Nền Kinh Tế Toàn Cầu Năm 2024: Những Điều Cần Chú Ý

Lãi suất của Mỹ, giá dầu và nền kinh tế Trung Quốc sẽ quyết định nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024

Chủ tịch Fed Jerome H. Powell phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, thứ tư, ngày 1 tháng 11 năm 2023. Ảnh AP - Susan Walsh qua the Hill

Tác giả: Alexander Kozul-Wright

Nền kinh tế thế giới đã tỏ ra kiên cường hơn, so với hầu hết dự đoán, của các nhà phân tích vào đầu năm 2023.

Đặc biệt, lạm phát toàn cầu đã giảm, tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh. Nhưng các nhà hoạch định chính sách, với mong muốn thiết kế một “hạ cánh mềm”, vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại vào năm 2024, do lãi suất cao để kiểm soát lạm phát và góp phần làm suy giảm tăng trưởng kinh tế.

OECD (có trụ sở tại Paris) không dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ tăng lên cho đến năm 2025, thời điểm mà các ngân hàng trung ương hàng đầu, dự kiến ​​sẽ cắt giảm mạnh chi phí cho vay (lãi suất). Cho đến lúc đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu được dự báo sẽ tăng 2,7% trong năm 2024, giảm nhẹ so với mức 2,9% vào năm 2023.

Báo cáo ‘triển vọng’ của OECD chỉ ra sự tồn tại lâu dài về mặt tài chính – do dịch Covid-19, kéo theo đó là giá năng lượng tăng cao, sau khi Nga tấn công Ukraine. Hơn nữa, ngay cả khi chính sách tiền tệ bắt đầu nới lỏng vào năm 2024, lãi suất toàn cầu sẽ vẫn ở mức cao so với các tiêu chuẩn lịch sử gần đây.

Tuy nhiên, dự báo kinh tế là một khoa học không chính xác. 12 tháng trước, những dự đoán về một cuộc suy thoái ở Hoa Kỳ đã lan rộng. Ở những nơi khác, các nhà tạo lập thị trường đang đặt cược rằng, chi phí vay nợ cao sẽ gây ra một loạt vụ vỡ nợ quốc gia trên khắp thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Mặc dù vậy, cả hai đều không xảy ra.

Bất chấp những căng thẳng gần đây ở Israel-Palestine (Hamas), nền kinh tế thế giới giảm tốc độ tăng trưởng ở mức có thể kiểm soát được vào năm 2023. Trong năm tới – 2024, ba biến số kinh tế vĩ mô (lãi suất, lạm phát và tăng trưởng kinh tế) – và cách chúng tương quan với nhau – sẽ được theo dõi chặt chẽ, để đánh giá kinh tế toàn cầu.

Xem thêm: Nước Mỹ (Fed) Làm Tổn Thương Thế Giới Như Thế Nào?

Lãi suất cơ bản của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed)

Trong nỗ lực giảm lạm phát, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản từ mức gần bằng 0 vào tháng 3 năm 2022 lên đến 5,25-5,5% vào cuối năm 2023. Kinh nghiệm cho thấy, nền kinh tế Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể chịu được chi phí đi vay cao.

Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi lạm phát đã giảm xuống. Kết quả cuối cùng là sản lượng của Mỹ, hơi đáng ngạc nhiên, đã tăng trưởng với tốc độ là 2% vào năm 2023.

Raphael Olszyna-Marzys, nhà kinh tế quốc tế tại Ngân hàng thương mại J Safra Sarasin, nói với Al Jazeera: “Fed đang trên đường ngăn chặn một cuộc suy thoái và đạt được mục tiêu giảm lạm phát lành tính, điều này sẽ tạo nên một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng”.

Điều này nói lên rằng, các vết nứt đang bắt đầu lộ rõ. “Tỷ lệ thất nghiệp đang dần gia tăng và người tiêu dùng có ít tiền tiết kiệm hơn trong thời kỳ đại dịch. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu nợ, kể cả ở cấp độ doanh nghiệp, và làm tăng rủi ro tài chính do lãi suất cao hơn”, ông nói.

Raphael Olszyna tiếp tục: “Và một khi suy thoái kinh tế diễn ra, nó có nguy cơ tự nuôi sống chính mình”, đồng thời cho biết thêm, mặc dù lạm phát giảm sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc xác định chính sách tiền tệ, nhưng “tăng trưởng suy yếu gần như chắc chắn sẽ quyết định thời điểm Fed xoay trục chính sách tiền tệ”.

Hợp đồng tương lai của tỷ lệ lãi suất cơ bản (của Fed), thước đo đơn giản để xác định khi nào các nhà giao dịch cho rằng, lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ thay đổi. Theo CME FedWatch, một công cụ theo dõi sự thay đổi lãi suất của Fed, có 76% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 năm 2024, sắp tới.

Trong khi đó, đối với Olszyna-Marzys, “loại suy yếu kinh tế, cụ thể là suy thoái kinh tế, dẫn đến việc giảm lãi suất chỉ có thể xảy ra vào nửa cuối năm 2024”.

Ông dự đoán mức cắt giảm sẽ lên tới 1% vào năm 2024, sau tháng 6 năm 2024, chủ yếu là để thúc đẩy tăng trưởng trong nước. Nhưng việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ khuyến khích đầu tư vào các nước thị trường mới nổi, nơi sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận tương đối cao hơn.

Ông nói: “Do đó, tôi kỳ vọng lãi suất cơ bản của Fed giảm 1 điểm phần trăm, sẽ giúp tăng GDP toàn cầu thêm 1%”.

Olszyna-Marzys chỉ ra rằng, việc “giữ tỷ giá ổn định” sẽ có tác dụng ngược lại. “Một cú sốc bên ngoài, chẳng hạn như giá dầu tăng vọt bất ngờ, có thể đẩy lạm phát trở lại và buộc Fed phải giữ nguyên lãi suất, hoặc thậm chí nâng chúng lên. Điều đó sẽ làm suy yếu sự tăng trưởng của Mỹ và thậm chí toàn cầu”.

Xem thêm: Năng Lượng Toàn Cầu Năm 2024 Sẽ Như Thế Nào?

Giá dầu thô Brent

Ngay sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023 của Hamas – và sự trả đũa tiếp theo của Israel – Ngân hàng thế giới trong “Báo cáo thị trường hàng hóa” đã cảnh báo, giá dầu thô Brent (chuẩn mực quốc tế) có thể tăng vọt, nếu các nhà sản xuất trong khu vực bị lôi kéo vào một cuộc xung đột rộng hơn.

Trong trường hợp xấu nhất, Ngân hàng thế giới ước tính nguồn cung dầu toàn cầu có thể giảm từ 6 đến 8 triệu thùng mỗi ngày, khiến giá dầu tăng lên từ 140 đến 157 USD/thùng. Với sự gián đoạn nhỏ hơn, báo cáo cho biết thêm, giá vẫn có thể đạt 102-121 USD/thùng.

Hiện tại, thị trường dầu mỏ dường như đã bỏ qua những ảnh hưởng của căng thẳng ở Trung Đông. Ngay cả khi tính đến các cuộc tấn công gần đây của phiến quân Houthi nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ, dầu thô Brent đang giao dịch ở mức dưới 79 USD/thùng, giảm từ mức 92,4 USD vào giữa tháng 10 năm 2023.

Điều này có một vài nguyên nhân. Thứ nhất, nền kinh tế toàn cầu ở vị thế tốt hơn để chống chọi với cú sốc nguồn cung, so với thời kỳ cấm vận dầu mỏ năm 1973 khi giá tăng gấp 4 lần. Ngày nay, Trung Đông chiếm 30% nguồn cung thế giới, giảm từ mức 37% cách đây 50 năm.

Liên quan đến điều này, nguồn cung cấp năng lượng của Mỹ đã phát triển trong những thập kỷ gần đây. Đồng thời, hoạt động kinh tế đã trở nên tiết kiệm nhiên liệu hơn, trong khi năng lượng tái tạo ngày càng sẵn có.

Đối với John Baffes, người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Ngân hàng thế giới và là tác giả chính của Báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa, các nhà giao dịch dường như đã “tính đến khả năng leo thang quân sự (vào dự báo giá của họ) vào thời điểm hiện tại”.

Baffes cho biết: “Nhiều nhà giao dịch đã bị thiệt hại vào năm 2022, khi đánh giá quá cao quy mô của sự gián đoạn nguồn cung dầu, sau khi Nga tấn công Ukraine. Vì vậy, họ sẽ muốn thấy những rủi ro ở Israel-Palestine trước khi bắt đầu định giá nó”.

Ông nói thêm, “ngay cả khi giá dầu Brent tăng thêm 20 USD do các vấn đề về nguồn cung ở Trung Đông (theo kịch bản ‘gián đoạn nhỏ hơn’ của Ngân hàng thế giới), chúng tôi vẫn không nghĩ rằng, nó sẽ có tác động đáng kể đến tăng trưởng toàn cầu”.

Baffes nói với Al Jazeera, “sự lo lắng xung quanh giá năng lượng cao và GDP toàn cầu phản ánh quan điểm thụt lùi rằng, chúng ta vẫn đang sống trong những năm 1970. Chuỗi cung ứng đã và đang tiếp tục phát triển”.

Tăng trưởng tín dụng Trung Quốc

Các nhà kinh tế cũng đang để mắt đến Trung Quốc, do quy mô và mối liên kết sâu sắc của nước này với nền kinh tế toàn cầu.

Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc có tác động lan tỏa đến thương mại thế giới, chuỗi cung ứng quốc tế và giá cả hàng hóa.

Sau 3 năm kiểm soát nghiêm ngặt với chính sách “không Covid”, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại khi bất ngờ mở cửa trở lại vào tháng 12 năm 2022. Tuy nhiên, kể từ đó, tăng trưởng trở nên mong manh và sản lượng bị hạn chế do sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc.

Năm 2020, Bắc Kinh bắt đầu hạn chế việc sử dụng vốn vay của các nhà phát triển bất động sản. Lĩnh vực bất động sản, chiếm 23% GDP của Trung Quốc, đã sụt giảm trong bối cảnh giá nhà giảm và các nhà phát triển bất động sản vỡ nợ.

Sheana Yue, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết: “Bất động sản đang đè nặng lên sự phục hồi của Trung Quốc. Người tiêu dùng vẫn nghi ngờ về lĩnh vực này. Sau cuộc kiểm soát đòn bẩy tín dụng, rất nhiều ngôi nhà được mua trước – đã không được xây dựng khi các nhà phát triển phá sản”.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ triển vọng xếp hạng nợ A1 của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực’ vào đầu tháng 12/2023, với lý do “rủi ro gia tăng từ tăng trưởng trung hạn thấp hơn và quy mô tiếp tục thu hẹp của lĩnh vực bất động sản”.

Thị trường bất động sản Trung Quốc cũng có mối liên hệ chặt chẽ với ngân sách tài chính của các địa phương, vốn đã gặp nhiều căng thẳng trong những năm gần đây.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính quyền địa phương Trung Quốc đã chấp nhận đầu tư cơ sở hạ tầng dựa vào tín dụng, để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, nhu cầu đã chậm lại sau nhiều thập kỷ đô thị hóa nhanh chóng.

Cùng với chi tiêu liên quan đến đại dịch, doanh thu bán đất giảm – nguồn thu nhập chính – đã làm hao hụt ngân sách, khiến một số chính quyền địa phương phải dựa vào Bắc Kinh để thanh toán các ‘hóa đơn’ của họ.

Thật vậy, Bắc Kinh đã thúc đẩy khả năng cung cấp tín dụng trong những tháng gần đây. Tăng trưởng tín dụng trên diện rộng – đo lường tất cả các khoản cho vay trên toàn hệ thống tài chính trong nước – đã tăng 9,4% trong tháng 11/2023 so với một năm trước đó. Doanh số bán trái phiếu chính phủ chiếm một nửa mức tăng này.

Yue cho biết, việc phụ thuộc vào nguồn tài chính của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng cho thấy, “cơ cấu tín dụng vẫn chưa tốt. Dữ liệu cho thấy nền kinh tế đang ổn định nhờ sự hỗ trợ của nhà nước. Mặc dù điều đó khó có thể thay đổi sớm, nhưng sẽ không tốt khi điều đó xảy ra”.

Các nhà kinh tế đã xem nhu cầu vay vốn như một phong vũ biểu cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Tăng trưởng tín dụng chậm thường gắn liền với sự suy thoái kinh tế, khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng trở nên miễn cưỡng vay mượn, thay vào đó họ chọn cách tích trữ tiền tiết kiệm của mình.

Yue cho biết: “Chúng tôi cho rằng, tốc độ mở rộng tín dụng sẽ giảm từ 10% trong 2023 xuống còn 8% trong năm 2024”.

Nhưng Yue cảnh báo, không nên ‘đọc’ quá nhiều về vấn đề này, “thật sai lầm khi nghĩ rằng điều đó sẽ có tác động lớn đến GDP. Nói rộng ra, tác động lên tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ bị hạn chế”.

Trước những cơn gió ngược liên tục, Bộ chính trị Trung Quốc, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đất nước, dự kiến ​​sẽ công bố các biện pháp kích thích tiếp theo trong những tháng tới (những tháng của năm 2024).

Mặc dù những xu hướng này đã củng cố kỳ vọng – về triển vọng tương đối tích cực đối với tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024, nhưng bằng chứng lịch sử cho thấy, việc hạ cánh mềm vẫn khó nắm bắt. Giống như vào năm 2023, các dự báo có thể lại sai lệch một lần nữa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang