Tác giả: Christoph Mick, giáo sư lịch sử Châu Âu hiện đại, Đại học Warwick
Để biện minh cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhắc đến điều mà người Nga gọi là Kievan Rus (Kiev Rus).
Putin xem nhà nước thời trung cổ Chính thống giáo này, tập trung xung quanh thủ đô Kiev của Ukraine hiện nay, là điểm xuất phát chung của cả người Ukraine và người Nga.
Theo suy nghĩ của Putin, điều này có nghĩa là người Ukraine là người Nga. Và ông tin rằng, sứ mệnh của mình là khôi phục sự thống nhất của các vùng đất Nga, như điều kiện tiên quyết để Nga trở thành một cường quốc.
Trong khi đó, người Ukraine lại xem nơi này là Kiev Rus và cái nôi của đất nước họ. Đây không phải là vùng đất của Nga mà là “vùng đất của người Rus”.
Từ “Rus” bắt nguồn từ từ Роусь trong tiếng Slav cổ ở phía đông (đọc là “Rous” khi chuyển từ chữ Cyrillic sang chữ La Mã).
Từ này dùng để chỉ vùng đất của một dân tộc tên là Rus: Tổ tiên chung của người Nga, người Ukraine và người Belarus ngày nay.
Trong suốt lịch sử, đã có những nhà cai trị Nga tin tưởng vào sứ mệnh “tập hợp các vùng đất Nga”, vùng đất của người Rus. Những người khác chỉ đơn giản sử dụng ý tưởng này để biện minh cho tham vọng bá quyền của Nga.
Công quốc Kiev được thành lập tại vị trí của Kiev hiện nay, vào thế kỷ thứ 9 bởi các chiến binh – thương nhân Viking từ Scandinavia (còn gọi là người Varangian hoặc Rus), những người đã hòa nhập với cộng đồng người Slav địa phương ở phía đông.
Năm 988, Đại hoàng tử Volodymyr của Kiev Rus đã tiếp nhận Cơ đốc giáo từ Đế chế Byzantium chứ không phải từ Rome, và Rus – hiện nay một thuật ngữ cũng được áp dụng cho vùng đất này – đã trở thành một phần của thế giới Cơ đốc giáo chính thống (Chính thống giáo).
Putin gọi sự kiện này là “sự lựa chọn văn minh” định hình tương lai của người Nga, người Ukraine và người Belarus.
Nó tạo ra cái mà ông gọi là “không gian tâm linh chung”, một không gian Chính thống giáo Nga khác biệt với thế giới Công giáo La Mã. Ngược lại, các dân tộc láng giềng – người Ba Lan và người Litva – đã tiếp nhận đạo Cơ đốc từ Rome.
Với sự xuất hiện của quân Mông Cổ vào giữa thế kỷ 13, vùng đất Kiev Rus đã bị chia cắt.
Phần phía tây và tây nam, chiếm phần lớn lãnh thổ Ukraine và Belarus ngày nay, được thuộc về Đại công quốc Litva – Ba Lan. Trong khi đó, phần phía bắc và đông bắc bị cắt đứt khỏi sự phát triển ở Châu Âu trong 200 năm.
Xem thêm: Ukraine Được Nga Tạo Ra Như Thế Nào?
Lãnh thổ Nga
Lịch sử đầu tiên đề cập đến Moscow là trong một biên niên sử từ năm 1147. Sau đó, Hoàng tử Ivan I của Moscow (khoảng 1288-1340), được biết đến với cái tên Kalita (túi đựng tiền), là người thu thuế cho Sultan Ozbeg, ‘hãn vương’ của Golden Horde.
Sultan Ozbeg phong cho Ivan danh hiệu Đại hoàng tử, như những người cai trị Kiev theo truyền thống. Ivan và những người kế vị ông, sau đó đã sử dụng danh hiệu này để tuyên bố tất cả các vùng đất của Rus, bao gồm cả những vùng đất nằm dưới sự cai trị của Litva và Ba Lan ‘làm tài sản riêng’ của họ.
Ivan III (1440-1505), con trai ông là Vasily III (1478-1533) và cháu trai ông là Ivan IV, được biết đến với cái tên Ivan Bạo chúa (1530-1584) là những người ‘thống nhất’ thành công nhất vùng đất Rus trong giai đoạn đầu, sáp nhập vùng đất của các hoàng tử Rus đối thủ ở phía bắc và đông bắc.
Sau cuộc chinh phục Constantinople của quân đội Ottoman vào năm 1453, các nhà lãnh đạo tôn giáo của Moscow lập luận rằng, một sự chuyển giao của Đế chế Byzantine đã diễn ra: Moscow bây giờ là Rome thứ 3 và là thủ đô của Kitô giáo.
Từ đó, Ivan III không chỉ tự gọi mình là Đại hoàng tử mà còn là Sa hoàng, bắt nguồn từ “Caesar”, danh hiệu được các hoàng đế La Mã và Byzantine sau này sử dụng.
Các Sa hoàng Nga tự phong mình là những người bảo vệ đức tin Chính thống giáo. Họ biện minh cho sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng với lý do họ đang bảo vệ những người theo Chính thống giáo.
Tương tự như vậy, chính phủ Nga ngày nay biện minh cho việc xâm chiếm Ukraine bằng cách tuyên bố sự cần thiết phải bảo vệ hàng triệu người nói tiếng Nga sống ở đó.
Đại công tước của Lithuania (Litva) là đối thủ chính của Sa hoàng và ông cũng tự nhận mình là người cai trị toàn bộ Đế chế Rus.
Từ thế kỷ 14, Ba Lan và Litva bắt đầu thống nhất. Khối thịnh vượng chung Ba Lan – Litva cuối cùng được thành lập vào năm 1569.
Là một đối thủ đáng gờm, vào giữa thế kỷ 17, Ba Lan – Litva xảy ra chiến tranh với hầu hết các nước láng giềng.
Và trong nội bộ, Khối thịnh vượng chung Ba Lan – Litva cũng đã chống lại cuộc nổi loạn. Người Cossackss Ukraine, do Hetman (lãnh đạo quân sự và người cai trị) Bohdan Khmelnitsky lãnh đạo đã cố gắng ly khai, một phần vì sự phân biệt đối xử mà họ phải đối mặt với tư cách là những người theo Chính thống giáo dưới sự cai trị của người Công giáo.
Sau một số thất bại, Khmelnitsky đã yêu cầu sự hỗ trợ của Sa hoàng Chính thống giáo Nga, Alexis.
Năm 1654, người Cossackss và sứ giả của Alexis đã ký Hiệp ước Pereyaslav, qua đó đưa Ukraine dưới sự cai trị của Nga trong bối cảnh họ đang đấu tranh chống lại Khối thịnh vượng chung Ba Lan – Litva (Đại công quốc Ba Lan – Litva).
Các nhà sử học có quan điểm khác nhau về mục đích cuối cùng của Hiệp ước này.
Từ quan điểm của các nhà lãnh đạo Cossackss lúc bấy giờ, cũng như các nhà sử học Ukraine ngày nay, đây là một liên minh tạm thời nhằm chống lại Ba Lan – Litva. Trong khi đó, đối với Sa hoàng và đối với các thế hệ sử gia Nga sau này, đó là sự thừa nhận quyền bá chủ vĩnh viễn của Nga.
Xem thêm: Nga – Ukraine: Quá khứ, Hiện Tại Và Tương Lai
Nga và Ba Lan sau đó, có chiến tranh cho đến năm 1667, khi hai bên ký hiệp định đình chiến ở Andrusovo. Thỏa thuận này cho thấy Nga nhận Ukraine ở phía tây sông Dnipro (Dnieper) cũng như phần phía đông của Belarus ngày nay.
Vào thế kỷ 18, Đại công quốc Ba Lan – Litva bị ép rơi vào vùng ảnh hưởng của Nga và vào năm 1772, bị chia cắt giữa Phổ, Áo và Nga.
Mệnh lệnh lịch sử nhằm ‘thu thập’ đất đai của người Rus không phải là mục tiêu chính của ‘chủ nghĩa bành trướng này’ về phía Nga.
Đúng hơn, đó là sự biện minh về mặt ý thức hệ được những người cai trị đưa ra, cho việc trước tiên là củng cố và mở rộng nhà nước Nga – ở phía bắc nước Nga và sau đó là tiến vào Ukraine và Belarus.
Trong thời Xô Viết, việc sáp nhập phần lớn Ukraine vào Liên Xô dưới thời Lenin không phải do ý tưởng ‘thu thập’ đất đai của Rus, mà do mong muốn biến Ukraine trở thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, khái niệm này ẩn chứa trong lời biện minh của Stalin về việc xâm lược miền đông Ba Lan vào năm 1939. Tuyên truyền của Liên Xô cho rằng, đây không chỉ là một hoạt động xã hội mà còn là một cuộc “giải phóng dân tộc” của “những người anh em” Belarus và Ukraine.
Xem thêm: Chứng Bài Nga Của Phương Tây?