Sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật thủ công từ lâu đã là một xu hướng mang tính quốc tế, giúp nâng tầm các sản phẩm thủ công truyền thống. Tại Nhật Bản, nhờ đề cao kỹ thuật thủ công truyền thống, coi đó là tinh hoa nghệ thuật dân gian cũng như vai trò của thiết kế mẫu mã, họ đã thành công trong việc tạo ra danh tiếng tầm cỡ thế giới và sức sống bền vững cho nhiều nghề thủ công độc đáo.
Nhật Bản là quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến nhưng vẫn chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống. Ở Nhật Bản, bên cạnh các ngành công nghiệp hiện đại với quy mô lớn, các cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn và các hộ gia đình làm nghề thủ công vẫn được quan tâm phát triển.
Nhiều làng nghề ở Nhật Bản với các nghề thủ công truyền thống đa dạng vẫn tồn tại và hoạt động hiệu quả đến nay. Đầu thế kỷ 21, Nhật Bản có 867 nghề thủ công truyền thống vẫn còn hoạt động
Năm 2003, các nghề thủ công và các làng nghề đã đạt giá trị sản lượng tới 8,1 tỷ USD, đồng thời thu nhập từ các nghề này được tăng lên. Vì vậy, Nhật Bản rất chú trọng phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa ở nông thôn.
Nhiều quy định của pháp luật được ban hành để khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, tiêu biểu là “Luật phát triển nghề thủ công truyền thống” do Nghị viện ban hành năm 1974. Bên cạnh đó, để khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, Nhật Bản còn thực hiện các chính sách cụ thể sau:
– Khôi phục và phát triển nghề truyền thống: Chính phủ yêu cầu các tổ chức sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống như: Liên hiệp hợp tác xã, tổ chức công thương phải lập kế hoạch khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống. Kế hoạch gồm các nội dung như đào tạo tay nghề, nghiên cứu nguyên liệu và đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, cải tiến kỹ thuật và nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường sản xuất, khai thác nhu cầu, cung cấp thông tin cho khách hàng. Nhà nước và Chính quyền địa phương dựa trên kế hoạch này để hỗ trợ về vốn và đào tạo nghề.
– Phong trào mỗi làng một sản phẩm: Phong trào thúc đẩy mỗi địa hương có một nghề thủ công.
Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” với ý tưởng khai thác nguồn nhân lực địa phương để khôi phục các ngành nghề thủ công truyền thống được phát động từ quận Oita vào năm 1979.
Phong trào đề ra 3 phương châm gồm: Sản xuất sản phẩm phù hợp với thị trường, khuyến khích người dân thực hiện các dự án phù hợp với năng lực và chú trọng đào tạo kỹ năng chế tác và quản lý sản xuất cho người dân.
Từ thành công của quận Oita, cả nước Nhật đã có 20 quận hưởng ứng sau 5 năm phát động với các dự án tương tự như: “Sản phẩm của làng” hay “Chương trình phát triển thành phố quê hương”.
Số lượng sản phẩm bán ra khi phong trào bắt đầu là 143 loại với thu nhập là 35,9 tỷ yên, đã tăng lên 336 loại với thu nhập 141 tỷ yên vào năm 2001. Nhiều làng nghề bị mai một được khôi phục, có 200 nghề mới được tạo dựng. Phong trào cũng hấp dẫn nhiều nước học tập như: Thượng Hải (Trung Quốc), Đông Java (Indonesia), Los Angeles (Mỹ).
– Hỗ trợ vốn cho làng nghề truyền thống: Chính phủ cho thành lập hệ thống bảo lãnh và bảo hiểm tín dụng để hỗ trợ các làng nghề truyền thống vay vốn không cần tài sản thế chấp. Các doanh nghiệp của làng nghề có thể vay vốn để sản xuất kinh doanh hay mua sắm thiết bị mới trong kỳ hạn 3 đến 5 năm với lãi suất trung bình là 9,3%/năm.
Đề cao việc sáng tạo mẫu mã
Bên cạnh thái độ tôn vinh nghề thủ công truyền thống, coi đó là tinh hoa nghệ thuật của người dân, Nhật Bản còn coi nghề thủ công truyền thống có vai trò như một đối trọng đối với sự bùng nổ, tăng trưởng nóng ở các ngành nghề khác.
Đây là một ngành kinh tế bền vững, là giải pháp để phát triển kinh tế địa phương dựa trên các nguồn tài nguyên sẵn có. Bên cạnh đó, nghề thủ công truyền thống còn được kỳ vọng sẽ đóng vai trò “sứ giả truyền bá văn hóa Nhật Bản với thế giới bên ngoài”, bởi sự tinh xảo, tính thẩm mỹ và kỹ thuật điêu luyện được tích lũy trong mỗi sản phẩm sẽ khiến cho người nước ngoài cảm nhận được chiều sâu của văn hóa Nhật Bản.
Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc gìn giữ các nghề thủ công truyền thống độc đáo cùng với kỹ thuật chế tác phong phú, điêu luyện trong làn sóng công nghiệp hóa của xã hội hiện đại luôn được coi là bài học hữu ích cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.