Tình yêu là gì? Thật là lạ, cả thế giới này luôn nói đến tình yêu, nhưng lại chưa hề tồn tại một tình yêu thực sự. Nếu có tình yêu thực sự thì có lẽ không còn hận thù, không còn chiến tranh, chắc cũng không bao giờ có ganh ghét và đố kị.
Tình yêu là một thứ mà không chứa đựng những thứ thuộc về thù hận. Không thể có tình yêu thực sự, mà tồn tại thù hận. Tôi đang nói đến tình yêu thực sự chứ không phải tình yêu cảm xúc.
Cảm xúc chỉ là nhất thời mà thôi. Cảm xúc là một đợt sóng dâng nào, rồi mất. Còn tình yêu thực sự là những dòng nước, không phải những đợt sóng. Nước thì luôn có sóng, nhưng sóng thì sẽ tan biến đi theo dòng nước.
Khi gây một tác động nào đó để tạo ra tình yêu thì tương tự như lấy một hòn đá ném vào hồ nước. Những con sóng xuất hiện, chúng không thể tồn tại mãi. Chúng không đủ năng lượng để duy trì ngọn sóng. Bạn phải liên tục ném hòn đá vào hồ, liên tục tác động. Có tác động thì mới có những con sóng. Nếu bạn ngừng, ngọn sóng sẽ mất. Nếu bạn ngừng, cảm xúc sẽ mất. Nếu bạn ngừng, tình yêu cảm xúc sẽ tan biến như những đợt sóng biển nhô lên, hạ xuống. Để rồi, cuối cùng, nó cũng tan biến vào hư không
“Hãy Yêu Nhau Đi” là tên của một bài hát được sáng tác, có lẽ, vào năm 1970. Khi nói “hãy” thì chắc là chưa có tình yêu, nếu có rồi thì cần gì “hãy” nữa. Nhưng làm thế nào để có tình yêu, làm thế nào để tận hưởng tình yêu? Tình yêu là một thứ tự nhiên, không cần tìm kiếm. Khi bạn yêu những bông hoa, mà bông hoa thì là đẹp rồi, bạn không thể đòi hỏi, nó phải yêu lại bạn.
Khi bạn yêu bông hoa, bông hoa trở thành bạn, bạn là bông hoa, không còn sự ngăn cách. Bạn là bông hoa, một bông hoa tự do. Nếu bạn ngắt bông hoa đó chưng vào bình, nó sẽ không thể tồn tại lâu, chỉ một hoặc vài ngày, nó sẽ úa tàn.
Bởi vì bông hoa không còn là nó nữa, không còn ở trên cành, không còn tự do trong gió, không còn được đón ánh nắng mặt trời theo cách của nó. Khi bạn ngắt nó, có thể, bạn chiếm được bông hoa, nhưng bông hoa không còn là bông hoa như chính nó. Khi ấy, bạn không còn là bông hoa, bông hoa cũng không còn là bạn.
Bạn đang sở hữu bông hoa như một món đồ trang trí. Bông hoa đã mất tự do, nó là vật sở hữu của bạn. Không có tự do sẽ không có tình yêu. Có lẽ đó là lý do tại sao Trịnh Công Sơn viết “Hãy yêu nhau đi”. Bởi vì không có tình yêu, nên mới “Hãy yêu nhau đi”.
Bông hoa, chính nó là tình yêu, một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu của tự do, một tình yêu không cần đền đáp. Bông hoa không hề phân biệt, nó không chấp nhặt cho dù bạn là ai, giàu có hay sang hèn, bình dân hay quyền quý, nó không quan tâm.
Dù bạn có là ai, nó cũng yêu bạn, nó cho bạn vẻ đẹp, nó cho bạn nụ cười, nó cho bạn sự thuần khiết, nó cho bạn sự bình lặng trong tâm hồn. Nhưng để có bông hoa, hay đúng hơn để có tình yêu, bạn phải nuôi dưỡng từng ngày, không thể có một tình yêu mà không có sự thấu hiểu. Để có một bông hoa đẹp, bạn phải chăm sóc nó, bón phân, tỉa cành, và tưới nước. Tình yêu chính là bông hoa.
Trong bài hát này, Trịnh Công Sơn không chỉ nói về tình yêu đôi lứa, mà còn nói đến tình yêu giữa con người với con người, tình yêu của con người đối với thiên nhiên, tình yêu đối với những thứ xung quanh bạn.
Trong toàn bộ ca từ và âm nhạc của Trịnh Công Sơn, tình yêu chiếm một vị trí quan trọng. Tôi có nghe nhiều người đánh giá, âm nhạc của Trịnh Công Sơn mang âm hưởng của triết lý đạo Phật. Tôi muốn nói rằng, nó không hoàn toàn đúng. Con đường của các chư Phật là con đường của tỉnh thức, con đường của Trịnh Công Sơn là con đường của tình yêu.
Cuộc sống này không thể không có tình yêu, cuộc sống này cũng cần đến sự tỉnh thức. Tỉnh thức sẽ không trọn vẹn nếu thiếu tình yêu. Và, tình yêu sẽ không trọn vẹn nếu thiếu sự tỉnh thức.
Đó là lý do tại sao tôi nói rằng, sự gặp gỡ giữa âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ tạo ra tình yêu trong sự tỉnh thức. Thứ âm nhạc đó sẽ chứa đựng những hạt giống của tình yêu và tỉnh thức. Đến đây, tôi hy vọng bạn đã thấy được cái tình yêu mà Trịnh Công Sơn muốn nói đến. Tất nhiên, đó cũng chỉ là cách mà tôi giải thích.