Uranium và Wagner: Cánh Tay Nối Dài Của Putin

Niger xích lại gần Nga khiến phương tây lo lắng. Châu Âu nhập khẩu 25% uranium từ Niger. Nga chiếm gần ½ công suất làm giàu Uranium của thế giới

Người dân châu Phi cầm cờ Nga. Ảnh FT

Cuộc đảo chính ở Niger là một chiến thắng cho Putin, châu Âu đã thực sự mất châu Phi.

Arlit, một thành phố buồn tẻ ở rìa phía nam của sa mạc Sahara, đột nhiên trở thành điểm khởi đầu cho một trận chiến địa chính trị mới để kiểm soát uranium, nhiên liệu cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp hạt nhân.

Tại đây, trong vùng đất khô cằn của miền bắc Niger, các nhà địa chất Pháp đã phát hiện ra chất phóng xạ này vào những năm 1950. Kể từ đó, Pháp đã khai thác uranium của Niger – thuộc địa cũ của họ, biến Niger thành nhà sản xuất uranium lớn thứ 7 thế giới. Vào năm 2022, các mỏ ở khu vực Arlit chiếm 25% lượng uranium nhập khẩu vào các nước EU.

Nhưng do hậu quả của một cuộc đảo chính ở Niger – quốc gia nghèo châu Phi này, nguồn cung uranium đối với Pháp và châu Âu đang bị đe dọa.

Uranium ít xuất hiện trên các tiêu đề báo chí so với dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hoặc thậm chí là than đá, nhưng nó đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong một thế giới đang cần năng lượng phi carbon.

Trong khi Điện Kremlin dường như không liên quan trực tiếp đến cuộc đảo chính ở Niger, bộ máy tuyên truyền của Nga vẫn tiếp tục thúc đẩy ‘tình cảm chống Pháp và Mỹ’ trên khắp vùng hạ Sahara Sahel.

Không có gì ngạc nhiên khi kể từ năm 2020, các vùng lãnh thổ này đã chứng kiến ​​làn sóng đảo chính, bao gồm ở Burkina Faso, Chad, Guinea, Mali và Sudan.

Tại thủ đô Niamey của Niger, đám đông những người ủng hộ đảo chính vẫy cờ Nga để phản đối chủ nghĩa đế quốc Pháp.

Người đứng đầu PMC “Wagner”, Yevgeny Prigozhin hoan nghênh chính quyền quân sự ở Niger. Các chiến binh Wagner cũng đang tiến hành các hoạt động đảm bảo an ninh tại nước láng giềng Mali.

Cánh tay nối dài của Điện Kremlin can thiệp vào địa chính trị năng lượng theo nhiều cách khác nhau.

Nếu Niger nằm trong quỹ đạo của Nga, sự phụ thuộc của thế giới vào Moscow và các khách hàng uranium của Nga sẽ tăng lên.

Hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ Kazakhstan và Uzbekistan là một trong những nhà sản xuất uranium hàng đầu thế giới và chiếm khoảng 50% sản lượng uranium toàn cầu. Thêm vào đó là Nga và Niger, tổng thị phần của họ vượt quá 60%.

Khai thác uranium chỉ là khởi đầu của cái gọi là ‘chu trình nhiên liệu hạt nhân’. Mặc dù Nga là nhà sản xuất uranium lớn thứ 6 thế giới, nhưng sức mạnh thực sự của nước này đến từ một giai đoạn khác trong chu trình này – giai đoạn làm giàu uranium, biến uranium thành nhiên của liệu lò phản ứng hạt nhân cho mục đích dân sự – thông qua cái gọi là chuyển đổi và làm giàu.

Theo Hiệp hội hạt nhân thế giới, Nga chiếm gần 45% thị trường chuyển đổi và làm giàu uranium toàn cầu.

Chính hoàn cảnh này đã làm nảy sinh cái mà các quan chức Mỹ gần đây gọi là “điểm yếu chiến lược” dẫn đến “sự không bền vững”.

Khoảng 1/3 tổng số uranium được làm giàu sử dụng ở Hoa Kỳ năm 2022 được nhập khẩu từ Nga – tổng trị giá gần 1 tỷ đô la. Hơn 1 năm đã trôi qua kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhưng Washington vẫn chưa cấm nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga.

Trong 50 năm đầu tiên của thời đại hạt nhân, Mỹ hoàn toàn độc lập, nhưng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước này đã từ bỏ phần lớn việc khai thác uranium, và quan trọng nhất là các quá trình chuyển đổi và làm giàu phức tạp.

John Wagner, người đứng đầu Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho thuộc Bộ năng lượng Hoa Kỳ, cho biết ngày nay, Hoa Kỳ “chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hạt nhân quốc tế, bao gồm cả các quốc gia không chia sẻ lợi ích chính của chúng tôi”.

Cách Nga quản lý để thống trị ngành ‘công nghiệp nhiên liệu hạt nhân’ Uranium là kết quả của sự kết hợp, giữa vận may địa chính trị, đổi mới kỹ thuật và thỏa thuận ngoại giao thiện chí giữa Moscow và Washington, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ.

Đầu tiên, Nga có một số mỏ uranium lớn, khiến nước này trở thành một bên tham gia tự nhiên trong ngành công nghiệp này.

Thứ hai, các kỹ sư của họ đã phát triển một phương pháp làm giàu chất phóng xạ hóa ra ít tốn năng lượng hơn, so với phương pháp được các kỹ sư Pháp và Mỹ sử dụng, tức là chi phí rẻ hơn.

Chỉ riêng hai yếu tố này đã cho phép Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất, chuyển đổi và làm giàu uranium.

Sau đó, vào năm 1993, Hoa Kỳ và Nga đã đồng ý với cái gọi là chương trình “Megatons to Megawatts”, trong đó uranium được làm giàu cao từ các đầu đạn hạt nhân của Liên Xô được chuyển đổi thành uranium có độ làm giàu thấp, được gửi đến Hoa Kỳ, nơi nó đã được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân dân sự.

Ngay cả trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, về sự phụ thuộc quá mức vào nguồn cung cấp từ nước ngoài.

Kể từ đó, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp và các quan chức chính phủ đã nói về một cuộc khủng hoảng thực sự. Thêm vào đó là những diễn biến đáng lo ngại ở Niger (đảo chính ở Niger) và tình hình đã bắt đầu trở nên tồi tệ.

Giải quyết vấn đề này sẽ không dễ dàng và sẽ đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Pháp, 2 cường quốc phương tây bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc đảo chính tại Niger.

Washington và Paris có thể phát triển một kế hoạch đẩy mạnh sản xuất bằng cách mở lại các nhà máy nhiên liệu hạt nhân bị bỏ hoang, đồng thời tăng cường hỗ trợ ngoại giao và quân sự cho các nước sản xuất uranium, bắt đầu với Niger.

Điều này sẽ rất tốn kém.

Tuy nhiên, với việc Putin công khai thể hiện sự sẵn sàng sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt làm vũ khí, phương tây cần phải hành động, thay vì chờ đợi Điện Kremlin vũ khí hóa uranium dân sự, nó sẽ làm phức tạp thêm quá trình chuyển đổi sang năng lượng phi carbon của châu Âu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang