Thả nổi tiền tệ (thả nổi tỷ giá) là để nó hoạt động theo cung cầu thị trường, không có sự can thiệp của Ngân hàng trung ương trong việc xác định ‘giá’ của nó.
Nhưng ý nghĩa này không tồn tại trên thực tế, ngay cả với các loại tiền thả nổi, được gọi là ‘tiền cứng’, đó là: Đồng đô la Mỹ, đồng Euro Châu Âu, đồng bảng Anh và đồng yên Nhật, và đồng franc Thụy Sĩ.
Mặc dù các hoạt động thanh toán tài chính toàn cầu chủ yếu được thực hiện ở các quốc gia này, và được giao dịch trên các sàn giao dịch tiền tệ quốc tế, nhưng chính phủ của họ thường nhắm tới một ‘mức giá’ cụ thể, để đạt được mục tiêu kinh tế, và nỗ lực ổn định nó một cách gián tiếp thông qua các cơ chế chính sách tiền tệ khác nhau.
Các loại thả nổi tiền tệ là gì?
Có 2 loại thả nổi tiền tệ (thả nổi tỷ giá), loại thứ nhất mà chúng tôi đề cập đến trong định nghĩa về thả nổi tiền tệ (thả nổi tỷ giá) là ‘thả nổi tuyệt đối’ và loại thứ hai là ‘thả nổi có quản lý’, nghĩa là Ngân hàng trung ương can thiệp để điều chỉnh tỷ giá hối đoái lên xuống.
Thả nổi tiền tệ (thả nổi tỷ giá) có quản lý, thường được thực hiện bởi các quốc gia có nền kinh tế mạnh, chiếm tỷ trọng đáng kể trong thương mại quốc tế, nên họ chuyển sang loại hình này nhằm mục đích ‘tăng hoặc giảm nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa’.
Điều này được sử dụng trong cuộc chiến tranh tiền tệ, mà nền kinh tế toàn cầu chứng kiến sau cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, nhằm tối đa hóa xuất khẩu và giảm nhập khẩu.
Xem thêm: Vì Sao Việc Tăng Lãi Suất Của Fed Luôn Gây Ra Khủng Hoảng Toàn Cầu
Tại sao các nước lại thả nổi tiền tệ (thả nổi tỷ giá) và mối quan hệ của nó với IMF là gì?
Các quốc gia áp dụng chính sách thả nổi đồng tiền của mình, trong trường hợp điều kiện kinh tế và tài chính không ổn định, dẫn đến việc sở hữu ngoại tệ trở thành một trong những yếu tố quan trọng, gây ra biến động thị trường, do có nhiều hoạt động đầu cơ và tỷ giá hối đoái ‘thấp’ (đồng nội tệ mất giá), nằm ngoài tầm tay của Ngân hàng trung ương và hệ thống ngân hàng. Và hệ quả của nó là, thị trường ngoại tệ chợ đen hoạt động song song với thị trường chính thức.
Do đó, nhà nước phải đối mặt với những nghĩa vụ lớn hơn khả năng của mình, trong khi nguồn ngoại hối sẵn có trong nước, lại nằm ‘ngoài’ tầm kiểm soát của nhà nước.
Qua theo dõi và thực tiễn, người ta biết rằng, việc thả nổi tiền tệ ở các nền kinh tế gặp khó khăn là do các chỉ thị của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc trong khuôn khổ chương trình nghị sự của IMF, thường bao gồm một gói các biện pháp bao gồm:
– Thả nổi tỷ giá,
– Tự do hóa lãi suất,
– Giảm số lượng lao động trong khu vực công,
– Áp dụng chương trình tư nhân hóa khu vực công,
– Tự do hóa ngoại thương, và
– Mở đường cho đầu tư nước ngoài.
Xem thêm: Mọi Điều Bạn Nên Biết Về Lạm Phát
Tỷ giá hối đoái được xác định như thế nào?
Kể từ năm 1971, thế giới đã từ bỏ ‘bản vị vàng’ trong việc xác định tỷ giá hối đoái, các yếu tố quyết định tỷ giá hối đoái, trong đó đầu tiên là cán cân ngoại hối, cung cầu vàng (dự trữ vàng), và tổng sản phẩm quốc nội.
Các quốc gia có sản phẩm nội địa có giá trị gia tăng cao sẽ tăng giá trị đồng tiền của họ một cách đáng kể. Khi xuất khẩu gia tăng, nó có thể làm tăng nguồn cung ngoại tệ.
Do đó, các Ngân hàng trung ương tìm cách tạo ra sự cân bằng ngoại hối và vàng, giúp đạt được tỷ giá hối đoái cân bằng nhằm bảo toàn lợi ích kinh tế, kích thích nền kinh tế nội địa và duy trì khả năng tiết kiệm và tăng của cải xã hội.
Có một số loại tỷ giá hối đoái, trong đó loại đầu tiên là tỷ giá hối đoái mang tính hành chính, không phụ thuộc vào cơ chế cung cầu mà phụ thuộc vào quyết định của cơ quan quản lý tiền tệ (Ngân hàng trung ương) xác định tỷ giá ở một mức cụ thể.
Thứ hai là tỷ giá hối đoái tự do, vì tỷ giá hối đoái được xác định dựa trên cơ chế cung cầu và không có sự can thiệp của Ngân hàng trung ương.
Loại thứ ba là tỷ giá hối đoái có quản lý, trong đó Ngân hàng trung ương can thiệp vào việc xác định tỷ giá hối đoái thông qua cơ chế thị trường mở (mua bán trái phiếu và chứng từ có giá của Ngân hàng trung ương), có nghĩa là Ngân hàng trung ương quản lý thị trường, thông qua can thiệp vào việc mua và bán ngoại tệ để đạt được mức giá cân bằng, mà họ tin rằng sẽ đạt được.
Khi thấy tỷ giá tăng (nhu cầu ngoại tệ tăng), thì can thiệp bằng cách đưa ngoại tệ ra để tăng cung và giám tỷ giá. Ngược lại, tỷ giá giảm (nhu cầu ngoại tệ giảm) thì Ngân hàng trung ương can thiệp bằng cách mua vào để duy trì sự cân bằng thị trường ngoại hối tại tỷ giá mục tiêu.
Ưu điểm của chính sách tỷ giá thả nổi là gì?
Việc thả nổi giá tiền tệ (thả nổi tỷ giá hối đoái) ở các nền kinh tế đang phát triển được xem là một rủi ro, với những hậu quả không thể tính toán được, đặc biệt nếu nó diễn ra ở một quốc gia có hệ thống chính trị yếu kém, không minh bạch.
Nhưng trong khuôn khổ các khía cạnh kinh tế, có một số mặt tích cực có thể đạt được từ quá trình thả nổi tiền tệ (thả nổi tỷ giá hối đoái), trong đó mặt tích cực đầu tiên và nổi tiếng nhất là việc loại bỏ thị trường chợ đen, bởi vì tỷ giá chính thức và chợ đen (đại lý mua bán ngoại tệ) bây giờ là như nhau.
Điều thứ hai, thả nổi giúp loại bỏ hiện tượng tiêu cực là đô la hóa, tức là xu hướng người dân giữ đô la, hoặc tìm cách mua đô la khi không có nhu cầu, nhưng mục đích chính của họ là bảo toàn tiền tiết kiệm, hoặc để tiết kiệm, đầu cơ vào ngoại tệ để thu được lợi nhuận.
Nhược điểm của chính sách tỷ giá thả nổi là gì?
Quyết định thả nổi tiền tệ (thả nổi tỷ giá) trong điều kiện kinh tế hỗn loạn, thường đi kèm với một loạt tiêu cực về mặt kinh tế và xã hội, tiêu cực đầu tiên là tỷ lệ lạm phát cao, kinh tế trì trệ.
Do đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong ngắn hạn, đồng thời gây ra thiệt hại cho cả người sản xuất và nhà nhập khẩu – do chi phí sản xuất tăng và chi phí nhập khẩu cao hơn (bỏ ra nhiều tiền hơn để mua ngoại tệ cho việc thanh toán hàng nhập khẩu). Ngoài ra, các ‘chủ nợ’ cũng phải chịu một cú sốc lớn do sự biến động của thị trường ngoại hối, tài sản quy đổi ra ngoại tệ của họ có thể bị giảm tương đối.
Khi có khoản nợ nước ngoài (tất nhiên nợ bằng ngoại tệ, chẳng hạn đô la), gánh nặng nợ sẽ tăng lên và chi phí trả lãi cũng sẽ cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh thiếu ngoại tệ để trả nợ và lãi vay.
Những người ‘chiến thắng’ là ai?
Đi đầu trong số những người chiến thắng đối với tỷ giá thả nổi là những người trước đó đã tiết kiệm bằng ngoại tệ, tài sản của họ sẽ gia tăng và ngay sau khi quá trình thả nổi tiền tệ diễn ra, họ có ý định mua tài sản như bất động sản, nhà máy, trang trại hoặc ô tô. Điều này có nghĩa là họ sẽ giàu có hơn, do việc thả nổi tiền tệ (thả nổi tỷ giá).
Thứ hai là những con nợ, đặc biệt là những người mắc nợ ngân hàng và cơ quan tài chính chính thức, vì họ có thể trả nợ với giá thấp hơn giá trị thực một cách tương đối, và bằng cách bán một số tài sản của mình, họ có thể trả được phần lớn các khoản nợ của họ.
Thứ ba là các thương gia lớn, hay còn gọi là nhà bán buôn hoặc đại lý, hoặc các nhà nhập khẩu lớn (có hàng tồn kho lớn), họ có thể tăng giá hàng hóa tồn kho của mình, theo mức giá mới sau khi thả nổi tỷ giá.
Thứ tư là các nhà sản xuất có mục tiêu xuất khẩu và sản xuất dựa trên nguồn cung nội địa, với điều kiện là họ có tính linh hoạt sản xuất cao, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa nội địa. Tỷ giá tăng (đồng nội tệ mất giá), nhà xuất khẩu sẽ thu được ngoại tệ, nếu quy đổi ra nội tệ, tài sản của họ sẽ tăng lên.
Nhóm thứ năm được hưởng lợi là chính phủ, thông qua việc giảm đáng kể giá trị các khoản nợ nội địa, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Những người thua cuộc là ai?
Một nhóm công dân bị tổn hại, khi chính phủ thực hiện chính sách thả nổi tiền tệ (thả nổi tỷ giá), và đi đầu trong số này là những người có tiền tiết kiệm bằng nội tệ, vì giá trị mua hàng của họ giảm theo mức độ giảm giá trị của đồng tiền sau đợt thả nổi tỷ giá, và họ thực sự mất đi một phần tài sản quan trọng của mình.
Thứ hai là các chủ nợ bằng đồng nội tệ, vì giá trị các khoản cho vay giảm đi tương đối, và những gì họ nhận được không bù đắp cho giá trị thực đối với các khoản cho vay mà họ nhận được. Về lâu dài, khoản nợ trong trường hợp này được coi là một tổn thất lớn đối với chủ nợ.
Thứ ba là những người sở hữu hàng hóa (tài sản), mà giá cả không thể tăng lên bằng với giá trị của sự sụt giảm giá trị của đồng tiền, do thả nổi tỷ giá. Ví dụ, bất động sản, với tư cách là một loại hàng hóa (tài sản), rất khó để tăng giá lên 100% trong vòng vài ngày, do đó thị trường hàng hóa đó có nguy cơ xảy ra suy thoái lớn.
Thứ tư là các nhà nhập khẩu, họ phải bỏ nhiều tiền nội địa để mua ngoại tệ (đô la) để trả cho người bán từ các nước khác. Vì vậy, họ có thể phải tăng giá sản phẩm bán ra, và lạm phát có thể xảy ra (nhập khẩu lạm phát). Ngoài ra, họ có thể phải thu hẹp khả năng sản xuất, vì giá tăng có thể dẫn đến thị phần sụt giảm.
Thứ năm bị ảnh hưởng là người lao động và những người có thu nhập cố định, vì lương của người lao động không thể tăng lên cùng mức với sự sụt giảm của giá trị đồng tiền.
Và rất khó cho người sử dụng lao động, cả trong khu vực công và khu vực tư tăng lương lên 50% hay 100%.
Việc thả nổi tiền tệ (thả nổi tỷ giá) có dẫn đến sự sụt giảm giá trị đồng tiền nội địa hơn 580% như trường hợp của Sudan không?