Tôn Giáo Công Dân: Hiểu Về Chính Trị Và Xã Hội Mỹ

Chỉ pháp luật là chưa đủ để gắn kết người dân Mỹ, cần phải có thêm tôn giáo! Hiểu về tôn giáo công dân của người Mỹ

Nước Mỹ. Ảnh National Affairs

Tác giả: Nguyễn Văn Trị

Rousseau (1712 – 1778) là người đầu tiên đề cập đến khái niệm tôn giáo công dân.

Tại sao lại là tôn giáo công dân?

Theo Rousseau, một xã hội tồn tại được thì mọi người dân tự thỏa hiệp với nhau để tạo ra chính quyền. Mỗi người góp một phần tự do của mình để tổ chức xã hội. Sự đóng góp này của mỗi người dân được thể hiện qua hợp đồng xã hội (khế ước xã hội). Đó chính là thuyết khế ước xã hội của Rousseau. Khế ước xã hội là nền tảng của cách mạng Pháp 1789. Khế ước xã hội được hiện thực hóa bằng bản hiến pháp của một quốc gia.

Để xã hội hoạt động tốt thì phải có pháp luật. Rõ ràng, sự đóng góp tự do của mỗi người dân để vận hành xã hội sẽ được thông qua pháp luật. Pháp luật chính là nền tảng để quản lý xã hội. Vậy pháp luật đã làm mất đi một phần tự do của mỗi công dân.

Tuy nhiên, pháp luật thôi chưa đủ để đảm bảo xã hội hoạt động tốt. Nó chỉ là một trục (trục hoành). Pháp luật chỉ là sự ràng buộc mang tính áp đặt về mặt bên ngoài. Cần một trục nữa, tức trục tung, thì mới có sự giao nhau. Đó là gì?

Pháp luật Hoa Kỳ chưa đủ để đoàn kết xã hội

Thực tế cho thấy, mọi người phải có một điểm chung nào đó thì mới tạo ra sự gắn kết. Theo Rousseau, điểm chung đó chính là tôn giáo. Tôn giáo sẽ gắn kết và kết nối mọi người lại với nhau, bởi vì họ có cùng một niềm tin, một điểm neo để gắn kết mọi người. Đó chính là phần bên trong.

Một xã hội hoạt động ổn định, chỉ có trục pháp luật là chưa đủ, còn phải có phần bên trong nữa. Bên ngoài và bên trong kết hợp lại mới có sự giao nhau. Khái niệm tôn giáo công dân là như vậy.

Có thể nói rằng, tôn giáo chính là yếu tố ‘tình cảm’ để gắn kết con người lại với nhau với một điểm chung. Còn pháp luật là yếu tố lý trí. Lý trí thì khô cứng, nó là yếu tố “dương”, còn tình cảm là yếu tố “âm”. Âm và Dương cần phải hòa hợp với nhau.

Con người là vậy, quản lý xã hội là vậy, ngoài pháp luật ra còn phải có một điểm chung nữa. Điểm chung có thể là tôn giáo, đạo học, nhân vật vĩ đại, truyền thống lễ giáo.

Tuy nhiên, đừng áp đặt học thuyết tôn giáo công dân vào phương Đông. Bởi vì, phương Đông không cần đến tôn giáo theo cách hiểu của phương tây. Phương Đông vốn có truyền thống lâu đời với “đạo học” và truyền thống đạo lý của riêng nó.

Thất bại của tôn giáo công dân tại Châu Âu

Theo học thuyết của Rousseau, cách mạng Pháp 1789, ngoài pháp luật, còn tạo ra hình tượng một nữ thần, một đấng tối cao. Nhưng không may, tôn giáo công dân đã không thành công tại Pháp. Bởi vì, dù tạo ra “một đấng tối cao” nhưng nó thật sự rất khiên cưỡng và không tự nhiên. Nó không hợp với tâm thức của người Pháp tại thời điểm đó. Vì vậy, cách mạng Pháp 1789 đã thất bại.

Không thành công tại quê hương nó, nhưng học thuyết này đã vượt biên sang bên kia bờ Đại Tây Dương và đã rực sáng tại “nơi tha hương”, nước Mỹ.

Nước Mỹ là miền đất hứa của những người Châu Âu bị đàn áp vì lý do tôn giáo. Có thể nói, những người ly khai tôn giáo đã tìm đến nước Mỹ. Họ không thể sống được ở đất mẹ, vì sự bất khoan dung của giới cầm quyền và nhà thờ Tin lành lẫn nhà thờ Công giáo. Mọi tầng lớp với nhiều dân tộc khác nhau, nhiều tôn giáo khác nhau đã đến được Mỹ – miền đất hứa.

Các vị tổ phụ lập quốc thấy rằng, để quản lý một tập hợp người “ô hợp” này thì hiến pháp và pháp luật là chưa đủ. Cần phải có thêm một trục nữa, đó là tôn giáo. Năm 1775, có khoảng vài chục ngàn hội đoàn tôn giáo khác nhau trên đất Mỹ, phần lớn là Đạo Tin lành. Nhưng điều đặc biệt, tôn giáo này khác với đất mẹ của nó ở Châu Âu, nghĩa là không có một nhà thờ nào thống trị cả.

Nước Mỹ và tôn giáo công dân

Nhà tư tưởng người Pháp Tocqueville đã phải thốt lên, “Tôi không biết tất cả người Mỹ có tin ở tôn giáo của họ hay không, bởi, ai mà dò được tận đáy lòng của kẻ khác. Nhưng tôi tin, đối với họ, tôn giáo là cần thiết để duy trì hệ thống dân chủ”.

Các vị tổ phụ lập quốc nước Mỹ đã làm được 2 việc, là tách tôn giáo ra khỏi chính trị và kết nối con người lại với nhau bằng tôn giáo. Bởi vì một xã hội đa chủng tộc, đa tôn giáo – chỉ riêng Đạo Tin lành đã phát triển thành nhiều hệ phái khác nhau – thì cần phải có điểm chung. Thật sự, nếu chỉ có pháp luật thì rất khó quản lý “đám ô hợp” này.

Với tôn giáo công dân, nước Mỹ đã có điểm chung: Tin vào Thiên Chúa (Thượng đế). Ở trên trời là Thượng đế, dưới đất là nước Mỹ. Trên trời và dưới đất như bóng không rời hình.

Trên mỗi tờ tiền, đều có câu: In God We Trust.

Hãy nhớ là Thượng đế của người Mỹ không phải là một con người nào đó, chẳng hạn Chúa Jesus. Hoàn toàn không phải. Thượng đế của người Mỹ tương tự như ông Trời của người Việt.

Chính vì vậy, người Do Thái cũng có Thượng đế, người Tin lành cũng vậy, người Công giáo cũng vậy, đều có Thượng đế. Thượng đế của người Mỹ đáp ứng điều này. Nó là của chung, không có độc quyền Thượng đế. Vì là chung và chỉ là niềm tin nên không có sự tranh chấp. Chứ nếu thượng đế là Jesus thì chắc chắn là người Do Thái sẽ không chịu, họ có thể choảng nhau như chơi.

Tuy nhiên, nước Mỹ đã xuất khẩu mô hình của mình ra khắp thế giới. Thật sự, nó đã thành công ở Hàn Quốc. Người Hàn đã bị Tin lành hóa. 25% dân số theo Đạo Tin lành. Trong khi truyền thống của người Hàn là Đạo Phật, hiện tại dân số theo Phật giáo đã suy giảm, chỉ còn khoảng 25%.

Mô hình của Mỹ là xuất khẩu dân chủ và tôn giáo. Tuy nhiên, mục đích của nó thật sự không tốt đẹp gì. Nước Mỹ chỉ muốn dùng tôn giáo để chia rẽ dân tộc khác, điều mà các nước thực phân phương Tây đã làm trong quá khứ.

Khi có sự chia rẽ thì họ sẽ bơm tiền vào, ủng hộ các nhóm theo họ và tiến đến lật đổ chính quyền hoặc gây ảnh hưởng. Chơi với nước Mỹ cũng phải cẩn thận. Cho con du học nước Mỹ sớm cũng cẩn thận. Coi chừng mất gốc như chơi. Giáo dục Mỹ biến đổi trẻ con thành con người lợi ích và thiếu vắng tình cảm.

Ảnh minh họa: National Affairs

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang