Tác giả: Brooke Schedneck
Thích Nhất Hạnh, thiền sư nổi tiếng ở phương tây về thực hành chánh niệm, ông qua đời tại chùa Từ Hiếu ở Huế, Việt Nam, vào ngày 21 tháng 1 năm 2022. Thầy Nhất Hạnh thọ 95 tuổi.
Năm 2014, Thích Nhất Hạnh bị đột quỵ. Kể từ đó, thiền sư không thể nói hoặc tiếp tục công việc ‘giảng dạy’ của mình. Vào tháng 10 năm 2018, thiền sư mong muốn, bằng cử chỉ, được trở lại ngôi chùa ở Việt Nam, nơi ông đã xuất gia khi còn là một nhà sư trẻ. Nhiều Phật tử và những người mến mộ từ khắp nơi trên thế giới liên tục đến thăm ông tại ngôi chùa này.
Là một học giả về thực hành thiền định Phật giáo đương đại, tôi đã nghiên cứu những lời dạy đơn giản nhưng sâu sắc của ông, những lời dạy kết hợp chánh niệm cùng với sự thay đổi xã hội, và tôi tin rằng, những lời dạy này sẽ tiếp tục có ảnh hưởng tích cực trên khắp thế giới.
Đừng bỏ lỡ: Lắng Nghe Thấu Hiểu Là Một Triết Lý Của Đạo Phật: Nó Là Gì?
Nhà hoạt động vì hòa bình
Vào những năm 1960, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đóng một vai trò tích cực thúc đẩy hòa bình trong chiến tranh Việt Nam. Ở độ tuổi ngoài 20, ông bắt đầu tích cực nỗ lực chấn hưng Phật giáo Việt Nam – hướng đến hòa bình, bất bạo động.
Trong vài năm sau đó, Thích Nhất Hạnh đã thành lập một số tổ chức dựa trên các nguyên tắc ‘bất bạo động và từ bi’ theo con đường đạo Phật.
Trường thanh niên và phụng sự xã hội do thiền sư thành lập, một tổ chức cứu trợ, bao gồm 10.000 tình nguyện viên và nhân viên xã hội cung cấp viện trợ cho các ngôi làng bị chiến tranh tàn phá, xây dựng lại trường học và thành lập các trung tâm y tế.
Thiền sư Nhất Hạnh cũng thành lập “dòng tương tế”, một cộng đồng gồm các tu sĩ và cư sĩ đạo Phật, những người đã cam kết ‘hành động từ bi’ và hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh.
Ngoài ra, ông còn đóng vài trò một trong những người sáng lập một trường đại học Phật giáo (Đại học Vạn Hạnh), một nhà xuất bản và một tạp chí hoạt động vì hòa bình, như những cách để truyền bá thông điệp từ bi.
Năm 1966, Thích Nhất Hạnh sang Hoa Kỳ và Châu Âu để kêu gọi hòa bình cho Việt Nam.
Trong các bài diễn thuyết ở nhiều thành phố, ông đã mô tả một cách thuyết phục sự tàn khốc của chiến tranh, nói lên khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và kêu gọi Hoa Kỳ ngừng không kích Việt Nam.
Trong những năm ở Mỹ, ông đã gặp Martin Luther King Jr., người đã đề thiền sư Nhất Hạnh giải Nobel hòa bình năm 1967.
Tuy nhiên, hoạt động vì hòa bình và từ chối chọn phe trong chiến tranh ở Việt Nam, chính quyền miền Nam Việt Nam buộc Thích Nhất Hạnh phải sống lưu vong trong hơn 40 năm.
Đừng bỏ lỡ: Hiểu Về Khái Niệm Từ Bi Của Đạo Phật
Chánh niệm: Ý thức trong phút giây hiện tại
Thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu giảng dạy về chánh niệm vào giữa những năm 1970. Phương tiện chính cho những lời dạy ban đầu của ông là những cuốn sách.
Ví dụ, trong cuốn sách “Phép lạ của sự tỉnh thức”, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra những hướng dẫn đơn giản về cách áp dụng chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày.
Trong cuốn sách “Bạn đang ở đây”, ông kêu gọi mọi người chú ý đến những gì họ đang trải qua trong cơ thể và tâm trí, tại bất kỳ thời điểm nào, và không đắm chìm trong quá khứ hay nghĩ về tương lai.
Sự nhấn mạnh trong phương pháp thực hành chánh niệm của thầy Nhất Hạnh là nhận thức về hơi thở. Thiền sư chỉ cách quán niệm, “tôi đang thở vào; đây là một hơi thở vào, tôi đang thở ra; đây là một hơi thở ra”.
Những người quan tâm đến thực hành thiền định, không nhất thiết phải dành nhiều ngày để tham gia một khóa tu thiền hoặc tìm một người thầy hướng dẫn. Những lời dạy của ông nhấn mạnh rằng, có thể thực hành chánh niệm bất cứ lúc nào, ngay cả khi đang làm những công việc thường ngày.
Ngay cả khi rửa bát, mọi người có thể chỉ cần tập trung vào hoạt động và có mặt đầy đủ trong phút giây hiện tại. Ông nói, hòa bình, hạnh phúc, niềm vui và tình yêu đích thực chỉ có thể tìm thấy trong giây phút hiện tại.
Đừng bỏ lỡ: Phương Tây Tìm Ra Đức Phật Như Thế Nào Và Khi Nào?
Thực hành chánh niệm ở Mỹ
Thực hành chánh niệm không chủ trương ‘tách khỏi thế giới hay xã hội’, thay vào đó, theo quan điểm của thiền sư Thích Nhất Hạnh, thực hành chánh niệm có thể dẫn một người đến “hành động từ bi”, như ‘thực hành’ cởi mở với quan điểm của người khác và chia sẻ vật chất với những người gặp khó khăn.
Jeff Wilson, một học giả về Phật giáo Hoa Kỳ, lập luận trong cuốn sách “Nước Mỹ chánh niệm” của ông rằng, chính sự kết hợp của thực hành chánh niệm hàng ngày, với ‘hành động trên thế giới’ đã góp phần tạo nên những bước khởi đầu của phong trào chánh niệm.
Phong trào này cuối cùng đã trở thành điều mà tạp chí Time năm 2014 gọi là “cuộc cách mạng chánh niệm”.
Bài báo lập luận rằng, sức mạnh của chánh niệm nằm ở tính phổ biến của nó, vì thực hành đã đi vào công ty, chính trị, hướng dẫn nuôi dạy con cái.
Tuy nhiên, đối với thiền sư Thích Nhất Hạnh, chánh niệm không phải là một phương tiện để có một ngày làm việc hiệu quả hơn, mà là một cách để hiểu được “tương tức”, sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau của mọi người và mọi vật. Trong một bộ phim tài liệu, “Walk With Me”, ông ấy đã minh họa sự “tương tức” theo cách sau:
Một cô gái trẻ hỏi thiền sư làm thế nào để đối phó với nỗi đau của con chó vừa qua đời của cô ấy. Ông ấy hướng dẫn cô gái nhìn lên bầu trời và xem một đám mây biến mất.
Mây đã chuyển thành mưa và trở thành nước trong tách trà. Giống như đám mây ‘đang sống’ trong một hình thức mới, con chó cũng vậy. Nhận thức và chánh niệm về trà đưa ra một sự phản ánh về bản chất của thực tại. Ông tin rằng, sự hiểu biết này có thể dẫn đến hòa bình trên thế giới.
Tác động lâu dài của Thích Nhất Hạnh
Những hướng dẫn thực hành của thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ có tác động lâu dài thông qua di sản những lời dạy của ông trong hơn 100 cuốn sách, 11 trung tâm thực hành toàn cầu, hơn 1.000 cộng đồng cư sĩ toàn cầu và hàng chục nhóm cộng đồng trực tuyến.
Các đệ tử gần gũi nhất với ông – 600 tăng ni xuất gia trong ‘truyền thống’ Làng Mai, cùng với các giáo viên tại gia – đã có kế hoạch tiếp nối di sản của thầy mình trong một thời gian.
Họ đã viết sách, giảng dạy và hướng dẫn các khóa ‘nhập thất’ trong nhiều thập kỷ nay. Vào tháng 3 năm 2020, quỹ Thích Nhất Hạnh “Foundation,” cùng với Lion’s Roar, đã tổ chức một hội nghị trực tuyến có tên “Theo dấu chân của Thích Nhất Hạnh” để mọi người biết đến những lời dạy của ông thông qua các đệ tử mà ông đã đào tạo.
Brooke Schedneck, giáo sư trợ lý nghiên cứu tôn giáo, Đại học Rhodes