Ý tưởng tạo ra một loại tiền tệ chung sẽ là một trong những vấn đề chính được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến diễn ra vào ngày 22-24 tháng 8 năm 2023 tại Nam Phi.
Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua – trước khi 5 quốc gia BRICS thoát khỏi sự thống trị của đồng đô la “toàn năng”.
Đối mặt với sự thống trị của đồng đô la, các nước BRICS muốn tìm một giải pháp thay thế, và trong những tháng gần đây, họ đã nói rất rõ ràng về điều này.
“Mỗi đêm tôi đều tự hỏi: Tại sao tất cả các quốc gia nên giao dịch trên cơ sở đồng đô la”? Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho biết vào tháng 4/2023 khi bổ nhiệm Dilma Rousseff làm người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) – Tổ chức tài chính của BRICS.
Một tháng sau, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói thêm: “Việc phi đô la hóa đã bắt đầu. Vì vậy, các cuộc đàm phán đã diễn ra trong một thời gian dài. Nhưng hôm nay, cuối cùng, một dự án cụ thể để tạo ra một loại tiền tệ duy nhất đang được thảo luận”.
Nhóm 5 quốc gia có tên bắt đầu bằng chữ BRICS (Brazil, Russia, India, China, South Africa) chiếm hơn 40% dân số thế giới, gần 25% GDP thế giới và 18% thương mại quốc tế.
BRICS muốn tạo đồng tiền chung nhằm mục đích bảo vệ một thế giới đa cực – không bị Hoa Kỳ thống trị, và nói chung, sự thống trị của các nước phương tây sẽ trở thành dĩ vãng (nếu quá trình phi đô la hóa thành công).
Sau khi trở thành đồng tiền dự trữ thay cho đồng bảng Anh – sau thế chiến 2, hiện nay đồng đô la Mỹ chiếm 58% dự trữ ngoại hối thế giới.
Và cho đến nay, đồng đô la là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Nhưng dự án về một đồng tiền dự trữ mới được Nga đặc biệt ủng hộ. Rõ ràng, chính sức mạnh của đồng đô la Mỹ đã làm cho nhiều quốc gia không dám chống lại chính sách của Mỹ – chẳng hạn, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga.
Nghi ngờ của Ngân hàng trung ương Nam Phi
Cho đến nay, “không có ý định lật đổ hoàn toàn đồng đô la”, Zongyuan Zoyi Liu, thành viên tại Hội đồng quan hệ đối ngoại và đồng tác giả của nghiên cứu “Liệu BRICS có thể phi đô la hóa hệ thống tài chính toàn cầu”?
Zoyi Liu giải thích: “Bạn phải thấy sự khác biệt giữa việc sẵn sàng sử dụng đồng tiền của mình để tạo ra các hệ thống thay thế để giảm thiểu rủi ro và hoàn toàn sẵn sàng phi đô la hóa khi gặp nguy hiểm”.
Trong mọi trường hợp, ý định ‘phi đô la hóa’ vẫn là sự mong muốn, chưa phải là thực tế và các chi tiết về tiền tệ trong tương lai vẫn còn rất mơ hồ.
“Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng”, Naledi Pandor, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Nam Phi, cảnh báo. “Tôi không nghĩ, chúng ta chỉ nên tin rằng ý tưởng này sẽ hiệu quả. Vấn đề là cách thức quản lý kinh tế rất phức tạp. Chúng ta cần tính đến quan điểm của tất cả các nước”.
Ngân hàng trung ương Nam Phi cũng bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi của dự án – Họ cũng mong muốn rời xa đồng đô la (phi đô la hóa).
Lợi ích riêng của Trung Quốc
William Gumede, giáo sư tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, cho biết hiện tại, không có khả năng tất cả các quốc gia sẽ đồng ý từ bỏ chính sách tiền tệ của họ để ủng hộ một ngân hàng trung ương duy nhất “vì hệ thống của họ rất khác biệt”.
“Ở Trung Quốc, Ngân hàng trung ương do nhà nước kiểm soát, giống như ở Nga, trong khi các Ngân hàng trung ương ở Nam Phi, Brazil và Ấn Độ là độc lập, vì vậy chính sách tiền tệ của họ rất khác. Ngoài ra, việc Trung Quốc chưa sẵn sàng từ bỏ đồng tiền ‘mạnh’ của mình”.
Độ tin cậy của các tổ chức tài chính BRICS cũng là một điểm yếu. Martin Cameron, giám đốc nghiên cứu thương mại tại Đại học Tây Bắc Nam Phi cho biết: “Sự tín nhiệm của tổ chức hoặc các quốc gia đứng sau ‘tiền tệ này’ là một yếu tố quan trọng, đặc biệt là đối với đồng tiền dự trữ”.
“Vì vậy, ngay cả khi các quốc gia BRICS ủng hộ dự án, việc thực hiện các giao dịch có thể là một nhiệm vụ khó khăn, bởi vì, ví dụ, ở Nam Phi, chính phủ không thể buộc các công ty sử dụng loại tiền này”.
Chưa kể mọi người sẽ lo lắng về câu hỏi “liệu Trung Quốc có cố gắng thao túng đồng tiền này vì lợi ích chính họ hay không”.
Các lựa chọn thay thế cho hệ thống thanh toán SWIFT
Zongyuan Zoyi Liu nói: “Tôi không nghĩ sẽ có sự lựa chọn thay thế đồng đô la bằng đồng Euro. Đặc biệt, điều này bất lợi cho các nước BRICS do thiếu sự ổn định tiền tệ ở một số nước EU trong quá khứ”.
Các mô hình khác đang được xem xét, chẳng hạn như vàng hoặc việc tạo ra một rổ tiền tệ, tùy thuộc vào thỏa thuận về các tiêu chí được sử dụng để đánh giá từng loại.
Martin Cameron không tin rằng, một đồng tiền chung sẽ mở rộng thương mại vẫn còn kém phát triển giữa các nước BRICS: “Trước hết, chúng ta cần quan tâm đến ‘lĩnh vực’ của mình: Quyết định xem chúng ta sẽ sản xuất cái gì, và có thứ gì mà các đối tác kinh doanh của chúng ta cần không”?
Trong khi chờ đợi, có 1 vài cách để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la (quá trình phi đô la hóa) đang được nghiên cứu, bao gồm cả việc giao dịch nhiều hơn bằng đồng nội tệ.
Kể từ đầu năm, Trung Quốc đã sử dụng rộng rãi đồng Nhân Dân Tệ để thanh toán cho việc mua nguyên liệu thô từ Nga và Brazil dự định sẽ đi theo con đường tương tự. Những thay đổi này đi đôi với sự phát triển của các hệ thống thanh toán thay thế cho mô hình SWIFT.
Khả năng mở rộng của khối BRICS để bao gồm các quốc gia như Saudi Arabia cũng có thể tạo ra một sự thúc đẩy bất ngờ cho quá trình phi đô la hóa.
Zongyuan Zoyi Liu nhắc nhở: “Nhiều người không tin rằng BRICS sẽ có các nguồn lực và sự gắn kết chính trị để tạo ra Ngân hàng phát triển mới (NDB). Và họ đã làm được, vì vậy tôi không loại trừ khả năng và một loại tiền tệ BRICS mới sẽ xuất hiện, mặc dù quá trình hình thành tiền tệ BRICS cần thời gian”.
Tác giả: Claire Bargelès