“hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá
hãy yêu nhau đi dòng nước có trôi xa
nước trôi qua tim đong đầy trí nhớ
ngày mai mong chờ ngày sẽ thiên thu”
“Rừng thay lá” hàm chỉ sự thay đổi, sự biến đổi. Theo triết lý đạo Phật, nó chính là quy luật vô thường.
“Dòng nước có trôi xa” có nghĩa đơn giản là cái gì đã đi xa rồi, chẳng hạn, người yêu hay người vợ đã rời bỏ hay xa lìa bạn. Tôi ví dụ thế này, giả sử như người chồng đã gây ra đau khổ cho bạn, phụ tình bạn, thế là hai người chia tay nhau.
Chắc là bạn sẽ thù hận người đó? Bạn có thể xem người đó như kẻ thù, hoặc không còn muốn nhìn mặt anh ta nữa? Đó là nói đến cấp độ cá nhân.
Bây giờ, tôi xét đến khía cạnh dân tộc, trên thế giới này, thù hận dân tộc và tôn giáo thì rất nhiều. Tất nhiên, thù hận thì luôn có lý do của nó.
Các cuộc chiến tranh trên thế giới này có gốc rễ sâu xa từ tôn giáo không phải là ít, nhất là các tôn giáo độc thần như công giáo La Mã, Tinh Lành, Hồi Giáo, Do Thái.
Nếu nói rằng, tôn giáo là cần thiết, vì nó là cách để chăm sóc phần hồn. Nhưng những lời răn dạy của tôn giáo thì đâu có hơn gì những giá trị phổ quát của con người. Mà những giá trị đó đâu cần đến tôn giáo.
Trừ Do Thái, các tôn giáo độc thần ra đời trong khoảng 2000 năm trở lại đây, vậy trước đó thì sao? Con người sống mà đâu cần đến tôn giáo.
Khi bạn tin vào một điều gì đó, mà người khác không tin hoặc nói lên sự thật về tôn giáo, bạn sẽ nổi nóng lên, thậm chí là gây chiến. Dựa trên khía cạnh này, có thể nói, tôn giáo như là một vách ngăn, chia rẽ giữa người với người.
Kinh thánh tân ước dạy, “hãy yêu thương kẻ thù của mình” (Mathew 5, 43-44). Khi nói đến kẻ thù là đã có sự phân biệt nhị nguyên giữa ta và thù, thì, làm sao còn sự yêu thương nữa. Đã phân chia thành kẻ thù, tức có sự thù ghét, vậy làm sao còn tồn tại tình yêu. Chỉ khi nào không có sự phân biệt nhị nguyên, ta và địch, lúc đó, mới thực sự có tình yêu.
“Nước trôi qua tim đong đầy trí nhớ”
Dòng nước qua tim có hai nhiệm vụ, một là rửa sạch những bụi bặm trong lòng, lòng thù hận chẳng hạn. Hai là, nó vun đắp thêm tình thương ở trong tim. Vừa làm sạch bụi nhơ, vừa vun đắp, điều này làm cho tâm trí hay trí nhớ càng đong đầy tình yêu giữa người với người.
“Ngày mai mong chờ ngày sẽ thiên thu”
Bạn có để ý, “ngày mai mong chờ”, ngày mai thì chưa bao giờ tồn tại. Cái chưa bao giờ tồn tại thì làm sao mà mong chờ được. Thật sự là, vì hôm nay chưa có tình yêu, tình yêu giữa người với người hình như có giá rất cao, nên xa vời mới mọi người. Vì vậy, thôi để tương lai tự nó sẽ mong chờ cho đến thiên thu, thế nào, rồi tình yêu cũng sẽ tồn tại trên thế giới này.
“Hãy ru nhau trên những lời gió mới
hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui
hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi
dù mai nơi này người có xa người”
Lời nói có thể gây ra xung đột và hận thù, bên đạo Phật gọi là khẩu nghiệp, tức là những nghiệp xấu do lời nói từ miệng mà ra. Thay vì dùng đến những lời lẽ cay độc, tại sao chúng ta không “hãy ru nhau trên những lời gió mới”.
“Ru nhau” là dùng những lời lẽ thiện lành, có tính xây dựng, thay vì dùng đến những lời nói có tính gây hấn. “Lời gió mới” là những lời khác với trước đây thôi, tức là những lời mang tính tích cực, không gây hận thù.
“Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui”
Trong gia đình thôi, khi có chiến tranh, cơn thịnh nộ hay nóng giận nổi lên, người chồng hay người vợ có thể đập bể đồ đạc trong nhà. Lớn hơn là chiến tranh giữa các quốc gia. Cho đến bây giờ, không có ngày nào là không có chiến tranh trên thế giới này. Chiến tranh thì gạch đá sẽ trở thành cát bụi, nhà cửa sẽ tan hoang. Khi không còn hận thù nữa, không còn chiến tranh nữa, chắc là gạch đá, nó sẽ vui lắm.
“Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi
dù mai nơi này người có xa người”
Khi còn gọi tên nhau, lúc đó, cơ hội hàn gắn, cơ hội để tình yêu giữa người với người mới có may xảy ra. Còn gọi tên nhau, thì, người ta còn nhớ đến nhau. Cho dù trong trường hợp nào, “trên ghềnh dưới mãi”, cho dù “ngày mai nơi này người có xa người”.
“Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối
dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới
mặt đất đã cho ta những ngày vui với
hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời”
Khi mà người ta có tình yêu với nhau, thì, dù có những bất đồng, có những khác biệt, người ta vẫn có thể giải quyết được. Bạn có đồng ý với tôi, cho dù cuộc sống có khó khăn, nhưng nếu có tình yêu, thì người ta sẽ không rời xa nhau. Trừ khi đó là một tình yêu giả tạo hay tình yêu vụ lợi, cảm xúc.
Trịnh Công sơn cho rằng “hãy yêu nhau đi quên ngày u tối”. “Ngày u tối” là những ngày buồn bã, đau khổ, chỉ có tình yêu mới có thể xoa dịu nỗi đau mà thôi. Ngày u tối cũng có thể là ngày cuối cùng. Quên cái ngày sẽ không còn bên nhau nữa.
“Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới”
Trong cuộc đời, ai cũng biết chuyện này cả, những giữa biết và thấu hiểu là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Biết thì chỉ là biết, còn thấu hiểu bao gồm cả cái biết và cả ý thức về bản chất cũng chân lý của sự sống. “Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới”, nghe thật là buồn.
Mặc dù vậy, nhưng chúng ta cũng phải cảm ơn “mặt đất đã cho ta những ngày vui với”. Có nghĩa là hãy biết ơn cuộc sống này, dù còn nhiều bộn bề, còn xung đột, và hận thù, nhưng “mặt đất” cũng là nơi mang đến niềm vui. Ít ra, bạn hay tất cả chúng ta cũng ở nơi này, tận hưởng phút giây ở thế giới này. Một ngày nào đó “xa lìa thế giới”, không biết chừng, chúng ta còn có cơ hội như vậy nữa hay không?
“Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời”
Khi còn hận thù nhau, gặp nhau đã khó rồi, chứ chưa nói đến nhìn vào mặt nhau. Khi chịu nhìn vào mặt người, lúc đó, tình yêu đã lớn rồi, nó chiến thắng hận thù rồi. Hận thù chỉ mang đến đau khổ và phiền não mà thôi. Điều này là vấn đề khoa học, chứ không phải chỉ là những lời nói vô căn cứ. Khi có thù ghét và hận thù, não sẽ tiết ra những hóa chất còn gọi là nội tiết tố gây hại cho cơ thể, các sóng não cũng hoạt động bất bình thường.
“Nhìn vào mặt người lần cuối”
Đã là lần cuối trong đời thì chắc là sẽ không còn có cơ hội gặp nhau nữa. Vậy thì hãy xả bỏ mọi hận thù đi, để những hạt giống chết đó tan biết đi. Giữ cái hận thù mãi, đâu có lợi gì? Hận thù thì dễ, yêu thương thật ra không hề dễ chút nào.
Muốn có tình yêu, trước hết, bạn phải chiến thắng được chính bạn. Nếu hôm nay là ngày cuối trong đời, bạn có còn giữ hận thù nữa hay không? Giữ để làm gì?
Xét đến khía cạnh lợi ích và chi phí, nó không mang lại giá trị nào cho bạn cả. Mặc dù cuộc sống này, không phải lúc nào cũng xét đến khía cạnh đó, những dù sao, nói đến lợi ích và chi phí như là một sự nhắc nhở mà thôi.
Theo quy luật vận hành của tâm, ai cũng muốn lợi ích cho mình cả, nên tôi dùng đến từ lợi ích và chi phí về phiền não và đau khổ để bạn lựa chọn.