‘Dấu hiệu’ cung hoàng đạo của bạn là gì?
Nếu có thể trả lời câu hỏi này, bạn là 1 trong 90% người trưởng thành biết cung hoàng đạo của mình.
Điều này không có gì ngạc nhiên: Các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và ứng dụng kỹ thuật số gần đây đã tạo ra ‘một cú hích’ mới cho chiêm tinh học – tử vi phương tây.
Điều gì làm cho chiêm tinh học – tử vi phương tây trở nên đặc biệt?
Chiêm tinh học: Nghiên cứu các ngôi sao để biết tương lai
Chiêm tinh học được định nghĩa là nghiên cứu về ‘vị trí và chuyển động’ của các vì sao, như một phương tiện để dự đoán các sự kiện trong tương lai và tìm hiểu về tính cách của bạn.
Chiêm tinh học bắt nguồn từ Babylon vào khoảng năm 700 – 450 trước công nguyên, khi 12 cung hoàng đạo được ‘thành lập’ – dựa vào vị trí và chuyển động của các ngôi sao để dự đoán các sự kiện trong xã hội.
Trong thời Hy Lạp cổ đại, việc dự đoán được giao cho các nhà chiêm tinh và được thực hiện dựa trên vị trí tương đối của các ngôi sao tại thời điểm ‘sinh’.
Ví dụ, việc một người thuộc cung Song Tử có nghĩa là vào thời điểm sinh ra, mặt trời (được chiếu trên bầu trời) ở vị trí thẳng hàng với chòm sao Song Tử.
Trái đất khi quay quanh mặt trời sẽ đi qua các chòm sao khác nhau. Con đường đó được gọi là ‘mặt phẳng’ hay cung hoàng đạo.
Dấu hiệu mặt trời, theo các nhà chiêm tinh, đại diện cho tính cách, nhận thức về bản thân, khả năng tương thích trong tình yêu và sở thích cơ bản của bạn.
Do đó, nghiên cứu vị trí của các thiên thể (ngôi sao) có thể giúp chúng ta chọn bạn bè tốt hơn, các mối quan hệ yêu đương phù hợp, và đưa ra quyết định sáng suốt – cả về nghề nghiệp và tài chính.
3 lý do để thay đổi tử vi của bạn
Có ít nhất 3 lý do khiến cung hoàng đạo – không như bạn nghĩ.
(1). Người Babylon quan sát thấy có 13 chòm sao khác nhau trên mặt phẳng (cung) hoàng đạo. Tuy nhiên, vì lịch theo chu kỳ mặt trăng (xác định bởi các tuần trăng) chỉ có 12 tháng, nên họ quyết định giữ nguyên giá trị đó và sử dụng 12 chòm sao để đặt tên cho các cung hoàng đạo. Người Babylon đã cố tình bỏ sót 1 chòm sao, có tên là “Xà Phu”.
(2). Tất cả các chòm sao có độ dài khác nhau. Do đó, chúng ở phía trước mặt trời trong những khoảng thời gian khác nhau. Ví dụ, chòm sao Sư Tử kéo dài 37 ngày trong khi chòm sao Bọ Cạp chỉ kéo dài 7 ngày. Điều này khiến nhiều người tự nhận mình thuộc cung hoàng đạo Bọ Cạp – không thể hiểu được điều đó, cùng với những điều bất thường khác.
(3). Do ảnh hưởng của lực hấp dẫn của mặt trời và mặt trăng, trái đất dao động nhẹ. Do đó, cực bắc lệch một cách dần dần, tạo ra hiệu ứng ‘tuế sai’.
Kết quả là, một sự thay đổi rõ ràng trong vị trí của các chòm sao. Kể từ khi các cung hoàng đạo được hình thành cách đây khoảng 3000 năm, hiện tại chúng đã ‘di chuyển’ – lệch khoảng 1 tháng – do tuế sai.
Đối với một người sinh vào ngày 1 tháng 6 cách đây 3000 năm, mặt trời sẽ ở trong chòm sao Song Tử. Hiện tại, do hiệu ứng tuế sai, vào ngày 1 tháng 6, mặt trời không ở cung Song Tử, thay vào đó là cung Kim Ngưu.
Thí nghiệm nổi tiếng nhất trong chiêm tinh học: Naninga Astrotest
Năm 1996, một thí nghiệm được công bố, trong đó 44 nhà chiêm tinh cố gắng đối chiếu dữ liệu ngày sinh (ngày, giờ và địa điểm) của 7 người ẩn danh với bảng câu hỏi về tính cách tương ứng của họ.
Các câu hỏi được lấy từ Hồ sơ tính cách của Đại học Berkeley, và có những câu hỏi khác cũng được đề xuất bởi 44 nhà chiêm tinh. Các khía cạnh liên quan đến giáo dục, gia đình, nghề nghiệp, sở thích, tính cách, các mối quan hệ, sức khỏe.
Nhà chiêm tinh nào ‘khớp’ chính xác dữ liệu ngày sinh của 7 người ẩn danh với bảng câu hỏi tương ứng của họ sẽ giành được 2.500 đô la.
Kết quả thật đáng thất vọng: Nhà chiêm tinh giỏi nhất có 3 câu trả lời đúng trong số 7 câu trả lời và một nửa số người tham gia (22) không có câu trả lời đúng nào.
Có một số bài báo đưa chiêm tinh học và sức mạnh tiên đoán của nó vào thử nghiệm. Cảnh báo của spoiler: Chiêm tinh học luôn thất bại. Một nhà chiêm tinh có thể đưa ra dự đoán đúng về tương lai, tương tự như bất kỳ ai đưa ra dự đoán – không hơn không kém.
Có những người quyết định lựa chọn bạn đời dựa trên các cung hoàng đạo. Tuy nhiên, có vẻ như tình yêu không bị sai khiến bởi các vì sao. Một nghiên cứu được thực hiện với 10 triệu cuộc hôn nhân ở Anh và xứ Wales cho thấy, không có bằng chứng về mối liên hệ ‘hợp hay không hợp’ giữa các cung hoàng đạo.
Tại sao nhiều người tin vào chiêm tinh học
Mặc dù người ta đã chứng minh rõ ràng rằng, chiêm tinh học không đúng, nhưng 27% người Mỹ và 23% người Pháp tin vào nó, trong khi 46% người Mexico cảm thấy rằng, tử vi là một điều gì đó quan trọng trong cuộc sống của họ.
Tại sao vậy? Chiêm tinh học là một ngành kinh doanh cực kỳ có lãi. Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, các ứng dụng chiêm tinh đã mang lại 40 triệu đô la cho những người tạo ra chúng vào năm 2019. Điều này khiến chiêm tinh học được quảng cáo trực tuyến nhiều hơn và ngày càng có nhiều người tham gia vào thị trường béo bở này.
Nhưng điều thú vị nhất trong tất cả những điều này là con người dễ mắc sai lầm và thành kiến liên quan đến phán đoán và lý luận. Điều này có nghĩa là, lá số tử vi – chiêm tinh phù hợp với cơ chế tinh thần của chúng ta.
Cụ thể, họ dựa vào cái mà các nhà tâm lý học, gọi là xu hướng xác nhận và hiệu ứng Barnum.
Xu hướng xác nhận cho thấy niềm tin và kỳ vọng trước đó có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn, lưu giữ và đánh giá bằng chứng. Nghĩa là, chúng ta tìm kiếm thông tin hỗ trợ ý tưởng của chúng ta và bỏ qua thông tin mâu thuẫn với chúng.
Ví dụ, nếu lá số tử vi đề cập rằng, “đó sẽ là một ngày có sự ‘tương phản’ mạnh mẽ” và chúng ta sẽ có một ngày không yên bình, chúng ta đơn giản sẽ bỏ qua dự đoán đó hoặc không chú ý đến nó.
Tuy nhiên, nếu điều đó thực sự xảy ra, tức là có sự tương phản, đúng hơn là sự không bình yên xảy ra, điều đầu tiên chúng ta sẽ nghĩ là, “đương nhiên, tử vi đã cảnh báo mình rồi”.
Hiệu ứng Barnum là một hiện tượng tâm lý bao gồm việc nhận thức những mô tả chung chung và mơ hồ (áp dụng cho mọi người), như thể chúng là những tuyên bố có độ chính xác cao (được tạo riêng cho chúng ta).
Tử vi của một kẻ giết người hàng loạt
Năm 1968, nhà tâm lý học người Pháp Michel Gauquelin đăng một quảng cáo trên báo. Để đổi lấy tên, địa chỉ, ngày sinh và nơi sinh của một người, ông ta cung cấp miễn phí 10 trang tử vi được cá nhân hóa. Một món hời thực sự!
Sau khi nhận được lá số tử vi, 94% những người đã gửi thông tin cho biết, họ hài lòng với kết quả, thậm chí 90% còn nói rằng, người thân của họ thấy những mô tả trong hồ sơ của họ là chính xác?
Tất cả họ đã nhận được cùng một văn bản! Tử vi do Michel Gauquelin gửi là của một kẻ giết người hàng loạt sinh ra ở Pháp vào ngày 17 tháng 1 năm 1897.
Tử vi – chiêm tinh học hứa hẹn sự chắc chắn (“số phận của chúng ta ở trong các vì sao”). Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên, khi mọi người thường tìm đến lá số tử vi trong những thời điểm vô cùng bất ổn. Ở đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, các lượt tìm kiếm liên quan đến tử vi đạt đỉnh cao nhất trong nhiều năm.
Mục đích của bài viết này không phải là để mọi người ngừng đọc lá số tử vi, bởi vì chúng có thể là một nguồn giải trí – vui vẻ tuyệt vời. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, chưa có bằng chứng cho thấy, có mối liên hệ nào giữa vị trí của các vì sao và cuộc sống. Tất nhiên, đó chỉ là một ý kiến. Bởi vì, ngay cả khoa học cũng có sai lầm.
Và mặc dù xem tử vi có vẻ là trò vui, vô hại, nhưng chúng ta phải nhớ rằng, tổng thống Pháp Charles de Gaulle, nữ hoàng Elizabeth I của Anh và thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đều có các nhà chiêm tinh giúp họ đưa ra quyết định trong nhiệm kỳ của mình.
Chỉ cần nhớ rằng Cassius đã nói với Brutus (trong Julius Caesar, bởi William Shakespeare): Brutus thân mến, lỗi không phải ở những vì sao của chúng ta.
Ghi chú của người dịch và biên tập viên: Khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về thế giới và vũ trụ.Các thí nghiệm trong nghiên cứu được đề cập ở trên, chỉ ở khía cạnh tâm lý – dựa vào tính cách để đoán người. Trong khi tử vi hay chiêm tinh học là dự đoán tương lai. Có bao giờ bạn đặt câu hỏi, tại sao mình sinh ra ở cung hoàng đạo này, mà không phải cung hoàng đạo khác! Đó có phải là sự tình cờ ngẫu nhiên!
Tác giả: Yersain Ely Keller de la Rosa, Thạc sĩ khoa học hóa sinh, Đại học quốc gia Mexico (UNAM). Kevin Navarrete, Điều tra viên phòng thí nghiệm sinh học phân tử, vi khuẩn mầm bệnh, Viện vi sinh vật, Praha, Viện hàn lâm khoa học Séc