Năm 312 sau công nguyên, Constantine Đại đế tranh giành ngai vàng với Maxentius. Chiến dịch của Constantine gần như bị thất bại – Maxentius kiểm soát Rome, ông ta có nhiều lực lượng hơn.
Trước trận chiến quyết định, Constantine nhìn lên bầu trời: Trên bầu trời, ông ta nhìn thấy một cây thánh giá phát sáng, và trên đó có dòng chữ – “Với dấu hiệu này, người sẽ chiến thắng”.
Sau khi tham khảo ý kiến các cố vấn tâm linh, Constantine đã ra lệnh đúc một cây thánh giá bằng vàng và dẫn quân đội của mình đi theo nó.
Lực lượng của Constantine nhanh chóng xuyên thủng kỵ binh của Maxentius và sau đó là bộ binh của ông ta, đánh đuổi những người lính đang choáng váng trở lại sông Tiber – nơi họ sẽ chết.
Để bày tỏ lòng biết ơn đối với vị thánh bảo trợ của mình, Constantine đã chuyển đổi thế giới La Mã sang con đường của Cơ đốc giáo (Thiên chúa giáo).
Nhiều người coi sự cải đạo của Constantine là dấu chấm hết trên thực tế của chủ nghĩa ngoại giáo. Nhưng theo nhiều cách, đúng hơn là đỉnh điểm của các ‘xu hướng xã hội lớn’ đã hình thành trong nhiều thế kỷ.
Đến năm 300 sau công nguyên đã có hàng triệu tín đồ Cơ đốc giáo trong Đế chế La Mã, với một số ước tính (có thể bị thổi phồng) khoảng 10% dân số là tín đồ. Nhưng chỉ khoảng 100 năm tiếp theo, con số là 50%.
Nhưng bằng cách nào? Làm thế nào mà ‘một giáo phái Do Thái nhỏ’ đã thống trị Đế chế La Mã hùng mạnh nhất thế giới chỉ trong vài thế kỷ?
Một số người nói rằng, điều này có thể xảy ra theo lệnh của hoàng đế, những người khác – theo ý muốn của Chúa. Tuy nhiên, theo học giả Kinh thánh Bart Ehrman, một chuyên gia về Cơ đốc giáo sơ khai, không cần phải có phép lạ để giải thích điều đó – chỉ cần một chút toán học đơn giản.
Những “kỳ tích” toán học về cải đạo sang Cơ đốc giáo
Trong sách Công vụ (Book of Acts), sứ đồ Peter giảng bài vào ngày Lễ ngũ tuần. Thông qua sức mạnh của một vài bài giảng của mình, Peter đã cải đạo 3 nghìn người. Dựa vào một vài chương tiếp theo, ông ấy cải đạo thêm 5 nghìn người nữa. Và một chương khác, nhiều đám đông khác đã được cải đạo. “Chúa hằng ngày thêm vào giáo hội những người được cứu” (Công vụ 2:47b).
Những câu chuyện tương tự thường được tìm thấy trong Kinh thánh, nhưng có một số vấn đề.
Đầu tiên, có rất ít bằng chứng đáng tin cậy về việc cải đạo hàng loạt của các tín đồ. Thứ hai, với tốc độ này, Cơ đốc giáo hẳn đã trở thành một trung tâm chính trị và văn hóa từ rất lâu, trước thế kỷ thứ 4 sau công nguyên.
Ví dụ, vào thời điểm bài giảng của Peter, dân số của Jerusalem dao động từ 20 đến 75 nghìn người – nghĩa là trong một ngày cuối tuần, sứ đồ đã có thể cải đạo ‘từ 1/6 – 1/2 tín đồ. Điều đó là không thể.
Không chỉ các tác giả Cơ đốc giáo (Thiên chúa giáo) đã nói về điều này. Trong ‘Biên niên sử’, nhà sử học Tacitus nói rằng, hoàng đế Nero đã tìm thấy “vô số” Cơ đốc nhân chịu trách nhiệm về trận đại hỏa hoạn ở Rome vào năm 64 sau công nguyên.
Nhưng, như Ehrman lưu ý, “nếu Cơ đốc giáo là một mối đe dọa lớn như vậy vào thời điểm này trong lịch sử Đế chế La Mã, thì chúng ta không thể giải thích, tại sao hầu hết các tác giả La Mã nói rất ít, hoặc thường không nói gì về nó”.
Những ví dụ này chỉ ra sự khó khăn khi sử dụng các nguồn cổ xưa để xác định có bao nhiêu Cơ đốc nhân sống ở một số vùng nhất định vào một thời điểm nhất định – người ta thường phóng đại để củng cố quan điểm chính trị hoặc ý thức hệ của họ.
Nhưng giống như các nhà xã hội học có nhiều cách để vượt qua sự cường điệu hiện đại (chẳng hạn như quy mô đám đông trong lễ nhậm chức), các nhà sử học cũng có những chiến lược để có bức tranh xác thực hơn về quá khứ.
Trong trường hợp của Cơ đốc giáo, “phép màu” và “những kẻ âm mưu nham hiểm” nên được hiểu là tốc độ tăng trưởng bền vững.
Ehrman gợi ý rằng, vào năm 60 sau công nguyên, có 1 nghìn Cơ đốc nhân trong Đế chế La Mã. Với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 40% mỗi thập kỷ, đến năm 100 sẽ có từ 7 đến 10 nghìn Cơ đốc nhân cải đạo mỗi năm.
Nói cách khác, trong số 1000 tín đồ ban đầu này, cứ 100 Cơ đốc nhân sẽ phải cải đạo từ 3 đến 4 nghìn người hàng năm. Không tệ chút nào, đặc biệt đối với một tôn giáo quá chú trọng vào việc truyền giáo (như chúng ta sẽ thấy).
- Năm 30 sau công nguyên – 20 tín đồ Thiên chúa giáo
- Năm 60 sau công nguyên – từ 1 đến 1,5 nghìn
- Năm 100 sau công nguyên – từ 7 đến 10 nghìn
- Năm 150 sau công nguyên – từ 30 đến 40 nghìn
- Năm 200 sau công nguyên – từ 140 đến 170 nghìn
- Năm 300 sau công nguyên – từ 2,5 đến 3,5 triệu
- Năm 400 sau công nguyên – từ 25 đến 35 triệu
“Đối với những người không chuyên về thống kê, những con số này, đặc biệt là ở phần cuối, có vẻ khó tin. Nhưng trên thực tế, chúng chỉ đơn giản là kết quả của một đường cong hàm mũ”. Ehrman viết trong cuốn sách ‘Chiến thắng của Cơ đốc giáo’.
Những độc giả hiểu biết về toán học sẽ thấy rằng, đây là nguyên tắc tương tự như lãi kép. Ban đầu từ một số tiền gốc nhất định, lãi mẹ đẻ lãi con.
Bạn sẽ sớm nhận được tiền lãi, không chỉ trên số tiền ban đầu mà còn trên tiền lãi của bạn. Tương tự như vậy, một người đã ‘cải đạo’ hôm nay có thể rao giảng vào năm sau và năm sau nữa, thu hút thêm các thành viên mới, những người này thậm chí còn có thể thu hút nhiều hơn.
Bạn có thể nhận thấy rằng, con số của Ehrman không hoàn toàn khớp với 40% mỗi thập kỷ. Điều này là do Erman đang cố gắng tính đến những thực tế phức tạp của lịch sử.
Bằng chứng là, chẳng hạn, thông qua những lá thư Cơ đốc giáo còn sót lại, tôn giáo này hẳn đã trải qua, một đợt bùng nổ chuyển đổi sớm (tăng từ 20 Cơ đốc nhân lên 1 nghìn tín đồ chỉ trong 30 năm).
Trớ trêu là vào những năm trị vì của Constantine, tốc độ tăng trưởng tín đồ đã chậm lại – vào những năm 300 sau công nguyên. Nếu không, vào cuối thế kỷ này, Cơ đốc giáo sẽ bao trùm toàn bộ dân số của Đế chế, điều này rõ ràng đã không xảy ra.
Tuy nhiên, toán học chỉ ra rằng, về nguyên tắc, Cơ đốc giáo có thể đã tập hợp đủ tín đồ để trở thành lực lượng chính trị và văn hóa thống trị ở La Mã vào năm 400 sau công nguyên – dù có hay không có Constantine.
“Những người theo đạo Cơ đốc có thể muốn tuyên bố rằng, đó là một phép lạ, rằng cuối cùng đó là công việc của Chúa. Không có cách nào để một nhà sử học đánh giá tuyên bố này. Nhưng không cần phải cần đến phép lạ, chỉ cần tăng trưởng kép là đủ”, Ehrman viết.
Giáo phái Mormon có thể được coi là một hiện tượng tương tự trong thời hiện đại ‘của hiện tượng cổ xưa này’.
Trong những năm đầu tiên tồn tại, tín đồ Mormon lan truyền với ‘tốc độ virus’, và gần đây tốc độ đã chậm lại. Tuy nhiên, tính trung bình, Đạo Mormon đã phát triển với tốc độ không đổi – thật kỳ lạ – khoảng 40% mỗi thập kỷ, từ chỉ 6 thành viên vào năm 1829 lên hơn 16 triệu vào năm 2020.
Truyền giáo như một sự đổi mới
Điều này có thể giải thích, làm thế nào Cơ đốc giáo có thể phát triển nhanh như vậy, nhưng nó không giải thích được tại sao.
Có nhiều giả thuyết về điều gì đã thu hút người cổ đại đến với Cơ đốc giáo.
Một số người cho rằng, chủ nghĩa ngoại giáo đã suy tàn hoặc Cơ đốc giáo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, Ehrman lập luận rằng, sự hấp dẫn của Cơ đốc giáo tập trung vào hai đặc điểm chính: Tính độc quyền và truyền giáo.
Mặc dù những người ngoại giáo chắc chắn có thể thờ phượng vị thần yêu thích của họ một cách siêng năng, nhưng họ không bắt buộc phải dâng mình cho bất kỳ vị thần cụ thể nào.
Một người ngoại giáo có thể xin thần Apollo hôm nay một ân huệ thần thánh, và ngày mai xin nữ thần Diana một ân huệ khác. Miễn là những lời cầu nguyện được đọc đúng và các nghi lễ được thực hiện, các vị thần không quan tâm.
Cơ đốc nhân thiếu quan điểm đa nguyên này về vũ trụ. Thần của họ không phải là một trong nhiều lựa chọn. Đó là Thượng đế duy nhất, ngoan đạo.
Ông là một vị thần ghen tuông. Nếu bạn thờ phượng các vị thần khác, ông ta sẽ trừng phạt bạn – “Ta là Chúa, Thiên chúa của bạn, một vị thần ghen tuông, trừng phạt con cháu vì tội tổ phụ của chúng đến ba, bốn đời” (Xh 20: 5).
Ngày nay, dường như tôn giáo liên quan đến công việc truyền giáo, nhưng đối với thế giới cổ đại thì không phải như vậy. Sự khoan dung “sống chết mặc bay” của ‘tà giáo’ đối với các vị thần khác, đã khiến công việc truyền giáo trở nên vô nghĩa.
Ngoài ra, không có động lực thực sự để chuyển đổi. Các vị thần không ‘tính’ linh hồn, và nếu một người không làm to chuyện, thì một thế giới bên kia theo chủ nghĩa bình đẳng đang chờ đợi anh ta – với điều kiện là họ hoàn toàn tin vào điều đó.
Mặt khác, Jesus thuyết giảng rằng, ngày tận thế đang đến gần và sẽ đến sớm: “Có một số người đứng đây sẽ không nếm sự chết, cho đến khi thấy con của người ngự đến trong nước của người” (Matthew 16.28).
Khi thời kỳ cuối cùng đến, Thiên chúa sẽ ban phước cho những người theo ngài bằng sự sống đời đời trong vương quốc của ngài. Bất kỳ kẻ nào không tin sẽ bị trừng phạt mãi mãi. Hình phạt là gì? Không cần biết nó là gì, nhưng chắc chắn: Nó sẽ rất tệ.
Nếu các Cơ đốc nhân thực sự yêu thương người khác như chính mình, như chúa Jesus đã rao giảng, thì chắc chắn họ sẽ muốn được hưởng ‘hoa trái’ của địa đàng mãi mãi.
Cải đạo là một vấn đề quan trọng. Nhưng thay vì cải đạo hàng loạt, các Cơ đốc nhân truyền bá phúc âm qua mạng xã hội và truyền miệng cho nhiều người hàng xóm, đồng nghiệp và thành viên gia đình cùng một lúc.
Niềm tin đã trở thành một trò chơi có tổng bằng không. Mỗi Cơ đốc nhân mới được cải đạo đều trừ đi một người ngoại giáo, và điều này, chắc chắn làm ‘đổ máu’ chủ nghĩa ngoại giáo.
Chiến thắng của Thiên chúa giáo
Nước Anh hiện đại: Lần đầu tiên trong lịch sử, hơn một nửa dân số của đất nước không phải là tín đồ Thiên chúa giáo, nhưng 2 phần 3 cư dân của London là đại diện của các dân tộc thiểu số.
Điều này không có nghĩa là Constantine không đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện này. Sự cải đạo của ông, khiến những người có quyền lực và uy tín cũng cải đạo theo – mang lại ‘lợi nhuận về mặt tài chính’.
Ông đã tặng những món quà xa hoa cho nhà thờ và giám sát các dự án xây dựng như Mộ thánh ở Jerusalem. Ông thậm chí còn thành lập thành phố Constantinople (nay là Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ) làm thủ đô phía đông của Rome và một thành phố Cơ đốc giáo.
“Nhưng sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng, chỉ có sự cải đạo của Constantine mới góp phần vào việc Cơ đốc giáo hóa Đế chế La Mã. Nếu Cơ đốc giáo chỉ đơn giản là tiếp tục phát triển với tốc độ tương tự như (trong thời gian) sự cải đạo của hoàng đế Constantine, hoặc thậm chí ít hơn, cuối cùng nó vẫn sẽ thắng thế”, Erman viết.
Đây là một lời nhắc nhở hữu ích rằng, lịch sử không chỉ có những con người vĩ đại và những khoảnh khắc quyết định. Thường thì đây chỉ là những người sống cuộc sống của họ và thay đổi tiến trình lịch sử trong quá trình này.
Tác giả: Kevin Dickinson