Nước Mỹ Đang Suy Thoái?

Liệu “Thế kỷ Mỹ” về kinh tế và quân sự sẽ kết thúc? Sau 1945 và sau 1990, Mỹ đã trở thành siêu cường! Sau 2024 thì sao?

Tượng Nữ Thần Tự Do. Ảnh Unilad

Joseph Nye là giáo sư danh dự và cựu hiệu trưởng Trường chính sách công Harvard Kennedy. Ông từng giữ chức trợ lý Bộ trưởng quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế, chủ tịch hội đồng tình báo quốc gia và thứ trưởng ngoại giao. Cuốn sách mới của ông là “Cuộc sống trong thế kỷ Mỹ”.

Trong năm bầu cử này, Donald Trump nói rằng ông ấy có thể “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” và Joe Biden hứa hẹn một tương lai tươi sáng.

Tuy nhiên, theo các cuộc thăm dò, hầu hết người Mỹ đều tin rằng nước Mỹ đang suy thoái. Có một điều cần suy nghĩ và lưu ý: Vào năm 1941, trước Thế chiến hai, Tạp chí Time/Life tuyên bố sự khởi đầu của “Thế kỷ Mỹ”.

Đến năm 1945, Hoa Kỳ thực sự đã trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Nhưng liệu mọi chuyện có thực sự kết thúc sau 8 thập kỷ?

Chu kỳ tự trừng phạt của người Mỹ

Người Mỹ từ lâu đã lo lắng về sự suy thoái của mình. Ngay sau khi thành lập một trong những thuộc địa đầu tiên ở Vịnh Massachusetts vào thế kỷ 17, những người tiên phong Thanh giáo (đạo Tin Lành) sống ở đó bắt đầu than thở về sự suy giảm các đức tính đặc trưng trước đây của họ.

Vào thế kỷ 18, những người sáng lập đã tập trung vào lịch sử của Rome vì một lý do: Tương tự như vậy, sự suy tàn của Đế chế La Mã khiến họ lo lắng về sự suy tàn của chính mình – một nước Mỹ mà họ gọi là Cộng hòa.

Vào thế kỷ 19, Charles Dickens nhận xét rằng nếu bạn lắng nghe những gì người dân nói, nước Mỹ “luôn ở trong tình trạng khủng hoảng đáng báo động”.

Một trong những vấn đề khi đánh giá sự suy thoái là Hoa Kỳ chưa bao giờ có nhiều quyền kiểm soát vận mệnh thế giới như một số người vẫn tưởng tượng.

Ngay cả khi Mỹ có lợi thế về tài nguyên, nước này thường không đạt được điều mình mong muốn. Còn nhớ năm 1956, khi Hoa Kỳ thất bại trong việc ngăn chặn Liên Xô dập tắt cuộc nổi dậy ở Hungary, Việt Nam đánh bại Pháp hay âm mưu chiếm Kênh đào Suez của các đồng minh Anh, Pháp và Israel? Chúng ta nên ngừng nhìn quá khứ qua lăng kính màu hồng.

Cảm giác “suy thoái” thỉnh thoảng xuất hiện trong tâm thức người Mỹ nói lên tâm lý quần chúng nhiều hơn là phân tích địa chính trị. Nhưng chính ý tưởng về sự suy tàn đã gần gũi với người dân; nó dường như chạm đến một vấn đề cốt lõi trong nền chính trị Mỹ.

Các cuộc thảo luận về “sự suy thoái” và những người chịu trách nhiệm về nó đã và sẽ tiếp tục trở thành chủ đề của vô số cáo buộc và nỗ lực biện minh cho cuộc bầu cử Mỹ.

Đôi khi, những lo ngại về sự suy thoái có thể dẫn đến các chính sách mang tính chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ, gây hại nhiều hơn là có lợi cho Mỹ.

Mặt khác, những giai đoạn ngạo mạn, chẳng hạn như năm 2002 (đánh bại Afghanistan, biên tập) có thể dẫn đến những quyết định chính trị sai lầm, chẳng hạn như cuộc chiến ở Iraq. Không có gì tốt trong việc đánh giá thấp hoặc phóng đại sức mạnh của Mỹ.

Khi nói đến địa chính trị, điều quan trọng là phải phân biệt giữa sự suy giảm tuyệt đối và tương đối. Xét về tầm ảnh hưởng tuyệt đối trong các vấn đề thế giới, Mỹ đã suy giảm kể từ năm 1945: Vào thời điểm đó nước Mỹ đại diện cho một nửa nền kinh tế thế giới và độc quyền về vũ khí hạt nhân (sự độc quyền mà Liên Xô đã phá vỡ vào năm 1949, Liên Xô đã chế tạo thành công bom nguyên tử – vũ khí hạt nhân). Chiến tranh thế giới thứ hai đã củng cố nền kinh tế Mỹ trong khi làm suy yếu các nước khác.

Khi phần còn lại của thế giới phục hồi, tỷ trọng GDP của Mỹ so với toàn cầu đã giảm xuống còn 1/4 vào năm 1970. Tổng thống Nixon khi đó xem đây là một sự suy giảm và “cởi trói” đồng đô la khỏi chế độ bản vị vàng.

Tuy nhiên, nửa thế kỷ sau, đồng đô la vẫn chiếm vị trí thống trị và tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu vẫn chưa suy giảm (vẫn ở mức 1/4) – như năm 1939. Và sự “suy thoái” không ngăn cản Mỹ giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh.

Nỗi lo sợ về sự suy thoái của người Mỹ và những quyết định tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong xã hội thường trùng khớp với nhau, phù hợp với tính chất chu kỳ của nền chính trị Mỹ.

Sau khi Liên Xô phóng tàu vũ trụ đầu tiên Sputnik 1 vào quỹ đạo năm 1957 và Khrushchev tuyên bố Liên Xô vượt trội trong lĩnh vực thám hiểm không gian, nhiều người Mỹ cho rằng chính quyền Eisenhower trì trệ và nước Mỹ đang suy thoái.

Sau khi Mỹ can thiệp và thất bại tại Việt Nam, thập niên 1970 cũng được đánh dấu bằng sự suy tàn. Năm 1979, trang bìa của một trong những tạp chí nổi tiếng của Mỹ miêu tả Tượng Nữ thần Tự với một giọt nước mắt đang chảy. Nhưng bằng cách nào đó, hóa ra chỉ hơn một thập kỷ sau, Liên Xô sụp đổ, và Hoa Kỳ ngạo mạn bước vào thời kỳ “siêu cường duy nhất”.

Tình hình sẽ phát triển như thế nào trong tương lai? Không ai có thể chắc chắn, nhưng tôi đã cố gắng đoán câu trả lời trong nghiên cứu về “Cuộc sống trong thế kỷ Mỹ”:

“Thế giới sẽ như thế nào và tương lại của thế hệ Z (Gen Z)? ‘Thế kỷ Mỹ’ đã kết thúc chưa? Tôi đã kết luận rằng, câu trả lời là không, nhưng tính ưu việt của nước Mỹ trong thế kỷ này sẽ không giống như thế kỷ 20.

Tôi đã lập luận rằng, mối nguy hiểm lớn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt không phải là Trung Quốc, mà là sự phân tán quyền lực trong và ngoài nước có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn.

Xem thêm: Chiến Lược Của Trung Quốc Về Công Nghệ Và Kinh Tế!

Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh

Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh ấn tượng với cả điểm mạnh và điểm yếu. Khi đánh giá cán cân quyền lực tổng thể, Mỹ có ít nhất 5 lợi thế quan trọng.

Đầu tiên là địa lý (địa chính trị). Mỹ được bao quanh bởi 2 đại dương và 2 nước láng giềng thân thiện, trong khi Trung Quốc có chung đường biên giới với 14 quốc gia khác và có tranh chấp lãnh thổ với một số quốc gia. Mỹ cũng có lợi thế về năng lượng, trong khi Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Thứ ba, Hoa Kỳ có được sức mạnh từ các tổ chức tài chính xuyên quốc gia lớn và tầm quan trọng quốc tế của đồng đô la. Độ tin cậy của đồng tiền dự trữ phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi tự do của nó, cũng như thị trường vốn sâu rộng và nền pháp quyền, những điều mà Trung Quốc còn thiếu.

Hoa Kỳ cũng có lợi thế tương đối về nhân khẩu học, là quốc gia phát triển lớn duy nhất dự kiến ​​duy trì thứ hạng tương đối cao (thứ ba) trong bảng xếp hạng dân số thế giới.

Trong thập kỷ tới, 7 trong số 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chứng kiến ​​lực lượng lao động của họ suy giảm, nhưng Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ tăng trưởng. Nhưng ở Trung Quốc, lực lượng lao động đã đạt đỉnh vào năm 2014 và đang suy giảm.

Cuối cùng, Mỹ chiếm vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ then chốt (sinh học, nano và thông tin). Tất nhiên, Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển, cũng như có nhiều thành tích đáng chú ý vào phát minh sáng chế.

Nhưng theo sự thừa nhận của Trung Quốc, các trung tâm nghiên cứu của họ vẫn tụt hậu so với các trung tâm nghiên cứu của Mỹ.

Chính trị: Không cuồng loạn, không bất cẩn

Nhìn chung, sự cân bằng có lợi cho Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh quyền lực, nhưng nếu chúng ta nhượng bộ trước sự nổi lên của Trung Quốc, thì Mỹ có nguy cơ tụt hạng.

Việc loại bỏ những quân bài quan trọng, đặc biệt là từ bỏ các liên minh và ảnh hưởng mạnh mẽ trên các diễn đàn quốc tế, có thể là một sai lầm nghiêm trọng.

Trung Quốc không phải là mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ trừ khi chúng ta thực hiện điều đó bằng cách tham gia vào một cuộc chiến lớn. Xét về những điểm tương đồng trong lịch sử, điều làm tôi lo lắng thậm chí không phải là năm 1941 mà là năm 1914, tức là thời điểm bắt đầu Thế chiến thứ nhất.

Tuy nhiên, điều khiến tôi lo lắng hơn là những thay đổi nội bộ và những hậu quả có thể xảy ra đối với quyền lực mềm của chúng ta và tương lai của nước Mỹ.

Ngay cả khi một quốc gia duy trì vị trí thống trị trên trường thế giới, quốc gia đó có thể mất đi lợi thế nội tại và sức hấp dẫn đối với các quốc gia khác. Đế chế La Mã tồn tại rất lâu sau khi mất đi hình thức chính phủ cộng hòa.

Benjamin Franklin, khi nói về hình thức chính phủ Hoa Kỳ do những nhà lập quốc tạo dựng, đã nhận xét: “Đó sẽ là một nền cộng hòa nếu bạn có thể giữ được nó”. Sự phân cực chính trị là một vấn đề và đời sống công chúng ngày càng trở nên phức tạp.

Công nghệ mới và chính trị

Và bây giờ là về khoa học và công nghệ. Công nghệ tạo nên vô số cơ hội và rủi ro mà con cháu chúng ta sẽ phải đối mặt. Thêm vào đó là một loạt vấn đề với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ học máy (machine learning), công nghệ giả lập (deep fakes), và chatbot trả lời tự động mang tính sáng tạo (generative bots). Và đây không phải là một danh sách đầy đủ. Nhưng những thách thức nghiêm trọng hơn đang chờ đợi chúng ta trong lĩnh vực công nghệ sinh học, chưa kể đến việc khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu.

Một số nhà sử học so sánh dòng chảy ý tưởng và mối liên hệ ngày nay với các cuộc bạo loạn thời ‘Phục hưng và Cải cách’ cách đây 5 thế kỷ (thời kỳ Phục Hưng diễn ra ở Châu Âu từ thế kỷ 15 đến 17, tiếp theo thời kỳ trung cổ. Đặc trưng của thời kỳ Phục Hưng là phục hồi lại trí tuệ cổ xưa – thoát khỏi sự cai trị của giáo hội Thiên chúa giáo, biên tập), nhưng ở quy mô lớn hơn nhiều. Mọi người đều ngạc nhiên trước tốc độ phát triển, nhưng sau những thời kỳ tăng trưởng này là Chiến tranh 30 năm đã giết chết 1/3 dân số Đức.

Ngày nay thế giới giàu có hơn và rủi ro hơn bao giờ hết. Đôi khi người ta hỏi tôi lạc quan hay bi quan về tương lai của đất nước. Tôi trả lời: “Với sự lạc quan thận trọng”.

Nước Mỹ có nhiều vấn đề – phân cực chính trị, bất bình đẳng, người dân mất niềm tin, xả súng hàng loạt, tự tử vì tuyệt vọng và chết vì ma túy.

Có nhiều lý do để bi quan. Đồng thời, chúng ta đã trải qua những thời kỳ tồi tệ nhất vào những năm 1890, 1930 và 1960 mà tôi đã mô tả.

Bất chấp tất cả những thiếu sót của chúng ta, Hoa Kỳ là một xã hội hiện đại, tiên tiến mà trong quá khứ đã có thể tự hồi sinh và xây dựng lại. Có lẽ Gen Z có thể làm lại được. Tôi cũng mong là như vậy.

Tác giả: Joseph Nye

Nguồn: Joseph Nye – time.com – Mỹ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang