Vì Sao Eo Biển Nhỏ Bab al Mandeb Lại Quan Trọng Như Vậy?

Vị trí của Eo biển Bab al Mandeb nằm trên 1 trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng của thế giới, lịch sử của Bab al Mandeb

Eo biển Bab al Mandeb trên Biển Đỏ. Ảnh USA Today

Tác giả: Tom Metcalfe

Bab al Mandeb là một nút thắt địa lý nhỏ ở Biển Đỏ, với tầm ảnh hưởng to lớn đến các vấn đề thế giới: Đây là chìa khóa để kiểm soát hầu hết mọi hoạt động vận chuyển giữa Ấn Độ Dương và Biển Địa Trung Hải qua Kênh đào Suez.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hoạt động vận chuyển thương mại ở Bab al Mandeb của lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen, đã thúc đẩy sự xuất hiện của tàu chiến từ nhiều quốc gia để tuần tra khu vực, trong khi các tàu thương mại khác đang chọn đi tuyến đường dài hơn, đắt tiền hơn và nguy hiểm hơn để đi đến Địa Trung Hải.

Và mặc dù Eo biển Bab al Mandeb hiện đang gây chú ý, nhưng nó cũng đóng một vai trò to lớn trong lịch sử loài người – đây là những điều bạn nên biết.

Chính xác thì Bab al Mandeb là gì?

Bab al Mandeb là một eo biển rộng 20 dặm (32,1869 km), dài 70 dặm (112,654 km) giữa Sừng Châu Phi và mũi phía nam của Bán đảo Ả Rập, tạo thành lối vào phía nam của Biển Đỏ từ Vịnh Aden và Ấn Độ Dương. Các quốc gia như Eritrea và Djibouti giáp Bab al Mandeb ở phía tây, Yemen nằm ở rìa phía đông.

Một hòn đảo tên là Perim (còn được gọi là Mayyun) nổi bật tại phần hẹp nhất của Eo biển Bab al Mandeb ở phía Yemen, và Quần đảo Bảy Anh Em (Seven Brothers Islands) nằm rải rác kéo dài từ Djibouti, cách xa hơn vài dặm về phía nam.

Làm thế nào và tại sao nó có tên là Bab al Mandeb?

Cái tên Bab al Mandeb có nghĩa là “Cổng nước mắt” hay “Cổng đau buồn” trong tiếng Ả Rập, từ “bab” có nghĩa là “cổng” và “mandeb” (hoặc “mandab”) có nghĩa là “than thở” hay “than vãn”.

Tên của nó dường như đề cập đến sự nguy hiểm khi di chuyển trên tuyến đường thủy hẹp, nơi đầy rẫy các dòng chảy chéo, gió khó lường, rạn san hô và bãi cạn.

Nhiều con tàu trong nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ qua, đã bị đắm ở Bab al Mandeb, và những con tàu hiện đại cũng phải đối mặt với sự nguy hiểm của ‘mìn dưới biển’ từ các cuộc xung đột trong quá khứ.

Tại sao Bab al Mandeb là điểm nóng?

Một nhóm phiến quân Yemen được gọi là Houthi – được lấy tên từ người sáng lập Hussein al-Houthi, bắt đầu cuộc nổi dậy vào năm 2004 chống lại chính phủ chính thức của Yemen, mà họ cáo buộc đứng về phía Ả Rập Saudi (Saudi Arabia) để chống lại họ. Kể từ năm 2014, Lực lượng Houthi đã kiểm soát thủ đô Sanaa và phần lớn phía tây và phía nam Yemen.

Lực lượng Houthi chủ yếu là người Hồi giáo Shia có mối liên hệ với Iran, quốc gia đã tài trợ cho cuộc nổi dậy của họ, chống lại chính phủ Hồi giáo Sunni chiếm đa số ở Yemen và các cuộc tấn công vào Ả Rập Saudi (Hồi giáo Sunni).

Vào cuối năm 2023, Lực lượng Houthi tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu vào các tàu ở Bab al Mandeb để hỗ trợ Hamas do Iran hậu thuẫn – hiện đang tham gia cuộc chiến ở Gaza với Israel.

Lực lượng Houthi kể từ đó đã bắn tên lửa vào một số tàu trong Eo biển Bab al Mandeb cũng như bắn tên lửa vào Israel.

Có bao nhiêu chuyến hàng vận chuyển qua Eo biển Bab al Mandeb giữa Châu Âu và Châu Á?

Bab al Mandeb, Biển Đỏ và Kênh đào Suez đều là những tuyến đường kết nối quan trọng, dọc theo tuyến đường vận chuyển quan trọng của thế giới – giữa Châu Á và Châu Âu.

Tổ chức hàng hải quốc tế (The International Maritime Organization) ước tính có tới 1/4 lượng hàng hóa vận chuyển trên thế giới đi qua tuyến đường này, tương đương với vài tỷ tấn hàng hóa mỗi năm.

Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ (the U.S. Energy Information Administration) ước tính có khoảng 4,5 triệu thùng dầu mỗi ngày có nguồn gốc từ Vịnh Ba Tư và các nước Châu Á đi qua Eo biển Bab al Mandeb.

Tầm quan trọng thời tiền sử của Eo biển Bab al Mandeb là gì?

Hầu hết các ‘nhà nhân học’ ngày nay ủng hộ một lý thuyết “Ra khỏi Châu Phi” (“Out of Africa”) được gọi là lý thuyết “Nguồn gốc Châu Phi gần đây” (“Recent African Origin”), cho rằng, loài người hiện đại Homo sapiens đã tiến hóa ở Đông Phi khoảng 150.000 năm trước.

Từ đó, Homo sapiens di cư vào Trung Đông, Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ, thay thế các loài hominin khác, đã sống tại các khu vực đó.

Nếu đúng như vậy thì cuộc di cư cổ xưa từ vùng Sừng Châu Phi vào Bán đảo Ả Rập có thể là bước đi đầu tiên của họ – và một số nhà khoa học đề xuất rằng, Eo biển Bab al Mandeb hẹp có thể từng là cầu nối đất liền giữa hai khu vực trong ít nhất một vài năm – do mực nước biển dao động.

Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2006 chỉ ra rằng, không có cây cầu đất liền nào bắc qua Bab al Mandeb tồn tại trong vài triệu năm, nhưng một nghiên cứu gần đây đề xuất rằng, biển giữa 2 khu vực quá hẹp đến mức có thể dễ dàng vượt qua bằng cách trôi dạt hoặc bơi lội.

Tầm quan trọng của Eo biển Bab al Mandeb trong thời hiện đại là gì?

Eo biển Bab al Mandeb nổi tiếng là nơi vượt biển đầy nguy hiểm ở rìa thế giới Địa Trung Hải trong nhiều thiên niên kỷ. Người ta biết rằng, sự giàu có của Ấn Độ và Viễn Đông không phụ thuộc vào nó, nhưng eo biển là một rào cản đáng sợ và các tuyến đường bộ thường an toàn hơn.

Tuy nhiên, “Cổng đau buồn” (Eo biển Bal al Mandeb) đã đạt được tầm quan trọng toàn cầu mới sau năm 1869, với việc mở Kênh đào Suez ở Ai Cập, nối liền Vịnh Suez ở phía tây bắc Biển Đỏ với Biển Địa Trung Hải.

Kênh đào Suez đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể hoạt động vận chuyển hàng hóa ở Biển Đỏ và qua Eo biển Bab al Mandeb, đồng thời nó nhanh chóng trở thành tuyến đường vận chuyển được ưa thích giữa Châu Âu và Châu Á.

Đế quốc Anh đã chiếm đảo Perim ở Eo biển Bab al Mandeb trong Chiến tranh Napoléon, và nhiều thập kỷ sau vào năm 1856, lo sợ sự trỗi dậy của Pháp thông qua kênh đào do Pháp xây dựng (đang xây dựng) vào thời điểm đó, Anh đã chiếm đóng hoàn toàn hòn đảo, đóng quân ở đó.

Anh chủ yếu sử dụng đảo Perim làm trạm tiếp nhiên liệu cho các tàu hơi nước chạy bằng than, đến và đi từ căn cứ hải quân của nước này tại Aden, một thành phố cảng trên bờ biển phía nam Yemen, cách Eo biển Bab al Mandeb khoảng 100 dặm (160,934 km) về phía đông.

Sự hiện diện của Anh trong khu vực tiếp tục cho đến cuối những năm 1960, khi đảo Perim được bàn giao cho những người cai trị miền nam Yemen.

Miền nam sau đó được Khối cộng sản hậu thuẫn, trong khi Ai Cập ủng hộ chế độ ở miền bắc Yemen. Hai bên đã trải qua một cuộc nội chiến gay gắt cho đến khi chính thức thống nhất vào năm 1990.

Vai trò của Eo biển Bab al Mandeb kể từ những năm 1960 là gì?

Eo biển Bab al Mandeb đã trở thành điểm nóng toàn cầu trong những thập kỷ gần đây, vì lượng lớn thương mại và dầu mỏ đi qua đó.

Một số cường quốc thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, hiện đang duy trì các căn cứ quân sự lớn phần Eo biển thuộc về Djibouti, được cho là để ngăn chặn Bab al Mandeb trở thành nạn nhân của các hành động thù địch.

Cuộc xung đột mới nhất ở Israel không phải là cuộc xung đột đầu tiên liên quan đến Bab al Mandeb.

Năm 1973, sau Chiến tranh Yom Kippur, các thành viên Ả Rập của Tổ chức OPEC đã tuyên bố phong tỏa các tàu chở dầu từ Iran đến Israel, quốc gia khi đó được cai trị bởi chế độ Shah thân phương Tây.

Đừng bỏ lỡ: Cuộc Chiến Yom Kippur 1973, Xung Đột Do Thái Và Thế Giới Ả Rập

Các tàu Ai Cập thực thi lệnh phong tỏa Eo biển Bab al Mandeb và buộc lùi nhiều tàu chở dầu, cho đến khi eo biển này được mở lại vài tháng sau đó. Các sự kiện nêu bật tầm quan trọng địa chính trị đang diễn ra của Eo biển Bab al Mandeb và tác động quan trọng của nó đối với nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang