Tác giả: Kevin C.Taylor
“Chánh niệm là gì”?
Là một giáo sư về tôn giáo và đạo đức, đặc biệt là các truyền thống Châu Á, tôi đã quan tâm đến việc dạy một khóa học về chánh niệm. Mức độ phổ biến của nó dường như đang tăng lên: Từ ‘Mindful’ (chánh niệm) ngày càng được sử dụng phổ biến.
Đôi khi mọi người cho rằng chánh niệm là “chú ý”, hoặc “đừng quên”: Chẳng hạn như “chú ý” đến con đường trơn trượt hoặc yêu cầu học sinh “chú ý đến thời hạn”.
Tôi bắt đầu tự hỏi, ý nghĩa của từ “chánh niệm” là gì?
Chánh niệm là tâm trí “ở đây và bây giờ”. Tâm trí có xu hướng suy nghĩ vẩn vơ, tìm về tương lai, chạy về quá khứ. Nó không ở đây và bây giờ, không ở trong giây phút hiện tại.
Nguồn gốc của ‘chánh niệm’ tồn tại trong yoga và Đạo Phật. Thiền chánh niệm – chú ý đến cơ thể, cảm xúc và suy nghĩ của mình – là 1 phần của 1 trong những giáo lý quan trọng của Đức Phật, “Bát Chánh Đạo” (the noble eightfold path) và được xem là chìa khóa dẫn đến giác ngộ (tỉnh thức).
Ý nghĩa của “chánh niệm” đã xuất hiện trong những thập kỷ gần đây. Tiến sĩ người Mỹ Jon Kabat-Zinn được cho là người đã phổ biến thực hành “chánh niệm” và đã thu hút những người không phải là Phật tử, với chương trình “giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm” (MBSR) của ông vào những năm 1970.
Một số người khó chịu vì chánh niệm đã trở nên quá phổ biến và sợ rằng nó, đã mất đi ý nghĩa như mong đợi. Chẳng hạn, cuốn sách “McMindfulness” của học giả Phật giáo Ronald Purser lập luận rằng, các xã hội tư bản đã chấp nhận “chánh niệm” như một cách để giảm gánh nặng về sức khỏe tâm thần cho cá nhân, hơn là giải quyết các vấn đề gốc rễ.
Học sinh trong lớp của tôi đọc nhiều quan điểm khác nhau và thảo luận về các chủ đề như chánh niệm và sức khỏe tinh thần, ăn và thở chánh niệm, chánh niệm về môi trường và thậm chí cả các ứng dụng thiền định. Cuối cùng, tôi muốn mỗi sinh viên tự quyết định chánh niệm là gì.
Đừng bỏ lỡ: Lắng Nghe Thấu Hiểu Là Một Triết Lý Của Đạo Phật: Nó Là Gì?
Khoa học về chánh niệm
Lần đầu tiên tôi đề xuất khóa học này ngay trước khi Covid-19 xuất hiện, vì vậy khi nó ra mắt lần đầu tiên, chúng tôi đã gặp nhau qua Zoom.
Tôi đã định bỏ lớp học, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng, điều đó có thể giúp ích cho những học sinh đang phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần, khi bắt đầu đại dịch.
Mỗi sinh viên ghi nhật ký về các chủ đề của chúng tôi hàng tuần, để thực hành chánh niệm và khám phá một số kỹ thuật trị liệu.
Đầu tiên, tôi yêu cầu họ tìm các ví dụ về từ này, trong trải nghiệm hàng ngày – ví dụ như được sử dụng trên một tấm áp phích tại trung tâm giải trí dành cho sinh viên.
Sau đó, tôi yêu cầu họ thực hành các kỹ thuật thở và quán tưởng từ nhà sư Việt Nam có ảnh hưởng trên thế giới Thích Nhất Hạnh, chẳng hạn như tự hỏi bản thân mỗi giờ “Tôi đang làm gì”? và quán chiếu về tâm trí, cảm xúc và tư thế.
Đừng bỏ lỡ: Thiền Sư Thích Nhất Hạnh: Người Mang “Chánh Niệm” Đến Phương Tây
Bài học quan trọng trong khóa học về chánh niệm
Phật giáo thay đổi đáng kể, tùy thuộc vào Phật giáo “của ai” mà bạn đang nói đến. Ví dụ, hình thức Phật giáo Tây Tạng của Đức Đạt Lai Lạt Ma không giống với hình thức Thiền tông của Thích Nhất Hạnh.
Chánh niệm cũng vậy, thiền sư Đạo Nguyên ở thế kỷ 13, đã dạy các học trò tìm kiếm chánh niệm trong khi ngồi thiền.
Mặt khác, 500 năm sau, thiền sư Hakuin (1686 – 1768) đã dạy chánh niệm ngay giữa hoạt động – thực hành nó không chỉ trên gối thiền, mà còn giữa sự hối hả và nhộn nhịp của xã hội.
Tuy nhiên, tất cả các hình thức Phật giáo đều tập trung vào việc chuyển hóa đau khổ thành lòng từ bi.
Vì vậy, việc dạy khóa học này đã thuyết phục tôi rằng, nếu cách bạn dạy chánh niệm giúp ích cho ai đó, thì đó là chánh niệm Phật giáo “thực sự”!
Đừng bỏ lỡ: Hiểu Về Khái Niệm Từ Bi Của Đạo Phật
Khóa học sẽ chuẩn bị cho sinh viên làm gì?
Tất cả các sinh viên trong khóa học này đều là sinh viên năm thứ nhất. Lớp học bắt đầu như một cách giúp họ suy nghĩ chín chắn về chánh niệm là gì, cũng như cấp các công cụ để đối phó với căng thẳng của cuộc sống đại học.
Cơ bắp phục hồi sau khi nghỉ ngơi. Điều này cũng đúng khi nói đến việc học. Tâm trí của chúng ta cần dành thời gian để thở, suy nghĩ về thông tin mới và tiếp thu nó.
Tôi cũng hy vọng học sinh/sinh viên sẽ hiểu rằng, chăm sóc bản thân có thể là một hành động quan tâm đến người khác.
Giống như trên máy bay, chúng ta được yêu cầu đeo mặt nạ dưỡng khí cho chính mình trước khi giúp đỡ người bên cạnh. Tất cả chúng ta cần chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình, để giúp đỡ những người xung quanh.
Kevin C.Taylor, giám đốc nghiên cứu tôn giáo và giảng viên triết học, Đại học Memphis