Một trong những hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine là lợi nhuận của Cơ quan lưu ký Euroclear, Bỉ – trong nửa đầu năm nay, đã tăng thêm 1,7 tỷ Euro.
Euroclear là một trung tâm ít được biết đến nhưng quan trọng trong ‘kiến trúc’ tài chính Châu Âu, nằm ở Brussels (Bỉ) và đóng vai trò là trung tâm lưu ký cho tất cả các giao dịch trái phiếu.
Danh sách các cổ đông chính của tổ chức (công ty) này bao gồm các ngân hàng phát triển nhà nước của Pháp và Bỉ, cũng như ngân hàng Mỹ JP Morgan, Sở giao dịch chứng khoán London và Ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Đây là nơi dòng tiền từ các khoản đầu tư bằng đồng Euro và thuộc sở hữu của Ngân hàng trung ương Nga chảy vào khi trái phiếu đáo hạn.
Nhưng vì dự trữ của Moscow bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của Châu Âu, Euroclear không thể chuyển tiền sang Nga: Tiền đang chất đống ở Brussels.
Vào giữa năm nay, công ty Bỉ này đã nhận được nguồn vốn từ Liên bang Nga với số tiền khoảng 200 tỷ Euro.
Có khả năng là đến tháng 12/2023, gần như toàn bộ dự trữ đóng băng của Nga sẽ nằm trong tài khoản của ‘kho lưu trữ’ Brussels và thu nhập từ lãi của nó vào năm 2023 sẽ vào khoảng 3 tỷ đô la.
Tình trạng này là chưa từng có: Một nửa số quỹ thanh khoản do công dân của một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới nắm giữ – bị đóng băng, vẫn tiếp tục cung cấp các dòng tiền mới.
Về mặt lý thuyết, việc quản lý quỹ tích cực hơn có thể mang lại tới 10 tỷ USD hoặc hơn mỗi năm.
Chính những tính toán này là nền tảng cho đề xuất của một số chính phủ và lãnh đạo các nước Châu Âu hoặc G7: Sử dụng số tiền nhận được từ việc tái đầu tư dự trữ của Nga để trang trải chi phí cho Ukraine.
Trong trường hợp này, chúng ta đang nói về việc chuyển tiền đến Kiev không phải bằng tiền của Moscow – điều đó sẽ vi phạm luật pháp quốc tế – mà là số tiền nhận được do Euroclear đảm bảo quản lý tiền của Moscow.
Bằng cách này, mặc dù có rủi ro, có thể trang trải ít nhất một phần số tiền mà Bộ trưởng tài chính Ukraine Sergei Marchenko cần (và con số này là hơn 40 tỷ đô la một năm) – để Ukraine có thể trả lương, trang trải chi phí cơ bản.
Trong G7, các ý kiến về vấn đề này bị chia rẽ: Người Châu Âu không đồng ý với cơ quan chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và chính phủ Canada, vốn kiên quyết yêu cầu Brussels sử dụng số tiền nhận được từ quỹ của Nga.
Châu Âu cũng bị chia rẽ nội bộ vì đề xuất này.
Ngân hàng trung ương Châu Âu dẫn đầu phe đối lập, và trong hàng ngũ những người ủng hộ việc sử dụng vốn vì lợi ích của Ukraine có Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen.
Đề xuất mới nhất về vấn đề này đến từ chính phủ Pháp: Paris đề xuất chuyển dòng tiền từ việc tái đầu tư dự trữ nhà nước của Nga vào một quỹ ủy thác, ngụ ý việc sử dụng nó có lợi cho Kiev trong tương lai.
Điều này sẽ không dễ thực hiện. Vào mùa hè, chủ tịch ECB Christine Lagarde đã trình bày bằng văn bản với đồng nghiệp ở Hội đồng Châu Âu Charles Michel về lý do khiến bà có thái độ thờ ơ đối với sáng kiến này.
Bức thư của Lagarde được giữ bí mật nên không rõ nội dung chính xác của nó.
Tuy nhiên, chủ tịch ECB lo ngại những hậu quả tiêu cực của động thái như vậy, ngay cả khi nó hợp pháp và dưới hình thức đánh thuế đối với “lợi nhuận vượt mức” của Euroclear.
Theo ECB, việc sử dụng thu nhập từ dự trữ của Nga sẽ là tín hiệu cho các quốc gia khác rằng, thị trường chứng khoán bằng đồng Euro có nhiều rủi ro đối với họ, vì chính quyền Châu Âu có thể rút số tiền đã đặt vì lý do chính trị.
Vai trò đồng tiền dự trữ thế giới của đồng Euro đang bị đe dọa và trong trường hợp các quỹ công lớn rút dần khỏi chứng khoán Châu Âu, chi phí lãi vay của Ý hoặc Pháp có thể tăng lên.
Tất nhiên, chính những đánh giá này đã khiến chính phủ Rome, Paris và Berlin trong những tháng gần đây lên tiếng phản đối việc tịch thu và sử dụng trực tiếp nguồn dự trữ của Nga để tài trợ cho Kiev.
Một nghiên cứu gần đây của 3 nhà kinh tế ECB cho thấy, những lo ngại này không phải là không có cơ sở.
Sau khi đóng băng dự trữ của Nga vào năm 2022, một nhóm các quốc gia gần gũi nhất về mặt chính trị với Moscow bắt đầu tích lũy thêm vàng trong dự trữ của họ để thay thế cho đồng Euro và đồng đô la.
Gần đây, cựu lãnh đạo Brazil Dilma Rousseff, chủ tịch Ngân hàng phát triển mới (NDB) của khối BRICS, bắt đầu thúc đẩy ý tưởng rằng, đồng Euro và đồng đô la không thể tin cậy được ở các nước đang phát triển.
Do đó, Châu Âu rơi vào tình thế đứng giữa 2 ngọn lửa: Một mặt là nhu cầu hỗ trợ Ukraine với chi phí ngày càng tăng, mặt khác là lo ngại mất đi tầm quan trọng của mình trong hệ thống tài chính quốc tế mà các đồng minh của Nga muốn định hình lại theo hướng có lợi cho họ.
Tác giả: Federico Fubini