Chất tạo ngọt tổng hợp có hàm lượng calo thấp có thể giúp kiểm soát cân nặng? Và chúng có an toàn khi sử dụng lâu dài?
Đây là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất trong khoa học dinh dưỡng. Vào đầu tháng 5 năm 2023, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo ‘về việc sử dụng chất tạo ngọt tổng hợp’ để giảm cân, ngoại trừ những người mắc bệnh tiểu đường.
WHO đưa ra khuyến nghị mới dựa trên ‘đánh giá hệ thống’ năm 2022 và phân tích tổng hợp các nghiên cứu khoa học về mức tiêu thụ ‘chất tạo ngọt tổng hợp’ ở người. Đây là loại nghiên cứu xem xét từ nhiều nghiên cứu cụ thể (nghiên cứu phân tích tổng hợp – meta analysis) về chất tạo ngọt tổng hợp.
Dựa trên diễn giải của các nghiên cứu đó, WHO đã khuyến nghị không sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo để kiểm soát cân nặng và kết luận rằng, có thể có những rủi ro về sức khỏe liên quan đến thói quen tiêu thụ chất tạo ngọt tổng hợp trong thời gian dài.
Tuy nhiên, WHO cũng thừa nhận rằng, các bằng chứng hiện có vẫn chưa thuyết phục và cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu hơn.
Với tư cách là nhà thần kinh học, chúng tôi xem xét ảnh hưởng của chất tạo ngọt tổng hợp đến các chức năng của não bộ, bao gồm sự chuyển hóa, thèm ăn, học tập và trí nhớ.
Chúng tôi nhận thấy, khuyến cáo của WHO dựa trên ‘kết quả không rõ ràng của các nghiên cứu’ mà WHO xem xét.
Việc trả lời cho những câu hỏi này là vô cùng khó khăn. Ngoài ra, khuyến cáo y tế công cộng liên quan đến các khuyến nghị, mang nhiều thông điệp trái chiều.
Đường ‘lành mạnh’ so với đường ‘không lành mạnh’
Các loại đường tự nhiên như glucose và fructose, cùng với chất xơ và các chất dinh dưỡng khác, được tìm thấy trong nhiều thực phẩm được coi là tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như trái cây.
Tuy nhiên, những carbohydrate đơn giản này, ngày càng được thêm vào các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là đồ uống. Đồ uống có đường thường chứa nhiều calo và cung cấp rất ít dinh dưỡng.
Vào đầu thế kỷ 20, các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống bắt đầu kết hợp các chất có nguồn gốc tự nhiên và hóa học, giúp thỏa mãn cảm giác thèm ngọt nhưng chứa ít calo hơn so với đường tự nhiên – và trong một số trường hợp, không chứa calo.
Các sản phẩm thay thế đường trở nên đặc biệt phổ biến vào những năm 1950 với sự phổ biến ngày càng tăng của nước ngọt dành cho người ăn kiêng.
Kể từ đó, người tiêu dùng ngày càng chuyển sang sử dụng những chất thay thế đường này trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Chất thay thế đường có nhiều tên gọi, bao gồm chất tạo ngọt tổng hợp cường độ cao, chất tạo ngọt tổng hợp, chất tạo ngọt không dinh dưỡng, chất tạo ngọt ít calo và, như được gọi trong báo cáo của WHO, chất tạo ngọt không đường.
“Chúng bao gồm các hợp chất tổng hợp như sucralose, acesulfame kali và aspartame, và những chất có nguồn gốc tự nhiên như Stevia rebaudiana (cỏ ngọt)”.
Mỗi chất tạo ngọt tổng hợp không đường có cấu trúc hóa học độc đáo, nhưng tất cả chúng đều kích hoạt các thụ thể vị ngọt ở nồng độ rất thấp. Điều này có nghĩa là bạn chỉ cần thêm một lượng nhỏ chúng, để làm ngọt cà phê hoặc trà, trái ngược với việc sử dụng nhiều đường tự nhiên.
Chất thay thế đường và giúp giảm cân
Béo phì, bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch, hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Hoa Kỳ – mặc dù có thể ngăn ngừa được. Đại dịch béo phì ‘một phần’ có liên quan đến việc sử dụng nhiều đường bổ sung trong những thập kỷ qua.
Để giúp giải quyết vấn đề này, vào năm 2015, WHO đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể để giảm lượng đường tiêu thụ và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
Nhưng chúng ta thường cảm thấy thích thú với vị ngọt và vị ngon của nó. Điều này khiến chúng ta khó có thể loại bỏ nó ra khỏi bữa ăn. Một điều quan trọng, đường rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất đối với cơ thể. Nó chỉ gây vấn đề khi tiêu thụ quá nhiều.
Chất thay thế đường được tạo ra để giúp giải quyết vấn đề này. Phép toán có vẻ đơn giản: Thay thế đồ uống có đường yêu thích của bạn chứa 150 calo – bằng một loại đồ uống có đường nhân tạo có cùng thể tích chứa 0 calo, sẽ cho phép bạn giảm lượng calo nạp vào mỗi ngày và đến lượt nó là giảm cân.
Nhưng khoa học không đơn giản như vậy. Nghiên cứu từ cả mô hình động vật và người chỉ ra rằng, việc tiêu thụ chất tạo ngọt không đường (tổng hợp) trong thời gian dài, có thể dẫn đến kết quả chuyển hóa tiêu cực cho cơ thể, và nó lại làm tăng cân.
Tuy nhiên, có những nghiên cứu mâu thuẫn từ mô hình động vật và trên người không tìm thấy sự tăng cân đáng kể của cơ thể liên quan đến việc tiêu thụ chất tạo ngọt không đường (tổng hợp).
Phân tích tác động đối với sức khỏe
Việc sử dụng chất tạo ngọt tổng hợp phải được xem xét trong bối cảnh sức khỏe tổng thể.
Các cơ quan như WHO và Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xem xét định kỳ các bằng chứng và đánh giá mức độ an toàn của các chất phụ gia thực phẩm khác nhau, bao gồm cả chất tạo ngọt không đường, để sử dụng trong thực phẩm và đồ uống, trong giới hạn tiêu thụ hằng ngày có thể chấp nhận được – mà không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Mỗi cơ quan khuyến cáo hàm lượng sử dụng hằng ngày tối đa khác nhau, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Các nhà nghiên cứu của WHO dựa vào 3 loại nghiên cứu chính, để xác định, việc tiêu thụ chất tạo ngọt không đường có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hay không?
Tiêu chuẩn vàng để đánh giá quan hệ nhân quả được gọi là các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát (đối chứng ngẫu nhiên).
Trong các nghiên cứu này, mọi người được chỉ định ngẫu nhiên vào một nhóm thử nghiệm – nhận chất thử nghiệm, chẳng hạn như chất tạo ngọt không đường – và nhóm đối chứng – nhận giả dược hoặc chất khác không có tác dụng gì cả.
Những người tham gia trong cả 2 nhóm, sau đó được theo dõi trong một khoảng thời gian, thường là vài tuần hoặc vài tháng.
Cho đến nay, phần lớn các nghiên cứu liên quan đến các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát ‘đối với chất tạo ngọt không đường’ đều liên quan đến kiểu so sánh này.
Phân tích của gần 50 thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát (đối chứng ngẫu nhiên), WHO đưa ra khuyến nghị, lợi ích của việc giảm cân đối với sử dụng chất tạo ngọt tổng hợp (không đường) là khiêm tốn.
Nhưng có một lưu ý của WHO là, việc thường xuyên sử dụng chất tạo ngọt tổng hợp (không đường) làm tăng LDL – cholesterol mật độ thấp (chất béo xấu, gây hại cho cơ thể). Lượng chất béo xấu – LDL tăng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Phân tích các nghiên cứu bệnh chứng và đoàn hệ, WHO kết luận rằng, việc thường xuyên sử dụng chất tạo ngọt tổng hợp (không đường) có liên quan đến việc tăng tần suất đột quỵ, tăng huyết áp, các biến cố tim mạch bất lợi khác, và ở người mang thai – tăng nguy cơ sinh non.
Tần suất ung thư ở những người tiêu thụ chất làm ngọt không đường nói chung là rất thấp, mặc dù saccharin, một chất tạo ngọt được FDA chấp thuận có trong nhiều thực phẩm, có liên quan đến ung thư bàng quang.
Hãy cẩn trọng hơn
Nhìn bề ngoài, những kết quả này rất đáng báo động, nhưng chúng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Như báo cáo của WHO chỉ ra, những nghiên cứu này có những hạn chế đáng kể cần được xem xét.
Lấy ví dụ, trong các nghiên cứu đoàn hệ và bệnh chứng, sử dụng thường xuyên chất tạo ngọt tổng hợp làm tăng BMI (chỉ số khối của cơ thể) và sức khỏe kém hơn.
Một khả năng là, những người bị béo phì đã sử dụng chất tạo ngọt tổng hợp không đường để giúp cắt giảm lượng calo nhiều hơn, so với những người khác.
Điều này gây khó khăn cho việc xác định, liệu căn bệnh này là do sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo kéo dài, hay do béo phì gây nên.
Khoa học rất phức tạp, đặc biệt liên quan đến sức khỏe.
Theo quan điểm của chúng tôi, thỉnh thoảng sử dụng thực phẩm chứa chất tạo ngọt tổng hợp (không đường) có thể không gây hại cho sức khỏe hoặc làm tăng cân đáng kể.
Tác giả:
1. Lindsey Schier, Giáo sư trợ lý, Khoa sinh học, Đại học văn hóa, nghệ thuật và khoa học, USC Dornsife. Lindsey Schier nhận tài trợ từ Viện y tế quốc gia (NIDCD) để thực hiện bài báo này.
2. Scott Kanoski, Phó giáo sư, Khoa sinh học, Đại học văn hóa, nghệ thuật và khoa học, USC Dornsife. Scott Kanoski nhận tài trợ từ Viện y tế quốc gia để thực hiện bài báo này.