Tác giả: Cameron Emanuel-Burns
Nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu tính khả thi và hậu quả khi áp dụng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), năm 2023 Châu Á đã vượt lên dẫn đầu về việc triển khai CBDC.
Điều gì đã thúc đẩy các quốc gia Châu Á đi đầu trong việc theo đuổi CBDC trên toàn cầu và khu vực này đang hoàn thành mục tiêu của mình như thế nào?
Trước khi bắt đầu, điều quan trọng cần lưu ý là tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) được chia thành 2 loại: Bán lẻ và bán buôn. Công chúng có thể truy cập CBDC bán lẻ, trong khi CBDC bán buôn chỉ có thể được sử dụng bởi một nhóm tổ chức tài chính được lựa chọn, chủ yếu để thanh toán các giao dịch liên ngân hàng và chứng khoán.
Trong những năm gần đây, bối cảnh tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) đã thay đổi nhanh chóng, với việc Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) báo cáo rằng 93% ngân hàng trung ương đang tích cực tham gia vào việc phát triển CBDC. Các quốc gia đang triển khai thí điểm và xây dựng quan hệ đối tác để xác định khả năng tồn tại và tác động tiềm tàng của việc áp dụng hình thức tiền tệ mới này.
Nhưng CBDC vẫn đang ở giai đoạn sơ khai trong việc áp dụng. Tại thời điểm viết bài, chỉ có Bahamas, Jamaica và Nigeria có CBDC hoạt động hoàn toàn, tất cả đều là bán lẻ.
Các quốc gia như Mỹ và Anh đang bị tụt lại trong cuộc đua tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Mới tháng trước, Jerome Powell, chủ tịch Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed), đã được trích dẫn nói rằng, Fed “gần như không đề xuất, chứ đừng nói đến việc áp dụng CBDC”, trong khi Ngân hàng trung ương Anh nói rằng “chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra để theo đuổi đồng bảng kỹ thuật số ở Anh”, đồng thời nói thêm rằng “công việc sẽ tiếp tục trong giai đoạn thiết kế để khám phá tính khả thi và các lựa chọn thiết kế tiềm năng của nó”.
Trong khi đó, ở Châu Á, chúng ta đang chứng kiến một số bước nhảy vọt đáng kể nhất trong quá trình phát triển CBDC.
Được mô tả giống như “100 bông hoa nở rộ” bởi Nicholas Soo, người đứng đầu bộ phận sản phẩm thanh toán, Châu Á Thái Bình Dương tại HSBC trong nhận xét dành cho FinTech Futures, CBDC tại Châu Á đã sẵn sàng phát triển.
Hãy cùng xem xét một số trường hợp đáng chú ý về những tiến bộ của CBDC ở Châu Á.
Xem thêm: Liệu tiền kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương có thành hiện thực?
Hồng Kông
Hồng Kông đang dẫn đầu trong lĩnh vực CBDC bán buôn, đứng đầu trong chỉ số CBDC bán buôn toàn cầu của PwC cho năm 2023.
Hiện tại, Hồng Kông đang tham gia vào một số dự án thí điểm, bao gồm mBridge, Ensemble và Sela. Đáng chú ý nhất là dự án mBridge, dự án đang khám phá một nền tảng chung ‘đa CBDC’ để thanh toán xuyên biên giới.
Sáng kiến này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 160 giao dịch thanh toán và ngoại hối với tổng trị giá khoảng 22 triệu USD.
Dự án này là một trong những dự án thí điểm đầu tiên giải quyết hiệu quả các giao dịch xuyên biên giới có giá trị thực cho các doanh nghiệp và là bằng chứng về sự hợp tác của các cơ quan quản lý trong khu vực – với 20 ngân hàng trên 4 khu vực pháp lý tham gia vào chương trình này.
Singapore
Singapore, 1 trong 8 quốc gia tuyên bố bắt đầu thí điểm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) vào năm 2023, xếp thứ ba trong chỉ số CBDC bán buôn và bán lẻ của PwC.
Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã nói rằng “không có nhu cầu cấp thiết” đối với CBDC bán lẻ trong nước. Điều này phù hợp với cách giải thích của Nicholas Soo của HSBC, ông nói rằng “trường hợp sử dụng CBDC bán lẻ không rõ ràng”.
Tuy nhiên, vào năm 2022, MAS đã khởi động dự án Orchid, nhằm đào sâu vào các ứng dụng tiềm năng của đồng đô la Singapore kỹ thuật số (SGD) có mục đích cụ thể và công nghệ hỗ trợ cần thiết.
Mặc dù bản chất không phải là bản thử nghiệm CBDC nhưng nó thể hiện sự khám phá của MAS về cơ sở hạ tầng cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tiền kỹ thuật số trong tương lai.
Giám đốc Fintech của MAS, Sopnendu Mohanty, lưu ý rằng “các loại tiền kỹ thuật số bán buôn mang lại hiệu quả đạt được trong nhiều trường hợp sử dụng xuyên biên giới”, nhấn mạnh sự thăm dò sâu rộng của Ngân hàng trung ương Singapore trong lĩnh vực này.
Vào cuối năm 2022, tổ chức tài chính này đã công bố dự án Ubin+, được xây dựng dựa trên nền tảng được thiết lập theo kế hoạch ban đầu (dự án Ubin 2016-2020), nhằm nâng cao năng lực của quốc gia trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng dựa trên tiền kỹ thuật số cho các giao dịch xuyên biên giới.
Ấn Độ
Theo PwC, Ấn Độ dẫn đầu trong việc áp dụng CBDC nhờ vào hoạt động phát triển đồng rupee kỹ thuật số.
RBI (Ngân hàng trung ương Ấn Độ) sắp ra mắt CBDC bán lẻ trực tiếp hoàn toàn
Ngược lại với các nước khác, vốn chủ yếu tập trung vào các dự án bán buôn, Ấn Độ đã thực hiện một cách tiếp cận khác.
Trong khi cũng thực hiện kế hoạch bán buôn của riêng mình, quốc gia này đã đạt được những bước tiến đáng kể với việc thí điểm CBDC bán lẻ, được gọi là rupee kỹ thuật số (hoặc e₹), do Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) đưa ra vào tháng 12 năm 2022.
Chính phủ Ấn Độ tin rằng CBDC bán lẻ sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện và đưa quốc gia hướng tới nền kinh tế không tiền mặt.
Trong suốt năm 2023, RBI đã mở rộng các sáng kiến CBDC bán lẻ của mình, phát hiện ra nhiều trường hợp sử dụng có liên quan như khả năng tương tác với UPI (giao diện thanh toán hợp nhất của Ấn Độ, biên tập) và khả năng ngoại tuyến. Có dự đoán rằng quốc gia này sẽ phát hành CBDC bán lẻ hoạt động đầy đủ vào năm 2024.
Tại sao việc áp dụng CBDC là ưu tiên hàng đầu của các nước Châu Á?
Các quốc gia Châu Á đang nổi lên ở vị trí dẫn đầu trong các chỉ số phát triển CBDC gần đây nhất, vậy yếu tố nào có thể thúc đẩy việc sử dụng CBDC ở lục địa này?
Thúc đẩy tài chính toàn diện
Theo các tác giả của bài báo ‘CBDC Châu Á đang trỗi dậy: Phân tích chuyên sâu về sự phát triển và hàm ý trong Tạp chí tài chính và kinh tế định lượng’, CBDC giúp thúc đẩy tài chính toàn diện.
Đây là kết quả của các loại tiền kỹ thuật số mới cho phép giao dịch ngang hàng giữa các cá nhân mà không yêu cầu tài khoản ngân hàng truyền thống hoặc kết nối internet.
Ngoài ra, bài viết gợi ý rằng CBDC bán lẻ trong khu vực có thể giúp thúc đẩy sự tài chính toàn diện bằng cách cung cấp các lựa chọn thanh toán hợp lý.
Xem thêm: Hệ thống tài chính quốc tế đang thay đổi như thế nào?
Chống lại quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ
Các thị trường Châu Á đang nhận ra tiềm năng của CBDC trong việc giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong các giao dịch song phương. Nhiều thị trường mới nổi ở Châu Á đang phải vật lộn với đồng tiền yếu, đặc biệt khi tham gia vào thương mại quốc tế hoặc vay nợ doanh nghiệp hoặc chính phủ.
Thông thường, các thị trường này buộc phải thực hiện các giao dịch thương mại và vay mượn bằng đô la Mỹ, điều này có thể gây bất lợi khi trả nợ bằng đô la – đặc biệt khi đồng nội tệ mất giá. CBDC cung cấp cho các quốc gia này khả năng giải quyết nợ bằng cách chuyển trực tiếp tiền kỹ thuật số, do đó tránh được việc sử dụng đô la.
Bảo vệ sự liêm chính về tài chính
Đối với các nền kinh tế Châu Á mới nổi, CBDC mang lại tiềm năng giảm chi phí liên quan đến quản lý tiền mặt.
Bằng cách giảm sự phụ thuộc vào tiền giấy, CBDC sẽ tiết kiệm cho các nước khỏi các chi phí liên quan đến phân phối, phát hành, in ấn và lưu trữ. Hơn nữa, chúng mang đến cơ hội giảm thiểu rủi ro về tội phạm tài chính và tiền giả, từ đó bảo vệ tính toàn vẹn tài chính của các nền kinh tế đang phát triển này.
Ấn Độ là một ví dụ điển hình cho điều này, vì vào năm 2016, chính phủ đã hủy bỏ tiền tệ của 2 loại tiền giấy, chiếm 86% tổng số tiền đang lưu hành, như một phần của sáng kiến chống tội phạm tài chính và tài sản không được khai báo.
Kết luận
Rõ ràng rằng việc áp dụng CBDC, dù là bán lẻ hay bán buôn, đều mang lại nhiều lợi thế cho các quốc gia trong khu vực. Chúng bao gồm thúc đẩy tài chính toàn diện và đổi mới thanh toán xuyên biên giới.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là việc triển khai nhanh chóng bất kỳ loại tiền kỹ thuật số mới nào đều tiềm ẩn những rủi ro cố hữu, bao gồm các mối đe dọa an ninh mạng, nhu cầu ngày càng tăng về nâng cao hiểu biết về kỹ thuật số của công chúng và các lỗ hổng nội tại của cơ sở hạ tầng công nghệ.
Hơn nữa, như Soo cảnh báo, “trong khi sự quan tâm đến CBDC ngày càng tăng thì nguy cơ phân mảnh cũng tăng theo”. Mặc dù các ngân hàng và cơ quan quản lý đã làm việc cùng nhau trong nhiều chương trình thí điểm khác nhau, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra rằng mỗi bên có những động cơ khác nhau để thử nghiệm hình thức tiền tệ mới này.
Soo cho biết cuộc đua mà chúng ta đang chứng kiến ở Châu Á đang tạo ra “phạm vi công nghệ và tiêu chuẩn ngày càng mở rộng”, đồng thời nói thêm rằng các quốc gia và tổ chức tài chính phải tiếp tục hợp tác trong khi lưu ý đến “khả năng tương tác”.
Khi cố gắng dự báo tương lai của CBDC ở Châu Á, chỉ có thời gian mới trả lời được. Nếu được thực hiện thành công, cả nền kinh tế lâu đời và đang phát triển trong khu vực đều sẽ được hưởng lợi từ những lợi thế do ‘token hóa’ và CBDC mang lại.
Hình minh họa: Tiền kỹ thuật số. Ảnh Sustainomics