Thực tế, những tình yêu viên mãn chiếm chưa tới vài chục phần trăm. “Non nửa” phần trăm còn lại vẫn đang sống trong sự “chờ yêu”, “hẹn yêu” dù ở độ tuổi nào.
Nhiều khi người ta nuôi hy vọng về một tình yêu đã mất hay một tình yêu sẽ đến để nương, trước những chông chênh và cô đơn. Vì ai mà đôi lúc chẳng tránh được sự yếu đuối nhất thời.
Có người chọn cách đi xuyên qua chính tận cùng của nỗi buồn đó, của những bài học đau thương để trưởng thành.
Có người lại chọn cách lẩn tránh, đóng chặt trái tim để thôi bị tổn thương lần nữa.
Dù chọn cách nào thì mình nghĩ, “khổ đau”, chính nó là một chất xúc tác để con người ta buộc lòng phải mạnh mẽ, phải bộc ra cho hết tất cả những nội lực vốn dĩ tiềm ẩn bên trong, phải học cho xong những bài học cần phải có để hoàn thiện đời sống tinh thần.
Mình vẫn thích cái khái niệm “Ly Khứ Duyên”. Nghĩa là, hết duyên rồi thì hãy cứ vắng mặt. Vì có những sự vắng mặt đúng lúc sẽ hữu ích lắm chứ.
Không có những điều vắng đi, mất đi, thì làm sao những điều mới đến được. Và khi một mối duyên đã buộc phải dừng lại, thì rời xa nhau đúng lúc, xem như giữ lại cho nhau những ký ức đẹp, hơn là cứ dằn vặt lẫn nhau khi đã không còn tìm thấy điểm chung.
Tình yêu vẫn là một sức mạnh và nguồn năng lượng tuyệt vời. Nhưng khi nguồn năng lượng ấy “bị lệch”, nghĩa là có một người đã nguội lạnh thì sẽ khiến cho dòng năng lượng ấy bị ngắt quãng, chệch khỏi quỹ đạo ban đầu, dĩ nhiên người còn lại sẽ chênh chao, mất cân bằng.
Trong tình yêu, người ta nói, ai mà yêu nhiều hơn thì người đó khổ, hẳn là vì vậy.
Đến, gặp nhau, dạy nhau rằng đời này là khổ đau, để sau đó, biết cách sống hướng lòng rộng lớn, hướng đến chia sẻ, thấu cảm cùng nhiều người, hơn là chỉ chăm chăm cố giữ mãi hình bóng của một người.
Rũ đi những u uất lâu nay đã che lắp đi ánh sáng đẹp đẽ của trái tim bạn. Để cho trái tim đó được đập lên những nhịp đập tươi mới, hoà cùng nhịp đập của đất trời, của muôn màu cuộc sống, của chính hơi thở ở ngay giây phút hiện tại. Trái tim khỏe nhất là có khả năng bao dung tất cả dù người đó là ai – là người đã từng mang đến khổ đau, làm cho bạn khổ đau.
Nhìn ra được như vậy, có phải cũng chính khi ấy, chúng ta đang dần chuyển hoá khổ đau thành một lực rất vững chắc. Và nếu có người đã dạy chúng ta sống trong khổ đau thì hẳn đâu đó sẽ có người đang đến để dạy chúng ta cách sống trong yêu thương, hạnh phúc.
Vì bạn không thể học mãi một bài học nếu bạn đã hiểu ra bài học ấy.
Có lúc nào đó bạn nhận ra một khía cạnh trong bài kệ dưới đây:
“Đi đứng mỗi một mình
Nằm ngồi mỗi một mình
Vẫn thường nghe vui ấm
Chẳng cảm thấy cô đơn
Người như vậy đủ sức một mình giữa thâm sơn”.
Thì, hãy tin rằng cứ sống an nhiên, vui vẻ đi.