Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố vào ngày 14 tháng 7 năm 2023 rằng, chất tạo ngọt tổng hợp được sử dụng rộng rãi – aspartame có thể gây ung thư, trên cơ sở “bằng chứng hạn chế về ung thư ở người”.
Nhưng WHO cũng kết luận rằng, dữ liệu hiện có cho thấy, mức tiêu thụ khuyến cáo hiện tại là có thể chấp nhận được.
The Conversation đã hỏi nhà dịch tễ học về bệnh mãn tính Paul D. Terry, chuyên gia y tế công cộng Jiangang Chen và chuyên gia dinh dưỡng Ling Zhao, tất cả đều đến từ Đại học Tennessee về sự an toàn của chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame.
1. Vì sao chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame được xếp vào loại chất ‘có thể’ gây ung thư?
Aspartame là chất tạo ngọt tổng hợp được thêm vào trong nhiều loại thực phẩm, kẹo, kẹo cao su và đồ uống (nước ngọt Coca Cola, Pepsi, Soda dành cho người ăn kiêng).
Bởi vì aspartame ngọt hơn khoảng 200 lần so với đường mía, nên một lượng nhỏ aspartame được thêm vào thực phẩm để giảm lượng calo tiêu thụ. NutraSweet và Equal là những thương hiệu nổi tiếng về chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame, được bán dưới dạng gói cho sử dụng riêng lẻ.
Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, một đơn vị trực thuộc WHO, đã đánh giá các phát hiện từ cả nghiên cứu trên người và động vật về chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame và ung thư.
Nhóm ghi nhận một số mối liên hệ tích cực giữa tiêu thụ chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame và ung thư biểu mô tế bào gan – một dạng ung thư gan.
Sự phân loại mức độ bằng chứng cho một tác nhân có thể gây ung thư của WHO là: “Đủ”, “hạn chế”, “không đầy đủ” hoặc “cho thấy không có khả năng gây ung thư”.
Bằng chứng “hạn chế”, liên quan đến thông báo mới của WHO về chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame, có nghĩa là, mặc dù có một số bằng chứng về mối liên hệ, nhưng bằng chứng đó không thể được coi là “đủ” để suy ra mối quan hệ nhân quả.
Cuối cùng, nhóm đã kết luận rằng, một số yếu tố hạn chế có thể giải thích mối liên hệ tích cực trong các nghiên cứu đó.
Chúng bao gồm số lượng nhỏ các nghiên cứu trên người hiện có, sự phức tạp của việc nghiên cứu hành vi ăn kiêng của mọi người và khả năng sai lệch có thể từ các yếu tố, như những người có nguy cơ cao hơn.
Ví dụ, những người mắc bệnh tiểu đường thường lựa chọn các sản phẩm ăn kiêng thường xuyên hơn, đồng nghĩa với việc tiêu thụ nhiều chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame nhiều hơn người bình thường.
Vì vậy, việc phân loại “bằng chứng hạn chế” ngụ ý, cần có các nghiên cứu bổ sung để có thể đưa ra kết luận đầy đủ hơn.
Chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame được tìm thấy trong nhiều sản phẩm: Soda ăn kiêng, nước ngọt Coca Cola (Pepsi) dành cho người ăn kiêng, kem, ngũ cốc, kem đánh răng và thậm chí một số loại thuốc.
2. Các hướng dẫn hiện tại về hàm lượng tiêu thụ chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame là gì?
Ủy ban chuyên gia hỗn hợp về phụ gia thực phẩm của Tổ chức nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), một ủy ban quốc tế gồm các nhà khoa học được điều hành bởi cả WHO và Liên Hợp Quốc, khuyến nghị mức tối đa hằng ngày là: 40 miligam chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.
Hàm lượng chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame hằng ngày này, tương đương khoảng 8 đến 12 lon nước ngọt, hoặc khoảng 60 gói aspartame, cho một người nặng 132 pound (60 kg).
Đối với một đứa trẻ nặng 33 pound (15 kg), mức tiêu thụ tối đa từ 2 đến 3 lon nước ngọt có chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame mỗi ngày, hoặc khoảng 15 gói aspartame.
3. WHO có thay đổi khuyến nghị hàm lượng tiêu thụ aspartame hằng ngày?
Độc lập với hội đồng chuyên gia về ung thư, nhóm an toàn thực phẩm cũng đánh giá các bằng chứng sẵn có và kết luận rằng, không có “bằng chứng thuyết phục” nào từ các nghiên cứu trên động vật hoặc người cho thấy, việc tiêu thụ chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame gây ra tác dụng phụ trong giới hạn khuyến cao hằng ngày như hiện tại.
Dựa trên các đánh giá về kết quả của cả 2 nhóm, giám đốc Ban dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO tuyên bố rằng, “mặc dù tính an toàn không phải là mối quan tâm chính” ở liều lượng chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame thường được sử dụng, nhưng “tác dụng tiềm ẩn đã được được mô tả, cần phải được nghiên cứu thêm”.
Điều quan trọng cần lưu ý, những người mắc chứng rối loạn di truyền hiếm gặp được gọi là ‘Phenyl Keton niệu’, hay PKU, nên tránh hoặc hạn chế sử dụng chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame.
4. Vì sao 2 nhóm đồng thuận, lại đưa ra 2 kết luận khác nhau?
Không có gì lạ, khi các nhóm có sự đồng thuận về khoa học, lại diễn giải kết quả khác nhau, đưa ra kết luận khác nhau. Bởi vì, cách phân loại rủi ro thường khác nhau.
Trong khi quan điểm của nhóm chuyên gia về ung thư của WHO có vẻ lo ngại về nguy cơ gây ung thư của chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame hơn so với quan điểm của Ủy ban an toàn thực phẩm.
Bởi vì, không giống như nhóm ung thư, Ủy ban an toàn thực phẩm xem xét rủi ro của aspartame ở mức tiêu thụ cụ thể.
WHO nói chung, tiếp tục hỗ trợ các khuyến nghị hiện tại của Ủy ban an toàn thực phẩm về lượng aspartame được phép tiêu thụ hằng ngày lên tới 40 miligam trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.
Đáng chú ý, lượng tiêu thụ tối đa hằng ngày được khuyến nghị của Ủy ban vẫn thận trọng hơn mức cho phép tối đa hằng ngày được khuyến nghị của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hiện tại là 50 miligam chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame trên mỗi kg trọng lượng cơ thể/ngày.
5. Aspartame so với các chất tạo ngọt khác như thế nào?
Các chất thay thế cho aspartame bao gồm các chất tạo ngọt tổng hợp khác như saccharin và sucralose, rượu đường như sorbitol và xylitol, chất tạo ngọt không đường có nguồn gốc tự nhiên như Stevia (cỏ ngọt) và các loại đường đơn giản, chẳng hạn như đường mía, củ cải đường và mật ong.
Tuy nhiên, giống như chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame, nhiều chất tạo ngọt này có liên quan đến ‘việc phát triển ung thư’. Danh sách này bao gồm acesulfame kali, hoặc Ace-K, một chất thay thế đường tổng hợp không chứa calo.
Sự sẵn có của nhiều loại chất tạo ngọt tổng hợp đã được phê duyệt có vẻ như là một điều tốt, nhưng việc nghiên cứu rủi ro khi tiêu thụ chất tạo ngọt tổng hợp là một thách thức, vì mọi người có chế độ ăn uống và lối sống khác nhau – phức tạp.
6. Vậy người tiêu dùng nên làm gì?
Hiện tại, như trường hợp của chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame, những chất tạo ngọt này vẫn được phép sử dụng cho người, vì không có đủ bằng chứng để chứng minh mối liên hệ với bệnh ung thư, đúng hơn là bằng chứng hạn chế.
Và, như Mayo Clinic đã lưu ý, chất tạo ngọt tổng hợp có thể đóng vai trò có lợi cho một số người đang tìm cách kiểm soát cân nặng hoặc kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy rằng, đường có thể gây nghiện đối với một số người.
Khi đưa ra quyết định về việc tiêu thụ chất tạo ngọt tổng hợp, người tiêu dùng nên xem xét các yếu tố như sở thích mùi vị, trọng lượng và bộ phận cơ thể, tình trạng và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, phản ứng dị ứng có thể xảy ra.
Một điều rõ ràng là: Các nghiên cứu khoa học về tiêu thụ chất tạo ngọt tổng hợp – aspartame sẽ tiếp tục, và điều quan trọng đối với cả người tiêu dùng và cộng đồng khoa học là cân nhắc các rủi ro tiềm ẩn đối với chất tạo ngọt tổng hợp này.
Tác giả:
1. Paul D.Terry, Giáo sư dịch tễ học, Đại học Tennessee
2. Jiangang Chen, Phó giáo sư y tế công cộng, Đại học Tennessee
3. Ling Zhao, Giáo sư dinh dưỡng, Đại học Tennessee