Ai cũng biết “Đức” là cái “vô hình”, thế mà có dày, có mỏng. Lại có “hậu”, có “bạc” bẽo. Thì ra, “Đức” không chỉ đơn giản là sự tử tế, ăn hiền ở lành hay xử việc đúng đắn.
Thậm chí không chỉ được tạo nên ở đời này, mà còn được tạo nên từ những đời trước đó. “Đức” là một thứ “của cải” thuộc về “mệnh” vậy.
Trong văn hóa Đông phương, Đức như một “của cải lớn”. “Có Đức mặc sức mà ăn” là vậy.
Người xưa sở dĩ trọng Đức, Đức như nước, nước sâu bao nhiêu, thì thuyền lớn bấy nhiêu.
Theo Phật giáo, “Phúc Đức” do giúp đời mà có, còn “Công Đức” phải do tu hành. “Phúc Đức” nhỏ hơn “Công Đức” rất nhiều và là một phần của “Công Đức”. Phúc là cho đi. Cho đi mà không cần “hồi báo”. Cho đi với “tâm vô lậu” – cho đi không còn hạt giống tham sân si trong tâm là tỉnh thức.
Nhưng cho đi rất dễ dính mắc vào ngã mạn – cái tôi. Đức hạnh đầu tiên của Bala mật là bố thí, nhưng 5 hạnh sau thì khó có nhà từ thiện nào hành trì được (trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ).
Họ tích Đức qua lợi sinh đã ít, nhưng phải trả nợ tiền kiếp rồi dính mắc lợi tha trong kiếp này. Điều này nghe có vẻ khó hiểu, nhưng ý nghĩa của nó đơn giản là, tích Đức trong kiếp sống này để trả nợ cho những “nghiệp” của kiếp sống trước đây.
Rất nhiều người dính mắc vào việc cho đi hay giúp ai đó. Từ thiện là tạo phúc cho mình, điều này cũng đúng mà cũng sai. Làm điều thiện là tốt, trong tu dưỡng làm người, nhưng để thấy được thiện thì phải vượt lên trên cả thiện ác. Và, đừng làm thiện để mong cầu một điều phúc báo nào đó.
Trường năng lượng của vũ trụ rất vi tế, nên nó luôn hiểu được những gì bên trong bạn có, chứ không phải cái bên ngoài bạn thể hiện.
Chẳng phải tự nhiên ông bà ta nói “Mạ tốt một nửa lúa, vợ tốt một nửa phúc”.
Khi cấy lúa, nếu như cây mạ tươi tốt, sẽ có thể nâng cao sản lượng thu hoạch.
Nếu như cưới vợ mà cưới được một người vợ tốt, thì đó chính là cái phúc trong nửa đời còn lại của bạn.
Tục ngữ nói: “Vợ hiền thục thì chồng ít tai họa”, trong một gia đình, người vợ có một vai trò vô cùng quan trọng.
“Cưới vợ, cưới Đức không cưới sắc”, tiêu chuẩn chọn vợ là vẻ đẹp của tâm hồn chứ không phải vẻ đẹp bề ngoài.
Rồi sự nghiệp mỗi người Đức mỏng mà ngồi ngôi cao Cổ nhân nói:
“Đức không xứng với vị, tất sẽ gặp tai ương”.
Nếu có một người nhân phẩm Đức hạnh thấp nhưng thân phận lại cao quý, vậy thì tai ương sớm muộn cũng sẽ giáng xuống.
“Vị” chính là những đãi ngộ mà chúng ta được hưởng. Câu này có nghĩa là Đức hạnh của chúng ta không xứng với phúc báo mà ta đang hưởng.
Nói cách khác, cũng giống như một chiếc bàn có thể chịu tải trọng được 10 phần sức nặng, nhưng nay chúng ta đặt lên nó tới 20 hay 50 phần sức nặng, thì, chiếc bàn sao có thể chịu nổi? Gánh một sức nặng quá sức mình như vậy, nó sẽ lung lay. Nó sẽ biến dạng, đây chính là dấu hiệu báo trước của việc sụp đổ.
Trong quyển “Tư Trị Thông Giám” có một câu chuyện: Tấn vương muốn lựa chọn một người con của mình để làm người thừa kế. Con trai Trí Dao thân phận cao quý, tinh thông cưỡi ngựa bắn cung, dứt khoát, cứng rắn, nói năng khéo léo, vua rất thích, nhưng Trí Dao lại không đủ phúc hậu.
Các đại thần nói nếu như người thừa kế là Trí Dao, tai ương nhất định sẽ giáng xuống đầu bọn họ, nhưng Tấn vương lại không nghe lời, cố chấp truyền chức vị của mình lại cho Trí Dao.
Tấn vương sau khi qua đời, Trí Dao lên nắm quyền, không nhân Đức với nhân dân, khắc nghiệt với sĩ phu, chọc giận vua nước khác. Cuối cùng bị nước Hàn, Chiêu, Ngụy cùng nhau đánh bại, không chỉ bản thân bị giết, mà cả dòng họ tổ tông cũng diệt vong.
Tư Mã Quan – từ câu chuyện của bọn họ mà đúc kết ra một đạo lý rằng: “Đức không xứng với vị, tất sẽ gặp tai ương”.
Trong “Kinh Dịch” có nói: “Hậu Đức tái vật”. Nhân phẩm đạo Đức của một người phải dày dặn, đầy đặn, như vậy mới có thể dung chứa được vạn vật. Một người nếu nhân phẩm không đủ, lại lên được địa vị cao quý, địa vị đó không những không thể ngồi chắc, mà còn đem tai ương đến cho bản thân.
Nhạc Phi giỏi như vậy, nhưng khí số nhà Tống đã tận, không cách nào chống đỡ. Sùng Trinh, Hoàng Đế cuối cùng của triều Minh không phải bất tài, sao không giữ nổi cơ nghiệp ông cha?
Bảo Đại ở Việt Nam, kỳ tình, ông không phải là người u tối, và cũng hiểu chuyện. Xung quanh ông cũng có rất nhiều nhân vật có viễn kiến, sao cơ nghiệp nhà Nguyễn vừa không giữ được, mà Đế Quốc Việt Nam không thành? Nguyên do cũng là ở chữ Đức.
Về chiết tự chữ Đức được tạo lên từ những phần như sau: Bên trái là bộ xích “彳”. Bên phải trên cùng là chữ Thập “十” , dưới chữ thập là chữ Mục “目”, dưới chữ mục là Chữ nhất “一”, dưới cùng là chữ Tâm “心”. tất cả kết hợp cấu thành chữ Đức “德”.
- Trong đó “彳” (Xích) chỉ bước đi chậm rãi, lâu dài, trường kỳ. Có thể hiểu rằng, “Đức” là phải từng chút, từng chút, tích lũy mà thành. Không phải là việc nhất thời, mà là việc của cả một đời.
- “十” (Thập) ngụ ý là nhiều, là đầy đủ, là thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười, cũng có ngụ ý là bốn phương tám hướng. Điều đó có nghĩa rằng, con người dù ở đâu, lúc nào cũng phải dùng Đức hạnh để đối đãi với người khác.
- “罒” là chữ mục – mắt “目” nằm ngang, nhấn mạnh rằng, người có Đức thì có thể biết rõ thị phi, thật giả, có thể phân biệt được tốt xấu, đúng sai.
- “一” mang ý nghĩa là chỉnh thể, tổng thể, là toàn bộ, ý nói người có Đức lấy đại cục làm trọng, không tư lợi cho bản thân, vạn pháp quy nhất, một lòng một dạ, tâm không tạp niệm, không vướng bận.
- “心” là chỉ nội tâm, muốn tu dưỡng được Đức thì cần phải dựa vào tu dưỡng nội tâm. Tâm là bên trong, là thật lòng, chân tình, trung thành.
Tâm (“心”) là bộ phận dưới cùng của chữ Đức (“德”), ý nói Đức là trong đáy lòng không có vụ lợi, tư lợi.
Qua chiết tự chữ Đức, ta còn thấy được người có Đức cao thi vô vi không vội vàng mà thuận theo tự nhiên. Người có Đức cao thì thuận theo tự nhiên không có ý cầu Đức cho nên có Đức. Người có Đức thấp thì luôn vội vàng và có ý cầu Đức cho nên không có Đức.
Có thể nói chữ “Đức” quyết định hết thảy mọi thứ của con người. Sâu cạn nhiều ít của Đức hạnh quyết định phúc phận và vận mệnh của con người. Cũng chính như “có Đức mặc sức mà ăn” mà cổ nhân thường nói đến..
Ở Đời Phước Đức Phải Năng Thực Hành
Nên nói tới chữ Đức để thấy được quá trình tu dưỡng công phu trong đời người. Tất cả các khổ đau của con người một phần thuộc về phần vô thức. Những đứa trẻ đau khổ thời thơ ấu, những khoảnh khắc mà đứa trẻ không thể nào quên. Qua năm tháng, những đau khổ đó chìm vào phần vô thức. Khi đời sống bớt vất vả, thảnh thơi một chút, những đau khổ đó tự nhiên xuất hiện.
Cũng chính là người không có Đức, không tu dưỡng nội tâm, nếu ở ngôi cao, tiện nghi đầy đủ, các “quái vật” trong vùng vô thức trong tâm sẽ xuất hiện, lợi dụng thứ quyền lực đó mà gây họa cho người khác.
Những người có khả năng, thông minh một chút, là những người dễ bị dính mắc vào các thứ tiêu khiển ở đời – sắc dục, tiền bạc, danh vọng. Trong quá trình theo đuổi những thứ đó, cũng nếm trải nhiều đau khổ, oán hờn khác nhau. Những đau khổ, oán hờn đó, nếu không giải quyết, dù cho được chôn dấu ở một nơi hết sức sâu kín trong tâm hồn, khi người này đạt được tới vị trí của quyền lực, chúng sẽ dần dần bước ra, hủy hoại không chỉ sinh mệnh của họ, mà còn cả người xung quanh.
Tuy vậy, không có Đức, ma quỷ trong nội tâm những người này bước ra, lòng tham lớn dần, dấn thân vào những dục vọng si mê. Cái tâm kia không thể yên tĩnh.
Nói ra thì phức tạp như thế, nơi này vẫn chỉ nói rằng nếu như người ta muốn “đầu tư”, thì không đâu xa, đầu tư vào “Đức”. Nếu không thể làm điều tốt, chi bằng đừng làm điều xấu. Không ngừng làm phong phú “sinh mệnh” của mình. Nuôi dưỡng bản lĩnh, trau dồi kiến thức, làm phong phú nội tâm của mình, ít thì họa rời xa, nhiều thì mời được nhiều nhân duyên tốt tới.
Thế nên, một khi Đức của mình nhiều, sinh mệnh của mình nổi lên như một cái cù lao, tự nhiên các sinh mệnh khác sẽ tìm tới, sẽ giành thời gian cho mình.
Ngẫm về phạm trù Phúc và Đức của mỗi người để ta chiêm nghiệm thực hành đời sống của mỗi người trong sự vận hành nhân quả của vũ trụ để thấy được sự vi tế của trường nghiệp lực luôn tồn tại song hành.