại tiếp theo.
Do đó, tương lai thế giới theo cách nhìn của Huntington là đa cực theo nghĩa văn minh. Ông công nhận ưu thế của phương tây trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, nhưng đồng thời cho rằng nền văn minh từng thống trị này đang suy tàn.
Trong khi đó, các nền văn minh trước đây phụ thuộc vào phương tây (Trung Quốc ở Đông Á và Hồi giáo ở Bắc Phi và Tây Nam Á) đã kiên quyết bác bỏ ý kiến cho rằng, hiện đại hóa là không thể nếu không có định hướng phương tây. Mặt khác, sự suy tàn của phương tây và sự trỗi dậy của Trung Quốc đã bác bỏ khái niệm về tính tất yếu, cho thấy sự sai lầm của nó.
Mặc dù Hoa Kỳ và các thể chế phương tây ủng hộ toàn cầu hóa, nhưng chính Trung Quốc mới là quốc gia không thể thiếu, trở thành “công xưởng của thế giới”. Sự ích kỷ và kiêu ngạo của người Mỹ đã gây ra sự sụp đổ ở Trung Đông vào năm 2003 và sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2008.
Trong khi đó, Trung Quốc đang thành lập các thể chế khu vực của riêng mình và đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran. Sự bùng nổ của cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố đã làm gia tăng sự phản kháng của quốc tế đối với Mỹ, và cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq đã khiến những người Hồi giáo vốn đã không hài lòng với quá trình phương tây hóa và hiện đại hóa tức giận.
Afghanistan rơi vào tay Taliban chỉ trong vài ngày. Chế độ chuyên chế tồn tại sau Mùa xuân Ả Rập, và các chế độ độc tài ngấm ngầm phát triển thịnh vượng dưới chiêu bài dân chủ. Chế độ chuyên chế là bướng bỉnh và ngoan cường, và nó sẽ vẫn như vậy bất kể thời đại nào.
Nếu các nhà lãnh đạo Mỹ nhìn thế giới qua con mắt của Huntington, họ sẽ nhận ra việc triển khai quân đội tại các thánh địa Hồi giáo là một hành động khiêu khích trắng trợn như thế nào, việc tham gia gìn giữ hòa bình trên đường đứt gãy của phương tây và Chính thống giáo ở Balkan là vô nghĩa như thế nào, việc thực hiện thay đổi chế độ ở Trung Đông là vô ích biết bao, việc chờ đợi tự do hóa ở Trung Quốc là ảo tưởng như thế nào và họ ngây thơ biết bao khi đối mặt với những lo ngại về an ninh và khả năng quân sự của Nga.
Vào cuối nhiệm kỳ của Obama, sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ đã giảm xuống khi ban hành các lằn ranh đỏ nhợt nhạt, không hành động để đáp trả cuộc xâm lược của “những người đàn ông nhỏ màu xanh lá cây”, “ngoại giao thẻ tên” và “lãnh đạo từ phía sau”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, 30 năm qua chính trị thế giới đã thay đổi
Lịch sử đã khẳng định luận điểm của Huntington là đúng đắn. Hoa Kỳ và Trung Quốc thực sự đã trở thành đối thủ toàn cầu, mỗi bên bám vào hệ thống chính quyền của riêng mình, tuyên bố rằng, mình vượt trội so với đối thủ và đáng được noi theo.
Các nền văn minh Trung Quốc và Hồi giáo được thống nhất dưới hình thức một liên minh của Trung Quốc và Iran. Tuy nhiên, chu kỳ văn minh này ‘sắp’ kết thúc, và bây giờ câu hỏi cấp bách nhất là khi nào và làm thế nào chu kỳ này ‘sẽ’ kết thúc.
Điều mà Huntington sợ nhất là việc Mỹ khăng khăng cho rằng phương tây là một “nền văn minh phổ quát” cần phải noi theo và nếu cần thì buộc phải tuân theo. Huntington lập luận rằng, sự kiêu ngạo như vậy sẽ khiến phương tây bị cô lập – “Phương tây chống lại tất cả những người khác”.
Mối quan tâm của Huntington được thể hiện trong mối quan hệ hợp tác Trung Quốc-Iran-Nga chống lại Hoa Kỳ. Nếu sự cân bằng quyền lực này bén rễ, cuộc đụng độ đa phương giữa các nền văn minh sẽ biến thành một cuộc đọ sức ‘địa kinh tế’ giữa chủ nghĩa tư bản dân chủ và chủ nghĩa trọng thương độc tài.
Việc thúc đẩy tách biệt nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc là một sự khởi đầu. Phạm vi toàn cầu của mong muốn này là rõ ràng – chỉ cần nhìn vào sự khác biệt giữa phương tây và các nước khác về vấn đề trừng phạt chống Nga.
Trong tương lai gần, điều này sẽ làm phức tạp đáng kể quá trình xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn bởi đại dịch. Giai đoạn tiếp theo sẽ là việc thực hiện chính sách công nghiệp – công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ và nỗ lực phi đô la hóa nền kinh tế của Trung Quốc.
Chính sách công nghiệp có thể rất phổ biến ở trong nước, nhưng nó hiếm khi thành công, và trên hết là có nguy cơ khơi dậy sự phản đối của các đồng minh của Mỹ. Nhưng phi đô la hóa, ngay cả khi diễn ra dần dần, có thể gây hại cho Hoa Kỳ,
Theo đó, một nước cờ cuối cùng của nền văn minh có thể làm giảm những rủi ro này.
Huntington đã chỉ ra một cách khá sắc sảo rằng, nước Nga dao động giữa nguồn gốc Á-Âu và khát vọng của nước này đối với phương tây. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nhà lãnh đạo hậu Xô Viết đầu tiên của đất nước này đã tìm cách tăng cường hợp tác với phương tây, dựa trên những cân nhắc về kinh tế và quân sự.
Yếu tố Trung Quốc đến sau. Sau sự kiện 11/9 năm 2001, Nga phát đi tín hiệu sẵn sàng hợp tác tích cực với Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Nga luôn sợ bị bao vây, và trong khi chia cắt lục địa Á-Âu, Trung Quốc và Nga không nên là đồng minh. Mối quan hệ hợp tác của họ là kết quả của sự trùng hợp về lợi ích, nhưng không phải về giá trị.
Đến năm 2050, Nga sẽ gặp vấn đề nhân khẩu học (dân số giảm). Trung Quốc ảnh hưởng ở phía đông và Hồi giáo ở phía nam. Do đó, không ngạc nhiên khi Nga ủng hộ các đảng phương tây phản đối nhập cư.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự tái sinh của Nga, các nhà lãnh đạo Mỹ, hiểu được hoàn cảnh văn minh đang thịnh hành, nên nắm bắt cơ hội thành lập một liên minh giữa phương tây và Chính thống giáo để chống lại liên minh Hồi giáo-Trung Quốc đang nổi lên. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo phương tây, bị quyến rũ bởi “sự cáo chung của lịch sử”, đã đẩy Nga sang một bên. Nhưng con đường hòa dịu với Nga nằm ở Kiev.
Nga đang miễn cưỡng trở thành một đối tác cấp dưới của Trung Quốc và cho đến khi nước này hoàn toàn khuất phục trước Trung Quốc, phương tây cần chấm dứt xung đột quân sự ở Ukraine càng sớm càng tốt mà không cần chờ đợi Bắc Kinh làm điều đó, đồng thời phải vận dụng mọi bất đồng, mâu thuẫn hiện có giữa 2 nước.
Sự phụ thuộc lẫn nhau đã không cứu được châu Âu đa cực vào năm 1914, nhưng các khối biệt lập đã thúc đẩy phân công lao động một cách thuận tiện và hiệu quả. Mỗi siêu cường kiểm soát lĩnh vực của mình và bằng mọi cách ngăn chặn sự leo thang của các cuộc khủng hoảng nhỏ thành một cuộc chiến tranh lớn.
Sự kiêu ngạo của phương tây, vốn tin vào ưu thế của mình, đã khiến nước Mỹ mù quáng và tước đi cơ hội nhận ra sự va chạm giữa các nền văn minh đã bắt đầu. Sau 30 năm, những người tôn trọng lịch sử và bản chất con người chỉ có thể hối tiếc về sự liều lĩnh này. Trở lại những ý tưởng của Huntington muộn 30 năm là một bước tiến tới sự điều chỉnh.
Tác giả: R. Jordan Prescott