Tác giả: Matt Fitzpatrick, giáo sư lịch sử quốc tế, Đại học Flinders
Cho đến khi Julius Caesar qua đời với câu nói “Et tu, Brute”? trên môi, các vụ ám sát chính trị đã trở phổ biến.
Trong thời hiện đại, ám sát chính trị so với lịch sử thì như thế nào? Liệu vụ ám sát cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 13 tháng 7 năm 2024 có phải là sự kiện ngoại lệ trong các nền dân chủ hiện đại không?
Câu trả lời ngắn gọn là không!
Tất nhiên, Hoa Kỳ có lịch sử lâu dài về các vụ ám sát và nỗ lực ám sát, bao gồm Abraham Lincoln, John F. Kennedy và anh trai ông là Robert F. Kennedy, Martin Luther King Jr., và gần đây hơn là Ronald Reagan.
Nhưng các vụ ám sát cũng khá phổ biến bên ngoài nước Mỹ. Và hiếm khi chúng mang lại những thay đổi triệt để mà kẻ giết người mong muốn.
Thế nào được xem là ám sát?
Ám sát là giết một cá nhân nổi tiếng, có quyền lực, đặc biệt là một nhân vật chính trị. Hiếm khi là các cuộc tấn công ngẫu nhiên, ám sát là một hình thức phản đối cực đoan dựa trên giả định rằng việc loại bỏ một cá nhân duy nhất sẽ thay đổi cục diện chính trị.
Tuy nhiên, không phải mọi vụ giết người vì lý do chính trị đều là ám sát.
Ví dụ, các quốc gia thường xuyên ra lệnh giết người có chủ đích một cách phi pháp, điều đáng tiếc là nó đang có xu hướng gia tăng.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau gần đây đã cáo buộc Ấn Độ ra lệnh ám sát một người ly khai theo đạo Sikh ở Canada. Nhà báo Jamal Khashoggi đã bị ám sát bên trong Đại sứ quán Saudi Arabia ở Istanbul – một vụ hành quyết mà các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cáo buộc là thái tử Saudi đã chấp thuận.
Về phần mình, Hoa Kỳ đã nhiều lần sử dụng các vụ giết người có chủ đích phi pháp đối với các mục tiêu cấp cao, chẳng hạn như kẻ chủ mưu vụ 11 tháng 9 năm 2001, Osama Bin Laden. Israel cũng thường xuyên sử dụng bạo lực gây chết người đối với các mục tiêu bên ngoài biên giới của mình.
Tuy nhiên, các vụ ám sát thường được xem là hành vi bạo lực “không chính thức” do những người bên ngoài ‘cấu trúc nhà nước’ thực hiện.
Thường được thực hiện bởi những cá nhân ‘phản đối các nhà lãnh đạo chính trị’, các vụ ám sát bác bỏ quan niệm rằng, chỉ có các quốc gia mới có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng vũ lực. Điều này thường được gọi là “độc quyền của nhà nước về bạo lực”.
Xem thêm: Từ Kennedy Đến Trump: ‘Viên Đạn’ Trong Lòng “Giấc mơ Mỹ”
Sự ‘tiến hóa’ của các vụ ám sát chính trị
Vào thời kỳ hoàng kim của các chế độ quân chủ hùng mạnh ở Châu Âu trước thế kỷ 20, các nhóm cách mạng đã sử dụng các vụ ám sát để chứng minh với người dân rằng, bất chấp mọi quyền lực của mình, những người cai trị thời đó cũng chỉ là phàm nhân.
Theo một nhà sử học, những người cách mạng đã cố gắng giết “gần như mọi nhà cai trị và nguyên thủ quốc gia lớn ở Châu Âu” vào cuối những năm 1800.
Ví dụ, trong một hành động mà một số người theo chủ nghĩa vô chính phủ gọi là “tuyên truyền bằng hành động”, Sa hoàng Alexander II đã bị nhóm Cách mạng ý chí nhân dân Nga ám sát vào năm 1881.
Những người ‘đồng chí’ người Ý của họ sau đó đã thành công trong việc giết chết hoàng hậu Elisabeth của Đế quốc Áo-Hung vào năm 1898.
Những kẻ ám sát khác thời đó là những người theo chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành. Có lẽ nổi tiếng nhất trong số này là Gavrilo Princip người Serbia, anh ta đã giết chết Đại công tước Franz Ferdinand của Habsburg dẫn đến chiến tranh thế giới thứ nhất.
Sau chiến tranh, lực lượng bán quân sự phát xít và tiền phát xít ở Ý và Đức cũng sử dụng các vụ ám sát chính trị như một phần của hoạt động khủng bố.
Ví dụ, những người theo chủ nghĩa xã hội Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht đã bị lực lượng bán quân sự cánh hữu sát hại ở Berlin vào năm 1919. Trước khi nước Ý hoàn toàn rơi vào chế độ độc tài phát xít, nhà xã hội chủ nghĩa nổi tiếng Giacomo Matteotti đã bị đám côn đồ của Benito Mussolini ám sát ở Rome.
Trong Thế chiến thứ hai, các nhóm kháng chiến cũng sử dụng các vụ ám sát chống lại Đức Quốc xã. Vụ ám sát Reinhard Heydrich, chỉ huy Lực lượng SS đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện cuộc diệt chủng Holocaust, tại Prague vào tháng 5 năm 1942 vẫn được kỷ niệm cho đến ngày nay tại Cộng hòa Séc.
Trong những thập kỷ sau chiến tranh, các nhóm tiên phong cách mạng cực tả bắt đầu nhiệt tình áp dụng chiến thuật chính trị ám sát.
Ví dụ, ở Đức, phe Hồng quân đã ám sát các chủ ngân hàng, nhà công nghiệp, chính trị gia hàng đầu và nhiều người khác từ những năm 1970 đến 1990 với hy vọng thúc đẩy cách mạng.
Một nhóm tương tự ở Ý, Lữ đoàn Đỏ, đã ám sát thủ tướng Aldo Moro vào năm 1978.
Tại Hoa Kỳ, Sara Jane Moore cũng tìm cách châm ngòi cho một cuộc cách mạng bằng nỗ lực ám sát tổng thống Gerald Ford vào năm 1975, chỉ hai tuần sau khi thành viên gia đình Manson là Lynette “Squeaky” Fromme cố gắng làm điều tương tự.
Ám sát vì dân tộc
Trong khi những người cách mạng này dùng đến bạo lực để đạt được mục tiêu của mình, các vụ ám sát do những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây ra cũng vẫn tiếp diễn không ngừng.
Chỉ vài tháng sau khi Ấn Độ giành được độc lập từ Anh, nhà lãnh đạo kháng chiến Mahatma Gandhi đã bị ám sát (chết) bởi một người theo đạo Hindu cực đoan vì cho rằng Gandhi đã thúc đẩy sự thống nhất giữa Hồi giáo và Ấn Độ giáo.
Nhiều vụ giết người chính trị cấp cao khác xảy ra ở Ấn Độ:
Thủ tướng Indira Gandhi, người đã bị vệ sĩ người Sikh của bà giết chết vào năm 1984 sau khi bà ra lệnh hành động quân sự chống lại những người ly khai Sikh và con trai bà, Rajiv Gandhi, cựu thủ tướng, bị ám sát trong khi vận động tranh cử năm 1991 bởi một kẻ đánh bom liều chết của ‘Lực lượng những con Hổ Tamil’ sau khi quan hệ giữa phong trào ly khai và chính phủ Ấn Độ trở nên tồi tệ.
Năm 2007, Benazir Bhutto, cựu thủ tướng Pakistan, đã sống sót sau một vụ ám sát (một vụ đánh bom khiến 180 người thiệt mạng) trước khi bị giết trong một vụ khác.
Lý do cho vụ ám sát vẫn còn mơ hồ. Một số người tin rằng bà bị những người Hồi giáo tức giận vì bà gần gũi với phương Tây; những người khác tin rằng tổng thống Pervez Musharraf khi đó muốn loại bỏ một đối thủ chính trị. Musharraf sau đó bị buộc tội giết bà, ông phủ nhận mọi trách nhiệm.
Ở nơi khác, chủ nghĩa dân tộc cực đoan chính là động cơ ám sát thủ tướng Israel Yitzak Rabin do một người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái cực hữu thực hiện vào năm 1995. Rabin đã bị giết (giống như Anwar Sadat của Ai Cập trước đó) vì cố gắng hướng tới một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và người Palestine.
Vì ảnh hưởng của vụ ám sát này đối với tình hình Trung Đông đương thời, một số người đã gọi đây là “vụ ám sát thành công nhất trong lịch sử”.
Đáng buồn thay, các vụ ám sát vẫn còn quá phổ biến ở Châu Phi ngày nay. Một báo cáo ước tính có 185 vụ ám sát trên lục địa này chỉ riêng trong năm 2019 và 2020, chủ yếu là các chính trị gia, các nhà lãnh đạo cộng đồng (xã hội dân sự), và các nhà báo. Người ta ước tính rằng 80% các vụ ám sát ở Châu Phi có động cơ chính trị.
Châu Mỹ Latinh cũng thường xuyên xảy ra ám sát. Trong những năm gần đây, ứng cử viên tổng thống chống tham nhũng Fernando Villavicencio đã bị sát hại ở Ecuador, rõ ràng là do những nhân vật có liên quan đến các băng đảng ma túy hùng mạnh.
Và ứng cử viên tổng thống khi đó là Jair Bolsonaro đã bị đâm trong một cuộc biểu tình ở Brazil – một cuộc tấn công được cho là đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018.
Những vụ ám sát ở phương Tây
Ám sát cũng tiếp tục là một sự kiện phổ biến ở các nền dân chủ tự do, mặc dù nhìn chung có chính phủ ổn định hơn. Lý do cho những điều này rất khác nhau, mặc dù trong những năm gần đây, nhiều chính trị gia đã bị những kẻ cực đoan cánh hữu nhắm tới.
Tại Nhật Bản, Shinzo Abe đã bị ám sát vào năm 2022 bởi một tay súng đơn độc, kẻ này có mối hận thù với một nhà thờ Thiên chúa giáo (Tin Lành) mà hắn tin rằng cựu thủ tướng đã hỗ trợ.
Tại Đức, một chính trị gia bảo thủ, Walter Lübcke, đã bị sát hại vào năm 2019 bởi một kẻ cực đoan cánh hữu phản đối dữ dội các chính sách ủng hộ di cư của ông. Một kẻ cực đoan cánh hữu cũng đứng sau vụ sát hại nghị sĩ Anh Jo Cox vào năm 2016.
Đầu năm nay, thủ tướng Slovakia, Robert Fico, đã bị thương nặng do một tay súng có liên hệ với các nhóm cánh hữu gây ra.
Ngược lại, một chính trị gia cực hữu, Pim Fortuyn, đã bị ám sát tại Hà Lan bởi một người dân địa phương phẫn nộ vì cách Fortuyn biến người Hồi giáo Hà Lan thành vật tế thần cho mục đích chính trị.
Chấm dứt các vụ ám sát?
Miễn là những người bất mãn bên ngoài tiến trình chính trị cảm thấy có thể đạt được điều gì đó bằng cách giết một cá nhân nổi tiếng, thì các vụ ám sát sẽ tiếp tục là một phần rùng rợn trong bối cảnh chính trị. Các vụ giết người ngoài vòng pháp luật được nhà nước cho phép có vẻ cũng sẽ tiếp tục.
Nhưng như những người theo chủ nghĩa vô chính phủ ném bom vào đầu thế kỷ 20 đã nhận ra, việc giết chết một nhân vật chính trị cá nhân hiếm khi mang lại sự thay đổi rộng rãi như ‘hành động đó’ mong muốn.
Không thể ám sát một hệ thống, một cấu trúc, một phong trào hay một ý tưởng. Sự thay đổi chính trị thực sự đòi hỏi những hình thức tham gia phức tạp hơn là ‘lối tắt’ của viên đạn ám sát.