Phương Tây Tìm Ra Đức Phật Như Thế Nào Và Khi Nào?

Marco Polo là người giới thiệu Đức Phật đến phương Tây vào thế kỷ 13, đến thế kỷ 19, phương Tây mới tìm hiểu sâu về Đạo Phật và Đức Phật

Tác giả: Philip C. Almond, giáo sư về Lịch sử tư tưởng tôn giáo, Đại học Queensland

Phật giáo là tôn giáo lớn thứ 3 (và phát triển nhanh nhất) ở Úc với khoảng nửa triệu tín đồ.

Lễ kỷ niệm Phật Đản (ngày Đức phật đản sanh) vào ngày 15 tháng 5 đã trở thành một sự kiện văn hóa lớn và học thuyết “chánh niệm” của đạo Phật – hiện là một phần của văn hóa chính thống.

Nhưng làm thế nào và khi nào phương Tây khám phá ra ‘Đức Phật’?

Sự thật về cuộc đời của Đức Phật không rõ ràng nhưng chúng ta có thể cho rằng, Ngài được sinh ra không sớm hơn 500 trước công nguyên và mất không muộn hơn 400 trước công nguyên.

Người ta nói rằng, ngài là con trai của một vị vua Ấn Độ, vì nhìn thấy sự ‘đau khổ’ của cuộc sống, nên ngài đã dành nhiều năm để tìm kiếm câu trả lời về điều đó. Cuối cùng, ngài đạt được sự ‘giác ngộ’ khi ngồi dưới gốc cây bồ đề.

Họ của Đức Phật là Gotama (theo tiếng Pali) hay Gautama (theo tiếng Phạn). Tên riêng của Đức Phật được cho là Siddhartha (Tất Đạt Đa – biên tập), có nghĩa là “người đã đạt được mục đích của mình”.

Theo truyền thống Phật giáo, Đức Phật đã dành 45 năm để giảng dạy con đường tỉnh thức, thu nhận nhiều đệ tử và tạo ra cộng đồng tu sĩ Phật giáo. Theo truyền thuyết, Đức Phật đã nhập ‘Niết bàn’ ở tuổi 80.

Ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, hoàng đế Ashoka lần đầu tiên truyền bá Đạo Phật. Kể từ thời điểm này, Đạo Phật lan rộng về phía nam, phát triển mạnh ở Sri Lanka và Đông Nam Á, sau đó di chuyển qua Trung Á bao gồm cả Tây Tạng và đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trớ trêu thay, sức hấp dẫn của Đạo Phật đã giảm sút ở Ấn Độ trong những thế kỷ kế tiếp. Nó hầu như đã ‘tuyệt chủng’ ở đó vào thế kỷ 13.

Cũng trong thế kỷ đó, thương gia người Venice (một thành phố của Ý) Marco Polo đã ‘giới thiệu’ Đức Phật đối với phương Tây. Giữa năm 1292 và 1295, trên hành trình từ Trung Quốc về Ý, Marco Polo đã đến Sri Lanka. Ở đó, ông đã nghe câu chuyện về cuộc đời của ‘Sergamoni Borcan’, mà ngày nay chúng ta gọi là Đức Phật.

Marco đã viết về Sergamoni Borcan (Đức Phật), một cái tên mà ông đã nghe thấy tại triều đình của Hốt Tất Liệt, trong cuốn sách mô tả về thế giới của mình. Đây là tên gọi của Đức Phật trong tiếng Mông Cổ: Sergamoni nghĩa là Thích Ca Mâu Ni – nhà hiền triết của dòng tộc Shakya, và Borcan nghĩa là Đức Phật – đấng “linh thiêng” (ngài còn được gọi là Bhagavan – Đức Thế Tôn).

Theo Marco Polo, Sergamoni Borcan là con trai của một vị vua vĩ đại và muốn từ bỏ ngai vàng để tìm con đường chân lý. Vì không muốn con trai trở thành tu sĩ, Nhà vua ra lệnh xây dựng cung điện lộng lẫy cho thái tử và cám dỗ thái tử bằng thú vui nhục dục, với hơn 30.000 thiếu nữ hầu hạ.

Nhưng 30.000 thiếu nữ không lay chuyển quyết tâm của Tất Đạt Đa. Khi nhà vua cho phép thái tử rời khỏi cung điện lần đầu tiên, Tất Đạt Đa đã gặp một người đàn ông đã chết và một ông già ốm yếu.

Vị thái tử kinh ngạc, khi trở về cung điện, Tất Đạt Đa “tự nhủ rằng, mình sẽ không ở lại thế giới này, mà sẽ đi tìm chân lý của cuộc sống”.

Tất Đạt Đa rời cung điện và sống cuộc sống ‘tiết chế’ (khổ hạnh) của một người tu sĩ ẩn dật. Marco Polo tuyên bố , “nếu ông ấy theo đạo Thiên chúa, ông ấy sẽ là một vị thánh vĩ đại, cùng với chúa Jesus của chúng ta”.

Xem thêm: Hành Trình Của Marco Polo – Người Châu Âu Đầu Tiên Đến Trung Quốc?

Người ta biết rất ít về Đức Phật trong 300 năm tiếp theo ở phương Tây. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ 16, thông tin về Đạo Phật bắt đầu trở lại thế giới phương Tây, chủ yếu là kết quả của các nhà truyền giáo dòng Tên đến Nhật Bản và Trung Quốc.

Đến năm 1700, những người ủng hộ các nhà truyền giáo Dòng Tên cho rằng, Đức Phật ảnh hưởng đến hoạt động truyền giáo và thực hành tôn giáo mà họ phải đương đầu.

Ví dụ, Louis le Comte (1655-1728), khi viết hồi ký về chuyến du hành của mình qua Trung Quốc, trong một sứ mệnh được truyền cảm hứng bởi vua Louis XIV đã tuyên bố, “tất cả người Ấn Độ đã bị đầu độc bởi học thuyết nguy hiểm của ông ta. Người Xiêm (Thái Lan) gọi họ là Talapoins, người Tartar gọi họ là Lamas hoặc Lama sem, Japoners Bonzes, và Chinese Hocham”.

Các bài viết của tác giả người Anh Daniel Defoe (khoảng 1660-1731) cho thấy, những độc giả Anh có học thức, có thể đã biết về Đức Phật, vào đầu thế kỷ 18.

Trong Từ điển về tất cả các tôn giáo (1704), Defoe cho chúng ta biết về một thần tượng của Fe (Đức Phật) trên một hòn đảo gần Biển Đỏ, được cho là đại diện cho một triết gia vô thần sống trước Khổng Tử 500 năm, tức là khoảng 1.000 năm trước công nguyên.

Đạo Phật đến Trung Quốc

Với các hướng dẫn liên quan đến việc thờ cúng – được đưa vào Đạo Phật, và do đó đã tạo ra một sự mê tín, đến nỗi, trong một số điều, đã bãi bỏ các châm ngôn của Khổng Tử, người luôn ‘chỉ trích’ chủ nghĩa vô thần và thờ hình tượng.

Sự nhầm lẫn về Đức Phật

Người Anh đã bắt gặp một Đức Phật hoàn toàn khác vào cuối những năm 1700, khi họ đạt được sự thống trị về kinh tế, quân sự và chính trị ở Ấn Độ.

Ban đầu, người Anh phụ thuộc vào những người cung cấp thông tin theo đạo Hindu của họ. Họ nói với người Anh rằng, Đức Phật là hóa thân của thần Vishnu, người đã đến để dẫn dắt mọi người đi lạc lối – bằng giáo lý sai lầm.

Nhiều sự nhầm lẫn ngự trị. Ở phương Tây, người ta thường tranh luận rằng, có hai vị Phật – một vị mà người theo đạo Hindu tin là hóa thân thứ 9 của thần Vishnu (xuất hiện vào khoảng năm 1000 trước công nguyên), vị kia (Gautama) xuất hiện vào khoảng 1000 năm sau đó.

Và còn nhiều nhầm lẫn nữa. Vì có một truyền thống ở phương Tây kể từ giữa thế kỷ 17 rằng Đức Phật đến từ Châu Phi.

Vào thế kỷ 19, người ta cho rằng, những hình ảnh đại diện của Đức Phật, đặc biệt là ở Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan, được mô tả với mái tóc xoăn và “đôi môi dày của người Ethiopia” (như một nhà văn đã nói) là bằng chứng về nguồn gốc Châu Phi của Ngài.

Những người quan sát như vậy đã nhầm lẫn ‘liên quan đến những cách thể hiện’ truyền thống về Đức Phật với mái tóc cuộn chặt thành hình nón nhỏ – là dấu hiệu cho thấy nguồn gốc Châu Phi của Đức Phật.

Lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ Đạo Phật

Hai bước ngoặt lớn cuối cùng đã giải quyết những nhầm lẫn này. Đầu tiên là việc phát minh ra thuật ngữ “Phật giáo” hay “Đạo Phật”.

Lần đầu tiên nó được sử dụng bằng tiếng Anh là vào năm 1800 trong bản dịch tác phẩm có tựa đề ‘Bài giảng về lịch sử của Bá tước Constantine de Volney’. Là một chính trị gia và nhà phương Đông học, de Volney đã đặt ra thuật ngữ “Phật giáo” để xác định tôn giáo xuyên Châu Á mà ông tin là dựa trên một nhân vật thần thoại tên là “Đức Phật”.

Chỉ sau đó, Phật giáo mới bắt đầu nổi lên từ hàng loạt các “thần tượng ngoại đạo” mà nó đã được xác định là một tôn giáo, cùng với Cơ đốc giáo (Thiên chúa giáo), Do Thái giáo và Hồi giáo.

Bước ngoặt thứ 2 là sự xuất hiện của kinh điển Phật giáo ở phương Tây từ năm 1824 (thế kỷ 19). Trong nhiều thế kỷ, không một tài liệu gốc nào của Phật giáo được các học giả Châu Âu tiếp cận.

Nhưng trong khoảng thời gian 10 năm, 4 nền văn học Phật giáo hoàn chỉnh đã được phát hiện – bằng tiếng Phạn, tiếng Tây Tạng, tiếng Mông Cổ và tiếng Pāli. Tiếp theo là các bộ sưu tập từ Nhật Bản và Trung Quốc.

Với các văn bản Phật giáo trước mặt, các học giả phương Tây có thể xác định Phật giáo là một truyền thống đã phát sinh ở Ấn Độ vào khoảng 400-500 năm trước công nguyên.

Và trong số những bản văn này có cuốn kinh Lalitavistara (Kinh Phổ Diệu), được viết vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, trong đó có tiểu sử của Đức Phật. Lần đầu tiên người phương Tây có thể ‘đọc tường thuật’ về cuộc đời Đức Phật.

Kinh Lalitavistara và các tiểu sử khác mô tả một thế giới vô cùng kỳ diệu và mê hoặc – về cuộc sống trên cõi trời của Đức Phật trước khi đản sinh, về sự thụ thai của ngài qua một con voi, về tử cung trong suốt của mẹ ngài, về những năng lực kỳ diệu của ngài khi ra đời, về nhiều phép lạ mà ngài đã thực hiện, của các vị thần, ma quỷ và linh hồn.

Nhưng trong những bản văn mê hoặc này, vẫn còn câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật mà chúng ta quen thuộc. Về vị vua Ấn Độ Shuddhodana (Tịnh Phạn), người sợ Gautama sẽ từ bỏ thế gian, đã không cho con trai mình tiếp cận mọi cảnh tượng đau khổ.

Cuối cùng, khi Tất Đạt Đa rời khỏi cung điện, thái tử gặp một ông già, một người bệnh và một người chết. Sau đó, thái tử quyết định tìm kiếm câu trả lời cho sự đau khổ.

Đối với Đức Phật, nguyên nhân của đau khổ nằm ở sự dính mắc vào những thứ của thế gian. Do đó, con đường giải thoát khỏi nó là thoát khỏi sự chấp trước (hay định kiến).

Con đường của Đức Phật để chấm dứt sự ‘chấp trước’ cuối cùng đã được tóm tắt trong Bát Chánh Đạo – chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Kết quả của ‘con đường này’ là Niết bàn, khi chết đi thoát khỏi sự tái sinh.

Đức Phật nhập Niết Bàn tại khu rừng gần thị trấn Kusinagara, Ấn Độ, là người mà phương Tây sớm ngưỡng mộ. Như Bộ trưởng và mục sư Richard Armstrong, đã nói vào năm 1870.

‘Tính cách của ông ấy đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, và vẫn tươi mới và đẹp đẽ như bây giờ, khi được hiển thị trước mắt người Châu Âu, như khi Tất Đạt Đa tự mình trút hơi thở cuối cùng trong bóng râm của khu rừng Kusinagara’.

Lịch sử so với huyền thoại

Nhưng phải chăng, Đức Phật trong truyền thuyết cũng là Đức Phật trong lịch sử?

Truyền thống mà chúng ta gọi là Phật giáo, được thành lập bởi một nhà hiền triết Ấn Độ tên là Gautama vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước công nguyên.

Đức Phật đã thuyết giảng về một con đường “trung đạo” (Bát Chánh Đạo) để giải thoát khỏi 2 thái cực: Đam mê khoái lạc và khổ hạnh. Công cụ để thực hành trung đạo hay Bát Chánh Đạo là thiền định (thực hành chánh niệm). Nó dẫn đến hòa bình và thanh thản tối thượng.

Các truyền thống Phật giáo ‘sớm nhất’ tỏ ra ít quan tâm đến các chi tiết về cuộc đời của Đức Phật. Thực tế, chính những lời dạy của ngài (Phật Pháp) như cách gọi của Phật tử là quan trọng – chứ không phải cuộc đời của Đức Phật.

Nhưng chúng ta có thể nhận thấy mối quan tâm ngày càng tăng về cuộc đời của Đức Phật từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên cho đến thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3 sau công nguyên, khi Đức Phật ‘được chuyển đổi’ trong Phật giáo từ một vị ‘thầy’ thành một vị ‘cứu tinh’, từ ‘con người sang thần thánh’.

Từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 5 sau công nguyên, rất nhiều bộ kinh điển đã phát triển, nó đã tường thuật đầy đủ về cuộc đời của Đức Phật, từ sự ra đời (và trước đó) của ngài cho đến khi ngài từ bỏ thế gian, giác ngộ, giáo lý của ngài và cuối cùng là đến cái chết Đức Phật.

Như vậy, có một khoảng thời gian dài, ít nhất là 500 – 900 năm kể từ khi Đức Phật nhập diệt và khi những tiểu sử về Đức Phật ra đời. Chúng ta có thể dựa vào những kinh điển để biết thông tin chính xác về các sự kiện trong cuộc đời của ngài không? Chắc là không.

Tuy nhiên, huyền thoại về cuộc đời và giáo lý của Đức Phật vẫn cung cấp câu trả lời về ý nghĩa của cuộc sống con người, cho khoảng 500 triệu ‘tín đồ’ trong thế giới.

Nguồn: Philip C. Almond – theconversation.com – Úc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang