Chúng ta luôn đặt câu hỏi thế nào là một sản phẩm có chất lượng? Hiển nhiên một sản phẩm chất lượng nên trải qua 7 bước trong quy trình xây dựng và phát triển nó, bao gồm: 1. Lên ý tưởng phát triển sản phẩm, 2. Sàng lọc, lựa chọn ý tưởng, 3. Thử nghiệm các Concept, 4. Xây dựng chiến lược Marketing, 5 Tính toán chi phí-lợi nhuận, 6. Thử nghiệm trên thị trường, 7. Thương mại hoá.
Và, một sản phẩm chất lượng là sản phẩm tự thân nó được người tiêu dùng đánh giá và mang lại giá trị cho khách hàng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có công nghệ sản xuất phù hợp để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Chúng ta nghe rất nhiều về hai chữ “công nghệ” và cứ nhầm tưởng rằng cứ công nghệ là liên quan tới thông tin điện tử, hay gắn mác công nghệ với công nghệ thông tin điện tử, mà không biết, từ xưa đến nay đã có rất nhiều yếu tố công nghệ trong đời sống và các lĩnh vực khác nhau đều có yếu tố công nghệ.
Công nghệ, hiểu theo nghĩa gốc từ Hy Lạp là nghệ thuật ứng dụng khoa học (technology : technee + logia = nghệ thuật + khoa học).
Còn trong tiếng Hán (là danh từ chỉ tài năng, kĩ thuật, học vấn, đều gọi là nghệ, như: “công nghệ” 工藝, “kĩ nghệ” 技藝.
Đời xưa cho “lễ” 禮, “nhạc” 樂, “xạ” 射 bắn, “ngự” 御 cầm cương cưỡi ngựa, “thư” 書 viết, “số” 數 học về toán là “lục nghệ” 六藝.
Còn một nghĩa khác động từ “nghệ” chỉ sự vun trồng, trồng trọt, cắt tỉa ngũ cốc. Do vậy khi bàn đến nền tảng công nghệ là bao gồm tất cả những gì cần thiết, từ kiến thức đến phương pháp, tổ chức quy trình và các công cụ để biến tri thức, khám phá khoa học thành đóng góp thực tiễn cho đời sống.
Một bên thiên về kỹ thuật (technique) nghĩa là cách thức thực hiện các công việc cụ thể đòi hỏi những kỹ năng, thông thạo thủ thuật nhà nghề và đạt được kinh nghiệm nhất định.
Nên làm chủ công nghệ của doanh nghiệp chính là khả năng đều đặn đưa ra thị trường những sản phẩm mới lẫn những sản phẩm được hoàn chỉnh, cải tiến thường kỳ, ngày càng hoàn thiện.
Khẳ năng làm chủ công nghệ của doanh nghiệp hỗ trợ tích cực cho mong muốn làm chủ cuộc sống của người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải thường kỳ đổi mới và cải tiến sản phẩm cung ứng để chứng minh khả năng làm chủ công nghệ của mình, bởi người tiêu dùng vốn cũng đòi hỏi sở hữu đều đặn những sản phẩm mới trong tiến trình mua sắm.
Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tức là doanh nghiệp có trong tay những nghiệp vụ chuyên môn đến năng lực lõi của riêng mình để mang đến cho thị trường những sản phẩm mới luôn được cải tiến, hoàn thiện, đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng. Đó chính là con đường phát triển bền vững nhất cho doanh nghiệp.