Thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những chất bổ sung giúp hỗ trợ điều trị một bệnh nào đó.
Có thật như vậy không?
Nhiều quảng cáo chỉ tập trung vào lợi ích mang lại mà không đề cập nhiều đến rủi ro tiềm ẩn của nó.
Một chất bổ sung nếu sử dụng lâu dài có thể gây tổn thương thận không thể phục hồi. Điều này cũng đúng với sử dụng thuốc tây trong thời gian dài, thiếu chỉ định của bác sĩ có chuyên môn.
Nếu thận hằng ngày phải tiếp xúc với hóa chất trong thời gian dài để đào thải chúng, không sớm thì muộn chúng sẽ bị tổn thương.
Nhiều người nghĩ, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe là an toàn, tuy nhiên không phải như vậy, nhiều chất bổ sung như Vitamin và khoáng chất tổng hợp nếu được sử dụng không đúng cách, bạn có thể mắc bệnh thận.
Hãy nhớ là, thận là nơi lọc các hóa chất này và tống chúng khỏi cơ thể. Việc tiếp xúc những hóa chất này lâu dài, chắc chắn sẽ không tốt chút nào.
Vấn đề quan trọng là sử dụng đúng liều lượng và trong thời gian ngắn.
Xem thêm: Bệnh Thận Và Chăm Sóc Thận Như Thế Nào?
Lợi nhuận khổng lồ của ngành thực phẩm chức năng
Tại Việt Nam, ngành thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang có sự phát triển rất mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trước đây, ngành này chủ yếu nằm trong tay các công ty nước ngoài. Nhưng giờ đây, việc phát triển nhãn hàng hoặc sản phẩm rất đơn giản, chủ yếu thông qua các đơn vị gia công.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác dụng tích cực của những thực phẩm bổ sung này rất bình thường.
Theo quy định của luật Việt Nam, hàm lượng tối thiểu trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe bằng 15% liều lượng điều trị. Câu hỏi đặt ra, 15% hàm lượng đó có tác dụng hỗ trợ điều trị hay không?
Một vấn đề đáng báo động hay đúng hơn là vấn đề đáng lo ngại là tính an toàn của chúng.
Chẳng hạn, một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội y khoa Canada cho rằng, việc hấp thụ quá nhiều Vitamin D tổng hợp trong thời gian dài có thể gây tổn thương và suy giảm chức năng thận cho những người không thiếu hụt.
Trưởng nhóm nghiên cứu Bourne Auguste, Đại học Toronto lưu ý rằng, việc sử dụng quá liều lượng không những không mang lại lợi ích, trái lại, nó có thể gây hại. Việc bổ sung rất dễ dàng, đó là lý do tại sao, người bệnh có nguy cơ ngộ độc hoặc suy thận.
Nghiên cứu trên đã dẫn chứng câu chuyện của một người đàn ông 54 tuổi phải nhập viện vì một quả thận bị sưng. Bác sĩ đã tìm thấy trong máu bệnh nhân hàm lượng Creatinine cao hơn mức cho phép nhiều lần.
Creatinine là sản phẩm phụ được tạo ra trong hoạt động bình thường của cơ và được lọc ở thận để bài tiết qua nước tiểu. Người bệnh cũng có cặn Canxi trong thận.
Thực tế, người đàn ông này đã sử dụng liều cao Vitamin D trong khoảng thời gian 2 năm. Theo khuyến cáo, người lớn tuổi và loãng xương nên bổ sung từ 400 đến 1000 đơn vị quốc tế Vitamin D mỗi ngày. Tất nhiên là không nên sử dụng thời gian dài, vì thận phải làm việc mệt nhọc.
Người bệnh nhân đã nghĩ rằng, Vitamin nói chung là vô hại và uống càng nhiều Vitamin D thì càng khỏe. Mặc dù đã được điều trị, nhưng ông ấy đã bị suy thận và không thể phục hồi.
Tác giả: Nguyễn Hồng Miên