Khi ai đó bị kết tội là phạm tội hình sự, một thẩm phán sẽ quyết định họ nên bị trừng phạt như thế nào. Đôi khi họ được phép sống trong nhà của chính họ (không bị giam) và họ phải nộp phạt hoặc phục vụ cộng đồng, nhưng đôi khi họ bị tống giam, nghĩa là buộc phải sống trong nhà tù. Trong thời gian này, họ không được tự do hoàn toàn và phải tuân theo các quy tắc và quy định của nhà tù.
Nhà tù có thể được gọi là cơ sở cải huấn vì chúng nhằm giúp sửa chữa hành vi của một người – để người đó không phạm tội nữa. Nhưng với tư cách là một nhà tội phạm học – một người nghiên cứu về tội phạm và nhà tù – tôi thường tự hỏi làm thế nào, vì sao chúng ta cho rằng, giam giữ là một cách tốt để “sửa sai”.
Có một lịch sử lâu dài về việc sử dụng nhà tù, ở tù như hình phạt cho việc vi phạm pháp luật và để giữ an toàn cho cộng đồng. Nhưng cũng có tranh luận về việc các hệ thống đó hoạt động tốt như thế nào, chúng công bằng như thế nào và làm thế nào để cải thiện chúng?
Trại tạm giam so với nhà tù
Mặc dù trại tạm giam và nhà tù tương tự nhau, nhưng chúng thường có những mục đích khác nhau. Hầu hết những người sống trong trại tạm giam chưa bị kết tội (thường dưới 1 năm) – đang bị điều tra và chờ tòa án quyết định xem họ có tội hay không. Một người bị kết tội có thể bị tống vào tù như một hình phạt.
Nếu thẩm phán kết án một người nào đó bị giam giữ trong 1 thời gian dài hơn thời gian mà người đó bị tạm giam, thì người đó thường bị đưa đến một nhà tù ở một khu vực khác. Đôi khi nhà tù cách xa nhà của họ và gia đình họ có thể khó đến thăm.
Nhà tù trước đây so với nhà tù bây giờ
Trước đây (chẳng hạn trong thời phong kiến – biên tập), nếu bị kết tội, đôi khi họ bị trừng phạt bằng sự đau đớn về thể xác, chẳng hạn như bị đánh đòn. Đôi khi họ bị buộc phải làm việc không lương hoặc với mức lương rất thấp. Những người khác có thể bị gửi đi xa khỏi cộng đồng (lưu đày) và không được phép quay lại. Hình phạt nghiêm trọng nhất là hành quyết, và nhiều người đã bị giết vì tội ác do mình gây ra.
Theo thời gian, hầu hết các quốc gia quyết định rằng, những hình thức trừng phạt này là tàn ác hoặc không hiệu quả, vì vậy họ bắt đầu sử dụng nhà tù và trại giam làm nơi mà mọi người có thể bị trừng phạt bằng cách “tước mất tự do” trong một khoảng thời gian cụ thể. Các thẩm phán có thể đưa ra một số bản án với thời gian ngồi tù dài hơn nếu tội của họ nghiêm trọng hơn và bản án ‘ngắn hơn’ nếu tội của họ không đáng bị trừng phạt lâu.
Mọi người mong đợi rằng, một số tù nhân sẽ học được bài học từ trải nghiệm trong tù của họ. Nếu sợ quay trở lại nhà tù, hy vọng rằng họ sẽ ít phạm pháp hơn trong tương lai. Một số nhà tù đã cố gắng “phục hồi” mọi người bằng cách cung cấp cho họ một nền giáo dục, đào tạo nghề hoặc liệu pháp có thể giúp họ chuẩn bị trở về nhà.
Nhà tù Hoa Kỳ
Vào những năm 1970, số lượng tội phạm được báo cáo ở Hoa Kỳ gia tăng và nhiều người sợ hãi. Họ nghĩ rằng xã hội sẽ an toàn hơn nếu có nhiều người bị tống vào tù hơn. Quy mô nhà tù tăng từ khoảng 200.000 người trong những năm 1970 lên khoảng 2 triệu người trong những năm gần đây.
Mọi người bắt đầu phải ngồi tù trong thời gian rất dài, và ngày càng có nhiều người bị kết án chung thân, nghĩa là họ không bao giờ có thể trở về nhà. Trước đây, những hình phạt đó chỉ dành cho những tội phạm rất nghiêm trọng, nhưng những luật mới được thông qua trong thời gian này đã khiến chúng trở nên phổ biến hơn.
Các nhà tù trở nên quá tải, khiến các nguồn lực bị phân tán, bao gồm các chương trình giúp các tù nhân chuẩn bị quay trở lại xã hội. Nhiều người lại tiếp tục phạm tội sau khi họ trở về nhà.
Cải tạo nhà tù
Một vấn đề lớn khác là phân biệt chủng tộc. Nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người Mỹ da đen, gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa có nhiều khả năng bị bỏ tù hơn những người thuộc các nhóm chủng tộc và sắc tộc khác, ngay cả khi họ bị kết án về cùng một tội danh. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho gia đình và cộng đồng của họ.
Các xã hội có thể luôn cần tống giam một số người phạm tội nghiêm trọng hoặc gây nguy hiểm cho người khác. Có lẽ hệ thống có thể trở nên an toàn hơn, công bằng hơn và thành công hơn trong việc trừng phạt tội phạm trong khi cải tạo.
Joshua Long: Trợ lý giáo sư nghiên cứu tội phạm học và tư pháp, UMass Lowell