Tác giả: Daniel Block
Năm 2023 đã trở nên mệt mỏi đối với Ukraine. Những chiến thắng trên chiến trường ngày càng ít hơn so với những chiến thắng đạt được trong 10 tháng đầu của cuộc xung đột, và Nga ngày càng cố thủ trên chiến trường.
Giờ đây, Hoa Kỳ, nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Ukraine, có thể ngừng hỗ trợ Kiev. Nếu không có sự giúp đỡ này, như Chánh văn phòng tổng thống Ukraine Andriy Yermak mới đây đã phát biểu tại Washington, Ukraine sẽ phải đối mặt với “nguy cơ lớn” thất bại.
Kể từ khi Nga tấn công Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022, Kiev hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ quốc phòng Mỹ và phương Tây. Hầu hết các nhu cầu quân sự của nước này được tài trợ bởi các chính phủ bên ngoài, mặc dù chính phủ cũng chi ‘toàn bộ tiền thuế’ cho quân đội.
Các quốc gia và tổ chức nước ngoài tài trợ hầu hết (và theo một số chuyên gia là ‘tất cả’) cho các chức năng phi quân sự của chính phủ Ukraine.
Cùng với nhau, các đối tác của Kiev đã cung cấp cho đất nước khoảng 100 tỷ USD viện trợ quân sự, trong đó khoảng một nửa số tiền đó là do Hoa Kỳ tài trợ.
Không có gì đáng ngạc nhiên, khi Ukraine cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Với dân số nhỏ hơn Nga 3 lần và nền kinh tế chỉ bằng 1/10 Nga, Kiev rất cần sự hỗ trợ từ Mỹ và phương Tây để đánh bại Nga.
Nhưng quy mô tương đối không phải là lý do duy nhất khiến Ukraine gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu quân sự của mình. Kiev đã phải vật lộn trong nhiều thập kỷ với 2 vấn đề: Tham nhũng quốc phòng và nền tảng công nghiệp yếu kém.
Rất lâu trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, Ukraine đã mua hàng hóa và thiết bị quân sự với giá tăng cao và sử dụng những ‘người trung gian mờ ám’ trong buôn bán vũ khí. Trong khi đó, các nhà sản xuất quốc phòng trong nước không có khả năng đáp ứng hầu hết nhu cầu của đất nước.
Daria Kalenyuk, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Trung tâm hành động chống tham nhũng Ukraine, nói với tôi: “Quân đội của chúng tôi không được trang bị phù hợp. Thách thức mà đất nước phải đối mặt là rất lớn và nhà nước của chúng tôi, đặc biệt là Bộ quốc phòng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, không thể cung cấp cho quân đội mọi thứ họ cần”.
Các nhà hoạt động, doanh nhân và quan chức chính phủ tận tâm trên khắp Ukraine đang nỗ lực mở rộng và làm trong sạch lĩnh vực quốc phòng của đất nước.
Họ muốn Ukraine cải cách hệ thống mua sắm quốc phòng và đang thành lập các công ty có thể giúp tăng cường sản xuất quốc phòng. Một số nhà sản xuất trong nước mơ ước không chỉ giúp Ukraine đánh bại Nga, mà còn bán vũ khí cho Châu Âu và Mỹ.
Các nhà cải cách và doanh nhân giải thích với tôi, công việc này là một sự đầu tư cho tương lai của Ukraine. Ngành quốc phòng Ukraine từ lâu đã đóng vai trò cơ bản trong việc đảm bảo bản sắc của đất nước.
Tăng năng suất và hiệu quả của ngành công nghiệp quân sự là cần thiết, không chỉ để đáp ứng nhu cầu quân sự trước mắt của Kiev.
Điều quan trọng là hiện thực hóa những tham vọng lớn hơn, nhằm biến Ukraine trở thành một phần không thể thiếu của phương Tây. Để giành được sự hỗ trợ bền vững của NATO, Ukraine cần chứng tỏ được một lĩnh vực quốc phòng ‘sạch’ hơn, lớn hơn.
Hơn nữa, nhiều người Ukraine hiểu rằng, để đất nước của họ được công nhận hoàn toàn là phương Tây, họ có thể phải chứng minh rằng, họ có rất nhiều thứ để cống hiến cho NATO, đặc biệt là sau khi đã nhận được rất nhiều thứ.
Xem thêm: Thanh Lý Hay Diệt Chủng: Số Phận Người Dân Ukraine
Công nghiệp quốc phòng Ukraine thời Liên Xô
Trong Chiến tranh Lạnh, khi Ukraine còn là một phần của Liên Xô, nước này là một trong những nhà sản xuất quốc phòng hàng đầu thế giới. Có 750 nhà máy quân sự ở nước cộng hòa, bao gồm các nhà máy đóng tàu sản xuất tất cả các tàu sân bay của Liên Xô, cũng như các nhà máy sản xuất động cơ trực thăng, tên lửa đạn đạo, xe tăng và hệ thống liên lạc vô tuyến. Trước khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine chiếm tới 30% sản lượng quốc phòng của Liên Xô.
Đối với Liên Xô, việc cho Ukraine sản xuất thiết bị và vũ khí quân sự là một điều có lợi. Ukraine nằm ở sườn phía tây nam của Liên Xô, nên nó là một phần không thể thiếu trong nỗ lực kiềm chế phương Tây của Khối cộng sản.
Để đạt được mục tiêu này, Liên Xô cho phép Ukraine sản xuất và tàng trữ số lượng lớn vũ khí. Khi độc lập, Ukraine được thừa hưởng một nền công nghiệp quốc phòng lớn và lực lượng quân sự hùng mạnh, bao gồm hơn 6.000 xe tăng, 1.000 máy bay chiến đấu, 500 tàu chiến và 170 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Gần như ngay lập tức, Ukraine bắt đầu mất đi những tài sản này. Hoa Kỳ, lo ngại về khả năng kiểm soát kho vũ khí lớn như vậy của Ukraine, đã thúc đẩy Kiev ký một thỏa thuận loại bỏ tên lửa tầm xa và máy bay ném bom chiến lược.
Ukraine sau đó đã chuyển phần lớn số vũ khí này sang Nga và phá hủy hầu như mọi thứ khác (Chỉ còn lại 4 máy bay ném bom: 2 chiếc được chuyển đổi thành máy bay trinh sát môi trường và 2 chiếc được gửi đến bảo tàng).
Khi Ukraine phá hủy chiếc máy bay Tu-95 cuối cùng của mình vào năm 2001, Kiev thậm chí còn tổ chức một buổi lễ đặc biệt. Đại diện Bộ quốc phòng Mỹ có mặt tại sự kiện.
Bây giờ nhìn lại, người Ukraine vô cùng hối tiếc về việc cắt bỏ khả năng quân sự của họ, đặc biệt khi xét đến việc Nga đã sử dụng chính những loại vũ khí này trong chiến dịch quân sự đặc biệt của mình. Nhưng vào thời điểm đó, việc chuyển giao thiết bị quân sự như vậy không gây tranh cãi.
Andrei Zagorodnyuk, Bộ trưởng quốc phòng Ukraine từ năm 2019 đến năm 2020, nói với tôi: “Ukraine không có kế hoạch trở thành một siêu cường. Và chúng tôi chắc chắn không có kế hoạch tham gia bất kỳ cuộc chiến nào”.
Có vẻ như Ukraine không cần lực lượng vũ trang lớn mà cần tiền, đặc biệt là khí đốt. Và Nga đã xóa cho Kiev một phần đáng kể các khoản nợ năng lượng, để đổi lấy vũ khí.
Ukraine thậm chí còn kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách bán phần lớn vũ khí dự trữ của mình: Đầu những năm 2000, Ukraine đã xuất khẩu xe tăng, súng và các loại vũ khí khác đi khắp thế giới.
Từ năm 2009 đến 2013, Ukraine là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới. Năm 2012, đứng thứ 4. Hai khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Ukraine là Trung Quốc và Pakistan. Nga chiếm vị trí thứ 3.
Doanh số bán hàng quốc tế đã giúp duy trì hoạt động của một số nhà máy ở Ukraine. Ví dụ, một nhà sản xuất động cơ máy bay và trực thăng của Ukraine vẫn tồn tại bằng cách bán động cơ cho quân đội Nga.
Tuy nhiên, các nhà máy của Ukraine chuyên sản xuất thiết bị quân sự thời Liên Xô và nhu cầu quốc tế đối với những sản phẩm này đã giảm mạnh sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Kiev cho phép nhiều nhà máy đóng cửa và lĩnh vực quốc phòng “đóng cửa”.
Zagorodnyuk nói với tôi: “Hồi đó, nó không liên quan gì đến an ninh của đất nước. Nhưng sau đó hóa ra là có”.
Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea và thông qua các lực lượng dưới sự kiểm soát của mình, đã xâm nhập vào miền đông Ukraine. Vì vậy, Kiev đã thay đổi hoàn toàn hướng đi, tăng hơn gấp đôi ngân sách quốc phòng: Tỷ lệ chi tiêu của chính phủ cho quân đội tăng 106%. Một dòng vốn tư nhân bắt đầu chảy vào, điều mà trước đây hầu như không có trong ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.
Tuy nhiên, ngay cả khi nhà nước tăng chi tiêu quân sự, nạn tham nhũng vẫn hoành hành trong lực lượng vũ trang Ukraine.
Vấn đề bắt nguồn từ thời Xô Viết, khi các nhà sản xuất thường xuyên hối lộ quan chức để mua thiết bị với giá tăng cao, và hối lộ đã ăn sâu vào hoạt động của Bộ quốc phòng Ukraine.
Xem thêm: Một Nửa Dân Số Ukraine Đã Biến Đi Đâu Trong 20 Năm Qua?
Công nghiệp quốc phòng Ukraine hiện tại
Khi Ukraine độc lập, các quan chức quân sự cũng mua hàng hóa quân sự với giá cao để lấy tiền hoa hồng.
Theo phân tích năm 2012 của Leonid Polykov, cựu quan chức cấp cao của Bộ quốc phòng Ukraine, các sĩ quan thường nhận hối lộ vật liệu xây dựng quân sự và sử dụng chúng để xây nhà. Một số quan chức thậm chí còn bán đấu giá đất thuộc sở hữu của Bộ quốc phòng.
Khi người Ukraine lật đổ vị tổng thống thân Nga trong cuộc Cách mạng maidan năm 2014, họ đã mở ra một kỷ nguyên mới của hoạt động xã hội dân sự, nhằm loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng.
Nhưng những nỗ lực này không ngay lập tức chấm dứt được vấn đề. Sergei Pashinsky, người đứng đầu ủy ban quốc phòng của quốc hội Ukraine vào nửa cuối những năm 2010, kiểm soát tất cả các nhà cung cấp vũ khí tư nhân lớn.
Việc định giá và mối quan hệ thân thiết của công ty ông với các quan chức chính phủ đã nhiều lần bị điều tra.
Năm 2019, con trai của một quan chức cấp cao Bộ quốc phòng bị bắt quả tang hối lộ các nhà máy quân sự để mua thiết bị đắt đỏ mà anh ta buôn lậu từ Nga. Sergei Pashinsky, Oleg Gladkovsky (cùng một quan chức cấp cao) và con trai của Gladkovsky phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Các quan chức phương Tây ngay lập tức chuyển sự chú ý sang vấn đề tham nhũng ở Ukraine. “Các bạn đang phải đối mặt với một trận chiến, một trận chiến lịch sử, chống tham nhũng”, phó tổng thống lúc bấy giờ là Joe Biden nói trước quốc hội Ukraine vào năm 2015.
“Không có một nền dân chủ nào trên thế giới mà tham nhũng tràn lan”. Phó tổng thống Mỹ lúc đó kêu gọi cải cách sâu rộng: “Bất cứ điều gì khác sẽ gây nguy hiểm cho sự tiến bộ khó khăn, mới đạt được của Ukraine và làm giảm sự hỗ trợ của quốc tế dành cho Ukraine”, Biden nói.
Vào tháng 2 năm 2022, Nga tiến vào Ukraine và chi tiêu quốc phòng của nước này lại có một bước nhảy vọt khác.
Họ đã tăng gấp 7 lần từ năm 2021 đến năm 2022. Tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trong GDP đã tăng gấp 10 lần.
Kiev không cho biết bao nhiêu phần trăm trong số tiền này được dùng cho sản xuất quân sự, nhưng chắc chắn là rất đáng kể.
Trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press (AP) vào tháng 11 năm 2023, Alexander Kamyshin, người phụ trách lĩnh vực sản xuất quốc phòng, cho biết trong 10 tháng trước đó, sản lượng đạn pháo đã tăng gấp 20 lần và sản lượng xe bọc thép đã tăng gấp 5 lần. Năm 2022, khu vực tư nhân thực hiện 70% mua sắm quân sự của đất nước.
Xem thêm: Nga – Ukraine: Quá khứ, Hiện Tại Và Tương Lai
Tham nhũng trong ngành quốc phòng của Ukraine
Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang gặp khó khăn. Các công ty mới gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Nga thường xuyên ném bom các nhà máy quốc phòng của Ukraine. Và lặp đi lặp lại cùng một vấn đề nảy sinh: Tham nhũng.
Viktor Lokotkov, giám đốc tiếp thị của nhà sản xuất máy bay không người lái Skyassist nói với tôi, tham nhũng đã làm tê liệt chuỗi cung ứng của công ty ông. Công ty nhập khẩu các linh kiện cần thiết từ các nước khác, nhưng khi hàng hóa của công ty đến biên giới Ukraine, các nhân viên hải quan đã ‘bắt giữ’ để đòi ‘tiền chuộc’.
Công ty của ông không phải là công ty duy nhất gặp phải vấn đề như vậy. Vào đầu năm 2023, một trong những nhà lập pháp hàng đầu của Ukraine ước tính rằng nhà nước đã thiệt hại 271 triệu USD mỗi tháng vì hối lộ hải quan, một số tiền gần bằng trước khi xung đột bắt đầu.
Các vụ bê bối mua sắm quân sự đã nhiều lần ảnh hưởng tới Bộ quốc phòng kể từ khi chiến dịch đặc biệt của Nga bắt đầu. Ví dụ, vào tháng 1 năm 2023, một nhà báo điều tra phát hiện ra rằng, Bộ đang mua trứng với giá 47 xu một quả – cao hơn gấp đôi so với giá mua ở các siêu thị Ukraine.
Alexey Reznikov, Bộ trưởng quốc phòng Ukraine, phủ nhận hành vi sai trái, nói rằng giá cao hơn là kết quả của ‘lỗi kỹ thuật’, chứ không phải nỗ lực để lấy lại quả từ hợp đồng.
Nhưng thứ trưởng quốc phòng Ukraine, người giám sát việc mua sắm quân sự, đã từ chức và bị bắt vì hành động của mình.
Các nhà điều tra sau đó cáo buộc ông và một quan chức cấp cao khác đã ăn cắp hàng triệu đô la được phân bổ cho việc mua áo giáp. Vào tháng 8 năm 2023, các nhà báo phát hiện ra rằng Bộ này đã trả quá nhiều tiền mua áo khoác quân đội cho một công ty Thổ Nhĩ Kỳ, do cháu trai của thứ trưởng này đồng sáng lập.
Cũng trong năm nay, quốc hội Ukraine báo cáo rằng, gần 1 tỷ USD hợp đồng vũ khí đã không được hoàn thành đúng hạn và một số nguồn tiền dùng để mua chúng đã biến mất vào tài khoản nước ngoài.
Tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng đặc biệt khó phát hiện, Daria Kalenyuk nói với tôi: “Rất khó để thực hiện các hoạt động quản lý và giám sát dân sự đối với một lĩnh vực vốn dĩ là bí mật hàng đầu và siêu phức tạp”.
Bà nói, nhiệm vụ còn phức tạp hơn do nhiều quan chức chính phủ thiếu quan tâm đến việc chống tham nhũng. Kalenyuk và các nhà hoạt động khác đặc biệt đề cập đến các quan chức cấp cao trong chính quyền tổng thống (mặc dù không phải bản thân tổng thống).
Ví dụ, vào tháng 10 năm 2022, phó trưởng bộ phận này bị bắt quả tang đang lái chiếc SUV Chevrolet do các nhà tài trợ tặng.
Đầu tháng 12, các nhà báo đưa tin ông ta lái chiếc Porsche của một doanh nhân giàu có và thuê một dinh thự giá rẻ từ một ông trùm xây dựng có quan hệ tốt. Gần 2 tháng trôi qua trước khi phó chánh văn phòng Tổng thống Ukraine này từ chức.
Các nhà hoạt động Ukraine đã lợi dụng những hành vi vi phạm này, để gây thêm áp lực lên chính phủ. Một nhà báo phát hiện ra giá trứng cao cho biết, Bộ quốc phòng ‘dường như đã phát triển thói quen trộm cắp’ và kêu gọi thay đổi.
Trong nhiều tuần và nhiều tháng sau khi câu chuyện vỡ lở, nhiều người Ukraine đã chỉ trích Reznikov vì sự lãng phí của ông. Một ‘meme’ với khuôn mặt của Reznikov được đặt trên một quả trứng đã lan truyền rộng rãi.
Một số nhà hoạt động, trong đó có Kalenyuk, đã yêu cầu ông từ chức. Các nhà hoạt động cũng ép chính phủ loại bỏ việc mua sắm quân sự khỏi tay Bộ quốc phòng.
Áp lực đã dẫn đến những thay đổi quan trọng. Vào tháng 9 năm 2023, Zelensky đã thay thế Reznikov bằng một quan chức có kinh nghiệm xử lý tận gốc hành vi hối lộ.
Ông cũng thay thế người phụ trách sản xuất quân sự và người điều hành công ty quốc phòng nhà nước.
Vào tháng 6 năm 2023, chính phủ đã tổ chức lại công ty vốn có lịch sử đầy tai tiếng để minh bạch hơn.
Nhà nước cũng tiến hành điều tra và bắt giữ các quan chức hải quan, đồng thời sa thải quản lý cấp cao của cơ quan hải quan Ukraine.
Cuối cùng, các cơ quan chuyên trách mua sắm hàng hóa không gây chết người và gây chết người cho Bộ quốc phòng đã được thành lập ở Kiev. Cùng nhau, các cơ quan mới sẽ đưa hệ thống mua sắm quân sự của Ukraine đến gần hơn với hệ thống của các nước NATO.
Vào tháng 10 năm 2023, tôi đã nói chuyện với Arsen Zhumadilov, người được bổ nhiệm điều hành cơ quan mua sắm quân sự không sát thương.
Đây không phải là công việc đầu tiên của ông trong chính phủ. Từ tháng 6 năm 2019 đến tháng 8 năm 2023, ông đứng đầu cơ quan mua sắm của Bộ y tế và nhận được nhiều lời khen ngợi từ các nhà hoạt động vì đã làm sạch nơi từng được coi là điểm nóng tham nhũng.
Ông ấy giải thích cho tôi tại sao việc thành lập một cơ quan thu mua riêng biệt giúp giảm hối lộ: “Khi một Bộ đưa ra các quy tắc riêng và tự thực thi chúng, sẽ có xu hướng đưa ra các quy tắc có lợi cho một số nhà cung cấp nhất định”, ông ấy nói với tôi.
Zhumadilov cho biết, việc có một cơ quan độc lập phụ trách việc mua hàng thực tế sẽ bổ sung thêm một công cụ kiểm soát: Nếu một Bộ ban hành một quy định hạn chế ‘đáng ngờ’ quy định những gì có thể được mua và từ ai, cơ quan này có thể ‘chống trả’.
Zhumadilov nói với tôi, ông ấy sẽ không ngại làm điều này nếu cần thiết. Ông nói với tôi rằng, tham nhũng trong ngành công nghiệp quốc phòng không chỉ đi ngược lại đạo đức mà còn đi ngược lại mục đích cá nhân của ông.
Zhumadilov nói: “Tôi đến từ Crimea. Tôi là người Tatar ở Crimea. Và tôi thực sự quan tâm đến việc đất nước chúng ta đủ mạnh để giành lại quyền kiểm soát quê hương của mình, bởi vì tôi muốn trở về nhà”.
Ukraine bây giờ dường như còn một chặng đường dài mới giành lại được Crimea – hay nhiều km lãnh thổ do Nga sáp nhập.
Cuộc phản công được ca ngợi của Ukraine đã hoàn toàn chấm dứt, và ở nhiều nơi trên đất nước, Lực lượng vũ trang Ukraine đang ở thế phòng thủ.
Ukraine và phương Tây: Đang suy yếu
Mối quan hệ với phương Tây từng rất vững chắc, nay đã suy yếu. Các chính trị gia chống Ukraine ngày càng có nhiều quyền lực ở Châu Âu: Chẳng hạn, thủ tướng mới của Slovakia đã thề trong chiến dịch tranh cử của mình sẽ không gửi “một quả đạn pháo nào tới Kiev”.
Tại Mỹ, Đảng Cộng hòa đang ngăn chặn gói viện trợ mới cho Ukraine tại Quốc hội.
Ukraine không có giải pháp đơn giản cho các vấn đề phát sinh từ việc thay đổi tình hình chính trị ở nước ngoài.
Nhưng điều duy nhất nước này vẫn có thể làm để củng cố quân đội và giành được sự ủng hộ của phương Tây là củng cố và làm sạch khu vực quốc phòng khỏi nạn tham nhũng.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa theo chủ nghĩa biệt lập ủng hộ Trump đang lợi dụng điểm yếu và danh tiếng tham nhũng của Ukraine để lập luận chống lại việc cung cấp bất kỳ viện trợ nào cho Kiev.
Thượng nghị sĩ bang Missouri Josh Hawley cho biết vào tháng 9 năm 2023: “Đây là một sự bế tắc. Có phải chúng ta sẽ chi hàng trăm tỷ USD cho Ukraine vô thời hạn”?
Thượng nghị sĩ James Vance của Ohio nói rằng, bằng cách giúp đỡ Ukraine, Hoa Kỳ đang gửi “tiền thuế cho các chính phủ tham nhũng ở nước ngoài”.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nói với các quan chức Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, Ukraine “có lịch sử tham nhũng và chính phủ lãng phí”.
Vẫn còn một bộ phận Đảng Cộng hòa trong Quốc hội muốn tiếp tục cung cấp các gói viện trợ cho Ukraine. Nếu Ukraine sản xuất nhiều vũ khí hơn – và nếu Washington tin tưởng, như Johnson đã nói, “chính phủ Ukraine sẽ hoàn toàn công khai và minh bạch, trong việc sử dụng nguồn lực khổng lồ từ nguồn tiền đóng thuế của chúng tôi” – thì những đảng viên Đảng Cộng hòa này có thể ủng hộ.
Những nỗ lực tương tự sẽ có lợi cho Ukraine trong mắt chính quyền Biden. Và họ sẽ thúc đẩy nỗ lực gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) của Ukraine, điều này cho thấy rõ rằng, Kiev cần phải giải quyết nạn tham nhũng nếu muốn trở thành ứng cử viên nặng ký cho tư cách thành viên EU.
Vì vậy, đối với Ukraine, việc loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng có thể là yếu tố quan trọng để đánh bại Điện Kremlin.
Và số tiền chi trả có thể rất lớn. Trong 6 tháng qua, các quan chức Ukraine đã nói rõ rằng, họ coi ngành công nghiệp quốc phòng sôi động là phương tiện, không chỉ để giành chiến thắng trong cuộc xung đột mà còn để thúc đẩy nền kinh tế đất nước và liên kết với phương Tây.
Ukraine sẽ tạo ra “kho vũ khí của thế giới tự do”, Zelensky khoe khoang tại một diễn đàn công nghiệp quốc phòng vào tháng 9 năm 2023.
Kamyshin nói với hãng tin AP, Ukraine hy vọng xuất khẩu sản phẩm của mình cho bạn bè, gần như là một cách để trả nợ.
Nhiều doanh nhân mà tôi đã nói chuyện đều lạc quan, một ngày nào đó họ sẽ bắt đầu bán sản phẩm của mình ra nước ngoài.
Họ nói với tôi, người Ukraine đã phát triển một số công nghệ vũ khí sáng tạo và các nước NATO đang theo dõi chiến trường để quyết định nên mua loại vũ khí nào.
Một nhà sản xuất máy bay không người lái của Ukraine đã cho tôi xem các email cho biết, một nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ đã đồng ý hợp tác với công ty của ông ấy.
Nếu Ukraine có thể trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn sang phương Tây, đây sẽ là một thành tựu mang tính thay đổi đối với nước này và việc trở thành thành viên NATO và EU có vẻ khả thi hơn nhiều.
Hơn nữa, việc xuất khẩu như vậy sẽ mang một biểu tượng không thể phủ nhận: Một quốc gia, với tư cách là nước cộng hòa Xô Viết, từng sản xuất vũ khí cho Liên Xô, thay vào đó lại trở thành nhà cung cấp vũ khí cho phương Tây.
Nhưng Kiev vẫn còn rất xa mới đạt được điều này. Các nhà hoạt động chống tham nhũng và doanh nhân quốc phòng hy vọng, phương Tây sẽ thể hiện sự kiên nhẫn và niềm tin.
Kaleniuk nói với tôi, khi các vụ bê bối tham nhũng ở Ukraine được đưa tin quốc tế, bà ấy lo lắng rằng, những người thiếu hiểu biết sẽ kết luận, họ đang nhìn vào một “quốc gia siêu tham nhũng không thể giúp đỡ được nữa”.
Bà nói thêm: “Nhưng tôi muốn nói rằng, tất cả những cuộc thanh trừng và bê bối này là dấu hiệu cho thấy chúng tôi đang thay đổi. Có những lực lượng trong nước ủng hộ và thúc đẩy sự thay đổi”.
Ảnh minh họa: Tổng thống Zelensky và Trudeau chào đón cựu lính Đức quốc xã người Ukraine tại quốc hội Canada. Nguồn: AFP