Châu Âu phụ thuộc khoảng 40% khí đốt của Nga. Một con số khổng lồ, đủ để Nga gây sức ép lên Brussels về an ninh năng lượng.
Hiện tại, châu Âu đang vùng vẫy để thoát khỏi sự phụ thuộc về khí đốt từ Nga. Nhưng theo các nhà phân tích, điều này thật sự rất khó trong ngắn hạn. Trong dài hạn, nếu EU không thay đổi chính sách năng lượng xanh, vấn đề cũng không dễ dàng chút nào.
Khí đốt và chính sách năng lượng xanh EU
EU đã lựa chọn theo đuổi chính sách năng lượng xanh. Họ lên kế hoạch từ bỏ năng lượng các bon (bẩn) và chuyển sang năng lượng tái tạo (sạch).
Khí đốt của Nga đáp ứng được yêu cầu này. Một là sạch, hai là giá rẻ. Bên cạnh khí đốt, EU đã đầu tư rất nhiều tiền để phát triển điện gió và mặt trời.
Họ đã đi khắp thế giới để cổ vũ phát triển 2 loại năng lượng tái tạo này.
Có 2 lý do cho điều này, một là bán thiết bị và công nghệ, hai là thúc đẩy giảm khí thải CO2. Chúng ta biết rằng, biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến châu Âu. Nó làm cho mùa đông của họ lạnh hơn và mùa hè nóng lên.
Thiếu khí đốt đồng nghĩa với thiếu điện, thiếu năng lượng làm mát cho mùa mè và sưởi ấm cho mùa đông.
Mùa đông ở châu Âu thì thật sự khắc nghiệt. Nhìn trên phim ảnh thì tuyết rơi mùa đông rất đẹp, nhưng đó chỉ là phim, là ảo, không phải đời sống thực. Tuyết đóng băng, dính vào đất đá thì rất bẩn, không đẹp chút nào. Sống với sự ẩm ướt rất là khó chịu.
Làm thế nào, người châu Âu có thể chịu nổi mùa đông giá lạnh 2022, nếu thiếu khí đốt để sưởi ấm?
Liệu EU có thể thoát khỏi khí đốt Nga?
Có 2 con đường để EU thoát khỏi bẫy “năng lượng xanh”. Đó là, trở về năng lượng các bon – trở về cái được gọi là bẩn, nghĩa đen lẫn bóng VÀ tìm nhà cung cấp khí đốt khác thay thế Nga. Cả 2 con đường đều rất khó khăn.
Nếu trở về cái bẩn, điều này có nghĩa, châu Âu phải xóa đi những giá trị họ đã rao giảng với thế giới là phải hướng đến bảo vệ môi trường.
Trở về bẩn, họ phải sử dụng năng lượng hạt nhân, năng lượng than, năng lượng dầu và thủy điện. Tuy nhiên, dù bất cứ lựa chọn nào, họ cũng sẽ khó thoát khỏi Nga.
Nga xuất khẩu 40% Uranium đã làm giàu toàn thế giới. Nga cũng là nhà xuất khẩu than lớn của thế giới. Về dầu mỏ thì không phải bàn, xuất khẩu dầu của Nga chiếm 10%. Các nguồn năng lượng khác như gió và mặt trời quá phụ thuộc vào thời tiết.
Các đường ống cung cấp khí đốt cho châu Âu từ Nga (Gazprom)
Nord Stream – Dòng chảy phương bắc
Hệ thống Nord Stream với 2 đường ống song song cung cấp tổng cộng 55 tỷ mét khối/năm cho châu Âu. Nord Stream có chiều dài 1,244 ngàn km nối từ vùng Vyborg, Nga qua biển Baltic đến Lubmin, Đức.
Nord Stream 2 – Dòng chảy phương bắc 2
Tiếp nối sự thành công của đường ống Nord Stream, dự án Nord Stream 2 hoàn thành vào tháng 9 năm 2021, nhưng chưa được chính phủ Đức và EU cấp phép hoạt động.
Nord Stream 2 có khả năng cung cấp 55 tỷ mét khối khí đốt/năm. Như vậy, nếu nó được chấp thuận. Tổng lượng khí đốt của 2 dự án Nord Stream cung cấp cho châu Âu lên tới 110 tỷ mét khối/năm.
Nord Stream 2 chạy song song với đường ống Nord Stream, có chiều dài lên đến 1,2 ngàn km, kết nối từ Nga qua biển Baltic đến khu vực Greifswald, Đức. Nó có 2 đường ống song song với nhau, công suất mỗi đường ống là 27,5 tỷ mét khối/năm.
TurkStream – Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ
TurkStream có 2 đường ống song song với nhau với chiếu dài 930 km. Công suất mỗi đường ống là 15,75 tỷ mét khối khí đốt/năm. Như vậy, tổng công suất của TurkStream là 31,5 tỷ mét khối/năm.
TurkStream chảy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua biển đen. Đường ống thứ 1 cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ và đường ống thứ 2 cung cấp cho khu vực nam và đông nam châu Âu.
Đường ống Yamal – Europe
Đường ống Yamal – Europe có công suất 32,9 tỷ mét khối/năm, cung cấp khí đốt trực tiếp cho khu vực tây Âu. Yamal – Europe đi qua 4 nước: Nga, Belarus, Ba Lan và Đức với tổng chiều dài hơn 2000 km.
Tóm lại
Tổng 3 hệ thống đường ống cung cấp khí đốt cho châu Âu khoảng 103,65 tỷ mét khối/năm (không tính Thổ Nhĩ Kỳ).
Những đường ống khí đốt trên được xây dựng mới sau khi Liên Xô tan rã. Ngoài những đường ống này, khí đốt từ Nga còn được vận chuyển qua châu Âu bằng những đường ống được xây dựng từ thời Liên Xô qua ngã Ukraina.
Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraina đã thừa hưởng toàn bộ các đường ống dẫn khí đốt nối từ Nga qua châu Âu và hiện vẫn đang hoạt động. Naftogaz là công ty nhà nước đang quản lý hệ thống các đường ống này.
Putin đã có tầm nhìn xa khi thực hiện chiến lược đa dạng hóa đường ống dẫn khí đốt để tránh phụ thuộc quá mức vào Ukraina qua EU.
Nhu cầu khí đốt của EU
Năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 140 tỷ mét khối khí đốt từ Nga, tương đương 380 triệu mét khối/ngày qua đường ống.
Cộng thêm nhập khẩu 15 tỷ mét khối khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Nga, tổng cộng, năm 2021, tổng nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga là 155 tỷ mét khối. Con số này chiếm 45% tổng nhập khẩu khí đốt của EU và chiếm khoảng 40% tổng tiêu dùng khí đốt của EU.
Chiến lược thay thế khí đốt Nga
EU đã lên kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga trước 2030. Để làm điều này, họ phải tìm nhà cung cấp khí đốt và LNG mới, cũng như tăng sản lượng từ các nhà cung cấp khác ngoài Nga.
Tuy nhiên, rủi ro cho điều này là giá sẽ cao hơn. Đó là một sự đánh đổi. Sử dụng khí đốt Nga vừa sạch và vừa rẻ, nhưng EU không thích điều này.
EU đã tìm cách tăng lượng LNG nhập khẩu từ Mỹ và châu Á. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra gây trở ngại là EU đang thiếu các cảng chuyên cho LNG và kho chứa LNG. Ngoài ra, năng lực cung cấp LNG của Mỹ và các nước châu Á sẽ khó lòng đáp ứng nhu cầu của EU trong ngắn và trung hạn.
EU đã tìm đến châu Phi (Algeria) để mở rộng nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, năng lực và đầu tư dự án đường ống cần thời gian.
Chiến lược của Putin – buộc EU phải cúi đầu
Chắc chắn Putin sẽ không cắt hoàn toàn khí đốt đến châu Âu. Ông ấy sẽ viện cớ “vụ Tuabin” và vấn đề về kỹ thuật để giảm nguồn cung khí đốt.
Ngày 25 tháng 7 năm 2022, tập đoàn năng lượng Gazprom đã thông báo sẽ giảm lưu lượng khí đốt qua Nord Stream xuống còn 20% so với mức lưu lượng 40% từ tháng 06 vì vấn đề bảo dưỡng tubin.
Đến tháng 07 năm 2022, EU mới tích trữ 65% cho nhu cầu khí đốt phục vụ mùa đông sắp tới. Mục tiêu của họ, đến ngày 1 tháng 10, phải lấp đầy 80% và đến tháng 11 là 90%. Tuy nhiên, điều này thật sự là khó khăn. Vì Nga đã giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống.
Để đối phó với điều này, ngày 26 tháng 07 năm 2022, EU đã đề xuất thành viên tự nguyện giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 năm 2022 đến tháng 03 năm 2023. Ba Lan, Hungary đã lên tiếng phản đối.
Hungary tích trữ khí đốt chưa đến 50%, trong khi Ba Lan đã tích trữ đến 90%. Ba Lan không muốn chia sẽ khí đốt của mình cho các thành viên EU còn lại. Thủ tướng Viktor Orban của Hungary và Putin có mối quan hệ hữu nghị, nên có thể Hungary sẽ không gặp vấn đề về khí đốt.
Để thông qua kế hoạch giảm 15% khí đốt, cần ít nhất 72% thành viên hội đồng EU đại diện cho ít nhất 65% dân số của khối thông qua.
Dòng chảy phương bắc 2 sẽ sớm được chấp thuận
Putin đã đi nước cờ cực kỳ điêu luyện khi ra lệnh giảm nhưng không cắt lưu lượng khí đốt đến châu Âu.
Vấn đề là mùa đông đang đến gần, rất gần.
Hiện tại là mùa hè, người châu Âu có thể chịu nóng một chút, nhưng đương đầu với cái lạnh mùa đông là chuyện khác.
Bạn có thể tưởng tượng, cái lạnh của châu Âu gấp 100 lần đà lạt. Nếu sống tại Đà Lạt thiếu máy nước nóng, không biết bạn có dám tắm không?
Chắc chắn, châu Âu sẽ khó lòng tích trữ đủ khí đốt cho mùa đông. Các thành viên EU đã tích trữ đủ khí đốt không muốn san sẽ với các thành viên còn lại. Điều này sẽ làm mất đoàn kết nội bộ EU. Chắc chắn sẽ là như vậy. Đó là điểm thứ 1.
Điểm thứ 2, các thành viên chưa tích trữ đủ sẽ tìm đến Nga để thương lượng.
Điểm thứ 3, Đức là nước dẫn dắt EU, nhưng chỉ mới tích trữ khoảng 53% để chuẩn bị cho mùa đông. Chuyện gì xảy ra, nếu các thành viên khác không chia sẽ với Đức? Đức sẽ cúi đầu trước Nga? Nếu không chính phủ có thể sụp đổ?
Các nước EU thật sự đang hoảng loạn và mất đoàn kết. Nhiều nước đã ra yêu cầu tiết kiệm năng lượng nơi công cộng, chẳng hạn Pháp, Đức.
Đến tháng 11, tức gần đến mùa Đông, EU sẽ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga.
Lúc đó, Nga sẽ yêu cầu Đức và EU chấp thuận dòng chảy phương bắc 2 – Nord Stream 2.
Thế cờ đã định, EU đang thiếu lá bài để chống lại Nga.
Nếu không ngồi vào bàn đàm phán với Nga, một là EU sẽ phải đương đầu với mùa đông, người dân thiếu khí đốt để sưởi ấm. Ngoài ra, thiếu khí đốt đồng nghĩa với thiếu điện, 20% năng lượng điện của EU đến từ khí đốt.
Hơn nữa, hiện tại lạm phát tại nhiều quốc gia EU đang rất cao. Điều này đồng nghĩa đời sống người dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Làm sao họ có thể chịu đựng được tất cả những điều này?
Thế cờ của Putin buộc EU phải ngồi vào bàn đàm phán.
Rõ ràng, Putin đã không dùng chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh trong quân sự và cả khí đốt.
Ông ấy đã dùng lá bài năng lượng để chống lại các lệnh trừng phạt từ EU. Putin cứ tà tà, tà tà làm suy yếu và chia rẽ nội bộ của đối thủ.
Từ khóa: Khí đốt, nhu cầu khí đốt EU – Châu Âu, Nhập khẩu khí đốt EU năm 2021, Xung đột Nga Ukraina, Tổng thống Putin.