Nguyên nhân tổng thống Hàn Quốc ra lệnh Thiết quân luật là gì?

Thời gian thiết quân luật ngắn ngủi cho thấy Hàn Quốc đang khủng hoảng chính trị. Nó có khả năng dẫn đến sự sụp đổ của tổng thống Yoon

Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình kêu gọi tổng thống Yoon từ chức bên ngoài Quốc hội. Ảnh Han Myung-Gu-EPA qua Al Jazeera

Tác giả: Konstantin Asmolov, nhà nghiên cứu cao cấp, Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại, Viện hàn lâm khoa học Nga

Cuộc khủng hoảng chính trị lên đến đỉnh điểm khi tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ra lệnh thiết quân luật trong thời gian ngắn, được dỡ bỏ chỉ 5 tiếng rưỡi sau khi ông tuyên bố, không phải là điều bất ngờ.

Trong khi phe đối lập nhanh chóng truyền bá câu chuyện của riêng mình, không có nghi ngờ rằng, tình hình khá phức tạp và cần phải phân tích kỹ hơn.

Bối cảnh khủng hoảng chính trị Hàn Quốc

Chúng ta hãy quay trở lại cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm 2022. Vào thời điểm đó, Yoon Suk Yeol – một cựu tổng chưởng lý (tổng công tố viên), sau một cuộc xung đột với tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Moon Jae-in đã chuyển sang phe bảo thủ (mặc dù trước đó, Yoon đã truy tố hai tổng thống bảo thủ) – và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với chênh lệch tỷ lệ 0,73%, một tỷ lệ sít sao chưa từng có trong lịch sử Hàn Quốc.

Ngay từ đầu, Yoon đã phải đối mặt với một thách thức, vì phe đối lập, Đảng Dân chủ, nắm giữ đa số ghế trong Quốc hội (hơn một nửa nhưng chưa đến 2/3).

Tỷ lệ này cho phép Đảng Dân chủ Hàn Quốc ngăn chặn các sáng kiến ​​của tổng thống, trong khi thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng họ, mà sau đó thường bị tổng thống phủ quyết. Tình hình này phần lớn làm tê liệt hoạt động lập pháp và thúc đẩy sự phân cực của xã hội.

Cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4 năm 2024 không làm thay đổi được nhiều điều. Trong khi cuộc bầu cử này được xem là một thất bại đáng kể đối với đảng cầm quyền, thì phe bảo thủ thực sự đã giành được nhiều phiếu bầu hơn một chút so với 4 năm trước đó (108 so với 103). Đảng Dân chủ đã không đảm bảo được đa số 2/3, nhưng vẫn nắm giữ đa số đủ điều kiện trong Quốc hội, cho phép thông qua hoặc chặn luật mà không cần quan tâm đến đối thủ chính trị. Vào thời điểm đó, rõ ràng là cuộc khủng hoảng đã làm tê liệt cơ quan lập pháp Hàn Quốc – sẽ còn tiếp diễn trong suốt nhiệm kỳ còn lại của Yoon.

Đồng thời, chính phủ đã khởi xướng các thủ tục tố tụng hình sự đối với nhà lãnh đạo phe đối lập gây tranh cãi, Lee Jae-myung, người đã biến Đảng Dân chủ thành câu lạc bộ người hâm mộ cá nhân của mình.

Có căn cứ đáng kể cho các cáo buộc chống lại ông, và bỏ qua sự phân cực chính trị của xã hội, ông có khả năng đã bị bỏ tù dù – thậm chí khi xem xét đến thực tế là 5 nhân chứng quan trọng trong nhiều vụ án khác nhau đã chết hoặc tự tử trước khi họ có thể làm chứng.

Trong một vụ án, ông đã nhận được án treo, trong khi một vụ án khác dẫn đến việc trắng án (được xem là một phép màu pháp lý). Tuy nhiên, ông vẫn phải đối mặt với 4 bản án bổ sung.

Xem thêm: Khủng hoảng thiết quân luật ở Hàn Quốc: Số phận của tổng thống Yoon?

Cho rằng ngay cả một bản án treo do Tòa án tối cao Hàn Quốc phê chuẩn cũng sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị của Lee, tình hình nhanh chóng chuyển biến thành một cuộc chạy đua “ai sẽ chôn ai trước”: Hoặc là chính phủ sẽ kết án các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ, hoặc là đảng này sẽ khởi xướng thành công thủ tục luận tội tổng thống.

Căng thẳng trong đảng cầm quyền, trầm trọng hơn bởi một chiến dịch mang tên “People for Impeachment” và được các tổ chức phi chính phủ liên kết (bao gồm các công đoàn lao động, giáo sư đại học và giáo sĩ Công giáo – Catholic clergy) hậu thuẫn, về mặt lý thuyết đã tạo cơ hội cho phe đối lập tích lũy được 200 phiếu bầu – đủ để tiến hành luận tội tổng thống Yoon bất kể lý do cơ bản là gì.

Tuy nhiên, hầu hết các cáo buộc mà phe đối lập đưa ra chống lại tổng thống đều vô căn cứ như những tuyên bố của chính ông về ‘các lực lượng chống nhà nước hoặc ủng hộ Bắc Triều Tiên’, mà tổng thống Yoon đã sử dụng để biện minh cho lệnh thiết quân luật được áp đặt.

Âm mưu đảo chính và nguyên nhân có thể xảy ra

Những sự kiện diễn ra trong hơn “năm giờ thiết quân luật” gợi lại ký ức về các cuộc đảo chính quân sự do cựu tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee và Chun Doo-hwan lãnh đạo, và câu nói, “Lịch sử lặp lại, đầu tiên là bi kịch, sau đó là trò hề” (“History repeats itself, first as tragedy, second as farce”).

Vào lúc 11 giờ tối giờ địa phương ngày 3 tháng 12, sau một cuộc họp kín được cho là do Bộ trưởng quốc phòng khởi xướng, tổng thống Yoon đã có bài phát biểu trước toàn quốc và lần đầu tiên kể từ năm 1979, đã áp đặt “thiết quân luật để bảo vệ nước Cộng hòa tự do Hàn Quốc khỏi mối đe dọa từ các lực lượng cộng sản Bắc Triều Tiên, để xóa bỏ các thế lực chống nhà nước ủng hộ Bắc Triều Tiên đang cướp bóc tự do và hạnh phúc của nhân dân chúng ta, và để bảo vệ trật tự hiến pháp tự do”.

Yoon cáo buộc phe đối lập làm tê liệt chính phủ bằng các hoạt động chống nhà nước. “Quốc hội đã trở thành nơi ẩn náu của tội phạm, làm tê liệt hệ thống tư pháp và hành chính và cố gắng lật đổ hệ thống dân chủ tự do thông qua chế độ độc tài lập pháp”, ông nói.

Tiếp theo bài phát biểu của Yoon, tướng Park An-soo, chỉ huy thiết quân luật, đã công bố một sắc lệnh cấm mọi hoạt động chính trị, bao gồm cả biểu tình và tiệc tùng.

Các xe quân sự tiến vào thành phố. Tuy nhiên, bất chấp sự phong tỏa tòa nhà Quốc hội, các nhà lập pháp, được đám đông ủng hộ, đã xoay xở để vào bên trong. Sau đó, 190 đại biểu Quốc hội đã nhất trí bỏ phiếu bãi bỏ thiết quân luật theo Hiến pháp của đất nước.

Các lực lượng quân sự bắt đầu rút lui, và ngay sau đó, tổng thống đã có một bài phát biểu khác trước toàn dân. Ông nói rằng, ông muốn bảo vệ đất nước, nhưng vì Quốc hội đã phản đối quyết định của ông, thiết quân luật sẽ được dỡ bỏ.

Câu chuyện này khiến tôi kinh ngạc. Trước đó, tôi đã cân nhắc đến khả năng xảy ra một “cuộc đảo chính từ trên xuống”, nhưng cuối cùng, có vẻ như điều đó khá khó xảy ra.

Theo ý kiến ​​của tôi, được nêu trong một bài báo gần đây trên tạp chí trực tuyến New Eastern Outlook, “Tổng thống Yoon, mặc dù có lập trường cứng rắn, nhưng ông thừa nhận rằng, ông không có lý do cũng như cơ hội để áp đặt thiết quân luật … Xe tăng trên đường phố sẽ châm ngòi cho các cuộc biểu tình quần chúng, và quân đội không chuẩn bị bắn vào dân thường. Cuối cùng, chúng ta có thể chứng kiến ​​một kịch bản gợi nhớ đến nỗ lực đảo chính của Liên Xô năm 1991, khi phe đối lập hợp nhất chống lại tổng thống dẫn đến một số thương vong và cuối cùng dẫn đến sự thất bại hoàn toàn của những kẻ chủ mưu đảo chính”.

Thêm vào sự hấp dẫn, rõ ràng là cả thủ tướng Hàn Quốc lẫn lãnh đạo đảng cầm quyền đều không được thông báo về quyết định của tổng thống.

Tổng thống là một trong những người đầu tiên dán nhãn động thái này là không đúng và bỏ phiếu chống lại nó tại Quốc hội. Tin tức về thiết quân luật thậm chí đã đến được Washington. Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell cho biết Hoa Kỳ đang theo dõi các diễn biến với “mối quan ngại sâu sắc” và nhắc nhở Seoul rằng, nền dân chủ là nền tảng của liên minh Hoa Kỳ-Hàn Quốc, và bất kỳ tranh chấp chính trị nào cũng phải được giải quyết một cách hòa bình và theo đúng pháp luật.

Xã hội Hàn Quốc không coi tình hình này là nghiêm trọng, vì Đảng Dân chủ đã nói về chế độ độc tài sắp xảy ra và kêu gọi mọi người xuống đường kể từ khi nhà lãnh đạo của họ bị đe dọa bỏ tù.

Kết quả là, hành động của Yoon đã phản tác dụng với chính ông và thậm chí còn bị lên án bởi cả những nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền.

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng, ngày nay, quân đội Hàn Quốc không còn giống như thời kỳ độc tài nữa – họ không sẵn sàng nổ súng vào dân thường. Trong bối cảnh này, thật an tâm khi tổng thống đã chọn không leo thang có thể dẫn đến đổ máu.

Điều thú vị là hành động của Yoon Suk-Yeol cũng khiến Bình Nhưỡng bối rối. Thay vì phát sóng toàn bộ bản tin buổi sáng, phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên chủ yếu phát nhạc.

Trong khi đó, các tờ báo Triều Tiên đưa tin rằng một “tổ chức tiến bộ” khác đã kêu gọi luận tội, mà không đề cập đến các sự kiện gần đây.

Điều gì có thể thúc đẩy tổng thống thực hiện một động thái dường như sai lầm như vậy?

Yoon đủ thực tế để hiểu được những rủi ro đi kèm với thất bại, vì vậy điều quan trọng là phải hiểu động cơ của ông. Có một số lý thuyết tại thời điểm này.

Có ý kiến cho rằng, Yoon chỉ đơn giản là mất bình tĩnh. Một giả thuyết khác cho rằng Yoon hoặc các cố vấn của ông (ý tưởng thiết quân luật được Bộ trưởng quốc phòng Kim Yong-hyun, cựu giám đốc cơ quan an ninh và là bạn học cũ của Yoon, đề xuất) nghĩ rằng, họ có thể đi trước tình hình, nhưng đã đánh giá sai khả năng và hiệu quả của lực lượng an ninh Hàn Quốc.

Một giả thuyết thứ ba cho rằng, quyết định được đưa ra một cách tự phát dưới một số áp lực bên ngoài, buộc tổng thống phải hành động.

Một ý tưởng tương tự ngụ ý rằng, thông tin sai lệch từ những kẻ thù của Yoon có thể đã thao túng ông thực hiện một động thái dẫn đến sự sụp đổ của ông.

Điều đáng chú ý là tổng thống Yoon không phải là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm. Cựu tổng chưởng lý, người đã chuyển sang chính trị chỉ một năm trước khi trở thành tổng thống, có thể thiếu hiểu biết sâu sắc về cách thức hoạt động của bộ máy quan liêu, đặc biệt là vì văn phòng công tố viên ở Hàn Quốc là một cấu trúc quân sự hóa với kỷ luật nội bộ nghiêm ngặt.

Chúng ta có thể rút ra những điểm tương đồng với thời đại Park Geun-hye, khi một nhóm cố vấn thân cận đã thao túng nhà lãnh đạo thông qua thông tin thiên vị.

Thật kỳ lạ, một số nhà lý thuyết âm mưu tin rằng, Hoa Kỳ có thể đã đóng một vai trò trong vụ việc này. Bất chấp lập trường thân Mỹ của Yoon, ông vẫn không thay đổi chính sách của mình đối với Ukraine, và một phái đoàn do Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov dẫn đầu đã rời Hàn Quốc ‘tay không’.

Trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Moscow và Bình Nhưỡng, có căn cứ để nghi ngờ rằng “lằn ranh đỏ” giữa Seoul và Moscow có thể sớm bị vượt qua và Hàn Quốc sẽ gửi viện trợ quân sự cho Kiev, nhưng điều này đã không xảy ra.

Do đó, chúng ta không thể loại trừ khả năng chính quyền Biden sắp mãn nhiệm có thể đã cung cấp cho Yoon một số “thông tin tình báo đáng tin cậy”, buộc ông phải mạo hiểm mọi thứ.

Vậy thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Một thất bại như thế này, khiến gần như mọi người xa lánh tổng thống, cũng giống như tự sát chính trị.

Yoon càng bám víu vào quyền lực, thì tỷ lệ ủng hộ của ông vốn đã giảm sút sẽ tiếp tục giảm. ông sẽ phải chịu trách nhiệm cho mọi sai lầm trong quá khứ, và sẽ rất khó để Yoon có thể truyền đạt quan điểm của mình.

Phe đối lập đã yêu cầu Yoon từ chức ngay lập tức, vì một nỗ lực ban hành thiết quân luật, mà không có lý do chính đáng được xem là hành động nổi loạn. Vào ngày 4 tháng 12 năm 2024, các đảng đối lập tại Quốc hội đã đệ trình một động thái nhằm đưa ra dự luật luận tội Yoon. Với việc nhiều nghị sĩ bảo thủ ủng hộ phe đối lập trong quyết định này, họ có khả năng sẽ giành được hơn 200 phiếu bầu cần thiết để luận tội tổng thống.

Hơn nữa, các quan chức chính phủ Hàn Quốc cũng đã tuyên bố từ chức. Trong số những người từ chức có chánh văn phòng Chung Jin-suk, giám đốc cục an ninh quốc gia Shin Won-sik, trưởng phòng chính sách Sung Tae-yoon và các quan chức cấp cao khác.

Điều này có ý nghĩa gì đối với các đảng phái chính trị lớn? Trong khi việc luận tội có thể làm chậm quá trình xét xử đối với nhà lãnh đạo phe đối lập, thì sự phân cực xã hội vẫn ở mức cao.

Do đó, Đảng Dân chủ đang nỗ lực thông qua luật có hiệu lực hồi tố có thể rút ngắn thời hiệu đối với một số tội danh nhất định, có khả năng cho phép hủy bỏ các vụ án.

Đối với các đảng bảo thủ, họ đã có lập trường cứng rắn và tách mình ra khỏi tổng thống, vì vậy những người bảo thủ có thể có cơ hội công bằng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, đặc biệt là nếu tòa án hành động hợp pháp và Lee bị bỏ tù.

Tất cả những điều này ảnh hưởng đến bất ổn toàn cầu và lợi ích của Nga như thế nào? Trước hết, điều quan trọng là không nên gộp chung các sự kiện khác nhau. Tình hình ở Georgia (Gruzia), Abkhazia, Syria và Hàn Quốc không liên quan. Tình hình này đã là vấn đề tồn tại lâu dài đối với Hàn Quốc và có thể diễn ra sớm hơn hoặc muộn hơn một tháng, tùy thuộc vào các yếu tố chính trị trong nước.

Một câu hỏi cấp bách hơn đối với Nga là liệu chính phủ mới sẽ tốt hơn hay tệ hơn chính phủ cũ khi nói đến lợi ích của Nga.

Một mặt, do chính trị đảng phái, Đảng Dân chủ có thể hủy bỏ các sáng kiến ​​của cựu tổng thống, bao gồm cả việc chuyển hướng sang quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Mặt khác, dưới thời tổng thống Yoon, Hàn Quốc vẫn duy trì vị thế là “quốc gia thân thiện nhất trong số các quốc gia không thân thiện” đối với Nga, trong khi đảng Dân chủ có xu hướng thiên về các giải pháp dân túy và có chương trình nghị sự ủng hộ Châu Âu có thể thúc đẩy họ ủng hộ Ukraine.

Cả phe bảo thủ và phe dân chủ ở Hàn Quốc đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ Hoa Kỳ. Lời lẽ của Đảng Dân chủ về quyền tự chủ chiến lược khỏi Hoa Kỳ chỉ phản ánh những đấu tranh nội bộ của đảng: Khi phe bảo thủ nhấn mạnh vào liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ, phe dân chủ phải phản bác lại câu chuyện đó.

Điều này có nghĩa là để đảm bảo một số khả năng cơ động về các vấn đề nhạy cảm, phải có những nhượng bộ ở nơi khác.

Tổng thống Yoon hoàn toàn đồng tình với Washington về vấn đề Triều Tiên nhưng vẫn giữ được sự linh hoạt liên quan đến Nga và Trung Quốc. Ngược lại, phe dân chủ ưu tiên Triều Tiên, điều này có thể khiến họ phải “hy sinh” Nga và Trung Quốc.

Nhìn chung, tình hình xung quanh việc ban bố thiết quân luật khá phức tạp, và sẽ là quá đơn giản khi tin vào câu chuyện rằng, tổng thống muốn thiết lập chế độ độc tài nhưng bị người dân ngăn cản. Tất cả những gì chúng ta có thể nói là đời sống chính trị của Hàn Quốc sẽ khá sôi động trong tương lai gần, vì vậy hãy theo dõi.

Hình minh họa: Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình kêu gọi tổng thống Yoon từ chức bên ngoài Quốc hội. Ảnh Han Myung-Gu-EPA qua Al Jazeera

Nguồn: Konstantin Asmolov – rt.com – Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang