Phật Giáo và Đạo Giáo: “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” Muốn Gửi Thông Điệp Gì?

Các nhà làm phim “Chiến tranh giữa các vì sao” đã ứng dụng triết lý Đạo Phật và Đạo giáo, và muốn truyền tải thông điệp gì đến bạn?

Tác giả: Lee Clarke, tiến sĩ triết học, Đại học Nottingham Trent

Khi câu chuyện về không gian của George Lucas, kể về cuộc nổi dậy non trẻ của các hiệp sĩ Jedi chiến đấu với Đế chế Thiên Hà độc ác ra rạp năm 1977, ít ai có thể tưởng tượng rằng, nó sẽ trở thành một trong những bộ phim thành công nhất trong lịch sử.

Có nhiều chi tiết thần thoại và truyền thuyết mà đạo diễn Lucas đã đưa vào bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao – “Star Wars”.

Nhưng điều mà nhiều người bỏ qua là ảnh hưởng của các tôn giáo và triết học phương Đông như Phật giáo và Đạo giáo, một tôn giáo và triết học cổ đại của Trung Quốc tập trung vào ‘hành động hài hòa với vũ trụ’.

Là một triết gia, một Phật tử và là một người hâm mộ bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao”, tôi nhìn thấy những ảnh hưởng mạnh mẽ của phương Đông đối với bộ phim này, đặc biệt là trong ý tưởng về “sức mạnh” và quan điểm của Jedi về tình cảm gắn bó (luyến ái).

Trường năng lượng (Lực)

Trong bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao”, thầy Jedi, Obi Wan Kenobi mô tả “lực” cho chàng trai trẻ tuổi Luke Skywalker là “một trường năng lượng được tạo ra bởi tất cả các sinh vật sống. Nó bao quanh chúng ta và thâm nhập vào chúng ta, nó liên kết thiên hà lại với nhau”.

Một số người nhận thấy lời nói này chịu ảnh hưởng từ niềm tin truyền thống của Trung Quốc, yếu tố “Qi” (“Khí”) – sinh lực hoặc năng lượng quan trọng có trong tất cả các sinh vật sống.

Các ảnh hưởng khác có thể có của triết học Trung Quốc bao gồm khái niệm về “Tao” (Đạo), có nghĩa là “con đường”. Từ điển triết học Oxford định nghĩa Đạo là “nguồn gốc và nguyên tắc của trật tự vũ trụ”.

Tao Te Ching (Đạo Đức Kinh), tác phẩm kinh điểm của Đạo giáo (được cho là do Lão Tử viết), tuyên bố như sau:

“Đạo là vô tận, vĩnh cửu”. Tại sao nó là vĩnh cửu? Nó không bao giờ được sinh ra – nên nó không bao giờ chết đi. Tại sao nó là vô tận (vô hạn)? Nó không có ham muốn cho chính nó. Vì vậy, nó có mặt trong tất cả sinh vật.

“Lực” tiết lộ tính liên kết của vũ trụ “Chiến tranh giữa các vì sao” và có những nguyên tắc Đạo Phật gợi lên ý tưởng này, chẳng hạn như “Sunyata”, nghĩa là “sự trống rỗng” hay “tánh không” do nhà triết học Phật giáo Ấn Độ Nagarjuna (Long Thọ) đưa ra.

Long Thọ cho rằng mọi thứ đều “không tự tồn tại một cách riêng biệt độc lập” (sunya), nghĩa là không có gì tồn tại độc lập với mọi thứ khác, bởi vì mọi thứ đều được liên kết với nhau. Theo những cách khác nhau, cả 2 ý tưởng này đều có thể ảnh hưởng đến “lực” kết nối.

Sự chấp trước (Attachment) hay “Tình cảm gắn bó” (luyến ái)

Thầy Jedi dạy các đệ tử của mình, không được gắn bó với mọi người hoặc mọi thứ, vì điều đó cuối cùng sẽ dẫn đến ‘mặt tối’. Đây là lý do các Jedi không được phép theo đuổi các mối quan hệ lãng mạn hoặc hôn nhân, và tại sao các nhân vật Anakin Skywalker và Padmé Amidala, từ ‘Attack of the Clones’ (Chiến tranh giữa các vì sao – phần 2: Chiến tranh giữa người vô tính) trở đi, phải giữ bí mật về mối quan hệ của họ.

Chi tiết “chống lại tình cảm gắn bó hay sự luyến ái” được thể hiện xuyên suốt trong phần 1 của bộ phim 3 phần “Chiến tranh giữa các vì sao”.

Trong The Phantom Menace (Chiến tranh giữa các vì sao – phần 1: Hài hòa bóng ma), các thầy Jedi miễn cưỡng huấn luyện đứa trẻ Anakin, vì nó sợ hãi, điều mà cậu bé nói là do nhớ mẹ. Yoda – thầy Jedi lâu đời nhất và khôn ngoan nhất, nói: “Sợ hãi dẫn đến tức giận, tức giận dẫn đến căm ghét, căm ghét dẫn đến đau khổ”.

Trong “Attack of the Clones” (Chiến tranh giữa các vì sao – phần 2: Chiến tranh giữa người vô tính), Padmé hỏi Anakin liệu Jedi có được phép ‘yêu’ không, ông ấy trả lời: “Tình cảm luyến ái bị cấm. Sự chiếm hữu bị cấm”.

Cuối cùng trong “Revenge of the Sith” (Chiến tranh giữa các vì sao – phần 3: Sự báo thù của Sith), Anakin tìm kiếm lời khuyên của thầy Yoda sau khi gặp ác mộng về cái chết của Padmé.

Thầy Yoda nói với anh ta: “Cái chết là một phần tự nhiên của cuộc sống, sự quyến luyến dẫn đến sự ghen tị, nghĩa là bóng tối của lòng tham. Hãy rèn luyện bản thân để từ bỏ mọi thứ mà bạn sợ mất đi”.

Những lời đối đáp trên rất Đạo Phật, hay đúng hơn nhà làm phim đã sử dụng triết lý của Đạo Phật vào bộ phim.

Đạo Phật dạy rằng “không thỏa mãn” (được mô tả bằng khái niệm ‘đau khổ’ trong Đạo Phật, biên tập), được diễn tả bằng từ “dukkha” trong tiếng Pali, là ‘điều cố hữu’ đối với thân phận con người.

Nguyên nhân của sự đau khổ này là tanha, nghĩa là “khát khao” trong tiếng Pali, nhưng tốt hơn nên dịch là ‘dính mắc’ (chấp trước) hay ‘tham ái’.

Con người khao khát mọi thứ, trở nên khác với bản chất của họ (tự nhiên), điều này gây ra đau khổ, khi không như ý muốn của chúng ta. Gốc rễ của ‘tanha’ là “tam độc”, “tham, sân, si” (si hay vô minh – không nhìn thấy được quy luật vận hành của vạn vật, bản chất của vạn vật, biên tập).

Những ‘chất độc’ này tương tự như nỗi sợ hãi, tức giận và hận thù của Yoda và cả 3 điều đó, như ông nói, “dẫn đến đau khổ” – một ảnh hưởng của Đạo Phật thật sự rõ ràng.

Anakin không thể vượt qua ‘tanha’ (tam độc – tham sân si) của mình. Đương nhiên, anh ta đấu tranh để chấp nhận cái chết của mẹ mình. Tuy nhiên, Anakin cũng chịu thua trước sự luyến ái (tình yêu) của mình dành cho Padmé. Linh cảm về cái chết của cô ấy, Anakin khao khát được cứu Padmé hơn là chấp nhận rằng, cái chết là không thể tránh khỏi đối với tất cả chúng ta.

Khao khát này cho phép Anakin bị thao túng bởi vua Palpatine, người đã hứa với Anakin, anh ấy có thể học cách cứu vợ mình. Cuối cùng, Padmé chết vì trái tim tan nát khi chứng kiến ​​Anakin trở thành Darth Vader độc ác, để lại Anakin đau khổ vì những sai lầm của chính mình.

Một số người cho rằng, chính những “lời cao siêu” của thầy Jedi đã khiến Anakin đầu hàng phe bóng tối. Tuy nhiên, từ góc độ Đạo Phật, các Jedi đã đúng.

Anakin cần chấp nhận sự vô thường của cuộc sống, một khái niệm cơ bản khác trong Đạo Phật được gọi là “anicca” (vô thường – mọi thứ đều thay đổi), và hiểu rằng chính sự tuyệt vọng (tanha) của Anakin đối với sự bất tử không thể đạt được đối với những người thân yêu của anh ấy, đã gây ra sự sụp đổ của Anakin.

Sự biến đổi của Anakin thành Darth Vader độc ác đã chứng minh cả thầy Yoda và Đức Phật đều đúng, đồng thời nhấn mạnh ảnh hưởng của Đạo Phật đối với quan điểm về sự gắn bó tình cảm của Jedi.

Có nhiều ảnh hưởng đến “Chiến tranh giữa các vì sao” từ các truyền thống, tín ngưỡng và thần thoại khác nhau. Nhưng sự hiện diện rõ ràng của các khái niệm từ niềm tin tôn giáo và triết học phương Đông nói riêng chứng tỏ tác động mà triết học có thể có, đối với văn hóa đại chúng.

Những tác phẩm như “Chiến tranh giữa các vì sao” có thể đóng vai trò là phương tiện hữu ích và có ảnh hưởng để giúp triết học dễ tiếp cận hơn, ngoài lĩnh vực trí tuệ hoặc học thuật, thu hút người xem vào một điều gì đó lớn hơn và lâu dài hơn so với cốt truyện đơn thuần của một bộ phim Hollywood.

Nguồn: Lee Clarke – theconversation.com – Úc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang