Hành Trình Của Marco Polo – Người Châu Âu Đầu Tiên Đến Trung Quốc?

Marco Polo là người Ý du hành đến Trung Quốc và đã từng làm quan trong triều đình nhà Nguyên. Cùng tìm hiểu về câu chuyện của Marco Polo?

Marco Polo. Ảnh Vox

Tác giả: George Lane

Marco Polo – đó là cái tên, mà hầu hết mọi người đều đã từng nghe đến, nhưng có lẽ rất ít người thực sự biết nhiều về nó.

Nhưng Marco Polo, một chương trình hoành tráng dài 10 tập do Netflix thực hiện, có thể thay đổi điều đó.

Bộ phim đã được mệnh danh là “Trò chơi vương quyền Trung Quốc” với kinh phí khổng lồ – ở mức đáng kinh ngạc là 90 triệu USD (58 triệu bảng Anh). Điều này khiến nó trở thành bộ phim truyền hình đắt thứ 2 từ trước đến nay, sau Trò Chơi Vương Quyền (Game of Thrones).

Có nhiều câu hỏi được đặt ra về Marco Polo. Ngay cả những nghi ngờ về sự hiện diện của ông ở Trung Quốc vẫn chưa ‘nguôi ngoai’. Mặc dù hầu hết các chuyên gia có uy tín đều chấp nhận rằng, gia đình thương nhân người Venice (Ý) đã được tiếp kiến triều đình Đại hãn – Hốt Tất Liệt (Qubilai), ở Đại Đô (Khanbaliq hay Dadu), với tư cách là thủ đô của nhà Nguyên – Bắc Kinh ngày nay.

Marco Polo là ai

Marco Polo sinh ngày 15 tháng 9 năm 1254 tại Venice, hoặc như một số người cho rằng, trên đảo Korčula của Dalmatian, trong một gia đình thương nhân người Venice.

Một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng, ông là người Châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc. Trên thực tế, cha của ông là Niccolo và chú Maffe vừa trở về sau một chuyến đi dài tới triều đình Hốt Tất Liệt (Qubilai), khi họ quyết định quay trở lại, với sự hỗ trợ của người bảo trợ trẻ tuổi của mình.

Điều khiến Marco Polo trở nên đặc biệt, ông là người Châu Âu đầu tiên ghi lại chi tiết chuyến đi của mình và truyền cảm hứng cho những người khác dấn thân vào những vùng đất, chưa từng được biết đến trước đây, bao gồm cả những người vẽ bản đồ và những nhân vật vĩ đại như Christopher Columbus.

Marco Polo và đoàn thám hiểm trở lại Trung Quốc (nhà Nguyên) vào năm 1271, khi đó, Marco mới 16 tuổi. Họ làm như vậy để thực hiện lời hứa với hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt, là tặng ông ấy “dầu từ ngọn đèn ở Jerusalem” và mang theo những bức thư từ Giáo hoàng.

Tuy nhiên, họ đã không mang đến cho ông “100 tín đồ Thiên chúa giáo biết 7 môn nghệ thuật (ngữ pháp, hùng biện, logic, hình học, số học, âm nhạc và thiên văn học)” mà Đại hãn (Hốt Tất Liệt) đã yêu cầu từ đại diện của Rome”.

Cuộc hành trình đưa họ từ Acre trên bờ biển Palestine, băng qua sa mạc Jordan, Ilkhanid Iran và đến Hindu Kush, nơi họ đi một con đường nguy hiểm vào vùng núi cao Pamirs.

Họ đi từ Ilkhanate (một đế chế bán tự trị trong Đế quốc Mông Cổ, biên tập), liên minh của Hốt Tất Liệt, tiếp theo là giữa Hãn quốc Sát Hợp Đài (Khan Chaghadaid) ở phía bắc và vương quốc Hồi giáo Delhi (Ấn Độ) ở phía Nam – cả hai đều thù địch với Hốt Tất Liệt (nhà Nguyên Trung Quốc).

Thời điểm những ‘du khách’ Venice đến không được ghi lại, nhưng họ đã an toàn tiếp kiến triều đình của Hốt Tất Liệt vào năm 1275. Marco Polo lúc đó 21 tuổi.

Hốt Tất Liệt. Ảnh Netflix
Hốt Tất Liệt. Ảnh Netflix

Triều đình nhà Nguyên (Hốt Tất Liệt)

Marco Polo biết ít nhất 4 thứ tiếng và dù còn trẻ, nhưng đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Ông ấy làm việc cho triều đình nhà Nguyên với tư cách là một vị quan triều đình (mặc dù có lẽ ông ấy đã phóng đại tầm quan trọng của những chức vụ mà ông ấy nắm giữ).

Marco Polo đã đi du lịch và thu thập dữ liệu, cũng như kiến ​​thức về nhiều thị trấn, thành thị ở khu vực phía nam và phía đông Trung Quốc, bao gồm cả Miến Điện.

Kiến thức của ông về đất nước và lịch sử của người Trung Quốc (nhà Nguyên), cũng như những xung đột chính trị của họ, thật sự rất ấn tượng.

Một số người nghi ngờ lời kể của Marco Polo, vì những lỗ hổng rõ ràng trong kiến ​​thức của ông, nhưng nên nhớ rằng Marco Polo đang làm việc cho tầng lớp thống trị Trung Quốc (nhà Nguyên), những người sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của ông với người Trung Quốc bình thường.

Nhiều người hoài nghi, đã thắc mắc, tại sao ông không đề cập đến Vạn Lý Trường Thành (Vạn Lý Trường Thành, được xây dựng bởi Tần Thủy Hoàng, 220-206 trước công nguyên, để bảo vệ biên giới phía bắc chống lại sự xâm nhập của các bộ tộc du mục Á-Âu, các đời sau đã bảo tồn và tiếp tục xây dựng, biên tập). Tuy nhiên, đến đời nhà Minh, một phần tường thành của Vạn Lý Trường Thành (great walls) đã được xây dựng.

Hốt Tất Liệt đã có thiện cảm với nhóm của Marco Polo, đến mức ông ấy rất miễn cưỡng để họ rời bỏ chức vụ trong triều đình.

Nhóm của Marco Polo sợ rằng, nếu Hốt Tất Liệt chết, sự gần gũi của họ với người cai trị có thể gây bất lợi cho họ, tất nhiên là với những người kế vị.

Vì vậy, vào năm 1292, khi Ilkhan Arghun (người cai trị một vùng đất Ba Tư – Iran ngày nay – thuộc Đế quốc Mông Cổ), yêu cầu lấy một người vợ Trung Quốc, nhóm của Marco Polo đã thuyết phục Hốt Tất Liệt, họ nên đi cùng ‘công chúa’ trong chuyến hành trình biển đầy nguy hiểm về phía tây.

Gần 20 năm kể từ khi Polo đến Trung Quốc (từ 1271 bắt đầu hành trình đến 1292, biên tập), giờ đây Marco Polo đã có thể rời Trung Quốc. Một nhóm, gồm 14 thuyền rời cảng Tuyền Châu (Quanzhou) để thực hiện hành trình dài và nguy hiểm qua Eo biển Malacca băng qua Ấn Độ Dương đến cảng Hormuz ở Vịnh Ba Tư.

Trong đoàn hành trình 600 người, chỉ có 18 người, bao gồm những người trong đoàn của Marco Polo và công chúa sống sót để xuống đất Ba Tư (Iran). Nhóm của Marco Polo, sau đó sẽ tìm đường về quê nhà qua Constantinople (nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ).

Một liên minh nguy hiểm. Ảnh Netflix
Một liên minh nguy hiểm. Ảnh Netflix

Trở về nhà

Marco Polo trở lại Venice (Ý) vào năm 1295 với nhiều tài sản. Nhưng không lâu sau đó, ông bị lôi kéo vào các cuộc xung đột quân sự tại Ý.

Trong thời gian Marco Polo bị bắt làm con tin trong các cuộc giao tranh giữa các thành bang của Ý, hồi ký của ông đã được viết – nhưng không phải do chính ông viết.

Marco Polo không phải là nhà văn, hay người kể chuyện, và vì vậy các bài viết của ông trên thực tế được viết bởi một người quen tình cờ và nhà văn lãng mạn Rustichello da Pisa, người cũng bị giam cùng ông.

Năm 1299, cuối cùng Marco Polo cũng được thả ra khỏi nơi giam cầm và bản tường thuật về chuyến đi của ông đã được công bố.

Nó đã trở nên nổi tiếng lập tức, được sao chép và dịch thành nhiều ấn bản.

Marco Polo kết hôn và sinh được 3 cô con gái. Ông là một người đàn ông giàu có và nổi tiếng.

Marco Polo không bao giờ quay trở lại Trung Quốc và Hốt Tất Liệt qua đời không lâu sau sự ra đi của nhóm Marco Polo.

Ngày nay, Marco Polo được tôn vinh trên toàn thế giới, và nhiều khách sạn, doanh nghiệp, công ty vận tải đã mượn cái tên của ông.

George Lane, giảng viên cao cấp về lịch sử Trung Đông và Trung Á, Đại học London

Nguồn: George Lane – theconversation.com – Úc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang