Bất chấp việc Mỹ rút khỏi ‘Thỏa thuận Paris 2015’ về biến đổi khí hậu, các quốc gia khác, bao gồm cả New Zealand, vẫn cam kết cắt giảm lượng khí thải nhà kính (giảm khí thải Carbon).
New Zealand, hiện là quốc gia đi đầu trong kinh doanh khí thải nhà kính (Carbon).
Việc phát thải khí nhà kính, cũng giống như làm tràn bồn tắm. Ngay cả một dòng nước nhỏ giọt cuối cùng, cũng sẽ tràn ngập căn phòng.
Thỏa thuận Paris 2015 có 1 đích đến chung: Lượng phát thải ròng bằng 0 trong nửa sau của thế kỷ 21 (2050). Đó cũng là sự thừa nhận rằng, thế giới chỉ còn một thời gian ngắn để hạn chế lượng khí thải, và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C.
Cam kết của New Zealand đến năm 2030 là giảm lượng khí thải xuống 30% so với mức năm 2005 (dưới 11% so với năm 1990).
Năm 2015, lượng khí thải của New Zealand (không bao gồm ngành lâm nghiệp) cao hơn 24% so với mức năm 1990. Chính phủ dự đoán khoảng cách 235 triệu tấn giữa mức đã cam kết và mức New Zealand sẽ thực sự phát thải trong giai đoạn từ 2021 đến 2030.
Việc giảm lượng khí thải đủ nhanh ở New Zealand để đạt được ‘cam kết Paris’ có thể cực kỳ tốn kém, và ngay cả với giá Carbon ở mức 300 đô la New Zealand/tấn, mục tiêu này không thể đạt được chỉ thông qua hành động trong nước.
Việc giảm phát thải quốc tế giúp thu hẹp khoảng cách. New Zealand có thể ‘tắt vòi’ phát thải khí nhà kính của chính mình, trong khi hỗ trợ các quốc gia khác làm điều tương tự.
Đoàn kết quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính (Carbon)
Trước đây, New Zealand phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Carbon toàn cầu của Kyoto (Nhật Bản) và mua lượng giảm phát thải quốc tế bằng Chương trình mua bán phát thải của New Zealand (ETS).
Một số công ty New Zealand đã mua tín chỉ Carbon giá rẻ ở nước ngoài, trong khi lượng khí thải Carbon trong nước tiếp tục tăng.
Vào năm 2015, New Zealand đã rút khỏi thị trường Carbon ở Kyoto và hệ thống giao dịch phát thải (ETS) của New Zealand hiện là hệ thống chỉ dành cho nội địa.
Theo Thỏa thuận Paris, thị trường Carbon đã thay đổi theo 3 cách quan trọng:
Hiện nay, việc giảm phát thải Carbon quốc tế chỉ có thể được trao đổi giữa các chính phủ. Những người tham gia Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) New Zealand không thể mua các đơn vị quốc tế, trực tiếp từ thị trường nữa.
Lượng giảm phát thải quốc tế được bán dưới dạng bù đắp tín chỉ Carbon cho các quốc gia khác, sẽ phải được bổ sung vào mục tiêu Paris của chính người bán.
Các quốc gia có thể linh hoạt trao đổi việc giảm phát thải quốc tế, thông qua các thỏa thuận bên ngoài cơ chế của Liên Hợp Quốc đang ở giai đoạn đầu phát triển.
Một cách tiếp cận mới để giảm phát thải
Điều này có ý nghĩa gì đối với New Zealand? Đầu tiên, chúng ta không thể và không được dựa vào thị trường quốc tế để ấn định giá phát thải nội địa trong tương lai.
Thứ hai, với tư cách vừa là người nộp thuế, vừa là công dân toàn cầu có trách nhiệm, chúng ta cần quyết định nguồn tài trợ cho việc giảm phát thải.
Thứ ba, cần một cơ chế hiệu quả để hướng sự đóng góp của New Zealand vào việc giảm phát thải ở nước ngoài.
Ví dụ, New Zealand có thể hợp tác với những người mua khác – chẳng hạn như Úc, Hàn Quốc hoặc Na Uy – để huy động vốn nhằm khuyến khích một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển hoặc mới nổi – như Colombia hoặc Chile – đầu tư vào các lĩnh vực phát thải thấp hoặc không phát thải.
Xây dựng lại Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) để khử Carbon
Cho đến nay, New Zealand đang đi với tốc độ nhanh, nhưng sai hướng, dựa nhiều vào việc cắt giảm khí thải quốc tế để đạt được mục tiêu, từ năm 2008 đến năm 2020, trong khi lượng khí thải trong nước tiếp tục tăng.
Tổng lượng phát thải năm 2030 (không bao gồm lâm nghiệp) được dự đoán sẽ tăng 29% so với mức tổng phát thải năm 1990, theo các biện pháp hiện hành.
Con số này khác xa so với mục tiêu trong Thỏa thuận Paris – năm 2030 của New Zealand về lượng phát thải ròng, giảm 30% so với 2005 (giảm 11% so với năm 1990).
Không giống như các thị trường tài chính khác, mục đích của thị trường giao dịch phát thải (ETS) là tạo ra sự thay đổi trong hành vi, nhằm giảm lượng khí thải Carbon (khí nhà kính).
Giá cả được điều khiển không chỉ bởi sự tương tác giữa cung và cầu, mà còn bởi các quyết định chính sách hiện tại, cơ hội giảm phát thải Carbon và kỳ vọng về các quyết định và cơ hội trong tương lai.
Kể từ khi hủy liên kết khỏi thị trường Kyoto vào giữa năm 2015, những người tham gia ETS của New Zealand không có sự chắc chắn về cách đầu tư. Họ cần các tín hiệu ngắn hạn rõ ràng về nguồn cung và chi phí đơn vị tín chỉ Carbon, cũng như các quy trình có thể dự đoán được, để đưa ra quyết định dài hạn hơn.
Thay đổi giao dịch phát thải Carbon
Việc đưa ra giới hạn (giới hạn cố định) đối với các đơn vị giá Carbon trên Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) của New Zealand được chính phủ bán hoặc phân bổ tự do – sẽ xác định nguồn cung và cho phép thị trường thiết lập mức giá hiệu quả.
Trước đây, ETS – New Zealand đã ‘vay’ mức trần Kyoto toàn cầu, về cơ bản cho phép nguồn cung nội địa không giới hạn. Giới hạn Kyoto không còn nữa và New Zealand đã cam kết giảm lượng khí thải trong nước.
Việc thiết lập một khung giá Carbon sẽ đưa ra giới hạn – giá phát thải tối thiểu và tối đa, do chính phủ quy định.
Giá sàn sẽ đảm bảo lợi nhuận tối thiểu cho khoản đầu tư phát thải thấp, và giá trần sẽ bảo vệ khỏi những cú sốc tăng giá.
Khi sàn và trần cách xa nhau, thì thị trường có quyền quyết định giá. Càng gần nhau, chính phủ càng quản lý giá cả.
Biên độ giá sẽ được thực hiện tại cuộc đấu giá và thay thế tùy chọn giá cố định hiện tại ở mức 25 đô la New Zealand/tấn phát thải CO2.
Việc cố định cả ‘giới hạn’ và ‘biên độ’ giá trong 5 năm và gia hạn thêm mỗi năm sẽ mang lại sự chắc chắn trong ngắn hạn.
Chính phủ cũng sẽ cần đặt ra lộ trình chỉ định cho giới hạn và khung giá trong 10 năm nữa, phù hợp với mục tiêu khử Carbon của mình.
Do tính phức tạp về mặt kỹ thuật của Hệ thống giao dịch phát thải (ETS), chúng tôi khuyến nghị, nên giao cho một cơ quan độc lập tư vấn cho chính phủ, về việc thiết lập nguồn cung và giá Carbon trên ETS.
Tuy nhiên, xét cho cùng, các quyết định về giới hạn và biên độ giá Carbon đều mang tính chính trị, và do đó cần được chính phủ đưa ra với sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trước công chúng.
Kỷ nguyên của thị trường Carbon ‘từ trên xuống’, nguồn cung đơn vị không giới hạn và lượng khí thải Carbon trong nước, ngày càng tăng, đã kết thúc.
Hiện tại, chỉ có chính phủ mới có thể mua lượng giảm phát thải quốc tế. Về lâu dài, những người tham gia ETS cũng có thể làm như vậy.
Tuy nhiên, số lượng phải được giới hạn, và nguồn cung thay thế theo giới hạn, để tránh làm mất giá Carbon ‘đã được đầu tư trong nước’ và làm gián đoạn tiến trình khử Carbon của New Zealand.
Tất cả các mức giảm phát thải Carbon quốc tế áp dụng cho các mục tiêu của New Zealand phải được đảm bảo chất lượng, để quản lý rủi ro với tính toàn vẹn của môi trường.
Những điều chỉnh này có thể đạt được thông qua các sửa đổi và quy định pháp lý thực tế. Cần thực hiện những thay đổi này càng sớm càng tốt, để các nhà đầu tư và cơ sở phát thải ‘ít khí thải’ có thể bắt tay vào thực hiện.
Việc đặt ra tham vọng về giới hạn và biên độ giá Carbon trên ETS trong nước, có thể là thách thức về mặt chính trị.
Đó là lý do tại sao New Zealand lần đầu tiên bỏ qua bước này, và thay vào đó đã ‘mượn’ nó ở Kyoto.
Theo Thỏa thuận Paris 2015, New Zealand cần thiết lập một cấu trúc chính sách linh hoạt, với sự hỗ trợ của các Đảng để đưa ra các quy trình, có thể dự đoán được, nhằm hướng dẫn việc ra quyết định chính trị trong tương lai.
Đã đến lúc chúng ta phải tạo ra con đường riêng để hướng tới một ‘nền kinh tế phát thải thấp’ thành công.
Tác giả: Suzi Kerr, giáo sư trợ lý, Trường chính phủ, Te Herenga Waka, Đại học Victoria, Wellington
Bài viết này được chuẩn bị bởi Suzi Kerr, Catherine Leining và Ceridwyn Roberts. Bài viết được tài trợ bởi Quỹ Aotearoa và được thông báo bởi những người tham gia đối thoại ETS của Motu. Nội dung không nhất thiết thể hiện quan điểm hoặc sự chứng thực của những người tham gia đối thoại ETS, tổ chức của họ hoặc nhà tài trợ.