Nhu cầu khí đốt của Châu Âu?

EU đang tìm cách thay thế khí đốt của Nga, nhưng điều này là không dễ dàng, tương lai của dự án đường ống khí đốt Nordstream

Nhu cầu khí đốt của EU

Năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 140 tỷ mét khối khí đốt từ Nga, tương đương 380 triệu mét khối/ngày qua đường ống. Trong khi đó, tổng xuất khẩu khí đốt của Nga đến châu Âu khoảng 174,3 tỷ mét khối (nhiều nước châu Âu không thuộc EU).

Cộng thêm nhập khẩu 15 tỷ mét khối khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Nga, tổng cộng, năm 2021, tổng nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga là 155 tỷ mét khối. Con số này chiếm 45% tổng nhập khẩu khí đốt của EU và chiếm khoảng 40% tổng tiêu dùng khí đốt của EU.

Chiến lược thay thế khí đốt Nga

EU đã lên kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga trước 2030. Để làm điều này, họ phải tìm nhà cung cấp khí đốt và LNG mới, cũng như tăng sản lượng từ các nhà cung cấp khác ngoài Nga.

Tuy nhiên, rủi ro cho điều này là giá sẽ cao hơn. Đó là một sự đánh đổi. Sử dụng khí đốt Nga vừa sạch và vừa rẻ, nhưng EU không thích điều này.

EU đã tìm cách tăng lượng LNG nhập khẩu từ Mỹ và châu Á. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra gây trở ngại là EU đang thiếu các cảng chuyên cho LNG và kho chứa LNG. Ngoài ra, năng lực cung cấp LNG của Mỹ và các nước châu Á sẽ khó lòng đáp ứng nhu cầu của EU trong ngắn và trung hạn.

EU đã tìm đến châu Phi (Algeria) để mở rộng nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, năng lực và đầu tư dự án đường ống cần thời gian.

Chiến lược của Putin – buộc EU phải cúi đầu

Chắc chắn Putin sẽ không cắt hoàn toàn khí đốt đến châu Âu. Ông ấy sẽ viện cớ “vụ Tuabin” và vấn đề về kỹ thuật để giảm nguồn cung khí đốt.

Ngày 25 tháng 7 năm 2022, tập đoàn năng lượng Gazprom đã thông báo sẽ giảm lưu lượng khí đốt qua Nord Stream xuống còn 20% so với mức lưu lượng 40% từ tháng 06 vì vấn đề bảo dưỡng tubin.

Đến tháng 07 năm 2022, EU mới tích trữ 65% cho nhu cầu khí đốt phục vụ mùa đông sắp tới. Mục tiêu của họ, đến ngày 1 tháng 10, phải lấp đầy 80% và đến tháng 11 là 90%. Tuy nhiên, điều này thật sự là khó khăn. Vì Nga đã giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống.

Để đối phó với điều này, ngày 26 tháng 07 năm 2022, EU đã đề xuất thành viên tự nguyện giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 năm 2022 đến tháng 03 năm 2023. Ba Lan, Hungary đã lên tiếng phản đối.

Hungary tích trữ khí đốt chưa đến 50%, trong khi Ba Lan đã tích trữ đến 90%. Ba Lan không muốn chia sẽ khí đốt của mình cho các thành viên EU còn lại. Thủ tướng Viktor Orban của Hungary và Putin có mối quan hệ hữu nghị, nên có thể Hungary sẽ không gặp vấn đề về khí đốt.

Để thông qua kế hoạch giảm 15% khí đốt, cần ít nhất 72% thành viên hội đồng EU đại diện cho ít nhất 65% dân số của khối thông qua.

Dòng chảy phương bắc 2 sẽ sớm được chấp thuận

Putin đã đi nước cờ cực kỳ điêu luyện khi ra lệnh giảm nhưng không cắt lưu lượng khí đốt đến châu Âu.

Vấn đề là mùa đông đang đến gần, rất gần.

Hiện tại là mùa hè, người châu Âu có thể chịu nóng một chút, nhưng đương đầu với cái lạnh mùa đông là chuyện khác.

Bạn có thể tưởng tượng, cái lạnh của châu Âu gấp 100 lần đà lạt. Nếu sống tại Đà Lạt thiếu máy nước nóng, không biết bạn có dám tắm không?

Chắc chắn, châu Âu sẽ khó lòng tích trữ đủ khí đốt cho mùa đông. Các thành viên EU đã tích trữ đủ khí đốt không muốn san sẽ với các thành viên còn lại. Điều này sẽ làm mất đoàn kết nội bộ EU. Chắc chắn sẽ là như vậy. Đó là điểm thứ 1.

Điểm thứ 2, các thành viên chưa tích trữ đủ sẽ tìm đến Nga để thương lượng.

Điểm thứ 3, Đức là nước dẫn dắt EU, nhưng chỉ mới tích trữ khoảng 68% để chuẩn bị cho mùa đông. Chuyện gì xảy ra, nếu các thành viên khác không chia sẽ với Đức? Đức sẽ cúi đầu trước Nga? Nếu không chính phủ có thể sụp đổ?

Các nước EU thật sự đang hoảng loạn và mất đoàn kết. Nhiều nước đã ra yêu cầu tiết kiệm năng lượng nơi công cộng, chẳng hạn Pháp, Đức.

Đến tháng 11, tức gần đến mùa Đông, EU sẽ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

Lúc đó, Nga sẽ yêu cầu Đức và EU chấp thuận dòng chảy phương bắc 2 – Nord Stream 2.

Thế cờ đã định, EU đang thiếu lá bài để chống lại Nga.

Nếu không ngồi vào bàn đàm phán với Nga, một là EU sẽ phải đương đầu với mùa đông, người dân thiếu khí đốt để sưởi ấm. Ngoài ra, thiếu khí đốt đồng nghĩa với thiếu điện, 20% năng lượng điện của EU đến từ khí đốt.

Hơn nữa, hiện tại lạm phát tại nhiều quốc gia EU đang rất cao. Điều này đồng nghĩa đời sống người dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Làm sao họ có thể chịu đựng được tất cả những điều này?

Thế cờ của Putin buộc EU phải ngồi vào bàn đàm phán.

Rõ ràng, Putin đã không dùng chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh trong quân sự và cả khí đốt.

Ông ấy đã dùng lá bài năng lượng để chống lại các lệnh trừng phạt từ EU. Putin cứ tà tà, tà tà làm suy yếu và chia rẽ nội bộ của đối thủ.

Tác giả: Nguyễn Văn Trị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang