Liên Minh Ở Trung Đông Đối Đầu Với Israel Và Mỹ?

Một liên minh khu vực do Iran lãnh đạo trên thực tế đang đối đầu với Israel. ‘Trục kháng chiến’ có mục tiêu chống lại Mỹ và Israel

Lãnh đạo tối cao Khamenei và Lực lượng vệ binh cách mạng Iran. Ảnh Noon Post

Trục “kháng chiến” là một liên minh gồm các nhóm vũ trang ở Lebanon, Iraq, Syria và Yemen, được Iran hỗ trợ, tự mô tả là Trục kháng chiến chống lại Israel và ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Trung đông.

Nguồn gốc của nó bắt nguồn từ Cách mạng Iran năm 1979, khi nhà lãnh đạo cách mạng Ruhollah Khomeini, tuyên bố ‘xuất khẩu’ cuộc cách mạng, nhưng nó lại được nhấn mạnh như một liên minh ở Trung Đông chiến đấu trên nhiều mặt trận và thống nhất khi đối đầu với Israel.

Về cái tên Trục kháng chiến

Trục kháng chiến được định nghĩa là liên minh của các nhóm chống lại ảnh hưởng của Israel và Mỹ ở khu vực Trung Đông, do Iran lãnh đạo và hỗ trợ, đồng thời Syria cũng được tính trong trục này.

Liên minh này bao gồm Hezbollah của Lebanon, một số phong trào vũ trang ở Iraq, nhóm Houthi ở Yemen, ngoài ra còn có Phong trào kháng chiến Hồi giáo (Hamas) và Phong trào Jihad Hồi giáo của người Palestine (lưu ý, Phong trào giải phóng dân tộc Palestine – Fatah – không thuộc Trục kháng chiến, biên tập).

Có sự bất đồng về thời điểm thuật ngữ Trục kháng chiến bắt đầu được sử dụng, nhưng một số nguồn chỉ ra rằng, tờ báo đầu tiên sử dụng nó là tờ Al-Zahf Al-Akhdar của Libya, trong một bài báo năm 2002 có tựa đề “Trục ma quỷ hay Trục kháng chiến”.

Tờ báo cho biết trong bài viết của mình rằng “mẫu số chung duy nhất giữa Iran, Iraq và Triều Tiên là khả năng chống lại quyền bá chủ của Mỹ”, và sau đó cụm từ này được sử dụng rộng rãi để mô tả Iran và các nhóm ủng hộ họ.

Các nguồn tin khác cũng cho biết lãnh đạo Hezbollah người Lebanon, Hassan Nasrallah, một số quan chức và lãnh đạo Iran, cùng một số cơ quan truyền thông ủng hộ trục này là những người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Trục kháng chiến”.

Lịch sử ra đời và hình thành của Trục kháng chiến

Sự hiện diện của Trục kháng chiến ở khu vực Trung Đông đã được kết tinh kể từ thành công của Cách mạng Hồi giáo Iran do Khomeini lãnh đạo vào tháng 2 năm 1979, khi nó lật đổ sự cai trị của Shah (vua Iran), người có mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ, và tuyên bố thù địch đối với Israel.

Kể từ thời điểm đó, một bên là Tehran và một bên là Washington và Tel Aviv đã cùng lúc tiến hành một cuộc chiến tranh về ý thức hệ và chiến lược.

Từ đầu những năm 1990, Iran bắt đầu ủng hộ các phong trào của người Palestine bác bỏ Hiệp định Oslo, và nhờ đó trục này dần được hình thành sau cuộc xâm lược Iraq của Mỹ-Anh năm 2003 và sự sụp đổ của chế độ của cố tổng thống Saddam Hussein, Iran đã thành lập và ủng hộ các phong trào vũ trang liên kết ở Iraq.

Khi Mùa xuân Ả Rập bắt đầu vào năm 2011, Iran đã hợp tác với chế độ của tổng thống Syria Bashar al-Assad để đối đầu với phe đối lập ở Syria và thành lập các phong trào vũ trang trung thành với họ ở đó.

Tại Yemen, nhóm Houthi, được Iran hỗ trợ, đã có thể mở rộng ảnh hưởng cho đến khi nắm quyền kiểm soát thủ đô Sana’a vào năm 2014.

Do đó, Iran đã thiết lập ‘vũ khí quân sự’ của mình ở Trung Đông, lợi dụng tình hình bất ổn chính trị trong khu vực. Việc phát triển và tổ chức các thành phần của Trục kháng chiến ở Lebanon, Syria, Iraq và Yemen cũng được cựu chỉ huy Lực lượng Quds giám sát, thiếu tướng Qassem Soleimani.

Trục kháng chiến

Hezbollah

Hezbollah, hay còn được biết đến ở Lebanon với cái tên “Kháng chiến Hồi giáo”, là một thực thể chính trị có vũ trang của người Shiite – với sự ủng hộ của Iran. Nó hình thành từ ‘trong lòng’ “Phong trào Amal” của người Shiite ở Lebanon vào năm 1982, khi Israel xâm lược Lebanon năm 1982.

Sau đó, một nhóm thanh niên nổi lên và ngày càng phát triển lại Lebanon. Họ thuộc một số ủy ban Hồi giáo và Phong trào Amal với mục đích chống lại sự chiếm đóng của Israel, hợp tác với các tổ chức của người Palestine và quân đội Syria.

‘Đảng này’ tham gia chính trường vào năm 1985, ban đầu tự gọi mình là “Phong trào Amal của người Shiite”, sau đó được gọi là “Amal Hồi giáo” vì mong muốn mở rộng để bao gồm cả quốc gia Hồi giáo.

Hezbollah chống lại sự chiếm đóng của Israel và phát động nhiều chiến dịch chống lại Israel ở miền nam Lebanon trong những năm 80 và 90 của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh Lebanon-Israel vào tháng 7 năm 2006.

Hezbollah cũng chiến đấu bên cạnh Syria trong việc đối đầu với cuộc cách mạng Syria và ủng hộ các phong trào vũ trang của người Shiite ở Iraq.

Nhóm Houthi

Một phong trào chính trị-quân sự rất gần gũi với Iran, và hình thành từ tỉnh Saada tại miền bắc Yemen. Nó được gọi là nhóm Houthi hay Houthis, liên quan đến người hướng dẫn tinh thần của nó, Badr al-Din al-Houthi, và người sáng lập của nó, con trai ông là Hussein al-Houthi. Tuy nhiên, nhóm này tự gọi mình là “nhóm Ansar Allah”.

Nguồn gốc của phong trào bắt đầu từ năm 1991 và nắm quyền kiểm soát chính quyền nhà nước ở Yemen vào năm 2014, khi Lực lượng Houthi tấn công thủ đô Sana’a, bao vây Dinh tổng thổng và quản thúc tổng thống Yemen, Abd Rabbuh Mansour Hadi. Sau đó, thông qua dàn sếp, Hadi đến thành phố Aden (quê hương của ông) ở phía nam Yemen, trước khi ông ấy chạy trốn sang Saudi Arabia.

Chính phủ Syria

Chính phủ Syria – do Bashar al-Assad lãnh đạo – là một phần của Trục kháng chiến, vì họ ủng hộ các phong trào chống Israel và có liên minh chặt chẽ với Hezbollah, còn Damascus và các tỉnh còn lại của Syria là đấu trường cho sự đối đầu giữa Israel và một số phong trào vũ trang được Iran hỗ trợ.

Phong trào vũ trang của người Shiite ở Iraq

Những phong trào này, hầu hết phát sinh sau cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003, được chính phủ Iraq và Iran hỗ trợ về mặt quân sự và tài chính. Họ bị cáo buộc thực hiện hành vi giết người, tra tấn và phá hủy tài sản chống lại người Sunni ở Iraq.

Những vi phạm như vậy đã xảy ra, đặc biệt là ở tỉnh Diyala, bao phủ một khu vực rộng lớn giữa biên giới Iran và thủ đô Baghdad của Iraq.

Một số phong trào vũ trang này đã chuyển hoạt động sang Syria để chiến đấu bên cạnh lực lượng của Bashar al-Assad.

Các phong trào này vẫn gắn bó với các cơ quan chính trị và an ninh ở Iraq cho đến khi ‘Phong trào huy động nhân dân’ được thành lập vào năm 2014 dựa trên ‘Fatwa’ – cơ quan quyền lực tối cao của người Shiite, Ali al-Sistani, để đối đầu với Nhà nước Hồi giáo. Lực lượng huy động nhân dân đã trở thành vỏ bọc hợp pháp cho các phong trào vũ trang đã gia tăng về số lượng kể từ thời điểm đó.

Phong trào kháng chiến Hồi giáo (Hamas)

Đây là phong trào Sunni duy nhất trong Trục kháng chiến và các nhà phân tích tin rằng, đây không phải là một phần của Trục kháng chiến, nhưng đang hợp tác với Trục kháng chiến để chống lại sự chiếm đóng của Israel.

Phong trào này nổi lên từ Tổ chức anh em Hồi giáo ở Palestine, và sự phát động của nó trùng hợp với sự bùng nổ của phong trào Intifada đầu tiên vào tháng 12 năm 1987, khi một số nhà lãnh đạo của phong trào Hồi giáo gặp nhau tại nhà của Sheikh Ahmed Yassin ở Dải Gaza, và họ đã đồng ý rằng, tình trạng nổi dậy là cơ hội để phát động hành động vũ trang chống lại sự chiếm đóng của Israel.

Phong trào này nhằm mục đích giải phóng Palestine và đưa những người tị nạn Palestine trở về vùng đất mà họ đã phải di dời.

Phong trào thánh chiến Jihad Hồi giáo

Đây là một phong trào kháng chiến của người Palestine, thuộc phong trào Hồi giáo, được thành lập vào năm 1981 tại Dải Gaza, với mục đích giải phóng toàn bộ lãnh thổ của người Palestine và xóa bỏ sự hiện diện của Israel ở Palestine.

Phong trào bắt đầu như một cuộc tập hợp của một nhóm sinh viên Palestine theo học tại các trường đại học Ai Cập, những người đại diện cho một tầng lớp có học thức theo định hướng Hồi giáo.

Năm 1978, chi bộ đầu tiên của phong trào được thành lập bởi sinh viên y khoa Fathi al-Shaqaqi và ông gọi nó là “Đội tiên phong Hồi giáo”.

Sau thành công của cuộc Cách mạng Iran năm 1979, al-Shaqaqi đã viết cuốn sách “Khomeini, người Hồi giáo và Giải pháp thay thế”, như một biểu hiện của sự ủng hộ của ông đối với cuộc Cách mạng Iran 1979.

Phong trào Jihad Hồi giáo duy trì mối quan hệ đặc biệt với Iran, nước ủng hộ nổi bật nhất về mặt tài chính và quân sự.

Phong trào này cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Hezbollah ở Lebanon. Iran bắt đầu tài trợ cho tổ chức này từ năm 1987 và với việc trục xuất Shaqaqi và các nhà hoạt động thánh chiến khác đến Lebanon. Vào năm 1988, mối quan hệ giữa họ được củng cố hơn, Lực lượng vệ binh cách mạng Iran đã cung cấp tài chính và hỗ trợ quân sự cho tổ chức này trong các trại ở Lebanon và Syria, và sự phụ thuộc của phong trào vào Iran đã tăng lên kể từ cuộc nổi dậy năm 2000.

Vào năm 2014, sự ủng hộ của Iran đối với “Phong trào Al-Sabireen” ở Gaza, do Hisham Salem, một cựu lãnh đạo phe thánh chiến dẫn đầu, đã làm dấy lên sự bất mãn của phong trào, và một phái đoàn lãnh đạo của phong trào này do Ramadan Shallah đứng đầu đã đến thăm Iran vào tháng 5/2015, gặp Lãnh đạo tối cao Iran, Ali Khamenei và một số quan chức Iran.

Trục kháng chiến sau Chiến địch Đại hồng thủy Al-Aqsa

Vào rạng sáng thứ bảy, ngày 7 tháng 10 năm 2023, Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam – cánh quân sự của phong trào Hamas – đã phát động Chiến dịch Đại hồng thủy Al-Aqsa nhằm vào các khu định cư xung quanh Dải Gaza.

Trong cuộc tấn công này, Hamas đã bắt giữ hơn 250 người Israel, bao gồm cả binh lính và sĩ quan, sau đó Israel tuyên bố một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Dải Gaza. Iran xác nhận rằng họ không hề biết trước về hoạt động này.

Vào ngày 8 tháng 10 năm 2023, Hezbollah ở Lebanon thông báo rằng họ đang nhắm mục tiêu vào các vị trí của Israel trong Trang trại Shebaa để đoàn kết và hỗ trợ cuộc kháng chiến ở Dải Gaza.

Quân đội Israel đáp trả bằng cách ném bom Lebanon. Xung đột hai bên đang leo thang từng bước.

Về phần mình, nhóm Houthi đã tăng cường các cuộc tấn công ở Biển Đỏ gần Eo biển Bab al-Mandab và tuyên bố rằng, họ sẽ nhắm mục tiêu vào các tàu của Israel và bất kỳ tàu nào hướng tới các cảng của Israel cho đến khi lực lượng chiếm đóng chấm dứt hành vi xâm lược Gaza.

Các cuộc tấn công của nhóm Houthi đã gây ra sự sụt giảm mạnh thương mại (vận tải đường biển) qua Eo biển Bab al-Mandab, do nhiều công ty vận tải biển phải rời khỏi khu vực.

Đối với các phong trào vũ trang của người Shiite ở Iraq – tự gọi mình là “Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq” – họ đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự ở Iraq bao gồm lực lượng Mỹ và lực lượng liên minh quốc tế chống ISIS.

Israel tiếp tục tấn công các căn cứ của Hezbollah và Iran ở Damascus, nhưng leo thang bạo lực nhất xảy ra vào ngày 1 tháng 4 năm 2024, khi một cuộc tấn công của Israel nhắm vào tòa nhà lãnh sự quán Iran ở thủ đô Syria và cướp đi sinh mạng của 7 chỉ huy và sĩ quan của Lực lượng vệ binh cách mạng Iran.

Theo các nhà phân tích, mặc dù Iran đã quen với việc bị tấn công, nổi bật nhất là vụ ám sát thiếu tướng Qassem Soleimani, nhưng Iran đã đáp trả.

Minh họa: Lãnh đạo tối cao Khamenei và Lực lượng vệ binh cách mạng Iran. Ảnh: Noon Post

Nguồn: Biên tập – aljazeera.net – Qatar

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang