COP26: Các Quy Tắc Thị Trường Carbon Đã Được Thiết Lập

Sự nóng lên toàn cầu đang đe dọa nhân loại, thế giới đang tìm cách giảm phát thải Carbon, COP26 đã có cơ chế cho thị trường Carbon

COP26 là thời hạn cuối cùng để các nước cam kết mục tiêu giảm phát thải mới. Ảnh EPA

Bất chấp những báo cáo gần đây về quyết định của chính phủ đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than ở Canada, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU), than vẫn là nguồn cung cấp gần 40% điện năng của thế giới.

Trong 2 thập kỷ qua (tính đến 2022), công suất điện chạy bằng than đã tăng gấp đôi lên khoảng 2.050 gigawatt, với 247 gigawatt khác đang được lên kế hoạch hoặc đang được phát triển chỉ riêng ở Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết vào cuối tháng 9/2021, Trung Quốc sẽ ngừng xây dựng các nhà máy điện đốt than, nhưng Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là những nước tiêu thụ lớn than nhiệt, nguồn phát thải Carbon dioxide lớn nhất.

Để đáp ứng giới hạn ‘nhiệt độ toàn cầu’ tăng dưới 1,5 độ C – đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu của COP26, việc sử dụng than nhiệt sẽ cần giảm khoảng 80% vào năm 2030.

Với các thỏa thuận về khí hậu do Liên Hợp Quốc chủ trì ở Glasgow (COP26), có một cách để các chính phủ hợp tác với ngành công nghiệp.

Một đoạn trong Thỏa thuận Paris 2015 đặt nền móng cho một hệ thống buôn bán khí thải (Carbon) quốc tế có thể chấm dứt việc sản xuất điện đốt than.

Cơ chế thị trường Carbon quốc tế hoạt động như thế nào?

Cơ chế mua bán phát thải Carbon đã trở nên phổ biến kể từ khi được thiết lập vào năm 1997 trong Nghị định thư Kyoto.

Nó khuyến khích những người tham gia tìm ra những cách sáng tạo, để giảm lượng khí thải Carbon dioxide (CO2) và đưa ra lựa chọn trao đổi lượng Carbon dư thừa với các quốc gia khác – thị trường giao dịch Carbon quốc tế.

Sự thành công của hoạt động mua bán Carbon quốc tế bị xáo trộn, do các vấn đề như cung vượt cầu và thiếu các quy tắc kế toán và đánh giá về định giá Carbon, tín chỉ Carbon.

Thỏa thuận Paris dường như có giải pháp cho vấn đề này, khi các quốc gia đồng ý giảm lượng khí thải quốc gia, bằng cách đặt ra các mục tiêu về khí hậu, được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris quy định rằng, các quốc gia có thể sử dụng “các kết quả giảm thiểu được chuyển giao quốc tế” (ITMO) – lượng giảm phát thải được trao đổi do một bên tạo ra – đối với những đóng góp do quốc gia tự quyết định của bên mua lại (câu từ có thể khó hiểu, biên tập). Điều này có nghĩa là 2 quốc gia có thể hợp tác để giảm lượng khí thải Carbon toàn cầu và đáp ứng NDC của họ.

Ví dụ: Quốc gia A và B có thể tạo ra một thỏa thuận, giúp quốc gia A dễ dàng chuyển đổi từ điện chạy than sang các nguồn sạch hơn do quốc gia B sản xuất. Quốc gia A không chỉ giảm lượng khí thải mà còn cho phép quốc gia A đáp ứng được yêu cầu của mình (NDC). Nhưng thỏa thuận cũng khiến quốc gia A có ITMO để bán (bán lượng giảm phát thải CO2), sau đó quốc gia B có thể mua.

Ví dụ rõ hơn, quốc gia A đầu tư vào năng lượng tái tạo (không phát thải Carbon), có nghĩa là họ có ‘tín chỉ Carbon’ để bán. Tất nhiên, cần có cơ chế tính toán, khoản đầu tư Xanh (không phát thải) đó tương ứng với bao nhiêu tín chỉ Carbon. Quốc gia B đang phát thải Carbon, để bù đáp, B chỉ cần mua tín chỉ Carbon từ A. Như vậy, B có thể trung hòa lượng phát thải Carbon của mình.

Canada có thể được hưởng lợi?

Canada đặt mục tiêu giảm lượng khí thải xuống 40% vào năm 2030 (so với mức năm 2005). Tuy nhiên, dựa trên Báo cáo quốc gia năm 2020, Canada sẽ bỏ lỡ mục tiêu của mình.

Các ngành dầu khí của Canada sẽ phải giảm đáng kể lượng khí thải để họ có cơ hội đạt được các mục tiêu giảm phát thải Carbon.

Với những cam kết đầy tham vọng của Canada, việc sử dụng ITMO mang lại cho Canada cơ hội khả thi để đạt được các mục tiêu thông qua hợp tác quốc tế.

Ví dụ, tiêu thụ khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng ở các nền kinh tế mới nổi. Trung Quốc đã cam kết tăng mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên lên 15% vào năm 2030 và chuyển sang sử dụng khí đốt trong công nghiệp và xây dựng.

Trung Quốc hiện nay dựa vào nhập khẩu để đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Do cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây, Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn năng lượng bên ngoài, bao gồm cả khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu năng lượng cơ bản của mình.

Sản lượng khí đốt tự nhiên ở Canada sẽ tăng khoảng 20% ​​trong 20 năm tới, trong khi mức tiêu thụ trong nước được dự đoán sẽ giảm. Điều này mở ra cơ hội tăng trưởng đáng kể cho xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Ví dụ, một thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Canada có thể cho phép Canada xuất khẩu LNG sang Trung Quốc để thay thế việc sử dụng than. Điều này sẽ cho phép Trung Quốc đạt được các mục tiêu giảm phát thải Carbon.

Xây dựng các quy tắc giảm phát thải Carbon

Các quy tắc giảm phát thải Carbon cần được xây dựng và hoàn thiện.

Trong khi đó, các dự án thí điểm và các sáng kiến ​​khác – trong nhiều ngành công nghiệp, từ quản lý chất thải đến giao thông vận tải – đã xuất hiện trên toàn thế giới để cho thấy việc chuyển giao ITMO (tín chỉ Carbon, tín chỉ phát thải) sẽ hoạt động như thế nào trên thực tế.

Ví dụ, chương trình Canada-Chile cung cấp cải tiến kỹ thuật để giảm lượng khí thải trong lĩnh vực quản lý chất thải và một hệ thống theo dõi, giám sát và báo cáo mức giảm phát thải.

Vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến lợi ích của việc chuyển giao ‘lượng cắt giảm khí thải Carbon’, bao gồm cả việc liệu chính phủ có nên hỗ trợ chuyển giao giữa các công ty hay không.

Các quy tắc phải đảm bảo “tính toàn vẹn của môi trường”. Điều này có nghĩa là bất kỳ trao đổi ITMO (tín chỉ Carbon) nào cũng phải đảm bảo mang lại lợi ích cho môi trường – việc giảm lượng khí nhà kính sẽ không xảy ra, nếu không có giao dịch – và nó không dẫn đến phát thải ‘nhiều khí nhà kính’ hơn.

Việc tính toán chất lượng phát thải Carbon, cách chúng được chuyển giao và các tác động giảm nhẹ lâu dài có thể giúp giải quyết vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu.

Các quy tắc của thị trường phát thải Carbon, cũng phải xác định cách báo cáo lượng khí thải và tạo lập các cơ quan đăng ký minh bạch, để đảm bảo lượng giảm phát thải không được tính 2 lần.

Một số người coi Điều 6.2 là một cách ‘để thất bại’, vì nó có những ý tưởng hay nhưng quy định không rõ ràng.

Cần có những khuyến khích rõ ràng để các nước đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, mà không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.

Các bước tiếp theo là gì?

Mục tiêu và cam kết COP26 sẽ rất quan trọng để các chính phủ sửa đổi và hợp tác hướng tới mục tiêu của mình. Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) kêu gọi hành động khẩn cấp về khí hậu toàn cầu và ITMO (giao dịch Carbon quốc tế) mang đến cơ hội đầy hứa hẹn, cho phép các quốc gia hợp tác để đạt được các mục tiêu khí hậu của mình.

Ngành công nghiệp và chính phủ phải hợp tác, để khuyến khích tạo ra các cơ chế giao dịch Carbon quốc tế, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế và môi trường.

Corsia, một cơ chế thị trường do Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – Liên Hợp Quốc phát triển, đang dẫn đầu về vấn đề ITMO (giao dịch tín chỉ Carbon quốc tế).

Nó tìm cách tạo ra mọi sự tăng trưởng trong các chuyến bay quốc tế sau năm 2020 để trung hòa Carbon. Tính đến 2021, Corsia có 81 quốc gia tham gia chiếm tới 75% lượng khí thải trong ngành hàng không quốc tế.

Đối với Canada, nơi các mục tiêu khí hậu năm 2030 đang đến gần, chính phủ cần tận dụng ITMO (giao dịch tín chỉ Carbon quốc tế) để hợp tác với các ngành công nghiệp và tìm ra các giải pháp hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Tác giả:

Citlali Cruz Cruz, trợ lý nghiên cứu sau đại học, Trường chính sách công và các vấn đề toàn cầu, Đại học British Columbia

John Steen, học giả xuất sắc của EY về tương lai khai thác toàn cầu, Đại học British Columbia

Yukinori Kinoshita, sinh viên đại học ngành kinh tế quốc tế tại Đại học British Columbia, đồng tác giả bài viết này

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang