Thâm Hụt Kép Tàn Phá Nền Kinh Tế Mỹ?

Mỹ liên tục bị thâm hụt kép, thâm hụt ngân sách và thương mại. Điều này gây rủi ro gì cho nền kinh tế Mỹ, chuyên gia kinh tế giải thích

Nữ thần tự do biểu tượng nước Mỹ. Ảnh TASS

Tác giả: Jane L. Johnson

Ngày nay mọi người ít nghe nói đến thuật ngữ “thâm hụt kép” của Hoa Kỳ, một cụm từ quen thuộc trong những năm 1980 khi Mỹ liên tục gánh chịu cả thâm hụt ngân sách liên bang và thâm hụt thương mại quốc tế.

Vào thời điểm đó, các nhà kinh tế đưa ra giả thuyết rằng có một mối quan hệ về mặt lý thuyết và/hoặc thực nghiệm đảm bảo rằng hai mức thâm hụt này cùng tăng hoặc giảm.

Thâm hụt ngân sách Mỹ phát sinh như thế nào?

Thâm hụt ngân sách của Mỹ hàng năm tồn tại bất cứ khi nào chi tiêu liên bang vượt quá doanh thu thuế hàng năm. Mỹ đã liên tục gánh chịu những khoản thâm hụt này trong hầu hết thời kỳ hậu chiến, ngoại trừ dưới thời chính quyền Clinton vào những năm 1990. Năm tài chính 2001 là lần cuối cùng ngân sách Mỹ thặng dư.

Thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ năm tài chính 2023 là 1,7 nghìn tỷ USD, với doanh thu thuế là 4,4 nghìn tỷ USD và chi tiêu liên bang là 6,1 nghìn tỷ USD. Thâm hụt trong nửa đầu năm tài chính 2024 là 1,1 nghìn tỷ USD, với khoản thu là 2,2 nghìn tỷ USD và chi tiêu là 3,3 nghìn tỷ USD.

Để tài trợ cho những khoản thâm hụt ngân sách này, Kho bạc Hoa Kỳ phát hành một lượng lớn trái phiếu chính phủ hàng năm – được tính vào tổng số nợ chính phủ hiện tại.

Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ phát sinh như thế nào?

Thâm hụt tài khoản vãng lai hàng năm xảy ra khi Mỹ ‘gửi nhiều tiền ra nước ngoài’ lớn hơn số tiền mà họ nhận được từ các nguồn ở nước ngoài. Mục lớn nhất trong tài khoản vãng lai là thương mại (xuất khẩu và nhập khẩu), trong đó Hoa Kỳ luôn thâm hụt thương mại hàng năm kể từ năm 1975.

Mục khác trong tài khoản vãng lai là ‘dòng thu nhập phi thương mại’ giữa cư dân Hoa Kỳ và cư dân các quốc gia khác. Những dòng thu nhập này bao gồm tiền gửi từ ‘người Mỹ và người nhập cư’ đến các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài, cũng như chi tiêu du lịch của người Mỹ ở nước ngoài. Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines là những nơi nhận kiều hối hàng đầu từ Mỹ (cư dân các nước ở Mỹ gửi tiền về nước của họ).

Thâm hụt thương mại của Mỹ là gần 1 nghìn tỷ USD vào năm 2022, nhưng sau đó giảm xuống còn 773 tỷ USD vào  năm 2023. Mức thâm hụt này thay đổi theo từng quý và từ năm này sang năm khác, thường do xuất khẩu không thường xuyên các mặt hàng có giá trị lớn như máy bay phản lực Boeing và nhập khẩu thường xuyên các mặt hàng lớn như dầu, máy móc nước ngoài, dược phẩm, vật tư công nghiệp và phụ tùng ô tô.

Thâm hụt thương mại lớn nhất của Mỹ được ghi nhận với Trung Quốc, Mexico, Việt Nam, Canada, Đức, Nhật Bản và Ireland. Thặng dư thương mại lớn nhất là với Hà Lan, Hồng Kông, Brazil, Singapore, Úc và Anh. Các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ là Canada (15% tổng thương mại của Hoa Kỳ), Mexico (14% tổng thương mại và Trung Quốc (13% tổng thương mại).

Xem thêm: Cách Mỹ Kiểm Soát Nền Kinh Tế Thế Giới

Ý nghĩa của thâm hụt kép trong những năm 1980

Giả thuyết thâm hụt kép nảy sinh để giải thích kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong những năm 1980. Các nhà quan sát lưu ý rằng, thâm hụt ngân sách liên bang và thâm hụt thương mại tăng và giảm cùng nhau, liệu có mối quan hệ nhân quả trong diễn biến của hai khoản thâm hụt hay không vẫn chưa rõ ràng.

Vào thời điểm đó, người Mỹ đặc biệt lo ngại về thâm hụt ngân sách liên bang khi Quốc hội ban hành Đạo luật thuế phục hồi kinh tế năm 1981 nhưng chính quyền Reagan không cắt giảm chi tiêu liên bang một cách tương xứng.

Một số nhà kinh tế vào thời điểm đó tự hỏi liệu mô hình thâm hụt kép của Mỹ có thể giúp các quốc gia kiểm soát thâm hụt ngân sách chính phủ hay không. Người ta cho rằng việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ cũng có thể làm giảm thâm hụt ngân sách, giả sử có mối liên hệ thực sự giữa hai khoản thâm hụt này.

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng vào những năm 1990, chính quyền Clinton đã đưa ngân sách liên bang vào vùng thặng dư, tuy nhiên thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn tiếp tục ở mức âm, điều này đặt ra câu hỏi về giả thuyết thâm hụt kép.

Xem thêm: Giá Vàng Tăng Là Dấu Hiệu Của Quá Trình Phi Đô La Hóa?

Câu chuyện về thâm hụt kép của Mỹ

Câu chuyện giải thích về thâm hụt kép diễn ra như sau: Thâm hụt thương mại tài khoản vãng lai dai dẳng kể từ năm 1975 đã khiến các đối tác thương mại của Hoa Kỳ tích lũy một lượng lớn ngoại hối tính bằng đô la Mỹ, sau đó được đầu tư vào các tài sản như trái phiếu chính phủ Mỹ, đất đai và các tài sản thực tế khác tại Hoa Kỳ, tạo ra thặng dư tài khoản vốn để bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai (khoản mục lớn nhất trong tài khoản vãng lai là thương mại, biên tập).

Các đối tác thương mại của Hoa Kỳ trước đây thường thoải mái đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ, được xếp hạng AAA, mức cao nhất do các cơ quan xếp hạng như Moody’s và Standard&Poor đưa ra. Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Bỉ và Luxembourg là những quốc gia nước ngoài nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất.

Xem thêm: Mỹ Vỡ Nợ: Số Phận Kinh Tế Toàn Cầu?

Thâm hụt kép và chính sách của Mỹ?

Với mối lo ngại hiện tại về thâm hụt ngân sách liên bang lớn và nợ liên bang cao nhất mọi thời đại, liệu giả thuyết thâm hụt kép có thể áp dụng ngày nay không? Tức là, liệu thâm hụt thương mại giảm (tài khoản vãng lai) có giúp Mỹ hạn chế thâm hụt ngân sách của mình không?

Khi Hoa Kỳ gánh chịu cả thâm hụt ngân sách liên bang và thâm hụt tài khoản vãng lai, trên thực tế, chính phủ Mỹ đang vay từ người nước ngoài (những người mua trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ và các tài sản khác của Hoa Kỳ) để đổi lấy hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Nói cách khác, Hoa Kỳ ‘xuất khẩu trái phiếu’ và nhập khẩu hàng hóa sản xuất ở nước ngoài để tiêu dùng trong nước.

Trong khi việc trao đổi các mảnh giấy (trái phiếu) lấy hàng hóa nước ngoài có thể được duy trì, nhiều người Mỹ có lẽ khá hài lòng với kết quả. Với tư cách là một quốc gia, người Mỹ thích tiêu dùng, bao gồm cả hàng nhập khẩu, cho dù đó là túi xách Hermes trị giá 5.000 USD từ Pháp hay những món hàng rẻ tiền từ Trung Quốc.

Người Mỹ xem việc mua sắm như một trò tiêu khiển quốc gia, phương châm của họ là “mua sắm cho đến khi kiệt sức”, họ thường gặp khó khăn trong việc tiết kiệm một phần thu nhập để nghỉ hưu hoặc cho các mục đích khác trong tương lai và dễ mắc nợ cá nhân (ví dụ, nợ thẻ tín dụng) nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của họ.

Xem thêm: GDP Của Mỹ Thực Tế Bị Thổi Phòng Quá Mức?

Tiết kiệm cá nhân thấp của người Mỹ và biến chứng của nó

Nhưng hình ảnh phản chiếu về chủ nghĩa tiêu dùng của người Mỹ là tỷ lệ tiết kiệm cá nhân thấp của họ, gần đây dao động ở mức khoảng 3 đến 5% GDP và có thời điểm cao tới 32% vào tháng 4 năm 2020 trong thời kỳ đại dịch – khi họ nhận được các khoản thanh toán “kích thích” hào phóng của chính phủ liên bang, nhưng có rất ít cơ hội để chi tiêu. Điều này trái ngược rõ rệt với tỷ lệ tiết kiệm nhất quán ở mức 40-50% GDP của Trung Quốc và tỷ lệ tiết kiệm khoảng 25% của Nhật Bản.

Thâm hụt thương mại tài khoản vãng lai lớn sẽ không bền vững về lâu dài, nếu chúng làm tăng quyền sở hữu nước ngoài đối với nợ liên bang của Mỹ. Khi người nước ngoài sở hữu nợ liên bang của Mỹ (chủ nợ), lãi thanh toán cho các khoản nợ này thể hiện dòng tiền rời khỏi nước Mỹ, làm tăng thêm thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ (lãi thanh toán cho các khoản nợ được hoạch toán vào tài khoản vãng lai, biên tập).

Mặt khác, nếu toàn bộ nợ liên bang của Mỹ thuộc sở hữu nội bộ của công dân Hoa Kỳ thì thu nhập chảy ra nước ngoài sẽ không phải là vấn đề lớn. Nó thể hiện sự phân phối lại thu nhập nội bộ từ những người nộp thuế ở Hoa Kỳ không sở hữu trái phiếu Hoa Kỳ cho những người Mỹ khác sở hữu trái phiếu Hoa Kỳ.

Xem thêm: Fed Tăng Lãi Suất Nhưng Lạm Phát Không Giảm – Một Nhà Kinh Tế Giải Thích

Bắt đầu từ năm 2024, Mỹ đã bắt đầu trả lãi cho khoản nợ liên bang nhiều hơn số tiền chi cho quốc phòng. Vì lãi suất hiện đang được duy trì ở mức cao hơn so với vài năm trước, nên các khoản thanh toán lãi này sẽ chỉ tăng theo thời gian.

Và một phần của khoản thanh toán lãi này sẽ chảy vào túi các chủ nợ nước ngoài của Hoa Kỳ. Hơn nữa, một khoản nợ lớn hơn chỉ có thể được giải quyết thông qua việc vay liên bang nhiều hơn hoặc xuất khẩu ròng (xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu, biên tập) cao hơn. Và để xuất khẩu ròng tăng lên, với tất cả các yếu tố khác không đổi, giá trị của đồng đô la phải giảm và/hoặc người lao động Mỹ phải trở nên năng suất hơn.

Giải quyết vấn đề thâm hụt kép của Mỹ?

Một hoặc nhiều thay đổi về cấu trúc hoặc chu kỳ sau đây phải xảy ra đối với giả thuyết thâm hụt kép – để hỗ trợ Hoa Kỳ kiểm soát thâm hụt ngân sách liên bang hiện tại và do đó có khả năng giảm nợ liên bang tồn đọng:

– Người Mỹ sẽ cần phải tăng tỷ lệ tiết kiệm một cách bất thường, lý tưởng nhất là cung cấp đủ tiền tiết kiệm trong nước để mua khoản nợ liên bang mới cần thiết – để tài trợ cho chi tiêu liên bang, từ đó giảm sự phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài.

– Nguồn thu từ thuế sẽ cần phải tăng, khiến cho người Mỹ có tổng thu nhập khả dụng ít hơn, có thể gây ra tác động phân phối thu nhập gây chia rẽ về mặt chính trị.

– Nhập khẩu cần phải giảm và/hoặc xuất khẩu tăng để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

– Đồng đô la Mỹ có thể cần phải giảm giá so với các loại tiền tệ khác, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Cục dự trữ liên bang (Fed) trong việc hỗ trợ sự ổn định của đồng USD (đồng đô la mất giá có lợi cho xuất khẩu và thiệt cho nhập khẩu, nó hỗ trợ giảm thâm hụt thương mại – biên tập).

Liệu những vấn đề trên có thể được giải quyết?

Ghi chú cuối cùng về câu chuyện thâm hụt kép

Giả thuyết xa xưa nay là lời nhắc nhở rằng, các mô hình kinh tế đến rồi đi. Tuy nhiên, có thể hình dung rằng, nó có thể xuất hiện dưới một hình thức nào đó trong thời đại thâm hụt ngân sách liên bang lớn nhất lịch sử hiện nay của Hoa Kỳ.

Điều thú vị là không có bình luận nào trong tài liệu về thặng dư kép có thể xảy ra trong ngân sách liên bang và cán cân thương mại.

Có lẽ đó là vì mức thặng dư chung như vậy chưa từng tồn tại ở Mỹ trong bất kỳ khoảng thời gian nào. Hoặc có lẽ là do các nhà kinh tế nhận ra không có cơ sở lý thuyết hay thực nghiệm nào cho giả thuyết thâm hụt kép, cũng như không có cơ sở nào cho sự tồn tại của thặng dư kép.

Nếu người Mỹ thực sự lo ngại về thâm hụt ngân sách liên bang (và/hoặc thâm hụt thương mại – tài khoản vãng lai), họ được khuyên không nên sớm tin tưởng vào khả năng thặng dư kép.

Jane Johnson là giảng viên kinh tế đại học đã nghỉ hưu, hiện đang giảng dạy kinh tế tại Viện học tập suốt đời Osher ở miền nam California

Ảnh minh họa: Nữ thần tự do biểu tượng nước Mỹ. Nguồn ảnh: TASS

Nguồn: Jane L. Johnson – eurasiareview.com – Mỹ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang