Tác giả: Tsvetana Paraskova
Saudi Arabia và Nga đã có hành động quyết đoán để làm TĂNG giá dầu hiện tại, bằng cách gia hạn cắt giảm ‘sản lượng và xuất khẩu’ dầu cho đến cuối năm 2023.
Đáp lại tin tức quan trọng này, hôm thứ 3 (ngày 5/9/2023), giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong năm nay, với giá dầu Brent vượt 90 USD/thùng.
Việc Saudi Arabia giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng mỗi ngày, sẽ kéo dài đến tháng 12/2023.
Theo Saudi Arabia, điều này phù hợp với “những nỗ lực phòng ngừa của các nước OPEC+ nhằm hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ”.
Do đó, Saudi Arabia sẽ sản xuất 9 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm nay, với mức cắt giảm sẽ được điều chỉnh hàng tháng, tùy thuộc vào điều kiện thị trường.
Nga cũng gia hạn mức cắt giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày cho đến tháng 12/2023, tùy theo sự điều chỉnh hàng tháng. Nguồn cung sẽ giảm hơn nữa hoặc ngược lại, tăng lên tùy thuộc vào điều kiện thị trường.
Cả Nga và Saudi Arabia đều cần giá dầu cao, để tăng ngân sách. Tuy nhiên, cắt giảm sản lượng dầu để ‘ổn định’ thị trường, có nguy cơ hủy hoại một số nỗ lực của Fed và các Ngân hàng trung ương khác trong việc kiểm soát lạm phát.
Giá dầu và năng lượng tăng có nguy cơ gây lạm phát, vào thời điểm Phố Wall cho biết, có nhiều khả năng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất tại cuộc họp cuối tháng 9/2023.
Báo cáo việc làm tuần trước của Mỹ cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt – các nhà phân tích dữ liệu cho biết, đây là dữ liệu mà Phố Wall đánh giá khả năng tăng lãi suất. Tăng trưởng tiền lương chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,5% lên 3,8%.
Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, Chris Zaccarelli cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider: “Fed không thể hy vọng vào một kết quả tốt hơn trong cuộc chiến chống lạm phát”.
Zaccarelli nói thêm: “Nếu nền kinh tế tiếp tục mở rộng và thị trường lao động nguội đi với tốc độ chậm, thay vì nhanh, thì Fed có thể đủ khả năng để mọi thứ ở mức hiện tại và kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi lãi suất cao hơn phát huy tác dụng”.
Cú “hạ cánh nhẹ nhàng” của nền kinh tế Mỹ sau hàng loạt đợt tăng lãi suất kể từ tháng 2/2022 có thể đẩy nhanh chu kỳ kinh doanh và làm tăng lạm phát.
Nhưng giá dầu ở mức 90 USD/thùng hoặc thậm chí cao hơn, do Saudi Arabia và Nga điều khiển, sẽ chỉ làm tăng áp lực lạm phát và có thể làm suy yếu nỗ lực của các Ngân hàng trung ương, nhằm kiềm chế giá tiêu dùng tăng vọt trong 2 năm qua.
“Saudi Arabia lo ngại về triển vọng nhu cầu và đang gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm nay. Động thái này sẽ làm tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu, vì lạm phát do năng lượng kéo dài có thể buộc các Ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn. Ngược lại, điều này sẽ làm trầm trọng thêm những lo ngại về tăng trưởng kinh tế”, Ole Hansen, giám đốc chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, nhận xét về việc cắt giảm sản xuất dầu của Nga và Saudi Arabia.
Nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA Ed Moya cho biết: “Dường như có sự hiểu biết giữa người Saudi Arabia và người Nga về những căng thẳng tiếp theo trên thị trường dầu mỏ”.
Moya cho biết trong một bản ghi nhớ sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố cắt giảm nguồn cung dầu kéo dài: “Những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu đang ngày càng sâu sắc, nhưng OPEC + dường như quyết tâm giữ chặt thị trường dầu mỏ mà không quan tâm đến tác động đến nền kinh tế toàn cầu”.
Nhà phân tích cho biết thêm, thị trường đặt nhiều hy vọng rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ có quý 3 tốt và quý 4 khá tốt, với nguy cơ suy thoái kinh tế bị trì hoãn cho đến năm sau (2024).
Việc gia hạn cắt giảm sẽ bù đắp một phần cho sự gia tăng sản lượng dầu ở các quốc gia không thuộc OPEC+. Điều này sẽ cho phép giá được cố định ở mức 90 USD/thùng, Moya đề xuất.
Ông kết luận: “Nhưng nếu nguồn cung bị gián đoạn hoặc nếu mùa đông lạnh và nhu cầu tăng, chúng ta sẽ dễ dàng thấy dầu ở mức 100 USD”.
Dầu trên 90 USD và có thể là 100 USD là cách chắc chắn để ‘khởi động lại’ lạm phát, ngay cả khi nền kinh tế thoát khỏi suy thoái sâu sắc.
Hình minh họa – Putin và Thái tử Saudi Arabia – Ảnh: RIA