Với Người Tây Nguyên, thuộc địa phận các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng là nơi sinh sống nhiều dân tộc với hệ ngôn ngữ Nam Đảo (Ê Đê, Gia Lai, Ra Glai) và Nam Á (Bana, Xơ Đăng, Mnông, Xtieng, Mạ , Cờ Ho, Hrê, Giẻ Triêng có rất nhiều nét tương đồng từ khâu chế biến nguyên liệu, phương thức làm ra vải mặc, các loại y phục, màu sắc và đường nét hoa văn.
Về nguyên liệu, trước khi có nghề trồng bông, lanh, gai, để xe sợi dệt vải thì các dân tộc Tây Nguyên đã có kinh nghiệm trong việc thu lượm những thứ cây cỏ sợi mọc hoang dại từ rừng về chế biến thành sợi dệt vải.
Cây thuốc nhuộm được đồng bào phát hiện một cách tình cờ, trong khi phát nương làm rẫy, đi rừng thì các loại mủ cây dính vào vải tạo ra màu sắc loang lổ trên chân tay, áo, váy; hay đào được các củ, rễ cây rừng, hái được quả có màu sắc từ đó nảy ra ý tưởng tạo ra màu nhuộm vải.
Trong tâm thức của đồng bào thì đây là phát hiện rất quan trọng, có ý nghĩa như sự trao ân ban phúc của thần linh cho cộng đồng. Có thể nói đây là một trong những “phát minh” của nền kinh tế hái lượm, khai thác tự nhiên do phụ nữ đảm trách, vì vậy mà việc chế biến thuốc nhuộm và kỹ thuật nhuộm vải là bí quyết của riêng phụ nữ. Họ có đủ sự kiên nhẫn, khéo léo để tạo ra các sắc màu, hoa văn độc đáo cho bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Nền màu tự nhiên và phổ biến của các trang phục là các hoa văn màu chàm bằng lá, chàm mo có pha thêm một số thứ khác như vỏ cây Băl và than bẹ chuối. Sợi sau khi hồ, được đem nhuộm chàm rồi mới dệt. Các sợi màu khác để dệt hoa văn trên vải cũng được nhuộm màu trước bằng các sản vật tự nhiên, như màu đỏ lấy từ thứ quả của một cây rừng cùng với cây Tơnung, màu vàng lấy từ củ nghệ đó là những màu nguyên bản.
Người Bahnar thường nhuộm đen bằng cây lá mo, nhuộm chàm bằng vỏ cây truôn nhây, vỏ cây kpai, hay lá cây Tơ rum, còn người Mạ thì nhuộm chàm bằng Đir, màu đỏ từ cây loang nâu.
Trong các loại cây cho màu nhuộm vải thì chàm là cây quan trọng nhất, cùng với những họa phẩm khác làm nên màu sắc đặc trưng trên trang phục của các dân tộc.
Nguyên liệu chính để chiết xuất màu đen là cây chàm – loại cây mọc trong rừng núi có tên khoa học là Indigofera tinctoria và Indigofera anil.
Người ta chặt cây chàm về lấy cả thân lẫn lá đem ngâm với nước suối trong một cái ché lớn đến khi mục rữa; Sau đó vớt thân cây chàm bỏ ra ngoài rồi dùng khúc cây đánh cho lên màu. Để thuốc nhuộm màu phát huy tác dụng, cải thiện sắc thái và nước bóng, đồng bào còn tạo ra một số chất phụ gia làm từ vỏ ốc, hạt ngô, củ nâu.
Mỗi ngày người ta nhúng sợi vải vào dung dịch này đến 3 lần và phải qua 3 lần thay nước nhuộm màu mới. Khi cảm thấy chưa đậm, chưa sắc, thì người ta trộn vôi bột của vỏ ốc xoăn vào nước màu rồi lấy cây khuấy đều cho đến khi thuốc nhuộm trở nên đen tuyền mới đưa sợi vải vào nhuộm màu.
Màu xanh cũng được tạo ra từ nước cây chàm và vỏ ốc suối nhưng dung lượng ngâm ít hơn, chỉ hai lần ngâm – chiếm 1/4 lần so với màu đen (muốn có màu đen phải nhuộm đến 8 lần, màu xanh chỉ mất 2 lần nhuộm).
Trong lần nhuộm cuối cùng để cho ra màu đen hay màu xanh, đồng bào thái củ nâu thành lát mỏng, trộn với ít hạt ngô già đã rang cháy thành than cho vào chảo đang sôi. Tiếp đến, người ta cho sợi đã được nhuộm màu vào chảo để luộc.
Theo kinh nghiệm dân gian, đây là cách làm để giữ màu không bị phai, làm mềm sợi bông, khi dệt giữa các lớp sợi sẽ không dính vào nhau. Những thợ nhuộm tài ba còn tạo ra một số dạng màu từ đen thẫm, xanh lam sẫm đến màu xám nhẹ, xanh nhạt.
Đối với đồng bào các dân tộc miền núi, nghề dệt thổ cẩm là một phần quan trọng của cuộc sống. Bông vải thu hoạch về, đồng bào chế biến sợi từ màu trắng nguyên thủy của nó, sau đó mới nhuộm để cho ra các màu sợi khác nhau. Những búp sợi có màu khác nhau là nguyên liệu chính để đưa lên khung dệt, tạo ra những tấm thổ cẩm. Trong khi đó, các dân tộc ở miền núi phía Bắc như người Dao, người Hmông dệt thành tấm vải lanh hoàn chỉnh mới mang đi nhuộm màu.
Màu đen hoặc màu chàm luôn là màu chủ đạo, màu nền của trang phục của các dân tộc như Êđê, J’rai, Ba Na, Giẻ Triêng, Cơ Tu. Có thể nói, gam màu này cũng là gam màu đặc trưng của cả vùng văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên vì màu đen và màu chàm là màu trung gian, có vai trò điều tiết sự tương quan, hài hòa màu sắc trên trang phục.
Có lẽ, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng rừng núi, để hòa mình với môi trường sống, môi trường lao động, con người buộc phải chọn cho mình một loại trang phục chắc bền, tiện dụng, không quá khoa trương về hình thức, thậm chí hơi khắc khổ. Ngoài những bộ trang phục lễ hội được chăm chút kỹ lưỡng, hầu hết các sản phẩm may mặc được sử dụng trong mọi trường hợp, từ ăn mặc hằng ngày cho đến lao động trên nương rẫy, do đó yêu cầu về bền, chắc, màu tối được chú ý hơn.
Trước đây, đồng bào thường mặc chiếc áo chàm thuần khiết, sau đó điểm xuyết vài đường viền hoặc những hoa văn đơn giản bằng sợi được nhuộm màu tươi sáng hơn. Tuy là gam màu tối nhưng màu chàm vẫn nổi bật trong không gian miền núi, hợp với khung cảnh thiên nhiên nơi những chủ nhân mặc chiếc áo này sinh sống.
Chiếc áo chàm dân dã, được mặc hằng ngày trong lao động, sinh hoạt văn nghệ cũng như sinh hoạt văn hóa tâm linh, trong các lễ hội cổ truyền dân tộc. Vải chàm mặc rất mát, giặt mau sạch, không bị kích ứng da. Đồng bào miền núi dùng vải nhuộm chàm để may quần áo, làm khăn đội đầu, may túi khoác vai, may chăn, nệm. Trên nền vải chàm đằm thắm này, thợ dệt gửi gắm những đường kim mũi chỉ, cắt may, khâu đắp, tạo thành những hoa văn đẹp mắt.
Phương thức nhuộm chàm cổ truyền luôn thân thiện với môi trường. Khi nhuộm chàm tự nhiên, lá có thể được sử dụng làm phân bón sau khi thuốc nhuộm được chiết xuất và nước có thể được sử dụng để tưới cho cây trồng.