Hiểu Về Khái Niệm Từ Bi Của Đạo Phật

Đạo Phật đưa ra cách thực hành lòng từ bi rất bổ ích. Quán Thế Âm hay Bồ Tát là đại diện của tình thương (từ bi)

Bồ tát đại diện của lòng từ bi

Tác giả: Brooke Schedneck

Khi thế giới đối mặt với khủng hoảng do Covid-19 gây ra, ‘ngày tử tế’ thế giới, được tổ chức vào ngày 13 tháng 11 hàng năm, là cơ hội tốt để suy ngẫm về khả năng chữa lành ‘vết thương’ của cả những hành động tử tế lớn và nhỏ.

Thật vậy, chính hành động tử tế của những người lao động đã giúp cứu sống nhiều người.

Là một học giả nghiên cứu về Đạo Phật, tôi đã nghiên cứu cách các nhà sư Phật giáo nói về lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.

Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói, “Tôn giáo thực sự của tôi chính là lòng trắc ẩn (từ bi, tử tế – kindness, biên tập)”.

Mặc dù Đạo Phật có nhiều khái niệm, ngoài khái niệm từ bi, nhưng tôi tin rằng giáo lý và những ‘hình mẫu gương mẫu’ của Đạo Phật có nhiều điều để cống hiến cho một thế giới nhiều đau khổ và chiến tranh.

Lời dạy về từ bi

Một số giáo lý Đạo Phật sớm nhất được phát triển ở Ấn Độ – được ghi lại trong kinh điển Pali, bộ sưu tập kinh điển bằng tiếng Pali – đã nhấn mạnh ý tưởng về “metta” hay lòng từ bi (kindness – compassion).

Một giáo lý từ tuyển tập kinh điển này là Kinh từ bi (Karaniya Metta Sutta), trong đó Đức Phật khuyến khích những người tốt và trí tuệ lan tỏa lòng ‘từ’, bằng cách thực hiện những ước nguyện này đối với tất cả chúng sinh (có thể đọc tụng):

Trong niềm hoan hỉ và an lạc, nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc. Bất cứ chúng sinh nào; dù mạnh hay yếu, không bỏ sót một ai; lớn hay mạnh, trung bình, ngắn hay nhỏ; nhìn thấy và không nhìn thấy; những người sống gần và xa; những người được sinh ra và sắp được sinh ra – nguyện tất cả chúng sanh được an lạc!

Để đưa những lời này vào thực hành, một số vị thầy Phật giáo từ Bắc Mỹ đã dạy thực hành thiền định, nhằm phát triển tâm từ, hay lòng ‘từ’ của chính mình.

Trong các buổi thiền, hành giả (người thực hành thiền) có thể tụng những ước nguyện về lòng từ bi, bằng cách sử dụng các biến thể của cụm từ dựa trên Kinh từ bi (Karaniya Metta Sutta). Một phiên bản thường được sử dụng là của một thiền sư Phật giáo nổi tiếng, Sharon Salzberg.


Cầu mong tất cả chúng sinh ở khắp mọi nơi được bình an và tốt lành.

Cầu mong tất cả chúng sinh ở khắp mọi nơi được hạnh phúc và mãn nguyện.

Cầu mong tất cả chúng sinh ở khắp mọi nơi được khỏe mạnh và tinh tấn.

Cầu mong tất cả chúng sinh ở khắp mọi nơi được bình yên và an lành.


Các hành giả trải rộng lòng từ bi này đối với chính họ, những người thân thiết với họ, những người mà họ không quen biết – ngay cả những người ở xa hay kẻ thù – và cuối cùng là tất cả chúng sinh trên khắp thế gian.

Sau khi quán tưởng tâm ‘từ ái’ này, các hành giả thấy rằng, việc thể hiện lòng ‘từ’ (thương) đối với người khác trong cuộc sống sẽ dễ dàng hơn.

Ngoài tâm từ (metta), Phật tử còn thực hành ‘bi’ (karuna), ‘hỷ’ (mudita) và ‘xả’ (upekkha) để có một trạng thái – tâm bình an.

Tu tập lòng từ bi

Các hình thức Phật giáo sau này ở Đông Á và Tây Tạng đã phát triển ý tưởng về lòng từ bi, thông qua hình tượng Bồ Tát.

Bồ Tát là một hành giả đã nguyện làm việc quên mình vì sự giác ngộ của những chúng sinh khác.

Sự phát triển của trạng thái tâm này được gọi là “tâm bồ đề ”. Bồ đề tâm cung cấp động lực và cam kết trên con đường khó khăn này, là, đặt người khác lên trước bản thân.

Một thực hành để nuôi dưỡng bồ đề tâm là hoán đổi bản thân cho người khác. Trong thực hành này, những người trên con đường ‘Bồ Tát’ sẽ xem nỗi đau khổ của người khác như thể đó là nỗi đau của chính mình, và sẽ giúp đỡ người khác như thể giúp đỡ chính mình.

Như nhà sư Phật giáo Ấn Độ, Tịch Thiên (Santideva) đã viết trong tác phẩm kinh điển vào thế kỷ thứ 8 về con đường của Bồ Tát, “Bồ Tát hạnh”, mọi người nên thiền định với tình cảm này trong tâm: “Tất cả đều trải qua đau khổ và hạnh phúc như nhau. Tôi nên chăm sóc chúng sinh như chính bản thân mình vậy”.

Những vị Bồ Tát và ý nghĩa của Bồ Tát

Nhân vật Phật giáo tập trung nhiều nhất vào lòng tốt là vị ‘Bồ Tát’ – của lòng từ bi, ban đầu được gọi là Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), người đã trở nên phổ biến ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 sau công nguyên.

Một cách phổ biến để miêu tả Quán Thế Âm là hình tượng có 11 đầu và 1.000 cánh tay, ngài sử dụng chúng vì lợi ích cho tất cả chúng sinh. Phật tử Tây Tạng tin rằng, tất cả các Đạt Lai Lạt Ma đều là hiện thân của vị Bồ Tát này.

Vị Bồ Tát này được biết đến với nhiều tên khác nhau trên khắp Châu Á. Ở Nepal, Bồ Tát được gọi là Karunamaya, và ở Tây Tạng là Lokesvara và Chenrezig.

Ở Trung Quốc, Bồ Tát là một nhân vật nữ được gọi là Guanyin (Quan Âm) và được miêu tả là một người phụ nữ với mái tóc dài bồng bềnh trong chiếc áo choàng trắng, người cầm một chiếc bình nghiêng xuống, để ngài có thể thả những giọt nước ‘từ bi’ xuống chúng sinh.

Trên khắp Đông và Đông Nam Á, mọi người cúng dường để tìm kiếm sự ‘giúp đỡ’, đặc biệt là để thành công trong kinh doanh hoặc mong muốn gia đình hạnh phúc, bình an.

Với sự khuyến khích mọi người thực hành lòng từ bi đối với người khác hoặc ‘khẩn cầu’ lòng từ bi – từ một hình tượng nào đó (chẳng hạn Bồ Tát), Đạo Phật đưa ra những cách thức độc đáo và đa dạng để ‘suy nghĩ và thực hiện’ lòng tốt.

Brooke Schedneck, phó giáo sư nghiên cứu tôn giáo, Đại học Rhodes

Nguồn: Brooke Schedneck – theconversation.com – Úc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang