Tác giả: Rami Ash-Shaer
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ mong muốn đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Họ cố gắng thuyết phục Moscow và Kiev ngồi vào bàn đàm phán. Điều này tất nhiên là ‘đáng khen ngợi’, nhưng có một vấn đề khác.
Hãy quay trở lại tháng 4 năm 2022. Hai tháng sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine (24 tháng 2 năm 2022), trong các cuộc đàm phán ở Istanbul, đại diện của Nga và Ukraine đã đồng ý sơ bộ về ‘giải pháp tạm thời’ cho cuộc xung đột.
Không có gì bí mật, Thỏa thuận Istanbul trên thực tế lặp lại các điều khoản của Thỏa thuận Minsk, như Kiev và Phương tây sau đó thừa nhận, chẳng qua là một ‘trò chơi ngoại giao câu giờ’ nhằm chuẩn bị cho Ukraine đối đầu với Nga.
Moscow công nhận nền độc lập của Cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk vào ngày 22 tháng 2 năm 2022. Trong nhiều năm, Nga đã cố gắng thuyết phục Kiev trao cho Donetsk và Luhansk một quy chế đặc biệt, quy chế này sẽ được ghi trong Hiến pháp Ukraine, để những người dân nói tiếng Nga ở những khu vực này có thể sống với bản sắc và văn hóa của riêng họ.
Xung đột Nga – Ukraine
Nga công nhận nền độc lập của Cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk, sau 8 năm (2014-2022) khi Ukraine liên tục ném bom và gây hấn, chống lại chính người dân của chính mình. Ukraine thực hiện 2 hoạt động quân sự bất thành, nhưng hoạt động ném bom của Ukraine đã gây ra cái chết của hơn 14.000 người dân Donbass, chưa kể các nạn bị thương và mất tích.
Xung đột Nga-Ukraine không bắt đầu từ ngày 24/2/2022 mà là 8 năm trước đó, tức sau cuộc đảo chính năm 2014 ở Ukraine. Nhưng đây là một câu chuyện khác, phức tạp không kém cuộc khủng hoảng hiện nay, và là một trong những nguyên nhân chính của xung đột Nga – Ukraine.
Vào tháng 4 năm 2022, sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, theo các điều khoản của thỏa thuận giữa Moscow và Kiev, do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, Nga phải rút quân về biên giới vào ngày 23 tháng 2 năm 2022, để lại lãnh thổ Donbass cho Ukraine.
Đổi lại, Ukraine sẽ rút đơn xin gia nhập NATO và nhận được các đảm bảo an ninh do một số quốc gia cung cấp. Moscow và Kiev đã đồng ý. Sau đó, hy vọng ‘lóe lên’ ở chân trời – cuộc đổ máu huynh đệ tương tàn sẽ dừng lại.
Nhưng Boris Johnson, lúc đó là thủ tướng Anh, đã ngay lập tức đến Kiev để thuyết phục Zelensky không đồng ý với những điều kiện này và ngừng đàm phán với Putin.
Theo Johnson, “bạn không thể thương lượng với ông ấy” và “Phương Tây chưa sẵn sàng chấm dứt hành động thù địch”. Tôi không loại trừ rằng, đây là sau cuộc điện đàm của Johnson với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Chưa đầy 2 tháng sau, thủ tướng Bỉ Alexandre de Croo tuyên bố NATO đã thông báo cho Zelensky rằng, cuộc xung đột ở Ukraine phải được giải quyết bằng quân sự.
Do đó, nói về chủ quyền và quyền tự quyết của Ukraine là hoàn toàn vô nghĩa. Phần còn lại của câu chuyện này, chúng ta đều biết rất rõ. Cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và NATO, và Phương Tây cung cấp cho Ukraine đủ loại vũ khí, mới nhất là bom chùm bị quốc tế cấm.
Xem thêm: Xung đột Nga-Ukraine: Xung Đột Giữa Nga, Mỹ và Châu Âu?
Sự mở rộng NATO về phía đông
Sự mở rộng của NATO, bao gồm 16 quốc gia trước khi Liên Xô sụp đổ, bắt đầu bằng việc thành lập Hiệp hội đối tác vì hòa bình vào năm 1994, một tổ chức có nhiệm vụ xây dựng lòng tin giữa liên minh NATO và các quốc gia Đông Âu, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Nó bao gồm 22 quốc gia (bao gồm Nga, Ukraine và Belarus). Trong khi một số trong số họ (14 quốc gia) không nhận được tư cách thành viên đầy đủ trong NATO.
Quá trình này (gia nhập NATO) diễn ra trong 6 giai đoạn. Lần đầu tiên diễn ra vào ngày 12 tháng 3 năm 1999 và bao gồm Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan.
Sau đó vào ngày 29 tháng 3 năm 2004, Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia.
Ngày 1 tháng 4 năm 2009, Albania và Croatia tham gia NATO. Ngày 5 tháng 6 năm 2017 – Montenegro và ngày 27 tháng 3 năm 2020 – Bắc Macedonia.
Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4 năm 2023, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh.
Đây là những sự thật từ 30 năm trước.
NATO đã hứa với Nga không mở rộng về phía đông. Ấn bản tiếng Đức Der Spiegel viết về điều này với liên kết đến các tài liệu lưu trữ được phát hiện bởi một nhà khoa học chính trị người Mỹ, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Boston, Joshua Shifrinson.
Người phát ngôn của Bộ ngoại giao Đức, trong cuộc họp do các đồng nghiệp đến từ Mỹ, Anh, Pháp và Đức tổ chức tại Bonn ngày 6 tháng 3 năm 1991, cho biết: “Trong quá trình đàm phán 2+4 mở rộng NATO ra ngoài sông Elbe, do đó chúng tôi không thể đề nghị Ba Lan và các quốc gia khác trở thành thành viên NATO”. Nói cách khác, lời hứa không mở rộng NATO về phía đông, không chỉ là những lời hứa miệng mà Mikhail Gorbachev nhận được.
Sau cuộc đảo chính năm 2014 ở Ukraine, theo kế hoạch, Crimea sẽ biến thành căn cứ hải quân lớn nhất của NATO. May mắn thay, Nga đã nhanh tay sáp nhập bán đảo Crimea.
Washington và các đồng minh vẫn đang tìm cách sử dụng lãnh thổ Ukraine làm bàn đạp để đe dọa an ninh và kinh tế của Nga. Họ mơ ước phá hủy nước Nga, điều sẽ không bao giờ xảy ra, bởi vì học thuyết hạt nhân của Nga đã quy định rất rõ về vấn đề này.
Một số nguyên thủ quốc gia, mặc dù có ý định tốt, nhưng có thể đã quên trình tự các sự kiện và tin rằng, giới lãnh đạo Nga đã phạm sai lầm khi tuyên bố một chiến dịch quân sự đặc biệt, và giờ đây cần có sự hòa giải để chấm dứt cuộc xung đột này.
Tuy nhiên, Nga không mắc sai lầm nào.
Putin công bố chiến dịch quân sự đặc biệt sau tất cả những nỗ lực ‘có thể và không thể’ để giải quyết khủng hoảng tại Ukraine. Thêm vào đó là những hoàn cảnh khó khăn khác, một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Nga.
Mối đe dọa về một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với NATO, gần đây đã xuất hiện do sự sụp đổ của ‘thỏa thuận ngũ cốc’ và mong muốn của Ukraine, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic kích động các cuộc khủng hoảng ở Biển Đen, điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và NATO.
Tôi muốn giải thích thêm, nhiều nguyên thủ quốc gia đã bày tỏ mong muốn hòa giải, đặc biệt là những người quan tâm đến Moscow, rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt không thể bị dừng lại trong bất kỳ trường hợp nào, mà không đạt được tất cả các mục tiêu của nó và đảm bảo an ninh hoàn toàn của Nga – từ bất kỳ mối đe dọa nào.
Và nếu phương Tây đã tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp trong nhiều thập kỷ, thì đến lượt Nga, đang tiến hành một trận chiến thực sự, lớn hơn nhiều so với quy mô và khu vực hoạt động quân sự đặc biệt.
Nga đã tránh được cái bẫy do Phương tây lên kế hoạch. Họ đã bao vây Nga ở mọi cấp độ: Kinh tế, xã hội và văn hóa, tạo ra tình trạng bất ổn nội bộ và gây ra khủng hoảng ở các nước láng giềng của Nga.
Vào ngày 27-28 tháng 7 năm 2023, Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi lần thứ 2 được tổ chức tại St. Petersburg, với chủ đề: “Vì hòa bình, an ninh và phát triển”.
Và vào ngày 22-24 tháng 8 năm 2023, Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ được tổ chức tại Nam Phi. Đã có 22 quốc gia chính thức muốn gia nhập BRICS. Khoảng 22 quốc gia khác bày tỏ gia nhập BRICS một cách không chính thức.
Thật thú vị khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã bày tỏ mong muốn tham gia hội nghị tại diễn đàn BRICS, đã không nhận được lời mời tham dự sự kiện này.
Và cuối cùng, tôi nhắc lại một số sự kiện địa lý có thể đã bị lãng quên bởi những người tin rằng, không có sự thay thế nào cho trật tự thế giới đơn cực.
Địa chính trị thế giới: Thuộc về Châu Á
Lục địa Châu Phi chiếm khoảng 20,4% tổng diện tích đất trên hành tinh và dân số của nó là hơn 1 tỷ người. Châu Âu chiếm 6,8% tổng diện tích thế giới và có dân số 738.000 người.
Bắc Mỹ chiếm 16,5% diện tích toàn bộ trái đất, dân số là 574.000 người.
Châu Á là lục địa lớn nhất trên hành tinh của chúng ta. Nó chiếm 29,5% tổng diện tích đất và dân số là 4,4 tỷ người.
Vì vậy, tôi chắc chắn rằng, bắt đầu từ năm 2024, sự liên kết sẽ hoàn toàn khác, và bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ biến thành đa số ủng hộ một thế giới đa cực mới.
Các trung tâm phát triển mới sẽ mọc lên ở khắp mọi nơi để thông báo về sự kết thúc của quyền bá chủ của phương Tây.
Và một thế giới mới sẽ được thiết lập trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó cơ bản là Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng sự đa dạng về văn hóa, văn minh thế giới, quyền của các dân tộc tự lựa chọn vận mệnh và con đường phát triển của mình.
Đây cũng là một trong những mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga chống lại NATO.
Ảnh minh họa: Gzero