Tác giả: Carlos Roa
Trong tất cả các diễn ngôn về chính sách đối ngoại, hầu như không có một ghi chú nào thâm căn cố đế hoặc gây hiểu lầm hơn so với sự so sánh ngớ ngẩn giữa nền kinh tế Nga với nền kinh tế Ý.
Cụm từ này, lần đầu tiên được thượng nghị sĩ Lindsey Graham đưa ra năm 2014, đã trở thành một thứ gì đó như búa tạ đối với các chính trị gia và nhà bình luận phương Tây: “Hàm ý là nền kinh tế Nga yếu kém và vô giá trị trước sức mạnh tập thể của phương Tây”. Cụm từ này đã định hình cách tiếp cận của chúng ta với Nga và đã đến lúc phải từ bỏ nó.
Nếu nền kinh tế Nga có thực sự nhỏ bé và vô dụng như các số liệu thống kê miêu tả, liệu nó có sống sót sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Vì sao lời hứa kinh tế Nga “co lại một nửa” của tổng thống Joe Biden không bao giờ thành hiện thực? Chẳng phải Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire đã nói trên đài phát thanh rằng mục tiêu của phương Tây là “tiêu diệt nền kinh tế Nga và buộc Moscow phải khuất phục” hay sao?
Làm thế nào mà một quốc gia có nền kinh tế được cho là có quy mô như Ý lại có thể tạo ra ảnh hưởng toàn cầu đến mức ngay cả Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen gần đây cũng thừa nhận rằng, chính các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đe dọa quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ?
Trên lý thuyết, quan sát của thượng nghị sĩ Graham có vẻ đúng: Nga và Ý gần bằng nhau về GDP, vốn là thước đo yêu thích về quy mô và sức mạnh của nền kinh tế quốc gia kể từ thế chiến 2.
Con số này có được bằng cách cộng tổng giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất hoặc bán ở một quốc gia, trong một khoảng thời gian nhất định. GDP danh nghĩa của Nga là khoảng 2,29 nghìn tỷ USD vào năm 2013, trong khi của Ý là khoảng 2,14 nghìn tỷ USD, theo ngân hàng thế giới. Và mới gần đây, vào năm 2021, GDP danh nghĩa của Nga đã giảm xuống còn 1,78 nghìn tỷ USD so với 2,11 nghìn tỷ USD của Ý.
Tuy nhiên, lỗi chính xác nằm ở chỗ so sánh GDP danh nghĩa, không tính đến tỷ giá hối đoái hoặc sức mua tương đương (PPP) được điều chỉnh theo mức sống và năng suất (và do đó là của cải bình quân đầu người và quan trọng nhất là sử dụng tài nguyên).
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Pháp Jacques Sapir đã ghi nhận nhược điểm của phương pháp này. Theo ông, GDP của Nga, khi được tính theo PPP (3,74 nghìn tỷ đô la năm 2013 và 4,81 đô la năm 2021), gần với GDP của Đức (3,63 nghìn tỷ đô la năm 2013, 4,85 đô la năm 2021) – so với Ý (2,19 nghìn tỷ đô la năm 2013, 2,74 đô la năm 2021).
Sự khác biệt là rất cơ bản, và thực tế là rất nhiều người lặp đi lặp lại so sánh giữa Nga và Ý như một con vẹt là vừa khó hiểu – vừa đáng báo động.
Nhưng ngay cả những con số PPP cũng không cho thấy mức độ thực sự của sức mạnh kinh tế của Nga. Bản thân Sapir, trong một bài viết cho Tạp chí chính trị American Affairs, đã lưu ý rằng, ngay cả việc điều chỉnh PPP “có thể không phản ánh đầy đủ tầm quan trọng của nền kinh tế Nga khi các vấn đề chiến lược và địa chính trị đang bị đe dọa”.
Sapir chỉ ra rằng trong nửa thế kỷ qua, nền kinh tế phương Tây đã bị chi phối bởi lĩnh vực dịch vụ, mặc dù chắc chắn được đưa vào tính toán GDP, nhưng đã mất đi tầm quan trọng trong thời đại xung đột.
Trong những thời kỳ như vậy, việc sản xuất hàng hóa vật chất rất quan trọng và theo chỉ số này, nền kinh tế Nga không chỉ mạnh hơn nền kinh tế Đức mà còn mạnh hơn gấp đôi nền kinh tế Pháp.
Ngoài ra, vị trí hàng đầu của Nga trong thương mại năng lượng và hàng hóa thế giới với tư cách là nhà sản xuất chính về dầu mỏ, khí đốt, bạch kim, coban, vàng, niken, phốt phát, sắt, lúa mì, lúa mạch, kiều mạch, yến mạch, phân bón … trên thị trường thế giới và làm cho nó ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Thực tế này đã không thoát khỏi sự chú ý của một số quốc gia ở nam bán cầu.
Mặc dù thượng nghị sĩ Graham đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi so sánh Nga với Ý, nhưng ông ấy phần nào được bào chữa bởi thực tế rằng, ông ấy là một chính trị gia.
Tuy nhiên, lời biện minh này không có sẵn đối với một số nhà kinh tế và chuyên gia chính sách đối ngoại, những người đã đi theo con đường tương tự trong nhiều năm nay.
Tuy nhiên, do sức hấp dẫn của lĩnh vực dịch vụ ở phương Tây, theo cách riêng của nó, so sánh kinh tế giữa Nga và Ý của các chuyên gia này không có gì đáng ngạc nhiên.
Sự tăng trưởng ấn tượng của khu vực thâm dụng vốn, cùng với sự giàu có và năng suất danh nghĩa của nó, đã thuyết phục Washington và phương Tây không chỉ chấp nhận nó, mà còn ủng hộ nó về mặt chính trị, văn hóa và ý thức hệ.
Do đó, người Mỹ đặc biệt tự hào về sự thành công của những gã khổng lồ công nghệ và coi họ là động lực của sự đổi mới, tăng trưởng và uy tín quốc gia.
Internet và các ứng dụng điện thoại thông minh khác nhau được nhiều người xem là một yếu tố dân chủ sâu sắc, xem chúng là nền tảng dẫn dắt các giá trị của Mỹ và là phương tiện để hiện thực hóa lợi ích quốc gia của Mỹ.
Lực hấp dẫn này đối với lĩnh vực dịch vụ đang khiến các ngành sử dụng nhiều lao động trong quá khứ – năng lượng, nông nghiệp, khai thác tài nguyên và sản xuất – bị xem là lỗi thời.
Nhưng vì quan điểm méo mó này, chúng ta đã trở nên thiếu chuẩn bị cho một thế giới mà của cải vật chất lại đóng vai trò quyết định. Bằng chứng về điều này là những gian khổ và khó khăn của chúng ta trong bối cảnh xung đột Ukraine.
Cuộc xung đột đã phơi bày “sự thiếu hụt đáng báo động về năng lực sản xuất ở Mỹ”. Tại Châu Âu, nước Anh mất 10 năm để “bổ sung kho dự trữ vũ khí đã viện trợ cho Ukraine và khôi phục kho vũ khí của Anh ở mức có thể chấp nhận được”.
Khi bị cắt nguồn năng lượng giá rẻ của Nga, đến lượt EU phải đối mặt với viễn cảnh khủng khiếp của quá trình phi công nghiệp hóa nhanh chóng.
Đã đến lúc nhận ra rằng, chúng ta đánh giá thấp quy mô và sức mạnh tương đối của các đối thủ kinh tế – đặc biệt là Nga. Các nhà hoạch định chính sách cũng nên xem xét lại cách tiếp cận hiện tại của họ để quản lý nền kinh tế quốc gia: Các biện pháp trừng phạt hoàn toàn không phải là thuốc chữa bách bệnh, đặc biệt là đối với một quốc gia có sức mạnh kinh tế đáng gờm như Nga.
Nhưng trước tiên, chúng ta hãy thề sẽ không bao giờ lặp lại rằng nền kinh tế Nga có “quy mô của Ý”.
Hình minh họa: Putin, tổng thống Nga. Ảnh: RIA