Mọi thứ “nên” bắt đầu từ “tại sao”- “Why”, nhưng hiện nay hầu hết đều tư duy từ “cái gì” – “What”.
Liệu bạn đã bao giờ tự hỏi “Tại sao bạn tồn tại trên đời này?”. “Mục đích cốt lõi của công việc hiện tại bạn đang làm là gì”? “Tại sao mấy ngày nay trời lạnh cóng bạn vẫn dậy sớm bước ra khỏi chiếc chăn ấm và đi làm?”. Hay “Tại sao bạn kinh doanh trong lĩnh vực này”. “Liệu sản phẩm bạn đang làm có tạo nên điều gì khác biệt không”?
Simon Sinek đã dày công nghiên cứu về sự thành công và sáng tạo của các công ty nổi tiếng thế giới như Apple, Microsoft, Google, cũng như một số nhà lãnh đạo và những nhà phát minh lỗi lạc khác. Và chìa khóa của sự thành công mà Simon Sinek tìm ra được vẽ lên một cái vòng tròn giải thích tương đối đơn giản mọi vấn đề. Và ông gọi nó là vòng tròn vàng hay “Golden Circle”.
Thuyết vòng tròn vàng là gì?
Theo lý thuyết kinh tế cổ điển, chúng ta sẽ sản xuất và đáp ứng những gì thị trường cần. 100% doanh nghiệp biết họ cần sản xuất cái gì (What).
Một số doanh nghiệp tư duy theo kiểu làm như thế nào (How). Nhưng rất ít người hỏi tại sao (Why) chúng ta làm sản phẩm đó. Nghĩa là chúng ta làm xuôi từ ngoài vào trong vòng tròn (Outside In).
Sản phẩm (What) => Quy trình (How) => Động lực (Why)
Nhưng những người thay đổi thế giới sẽ tư duy ngược lại, từ trong ra ngoài (Inside Out).
Động lực (Why) => Quy trình (How) => Sản phẩm (What)
Tại sao lại nghĩ từ trong ra? Tại sao phải tạo cảm hứng? Tại sao phải có động lực?
Bởi vì khi có động lực ta sẽ có cảm hứng để sáng tạo ra một sản phẩm làm thay đổi thế giới. Có động lực để truyền cảm hứng cho nhân viên tận tâm hết mình. Tiếp đó mới đến cách làm sản phẩm đó như thế nào. Cuối cùng mới là sản phẩm là gì.
Phát triển sản phẩm
Khi bắt đầu làm ra một sản phẩm, bạn suy nghĩ theo chiều từ trong ra ngoài, “Inside Out”, bắt đầu từ Why => How => What thì khả năng bạn tạo ra một sản phẩm “sáng tạo” (Innovation) và truyền cảm hứng (Inspiration) cho nhân viên làm việc là rất cao.
Khách hàng không mua bạn làm CÁI GÌ, họ mua TẠI SAO bạn làm sản phẩm đó.
Chúng ta hãy xem điều gì xảy ra nếu Apple có tư duy như thông thường:
– Cái gì (What) – Chúng tôi sản xuất điện thoại cảm ứng thông minh.
– Như nào (How) – Chúng tôi thiết kế tuyệt đẹp, đơn giản, tiện dụng và thân thiện với người dùng.
– Tại sao (Why) – Bạn muốn mua iPhone của chúng tôi?
Những câu quảng cáo trên chúng ta thấy đầy rẫy khắp nơi và đương nhiên nó không tạo ra cảm hứng.
Thực tế Apple đã truyền thông như nào?
– Tại sao (Why) – Mọi thứ đang làm, chúng tôi tin rằng, nó sẽ tạo ra sự khác biệt.
– Như nào (How) – Cách chúng tôi đối mặt với thử thách là tạo ra sản phẩm tuyệt đẹp, dễ sử dụng và thân thiện với người dùng.
– Cái gì (What) – Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi “cho ra lò” chiếc iPhone hoàn toàn khác biệt với những điện thoại bạn từng biết tới. Nó cảm ứng điện dung đa điểm, tính năng đơn giản tuyệt đối. Bạn có muốn là người đầu tiên trải nghiệm sản phẩm của chúng tôi không?
Là một nhà quản lý, khi bạn thuê một người cần việc làm, họ sẽ làm vì tiền lương. Khi bạn thuê một người có đam mê, họ sẽ làm bằng máu, mồ hôi và nước mắt của chính họ. Bạn sẽ thuê ai? Chắc chắn là người có đam mê rồi. Vậy làm sao bạn biết người nào có đam mê khi phỏng vấn?
“Trên thực tế, bất kỳ mọi nhân viên nào làm việc cũng có đam mê. Chỉ có điều đam mê của họ có phù hợp với văn hóa làm việc của công ty bạn không mà thôi.”
Một kỹ sư giỏi của Apple chắc chắn sẽ khổ sở khi phải làm việc ở Microsoft. Ngược lại, một kỹ sư tài năng của Microsoft cũng sẽ vất vả khi làm ở Apple.
Mục đích chính của nhà tuyển dụng là tìm ra người có đam mê với cái “Tại Sao” của bạn, mục đích của bạn, niềm tin của bạn, và thái độ của người nhân viên đó phải phù hợp với văn hóa của bạn.
Đây là lý do để bạn thấy được sự phát triển của vòng tròn số 4 và số 3 trong “Golden Circle”.
Vậy câu hỏi Cái gì (What) sai ở điểm nào?
Câu hỏi “Cái gì” có liên quan đến vỏ não bên ngoài (Neocortex). Vùng vỏ não này thường xử lý những thông tin về ngôn ngữ, logic, số học.
Trong khi câu hỏi “Như nào” và “Tại sao” liên quan đến vùng não bên trong “Limbic”. Vùng não này xử lý những thông tin về mục đích, ra quyết định, tình cảm, hoàn cảnh không liên quan đến ngôn ngữ.
“Khi chúng ta tư duy hay giao tiếp từ bên ngoài vòng tròn đi vào, mọi người có thể nhận rất nhiều thông tin, nhưng không thể đi đến quyết định được.” – Simon Sinek
Biết Tại sao, Biết Như nào, rồi mới đến Cái gì?
Hãy nhớ “Khách hàng không mua những gì bạn làm, họ mua “Lý do tại sao bạn làm ra sản phẩm, dịch vụ đó.”