Marketing Sản Phẩm Dược THÀNH CÔNG: Cần Những Nền Tảng Gì?

Marketing sản phẩm dược phụ thuộc rất lớn vào kênh bán hàng hay hệ thống phân phối. Về cơ bản, nó cũng tương tự như một vài sản phẩm tiêu dùng thông thường

Marketing cho sản phẩm dược (TPBVSK) phụ thuộc rất lớn vào kênh bán hàng hay hệ thống phân phối. Tất nhiên, về cơ bản, nó cũng tương tự như một vài sản phẩm tiêu dùng thông thường. Nhưng bởi vì, nó liên quan đến sức khỏe, cụ thể hơn là công dụng điều trị hoặc hỗ trợ điều trị, nên nó sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt bởi các quy định của luật và chính sách quảng cáo của các hãng công nghệ (truyền thông) như Facebook, Google và các mạng xã hội khác.

Nếu sản phẩm dược (Thực phẩm bảo vệ sức khỏe – TPBVSK) được phân phối chính thông qua hệ thống nhà thuốc, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi (CVS), việc sử dụng POSM (Point Of Sale_Marketing) nên được chú trọng.

POSM cho sản phẩm dược (TPBVSK) thường là:

  • Kệ trưng bày sản phẩm: Mục đích giới thiệu sản phẩm
  • Tờ rơi (Leaflet) gấp 3 khổ A4 hoặc A5. Có thể thiết kế kệ trưng bài sản phẩm kèm đựng tờ rơi: Mục đích là truyền thông-giới thiệu về sản phẩm và công dụng của nó.
  • Poster quảng cáo khổ A1, A2 để dán lên tường, kệ hoặc nơi phù hợp tại điểm bán.

Điều quan trọng là vấn đề thiết kế. Thiết kế tờ rơi (Leaflet), Poster phải đẹp, có điểm nhấn và ấn tượng để thu hút khách hàng.

Quảng cáo ngoài trời – OOH và Poster (khung hình hoặc màn hình điện tử)

Marketing sản phẩm dược – Biển quảng cáo tại tòa nhà

Ngoài POSM tại điểm bán, biển quảng cáo ngoài trời – OOH, Poster tại thang máy tòa nhà hoặc các địa điểm phù cũng nên được tính đến. Tất nhiên là, nếu đi theo chiến lượng quảng cáo này, ngân sách đầu tư đúng hơn là số tiền bỏ ra sẽ rất lớn.

Vì vậy, bạn cần phải chọn đúng thời điểm thực hiện quảng cáo, lựa chọn quảng cáo trong khoảng thời gian phù hợp, địa điểm đặt biển quảng cáo và Poster cho phù hợp. Nói chung trước khi thực hiện chiến dịch này, bạn sẽ phải tính toán cẩn trọng để đạt hiệu quả cao nhất.

Chi phí dán Poster quảng cáo và đặt POSM tại các nhà thuốc lẻ (không phải chuỗi nhà thuốc) dao động trong khoảng 100-400 ngàn đồng/tháng. Nếu nhà thuốc lẻ, chi phí sẽ do bạn tự thương lượng, có thể trả bằng tiền hoặc bằng sản phẩm cho nhà thuốc.

Đối với hệ thống chuỗi, thường họ đã xây dựng các gói chính sách Marketing (quảng cáo), nên có thể bạn sẽ phải lựa chọn các “gói” quảng cáo do họ xây dựng, với chính sách, kích thước vật phẩm hoặc Poster, biển quảng cáo theo tiêu chuẩn của họ.

Nhiều chuỗi nhà thuốc thường “ép” khách hàng là phải sử dụng các gói quảng cáo [Marketing] của họ mới được ký gửi hoặc nhập hàng vào hệ thống.

Các nhãn hàng (thực phẩm bảo vệ sức khỏe) của Eco Pharma như Angela (sinh lý nữ), Alipas (sinh lý nam), Jexmax (xương khớp), OTiV (giảm đau đầu) thường sử dụng chiến dịch quảng cáo tại điểm bán với POSM và ngoài trời. Eco Pharma là đơn vị đầu tư khá bài bản về quảng cáo sản phẩm thông qua POSM và quảng cáo ngoài trời.

Rõ ràng, ngân sách đầu tư cho quảng cáo sản phẩm của họ sẽ rất lớn. Vì vậy, những đơn vị nhỏ sẽ khó đi theo chiến lược này. Đối với những đơn vị nhỏ muốn kinh doanh sản phẩm dược (TPBVSK), cần phải xây dựng và lựa chọn chiến lược Marketing theo con đường khác phù hợp hơn.

Hãy thử đi đến một nhà thuốc, bạn sẽ thấy rất nhiều Poster quảng cáo được dán đầy trên các quầy, tường và hai bên cửa. Nếu không kiểm soát tốt, các Poster có thể bị dán chồng lên nhau.

Hãy thử tưởng tượng, với hàng nghìn nhà thuốc, có phải chi phí đầu tư POSM cùng với tiền trả (chi phí) hàng tháng cũng “ngốn” một khoản khá lớn. Đó là chưa tính đến, chi phí đi dán Poster và đặt các vật phẩm quầy kệ quảng cáo (POSM).

Tóm lại, chiến lược Marketing (quảng cáo) theo con đường này thường sẽ không phù hợp với các đơn vị nhỏ.

Quảng cáo sản phẩm dược (TPBVSK) chỉ là một trong nhiều yếu tố cấu thành sự thành công của sản phẩm, tức là bán được hàng. Ngoài yếu tố quảng cáo, các yếu tố khác như giá cả sản phẩm, chất lượng sản phẩm (bao bì và công dụng – hãy tập trung vào công dụng và truyền thông tốt về nó), hệ thống phân phối (bán ở kênh nào), và xây dựng các chương trình khuyến mãi phải được tính đến. Lưu ý là, chương trình khuyến mãi nên được thực hiện thường xuyên và là yếu tố quan trọng để kích thích mua hàng.

Rất nhiều sản phẩm dược (TPBVSK) thất bại vì khâu định giá. Họ định giá quá cao, tuy nhiên, khâu Marketing lại chưa được đầu tư tương xứng.

Nhiều sản phẩm tốt – nghĩa là sản phẩm có hiệu quả trong việc điều trị đối với thuốc đông y hoặc hỗ trợ điều trị đối với TPBVSK, nhưng “khâu” Marketing lại thực hiện chưa tốt, thiết kế bao bì chưa chuyên nghiệp và nhiều yếu tố khác.

Với sự phát triển của công nghệ và Internet, Digital Marketing – là con đường mà bạn không thể bỏ qua. Nền tảng quan trọng nhất của Digital Marketing đối với sản phẩm dược (TPBVSK) là nội dung (bài viết và hình ảnh).

Trên thực tế, quảng cáo sản phẩm dược (TPBVSK) trên Facebook, Google, Youtube và các nền tảng công nghệ khác thực sự rất khó khăn. Đơn giản là do chính sách quảng cáo các nhà công nghệ này kiểm soát rất “gắt gao” các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Vì vậy, thực hiện Marketing (quảng cáo) cho sản phẩm dược (TPBVSK) cần phải có chiến lược phù hợp.

Thông thường, đối với các sản phẩm dược (TPBVSK), việc lựa chọn quảng cáo thông qua các “hệ thống quảng cáo mạng lưới” trong nước như Admicro (VCCorp), Zalo ads, Eclick (VnExpress) là lựa chọn phù hợp. Tất nhiên, có rất nhiều định dạng quảng cáo trên những nền tảng số (chủ yếu thông qua Website). Ngoài ra, việc lựa chọn định dạng quảng cáo phù hợp cho từng sản phẩm cũng khá quan trọng.

Chiến lược Marketing sản phẩm dược phụ thuộc vào kênh phân phối – Digital Marketing là không thể thiếu

Một câu hỏi đặt ra, làm thế nào để tăng tính hiệu quả khi thực hiện chiến dịch quảng cáo [Marketing] trên mạng xã hội, Google, và website (quảng cáo mạng lưới)?

Câu trả lời là phải xây dựng nền tảng! Nếu thiếu nền tảng hoặc nền tảng không tốt thì sẽ rất khó đạt hiệu quả.

  1. Đầu tiên là phải có website về sản phẩm – có thể kiêm bán hàng (website thương mại điện tử). Nếu có nhiều sản phẩm, có thể đầu tư 1 sản phẩm/1 website và xây dựng trang website bán hàng riêng.
  2. Fanpage – cập nhật nội dung bài viết, hình ảnh và video định kỳ.
  3. Các Banner phục vụ quảng cáo Online.

Trong những bài viết sau, mình sẽ đề cập đến tầm quan trọng của nội dung liên quan đến quảng cáo và truyền thông sản phẩm dược (TPBVSK), các hình thức chạy quảng cáo thông qua hệ thống quảng cáo mạng lưới tại Việt Nam, Marketing (quảng cáo) thông qua sách, điểm nhấn Marketing trong xây dựng công thức thành phần sản phẩm, cũng như xây dựng kế hoạch Marketing cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang