Trung Quốc đã cấm xuất khẩu sang Hoa Kỳ các loại khoáng sản đất hiếm quan trọng, được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn – trong động thái mới nhất ‘giữa cuộc chiến công nghệ đang diễn ra’ giữa hai siêu cường.
Thông báo của Bắc Kinh hôm thứ ba (ngày 3 tháng 12 năm 2024) được đưa ra chỉ một ngày sau khi Hoa Kỳ tăng cường hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc, ảnh hưởng đến khả năng phát triển hệ thống vũ khí tiên tiến và trí tuệ nhân tạo của nước này.
Vậy tại sao một “cuộc chiến công nghệ’ lại nổ ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và tại sao điều đó lại quan trọng?
Tại sao Trung Quốc và Hoa Kỳ lại vướng vào một ‘cuộc chiến công nghệ’?
Trong nhiều tháng, hai nước đã tham gia vào ‘các lệnh hạn chế xuất khẩu’ theo kiểu ăn miếng trả miếng. Hoa Kỳ hy vọng sẽ làm tê liệt các tiến bộ về quân sự và trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc, cũng như cản trở tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng sạch và các công nghệ khác.
Cuộc chiến thương mại đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu cho các nhà sản xuất chip – chất bán dẫn và đẩy giá các mặt hàng này lên cao.
Quan hệ thương mại và ngoại giao của Hoa Kỳ với Trung Quốc dưới thời tổng thống Joe Biden đã giảm xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây, chủ yếu là do các tranh chấp về công nghệ; sự phát triển quân sự của Trung Quốc; hồ sơ nhân quyền; những gì Hoa Kỳ gọi là các hành động hung hăng của Trung Quốc trong khu vực, chẳng hạn như các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; và một số vấn đề khác.
Tranh chấp thương mại tuần này diễn ra trước khi tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1 năm 2025. Ông cũng có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và đã hứa sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt thậm chí còn nặng nề hơn đối với Bắc Kinh, cũng như mức thuế khổng lồ 60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc.

Chuyện gì đang xảy ra?
Vào thứ hai (ngày 2 tháng 12 năm 2024), Hoa Kỳ đã gây ra đợt căng thẳng mới nhất khi mở rộng lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc và trừng phạt nhiều công ty Trung Quốc.
Gói này bao gồm các hạn chế đối với các ‘lô hàng chip bộ nhớ băng thông cao’ (HBM) vào Trung Quốc, vốn rất cần thiết cho các ứng dụng cao cấp, bao gồm đào tạo AI; 24 công cụ sản xuất chip bổ sung và ba công cụ phần mềm; và thiết bị sản xuất chip được sản xuất tại các quốc gia như Singapore và Malaysia.
Các quan chức cho biết mục đích là làm chậm quá trình phát triển AI tiên tiến của Trung Quốc và cản trở khả năng sản xuất chất bán dẫn quan trọng cho các sản phẩm công nghệ cao.
Lệnh cấm của Washington cũng đã thêm 140 công ty vào “danh sách thực thể” của các công ty bị cấm giao dịch với các công ty Hoa Kỳ và các công ty từ các quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ. Các công ty bị ảnh hưởng là các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc hoặc do Trung Quốc sở hữu tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Công ty sản xuất chip có trụ sở tại Thẩm Dương là Piotech và SiCarrier, hợp tác chặt chẽ với Huawei, một tập đoàn công nghệ Trung Quốc, nằm trong số các công ty mới bị trừng phạt.
Trong một tuyên bố, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết lệnh cấm là cần thiết vì “an ninh quốc gia”.
Ông cho biết: “Washington sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác để chủ động và tích cực bảo vệ các công nghệ và bí quyết hàng đầu thế giới của chúng ta, để chúng không bị sử dụng để phá hoại an ninh quốc gia của chúng ta”.
Từ năm 2022, chính quyền Biden đã cố gắng hạn chế khả năng mua chất bán dẫn tiên tiến, thiết bị sản xuất chip và các công nghệ khác của Trung Quốc. Cách tiếp cận này, được các quan chức Hoa Kỳ gọi là “sân nhỏ, hàng rào cao” (small yard, high fence), đã được mở rộng bằng cách sử dụng các chính sách hạn chế thương mại và công nghệ dưới thời Trump 1.0. Vòng trừng phạt cuối cùng là vào tháng 10 năm 2023.
Những lệnh cấm như vậy không chỉ ảnh hưởng đến các công ty Hoa Kỳ. Chúng cũng có thể áp dụng cho các công ty trong các quốc gia đã đồng ý thực thi lệnh cấm của Hoa Kỳ liên quan đến Trung Quốc. Ví dụ, Hoa Kỳ đã vận động Nhật Bản và Hà Lan, những quốc gia cũng sản xuất một lượng lớn chất bán dẫn tiên tiến, hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vào tháng 9 năm 2023, Hà Lan đã đồng ý bắt đầu thực thi lệnh hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ đối với chất bán dẫn tiên tiến. Hiện tại, các quan chức Hoa Kỳ cũng đang đàm phán với Nhật Bản để làm như vậy, mặc dù vẫn chưa có thỏa thuận chính thức nào được ký kết.
Đáp lại lệnh cấm xuất khẩu mới nhất của Mỹ sang Trung Quốc vào thứ hai, Hà Lan cho biết họ chia sẻ mối lo ngại về an ninh của Hoa Kỳ và đang nghiên cứu các hạn chế mới nhất để xem liệu họ có tăng cường các biện pháp hạn chế đối với Trung Quốc theo Hoa Kỳ hay không.

Trung Quốc đã phản ứng thế nào trước những hạn chế và lệnh trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ?
Sau thông báo của Hoa Kỳ, các quan chức Bắc Kinh cho biết họ sẽ bảo vệ ‘quyền và lợi ích’ của đất nước bằng cách áp đặt các quy định mới về xuất khẩu các sản phẩm có mục đích sử dụng kép (những sản phẩm có cả mục đích quân sự và dân sự).
Xem thêm: Đất Hiếm: Lá Bài Quan Trọng Của Trung Quốc Chống Lại Mỹ Và Phương Tây
Trong thông báo hôm thứ ba (ngày 3 tháng 12 năm 2024), Bộ thương mại Trung Quốc cho biết họ đã cấm xuất khẩu các khoáng sản đất hiếm quan trọng như gallium (gali), germanium (germani) và antimoni (antimon) sang Hoa Kỳ. Những khoáng sản này rất quan trọng để sản xuất chất bán dẫn, thiết bị quân sự và sử dụng trong công nghiệp nói chung.
Động thái này là sự mở rộng các hạn chế đã áp dụng. Vào tháng 7 năm 2023, Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu đối với các nhà xuất khẩu phải xin giấy phép đặc biệt để xuất khẩu gallium và germanium sang Hoa Kỳ. Vào tháng 10 năm 2023, Bắc Kinh cũng quản lý chặt chẽ việc bán các sản phẩm than chì, vốn là yêu cầu bắt buộc để sản xuất pin ô tô.
Các vật liệu siêu cứng, chẳng hạn như kim cương nhân tạo (lab-grown diamonds) và các vật liệu tổng hợp khác được sử dụng trong công nghiệp, cũng nằm trong danh sách cấm của Trung Quốc được công bố vừa qua.
Các quy định mới hiện nay cũng yêu cầu các nhà xuất khẩu phải tiết lộ người dùng cuối cùng của sản phẩm của họ để Bắc Kinh có thể xác định được mối liên hệ với các công ty Hoa Kỳ.
Các quan chức Trung Quốc cho biết điều này là cần thiết vì Hoa Kỳ đang “lạm dụng kiểm soát xuất khẩu”. Họ nói thêm rằng các hạn chế và lệnh cấm liên tục của Hoa Kỳ tương đương với “sự đàn áp ác ý” đối với những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian (Lâm Kiện) trả lời các phóng viên hôm thứ ba rằng (ngày 3 tháng 12 năm 2024): “Tôi muốn nhắc lại rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Hoa Kỳ lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp cũng như quyền tài phán dài hạn đối với các công ty Trung Quốc”.
Các hiệp hội công nghiệp Trung Quốc cũng lên án lệnh trừng phạt của Washington, họ cho biết lệnh trừng phạt này ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu đồng thời làm tăng chi phí cho các công ty Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho biết hành vi của Hoa Kỳ “vi phạm luật thị trường và nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, làm suy yếu trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, phá vỡ sự ổn định của chuỗi công nghiệp toàn cầu và cuối cùng gây tổn hại đến lợi ích của tất cả các quốc gia”.

Tại sao những khoáng sản đất hiếm này lại quan trọng như vậy?
Một số vật liệu được đề cập là các nguyên tố đất hiếm chỉ có thể khai thác với số lượng nhỏ, nhưng lại rất cần thiết cho việc sản xuất nhiều loại hệ thống vũ khí và sản phẩm công nghệ, chẳng hạn như chất bán dẫn hoặc chip máy tính, xe điện và các thiết bị điện tử khác. Chip rất quan trọng đối với trí tuệ nhân tạo.
Ví dụ, gallium là một kim loại mềm, màu bạc được sử dụng trong sản xuất màn hình LED. Nó cũng được sử dụng trong các sản phẩm tiên tiến hơn như ô tô, pin mặt trời và vũ khí thế hệ tiếp theo.
Antimoni được sử dụng trong sản xuất pin cũng như thiết bị quân sự, kính nhìn ban đêm và đạn pháo.
Xem thêm: Đất hiếm và ứng dụng của nó trong các ngành công nghiệp: cuộc cạnh tranh toàn cầu
Các khoáng chất như thế này rất khó khai thác vì chúng có thể gây ô nhiễm và độc hại. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất gallium lớn nhất toàn cầu, sản xuất 600 tấn vào năm 2022 và kiểm soát 98% lượng gallium xuất khẩu. Trung Quốc cũng là một trong những nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Hoa Kỳ nhận khoảng một nửa nguồn cung cấp gallium và germanium trực tiếp từ Trung Quốc và đã không tự sản xuất gallium trong nhiều năm vì những khoáng chất này không có trong các mỏ lớn ở Mỹ. Vào tháng 3 năm 2024, một công ty khai thác của Hoa Kỳ cho biết họ đã phát hiện ra các mỏ gallium chất lượng cao ở tiểu bang Montana.
Hoa Kỳ cũng phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu từ Đài Loan, nơi sản xuất hơn 60% chip tiên tiến nhất thế giới. Đài Loan cũng là trung tâm của căng thẳng Mỹ-Trung: Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, nhưng Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan tự tuyên bố độc lập.
Xem thêm: Thương chiến mới: Mỹ tăng thuế nhập khẩu ô tô điện từ Trung Quốc lên 4 lần
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Các chuyên gia cho biết Hoa Kỳ dưới thời Trump có khả năng sẽ áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với chip và các công nghệ liên quan, với hy vọng ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các công ty sản xuất hoặc phụ thuộc vào chất bán dẫn trên toàn cầu có thể phải trả giá vì các hạn chế xuất khẩu đang khiến giá tăng. Ví dụ, giá Antimoni đã tăng gấp đôi trong năm 2024 lên hơn 25.000 đô la một tấn. Gallium, germanium và graphite (than chì đục) cũng trở nên đắt hơn.
Hình minh họa: Đất hiếm. Ảnh Thoughtco
Tác giả: Shola Lawal