Trong nhiều thập kỷ, các cường quốc thống trị thế giới đã được hưởng lợi từ tỷ lệ dân số trong trong độ tuổi lao động, nó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, do dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn, hầu hết các nước đang phát triển phải dành nguồn lực vốn đã khan hiếm cho việc nuôi dạy trẻ em. Tuy nhiên, vấn đề nhân khẩu học trên toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Sự thay đổi lớn về nhân khẩu học đầu tiên xảy ra ở Nhật Bản: Đến năm 2013, 1 phần 4 dân số đã trên 65 tuổi. Một con số đáng báo động cho Nhật Bản.
Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Đông Âu, cũng như Trung Quốc, có thể đi theo bước chân của nó. Đồng thời, nhiều quốc gia nghèo, có thu nhập thấp ngày nay sẽ lần đầu tiên trong lịch sử tiếp nhận một lực lượng lao động khổng lồ trong độ tuổi lao động. Liệu họ có tận dụng được cơ hội này?
Châu Âu đang thu hẹp lại về dân số và lực lượng trong độ tuổi lao động (họ đang gặp phải vấn đề nhân khẩu học). Trung Quốc cũng như vậy và Ấn Độ, quốc gia trẻ hơn nhiều, sẽ vượt qua Trung Quốc về dân số trong năm nay.
Nhưng tất cả chỉ là khởi đầu!
Các dự đoán về dân số thế giới: Đến năm 2050, người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm gần 40% dân số ở các khu vực thuộc Đông Á và châu Âu.
Con số này gần gấp đôi so với ở Florida – “thủ đô của những người về hưu” của Mỹ. Đồng thời, số lượng người trong độ tuổi lao động phải hỗ trợ tất cả những người hưu trí này sẽ giảm đáng kể.
Chưa bao giờ các quốc gia “cũ” gặp phải tình trạng như vậy!
Do đó, các chuyên gia dự đoán, một số điều được coi là hiển nhiên ở các nước giàu – tuổi nghỉ hưu, lương hưu và chính sách nhập cư nghiêm ngặt – sẽ cần một “cuộc đại tu lớn”. Và đóng góp của các nước giàu ngày nay trong GDP toàn cầu chắc chắn sẽ giảm, các nhà kinh tế cho biết.
Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác có dân số trong độ tuổi lao động lớn nhất, được điều chỉnh theo tổng số người, đang phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ. Đã có lúc, nguồn lao động dồi dào đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của họ – Trung quốc là ví dụ điển hình cho điều này.
Tất cả các quốc gia này đều đã già đi.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, lực lượng lao động cân bằng nhất sẽ sớm tập trung ở Nam và Đông Nam Á, châu Phi và Trung Đông. Theo các chuyên gia, sự dịch chuyển này sẽ làm thay đổi tăng trưởng kinh tế và cán cân quyền lực địa chính trị.
Theo nhiều cách, sự già đi của dân số thế giới là một chiến thắng của sự phát triển. Khi mọi người trở nên giàu có hơn, họ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và sinh ít con hơn.
Đồng thời, những cơ hội to lớn đang mở ra cho các nước nghèo hơn. Khi mức sinh giảm, các quốc gia có thể mong đợi cái gọi là “lợi tức nhân khẩu học”:
Tỷ lệ người lao động ngày càng tăng với số lượng người phụ thuộc ít hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Quy mô gia đình nhỏ nhơn, họ sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để nuôi dạy và ‘đầu tư’ cho con cái. Ngoài ra, thị trường lao động được bổ sung bởi phụ nữ – và điều này cũng giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, nhân khẩu học không phải là định mệnh (câu nói “nhân khẩu học là định mệnh” của triết gia người Pháp Auguste Comte), và “lợi tức nhân khẩu học” không được “trả” một cách tự động.
Điều này có nghĩa, nếu không có đủ số lượng việc làm, một lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động có thể dẫn đến tình trạng bất ổn định. Và ngay cả khi về già, các quốc gia giàu có sẽ được hưởng những lợi ích kinh tế và mức sống cao trong một thời gian dài sắp tới.
Trong những năm 1990, các cường quốc thống trị thế giới có dân số lớn trong độ tuổi lao động. Các quốc gia khác vẫn còn rất trẻ. Ngày nay, hầu hết châu Âu đang già đi và Nhật Bản thậm chí còn già nhanh hơn.
Vào năm 2050, hầu hết các quốc gia giàu nhất hiện nay sẽ già đi đáng kể. Ngược lại, ở những nước khác, lần đầu tiên, dân số trẻ trong độ tuổi lao động sẽ xuất hiện.
Lối thoát về kinh tế liên quan đến nhân khẩu học
Mikko Myrskylä, giám đốc Viện nghiên cứu nhân khẩu học Max Planck cho biết: “Về lý thuyết, những thay đổi này sẽ không làm nhiều người ngạc nhiên. Nhưng thực tế lại ngược lại: “Và, không phải vì chúng tôi không biết. Mà vì, từ quan điểm chính trị rất khó để đáp ứng điều này”.
Giống như nhiều quốc gia trẻ khác, tỷ lệ sinh của Kenya đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Nửa thế kỷ trước, phụ nữ có trung bình 8 đứa con và năm 2022 – hơn 3 đứa con một chút.
Về mặt nhân khẩu học, Kenya phần nào gợi nhớ đến Hàn Quốc vào giữa những năm 1970, khi nền kinh tế của nước này đi vào giai đoạn ‘tăng trưởng lịch sử’, nhưng tỷ lệ sinh giảm chậm hơn một chút. Một cấu trúc tuổi tương tự được quan sát thấy ở Nam Á và châu Phi.
Điều này hứa hẹn những lợi ích to lớn.
Sự gia tăng dân số (lực lượng) lao động này chiếm tới 1/3 mức tăng trưởng kinh tế lớn nhất từng thấy cho đến cuối thế kỷ 20 ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Hơn nữa, nền tảng cho những thay đổi nhân khẩu học sắp tới đã được đặt sẵn: Hầu hết những người sẽ sống vào năm 2050 đều đã được sinh ra.
Nhưng các dự báo luôn không chắc chắn và có những dấu hiệu cho thấy, mức sinh ở các quốc gia ‘châu Phi cận Sahara’ thậm chí còn giảm nhanh hơn so với dự báo của Liên Hợp Quốc, nghĩa là các quốc gia châu Phi có thể thậm chí còn tốt hơn vào năm 2050 so với dự báo hiện nay.
Nhưng nếu không có những chính sách phù hợp, một lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động có thể trở thành gánh nặng, hơn là động lực tăng trưởng kinh tế.
Khi những người trẻ tuổi mòn mỏi vì không được học hành hoặc không có việc làm, họ có thể trở thành mối đe dọa cho sự ổn định xã hội, khi những người trẻ thất vọng trở thành tội phạm có tổ chức, hoặc thậm chí là trở thành các chiến binh – để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.
Caroline Cardona, một nhà kinh tế y tế tại Đại học Johns Hopkins, cộng tác viên của chương trình ‘Nhân khẩu học’, cho biết: “Nếu không có việc làm cho những người trẻ tuổi để lấp đầy thị trường lao động, thì không ai hứa hẹn cho bạn bất kỳ lợi ích nhân khẩu học nào”.
Philip O’Keeffe, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu người cao tuổi châu Á tại Hội đồng khoa học Úc, cho biết các quốc gia Đông Á, nơi được ưu đãi mạnh mẽ bởi nhân khẩu học trong vài thập kỷ qua, có thể chế rõ ràng và chính sách phù hợp, do đó đã nắm bắt được tiềm năng của mình.
O’Keeffe cho biết, các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như các khu vực ở Mỹ Latinh, có cấu trúc tuổi tương tự như Đông Á, nhưng không có sự tăng trưởng nào như vậy được ghi nhận.
Ông giải thích: “Nhân khẩu học chỉ là một nguyên liệu thô. Lợi tức nhân khẩu học là sự kết hợp giữa nguyên liệu thô sẵn có và các chính sách khôn ngoan”.
Tuy nhiên, không chỉ các quốc gia trẻ ngày nay đang đứng trước ngã ba đường. Chuyển đổi xã hội ở các nước giàu chỉ mới bắt đầu. Nếu không chuẩn bị cho việc giảm số lượng lao động, họ sẽ phải đối mặt với sự suy giảm ‘sức mạnh kinh tế’.
Liên Hợp Quốc dự đoán, dân số trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc và Ý, hai quốc gia sẽ trở thành một trong những quốc gia già nhất thế giới, sẽ giảm lần lượt là 13 triệu và 10 triệu vào năm 2050.
Trung Quốc được dự đoán sẽ có ít hơn 200 triệu người trong độ tuổi lao động, mức giảm lớn nhất so với các quốc gia trên thế giới.
Để đối phó với điều này, các chuyên gia cho rằng, các quốc gia giàu có đang già hóa sẽ phải suy nghĩ lại, không chỉ về lương hưu và chính sách nhập cư, mà còn cả cuộc sống khi về già.
Nó sẽ không dễ dàng. Hơn 1 triệu người dân Pháp đã xuống đường biểu tình phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, dấu hiệu cho thấy những thách thức mà họ sẽ phải đối mặt.
Ngoài ra, lo ngại về vấn đề nhập cư sẽ thúc đẩy sự ủng hộ dành cho các ứng cử viên cánh hữu ở các quốc gia già hóa ở Tây và Đông Á.
Tiến sĩ Myrskylä cho biết: “Hầu hết các vấn đề ở cấp độ toàn cầu đều liên quan đến vấn đề ‘phân phối’. Quá nhiều người già ở một số nơi. Có quá nhiều người trẻ tuổi ở những nơi khác. Tất nhiên, nên mở cửa biên giới nhiều hơn để di chuyển lao động. Và đồng thời, chúng tôi thấy rằng, điều này cực kỳ khó khăn do chủ nghĩa dân túy của chính trị cánh hữu”.
Theo Ngân hàng thế giới, những thay đổi sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn ở các nước châu Á, nơi đang có tốc độ già hóa nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới.
Sự thay đổi cơ cấu tuổi tác ở Pháp mất hơn 1 thế kỷ và hơn 60 năm ở Mỹ thì ở nhiều nước Đông và Đông Nam Á chỉ mất 20 năm.
Không chỉ các nước châu Á già đi nhanh hơn nhiều, mà một số nước còn già trước khi giàu. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore duy trì mức thu nhập tương đối cao, Trung Quốc đạt mức dân số trong độ tuổi lao động cao nhất với tỷ lệ 20% so sánh với thời điểm Mỹ có mức thu nhập ngang với Trung Quốc. Con số của Việt Nam là 14%.
Hệ thống lương hưu ở các nước nghèo không được thiết kế để phục vụ dân số già, nhưng ở các nước giàu thì có.
O’Keeffe nói rằng, người lao động ở hầu hết các nước nghèo không thể ‘sống tốt’ bằng lương hưu khi về già. Và do đó, khác với các nước giàu, họ hiếm khi trích một phần số tiền kiếm được cho kế hoạch hưu trí.
Ông nói: “Tình trạng này rõ ràng sẽ không bền vững về mặt xã hội trong 20 năm nữa, khi tỷ lệ dân số già tăng lên. Các quốc gia sẽ phải tìm ra mô hình hệ thống lương hưu nào phù hợp nhất với họ để cung cấp đầy đủ hỗ trợ tài chính khi về già”.
Đồng thời, ở các quốc gia giàu khác (bao gồm cả Hoa Kỳ), những thay đổi sẽ không quá nổi bật.
Do đó, do tỷ lệ sinh cao hơn và di cư gia tăng, Hoa Kỳ và Úc vào năm 2050 sẽ trẻ hơn so với hầu hết các quốc gia giàu có.
Tỷ lệ dân số trên 65 tuổi ở Hoa Kỳ và Úc được dự đoán là dưới 24% vào năm 2050 – cao hơn nhiều so với hiện nay, nhưng vẫn thấp hơn hầu hết châu Âu và Đông Á, nơi con số này sẽ vượt quá 30%.
Cuối cùng, tuổi thọ, với tất cả các vấn đề của nó, có thể được coi là một thành tựu to lớn.
Tiến sĩ Myrskylä giải thích: “Chúng ta đã ‘xoay sở’ để tăng tuổi thọ. Chúng ta đã giảm tỷ lệ tử vong sớm. Chúng ta đã đạt đến điểm mà trẻ em được sinh ra do sự lựa chọn riêng tư chứ không phải do sự ép buộc của xã hội”.
Mọi người không chỉ sống lâu hơn, họ còn sống khỏe mạnh và năng động hơn. Và do mức độ phát triển cao, các quốc gia già hóa sẽ thịnh vượng trong một thời gian dài sắp tới.
Nhưng việc lựa chọn các chiến lược ‘hành vi’ và chính sách công có tầm quan trọng rất lớn.