Cách Huy Động Vốn Khởi Nghiệp?

Có ý tưởng kinh doanh và muốn khởi nghiệp, nhưng thiếu tiền? Làm thế nào để huy động vốn từ nhà đầu tư cho dự án khởi nghiệp của bạn?

Tìm kiếm nhà đầu tư khởi nghiệp. Ảnh Freepik

Tác giả: Muhammad Sanajla

Bạn có một ý tưởng sáng tạo và chắc chắn rằng nó sẽ thành công, nhưng trở ngại ngăn cản để thực hiện nó là tiền … bạn thiếu vốn?

Khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh, việc tìm kiếm ý tưởng là một nửa chặng đường, nửa còn lại là tiền để đầu tư cho ý tưởng khởi nghiệp, nhưng nếu bạn có ý tưởng kinh doanh và không có vốn để bắt đầu dự án, điều này không có nghĩa là con đường khởi nghiệp của bạn đã kết thúc. Có nhiều cách để khởi nghiệp, ngay cả khi bạn không có tiền.

Trước khi có thể nhận nguồn vốn từ các nhà đầu tư, bạn phải làm theo một số bước để đảm bảo ý tưởng kinh doanh của mình thành công và có thể bán được.

Chúng tôi gợi ý những cách tốt nhất để thuyết phục các nhà đầu tư và nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào dự án của bạn.

Ý tưởng rõ ràng và cụ thể cho nhà đầu tư

Bước đầu tiên là xác định rõ ràng và cụ thể về ý tưởng dự án và hoạt động kinh doanh, cũng như sản phẩm hoặc dịch vụ bạn muốn bán hoặc sản xuất.

Nếu không thể giải thích dự án của mình và sản phẩm bạn sẽ bán, cũng như lý do tại sao đó là một sản phẩm mới và thực sự có giá trị, nhà đầu tư sẽ không quan tâm.

Ở đây bạn phải khám phá và biết nhu cầu của các nhà đầu tư, cũng như những gì họ muốn khi đầu tư vào công ty khởi nghiệp của bạn. Đồng thời, nhà đầu tư có thể hỏi bạn một số câu hỏi như:

– Liệu ý tưởng này có thể sinh lãi hay không?

– Công ty có cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo khác biệt, mà đối thủ cạnh tranh khó bắt chước hay không?

– Người sáng lập có thể thực hiện ý tưởng và chuyển nó lên ‘cấp độ thứ hai’?

– Công ty khởi nghiệp của bạn có tiềm năng phát triển trong tương lai hay không?

Những câu hỏi này và những câu hỏi khác sẽ được đặt ra bởi bất kỳ nhà đầu tư nào trước khi quyết định đầu tư vào dự án khởi nghiệp của bạn.

Vì vậy, bạn phải chuẩn bị đầy đủ để trả lời những câu hỏi đó một cách rõ ràng và cụ thể?

Tên và thương hiệu

Một dự án giống như một đứa trẻ mới sinh cần một cái tên cụ thể và để làm được điều này, bạn phải chọn một tên thương mại phù hợp cho dự án của mình.

Cái tên này phải hấp dẫn và sáng tạo, đồng thời hãy nhớ rằng cái tên bạn chọn sẽ ở lại với bạn trong suốt vòng đời dự án.

Sau khi chọn tên, hãy đăng ký tên đó với cơ quan chính thức để trở thành chủ sở hữu thực sự (đăng ký kinh doanh, biên tập). Ngoài ra, hãy chọn một nhãn hiệu sản phẩm hấp dẫn và phù hợp, cũng như một biểu tượng sáng tạo (logo) liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp.

Một cái tên hấp dẫn, một thương hiệu sáng tạo và có uy tín sẽ thu hút các nhà đầu tư, khẳng định với họ mức độ nghiêm túc và nhiệt tình của bạn đối với dự án.

Đầu tư vào website và hiện diện trên internet

Xây dựng một trang web không tốn nhiều tiền. Bạn có thể tự học xây dựng trang web trong giai đoạn đầu – chẳng hạn trên nền tảng WordPress. Điều này khá đơn giản, có rất nhiều công cụ – giao diện (theme), bạn chỉ cần điều chỉnh cho phù hợp. Tất nhiên, bạn sẽ mất thời gian tìm hiểu. Bạn cũng có thể thuê dịch vụ hoặc một người có kinh nghiệm thiết kế website.

Hãy nhớ rằng, sự hiện diện trên internet phải được ưu tiên để các nhà đầu tư tiềm năng có thể dễ dàng tìm thấy bạn và tìm hiểu về thương hiệu của bạn.

Điều cuối cùng là thuyết trình thành công trước một nhà đầu tư tiềm năng. Sau đó, nhà đầu tư có thể dành cả giờ đồng hồ ‘lang thang trên Internet’ để tìm kiếm dù ‘chỉ một cái nhìn thoáng qua nhỏ nhất’ về thương hiệu của bạn.

Trang web của công ty bạn là một yếu tố quan trọng trong việc xác định danh tính công ty khởi nghiệp và trang web của bạn thường là nơi đầu tiên các nhà đầu tư tiềm năng tìm đến, để có thêm thông tin về bạn và dự án khởi nghiệp hoặc công ty của bạn.

Hãy đảm bảo rằng, trang web của bạn rõ ràng, đơn giản và dễ nhìn, đồng thời nó cũng phải giải thích về hoạt động kinh doanh, cũng như sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Sự hiện diện kỹ thuật số cũng phải bao gồm sự hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó quan trọng nhất là LinkedIn – nơi có nhiều nhà đầu tư trên thế giới, cũng như nền tảng Facebook, Tiktok và Instagram. Đó là một yếu tố marketing quan trọng, đưa thương hiệu của bạn đến gần hơn với các nhà đầu tư tiềm năng.

Kế hoạch nhắm đến nhà đầu tư

Bây giờ bạn đã giải thích dự án của mình, chọn một tên doanh nghiệp hấp dẫn cho ý tưởng kinh doanh, và xây dựng sự hiện diện kỹ thuật số (hiện diện trên internet và mạng xã hội).

Điều quan trọng, bạn phải tạo một kế hoạch kinh doanh bao gồm các chi tiết về công ty, lý do tại sao công ty của bạn là một khoản đầu tư tốt, loại hình đầu tư bạn muốn đầu tư, và xác định số tiền đầu tư bạn cần – để bắt đầu hoặc phát triển dự án của mình.

Thiết kế bản trình bày bằng PowerPoint chứa thông tin cơ bản về dự án và sản phẩm của bạn, cũng như lý do tại sao đây là khoản đầu tư sinh lời cho các nhà đầu tư, sau đó viết và thực hành trình bày ‘quảng cáo’ dự án mà bạn sẽ trình bày cho các nhà đầu tư tiềm năng.

Trong khi trình bày bài thuyết trình dự án, bạn phải tỏ ra tự tin vào bản thân, dự án của mình, tương lai của dự án này và sự thành công nhất định của nó trước các nhà đầu tư.

Tất cả các tài liệu marketing của bạn phải được viết và thiết kế tốt để trông chuyên nghiệp và hấp dẫn, đồng thời ‘miêu tả’ doanh nghiệp của bạn tốt nhất có thể.

Nhà đầu tư tiềm năng

Bước tiếp theo là tìm nhà đầu tư lý tưởng và quá trình này tương tự như quảng cáo dự án khởi nghiệp của bạn.

Có hai cách cơ bản để tìm nhà đầu tư và tương tác với họ: Nền tảng đầu tư trực tuyến và các sự kiện như hội nghị, triển lãm, hội thảo và chuyên đề, diễn đàn có liên quan đến dự án của bạn.

Nền tảng đầu tư trực tuyến: Có nhiều nền tảng chuyên biệt dành cho các nhà đầu tư và những nền tảng này nhằm mục đích kết nối các doanh nhân và công ty khởi nghiệp với các nhà đầu tư. Nền tảng quan trọng nhất trong số này là: SeedInvest, StartEngine, CircleUpWefunder.

Cho dù bạn có nhận được tiền đầu tư hay không, hãy chắc chắn rằng bạn đã thu hút được sự chú ý và nhận thức về dự án và công ty của mình, đồng thời lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư.

Sự kiện liên quan: Các sự kiện và triển lãm kinh doanh khác nhau (dù là thực hay ảo) cho phép các doanh nhân giới thiệu các cơ hội dành cho các nhà đầu tư và sự tham gia cũng như sự hiện diện tích cực của bạn trong các sự kiện này – sẽ giúp quảng bá công ty và dự án khởi nghiệp cũng như chính bạn, nó cũng góp phần xây dựng mối quan hệ cá nhân với các nhà đầu tư. Có rất nhiều doanh nhân đã thành công trong việc huy động vốn đầu tư thông qua các sự kiện như vậy.

Xác định nhà đầu tư

Một trong những sai lầm lớn nhất mà các nhà khởi nghiệp mới thường mắc phải là: Cố gắng thu hút đầu tư từ bất kỳ nhà đầu tư nào quan tâm lắng nghe, và điều này hoàn toàn có thể không hiệu quả.

Có nhiều loại nhà đầu tư khác nhau, chẳng hạn như những nhà đầu tư chỉ quan tâm đến kỹ thuật số và công nghệ, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, các nhà đầu tư khác trong lĩnh vực tài chính. Bạn nên tiếp cận các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực mà bạn hoạt động.

Nếu bạn là người mới bước chân vào khởi nghiệp, điều quan trọng là phải đạt được thành tích tốt nhất để phát triển công ty của mình.

Trước khi marketing dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng, hãy xác định nhà đầu tư lý tưởng của bạn và họ đầu tư vào lĩnh vực nào? Họ đầu tư vào đâu? Khả năng đầu tư của họ là gì?

Nếu bạn dự định huy động vốn từ công ty đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân (private equity), hãy tìm hiểu những người ra quyết định của họ, chẳng hạn như một số nhà đầu tư quan tâm đến tác động xã hội của các công ty, trong khi những người khác chỉ quan tâm đến tài chính.

Tìm hiểu xem các nhà đầu tư tiềm năng có lịch sử hoặc mối quan tâm nào đến ngành, sản phẩm hoặc lĩnh vực của bạn hay không?

Sau khi xác định đặc điểm của nhà đầu tư tiềm năng, bạn có thể bắt đầu cung cấp thông tin liên quan cho kế hoạch marketing của mình, tiếp cận các nhà đầu tư bằng ngôn ngữ mà họ hiểu và đưa ra cho họ lời đề nghị hấp dẫn xác định điểm mạnh về dự án của bạn và lợi nhuận tương lai của họ.

Bạn có thể trình bày dự án của mình với một số nhà đầu tư và họ ngần ngại hoặc từ chối đầu tư, mặc dù vậy, bạn phải kiên định và không bỏ cuộc khi thất bại. Hãy quyết tâm và tiếp tục kiên trì – cũng như khả năng học hỏi từ những sai lầm và thử đi thử lại cho đến khi đạt được thành công.

Nguồn: Muhammad Sanajla – aljazeera.net – Qatar

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang