Trải Nghiệm Du Lịch Hà Nội và Huế: Ngẫm Du Lịch Việt Nam

Dù là khách du lịch trong nước hay quốc tế, khách du lịch cao cấp, trung cấp hay bình dân thì yếu tố: Hạ tầng, giá cả và chất lượng sản phẩm – dịch vụ luôn là vấn đề thật

Dù là khách du lịch trong nước hay quốc tế, khách du lịch cao cấp, trung cấp hay bình dân thì yếu tố: Hạ tầng, giá cả và chất lượng sản phẩm – dịch vụ luôn là vấn đề thật sự quan trọng. Có thể nói, nếu không cải thiện những yếu tố này thì du lịch Việt Nam sẽ khó thu hút khách quốc tế hơn nữa, cũng như khách nội địa.

Về hạ tầng, ngoài phần cứng là chất lượng khách sạn – khu nghỉ dưỡng thì yếu tố phần mềm là chất lượng dịch vụ là không thể thiếu. Bên cạnh đó, những yếu tố khác như nạn chèo kéo, “chặt chém”, rác thải – cảnh quan nhếch nhác tại các điểm du lịch, cũng như đường xá nên cần được quan tâm hơn.

Trước khi nói về ý thức của người dân và khách du lịch, thì, câu hỏi quan trọng, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý du lịch đã có quan tâm đến vấn đề này? Một người dù có ý thức đến đâu, tức là không muốn vứt rác bừa bãi, nhưng thiếu thùng rác và hướng dẫn phù hợp thì ý thức sẽ trở không còn giá trị nữa. Nhiều trường hợp, họ buộc phải vứt rác, dù không muốn làm điều đó.

Mình đã có chuyến du lịch Huế vào dịp sau tết, từ khi anh Phan Thiên Định giữ chức Bí thư thành phố Huế, vấn đề chất lượng dịch vụ và nạn rác thải đã được quan tâm hơn. Bộ mặt thành phố Huế, nơi của “con đường di sản” và “dấu ấn văn hóa lịch sử” đã thật sự cải thiện.

Trong chuyến công tác Hà Nội vừa rồi, một trải nghiệm khác hẳn. Hà Nội và Huế có điểm chung đều đã từng là cố đô của Việt Nam. Huế thì chầm chậm, cổ kính, nhẹ nhàng và một chút đợm buồn. Đó là cảm nhận riêng của mình, còn bạn thì sao?

Còn Hà Nội cho mình một cảm giác sôi động pha chút nhẹ nhàng. Có thể nói, nó pha một chút Sài Gòn và một chút Huế. Dù nạn “chặt chém” không còn như trên báo chí hay đề cập, nhưng đâu đó, nó vẫn tồn tại.

Mình ở Hà Nội tầm 2 tuần, không biết có phải vì nói giọng Nam, nên tại 1 vài hàng quán (dù không nhiều), phải luôn thanh toán hóa đơn cao hơn người khác khoảng 5-10 ngàn cho 1 tô bún dọc mùng hoặc phở.

Cô bán cốm Hà Nội

Nói là vậy, mình cũng thật sự cảm nhận rất nhiều người buôn bán tử tế. Có một trải nghiệm thú vị. Khi ngồi uống cà phê tại đường Lò Sũ, 1 cô chào mời mình mua cốm. Dù đã mua trước đó 1 kg, nhưng cũng muốn ủng hộ cô. Thế là mình mua 1 lạng cốm. Thật bất ngờ, 1 lạng cốm nhưng chứa ½ là đậu xanh và dừa nạo.

Trong một lần trò chuyện với một người chị sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, chị ấy đề xuất, thành lập đường dây nóng có thể bằng điện thoại/Facebook/Zalo phản ánh hiện tượng chặt chém khách du lịch. Khi đó, cơ quan quản lý sẽ đến và kiểm tra. Theo cảm nhận của mình, đó là một ý kiến rất hay.

Du lịch là một ngành công nghiệp không khói và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung. Bởi vì, ngành dịch vụ này sẽ là một chuỗi kéo theo các ngành nghề khác phát triển như thực phẩm, thời trang, thương mại (mua sắm), vận tải và dịch vụ lưu trú.

Có một sai lầm liên quan đến giá cả trong hoạt động đến du lịch. Thông thường tâm lý người bán muốn bán giá cao, vì họ là khách du lịch. Nhưng giá cao phải tương ứng với chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, giá quá cao có thể hạn chế hoạt động chi tiêu của du khách. Với giá cả hợp lý, có thể, tổng doanh thu mang lại sẽ cao hơn bán giá cao.

Về chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Nếu không đa dạng hóa sản phẩm du lịch và cải thiện chất lượng dịch vụ, du khách có thể chỉ đến một lần và không còn hứng thú quay trở lại nữa.

Có thể nói rằng, nhu cầu du lịch trải nghiệm đang là xu hướng bền vững trong hiện tại và tương lai. Du lịch trải nghiệm đơn giản là du khách tham gia vào một hoặc nhiều trải nghiệm thực tế. Chẳng hạn, một nông trại du lịch có thể do du khách trải nghiệm trồng cây.

Đó chỉ là một vài cảm nhận của mình về du lịch Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang